Tật xấu của thời đại kỹ trị
Alejandro Terán-Somohano
Việc phát triển và sử dụng không ngừng nghỉ các thiết bị
công nghệ thường được biện minh bởi lý lẽ rằng, khi làm việc cho chúng ta,
chúng cho phép chúng ta nghỉ ngơi. Tuy vậy, kinh nghiệm chung của chúng ta lại
gợi lên điều ngược lại. Nếu sử dụng máy tính giúp tôi cắt giảm một phần hai thời
gian cần thiết để làm xong công việc, điều đó không dẫn tới việc chủ lao động
cho phép tôi về nhà sau nửa ngày làm. Thay vào đó, sếp sẽ đòi hỏi tôi làm gấp
đôi lượng công việc trong cùng một khoảng thời gian (với cùng một mức lương).
Càng có nhiều công việc được giao cho máy móc, lại càng có nhiều chuyện phải
làm đặt ra cho chúng ta. Đây chính là mâu thuẫn căn bản liên quan đến nỗi ám ảnh
về tự động hóa: chúng ta muốn nhiều công việc được hoàn thành hơn nhưng không
muốn chính mình thực hiện. Chúng ta đòi hỏi các thiết bị của mình phải hoạt động
liên tục còn bản thân lại luôn nhàn rỗi. Chúng ta muốn dung hòa sự điên cuồng bất
tận của hoạt động với sự biếng nhác. Nỗ lực này khiến chúng ta thấy phi lý, và
nó đúng như thế. Mọi tật xấu đều phi lý. Trong thứ tư duy mong muốn làm ra và sử
dụng máy móc như chúng ta đang thực hiện, có điều gì đó vốn sai trái. Não trạng
kỹ trị mắc phải một tật xấu chính yếu: lười biếng.
Thánh Tôma Aquinô, từ tám thế kỷ trước, đã mô tả hết sức
chính xác về đời sống trong thời đại truyền thông xã hội. Aquinô không hề biết
trước những gì mà máy móc của thời đại chúng ta có thể thực hiện, hay tác động
của chúng lên cuộc sống con người, và trong phạm vi hiểu biết của chúng ta,
ngài thậm chí chưa từng hình dung ra bất cứ thứ gì tồn tại giống như vậy, nhưng
khi mô tả tật xấu acedia (lười biếng), ngài đã nắm bắt về đời sống hiện đại với
độ chính xác không ngờ. Acedia là sự “buồn rầu đối với sự thiện thiêng liêng”,
một sự buồn rầu phát xuất từ việc, hoặc không xem những điều tốt thiêng liêng
là tốt và dẫn tới chán nản vì xem chúng như điều xấu, hoặc thoái chí nản lòng bởi
gặp khó khăn để đạt được sự thiện và dẫn tới sự chùn bước trong việc thực hiện
điều cần thiết để sở đắc chúng. Acedia là một trong bảy mối tội đầu. Chúng được
xem là “tội đầu” vì sản sinh ra hàng loạt những tội lỗi khác. Đối với trường hợp
lười biếng, Aquinô chỉ ra hệ lụy của nó gồm sáu đứa con: “ác tâm, oán hờn, nhút
nhát, thất vọng, trì trệ đối với các giới mệnh, lang thang lòng trí theo các điều
bị cấm đoán”. Điều cuối cùng lại có thêm những đứa con của chính nó:
Khuynh hướng lang thang này, nếu bắt nguồn từ chính tâm trí
vốn thèm khát chạy theo đủ điều mà không có sự tương hợp hay lý lẽ thì được gọi
là “xáo động tâm trí”, nhưng nếu nó gắn liền với năng lực tưởng tượng thì được
gọi là “tò mò tọc mạch”; nếu nó ảnh hưởng lên việc nói năng thì được gọi là “ba
hoa lắm lời”; khi nó làm cho cơ thể không ở yên một chỗ thì được gọi là “bồn chồn
thân xác”, nghĩa là người đó bộc lộ sự bất ổn của tâm trí qua những cử động vô
trật tự của các chi thể; còn nếu nó khiến thân thể di chuyển hết nơi này đến
nơi khác thì được gọi là “thiếu vững vàng”, sự “thiếu vững vàng” này cũng có thể
chỉ về việc hay thay đổi mục đích.
Chúng có phải là những đặc trưng của đời sống trong xã hội
công nghệ?
Tâm trí của chúng ta lang thang không ngừng, nhảy từ trò
tiêu khiển này sang trò tiêu khiển khác, không ngừng lướt qua các nội dung trực
tuyến. Ngay cả công việc của chúng ta cũng liên tục bị gián đoạn bởi những dòng
thông báo không hồi kết, các email, cuộc gọi, tin nhắn tức thời. Chẳng phải ai
trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác “xáo động tâm trí”, một sự mất tập
trung vì phải chuyển qua chuyển lại giữa các màn hình, vì lướt hết điện thoại đến
máy tính, tivi, đồng hồ thông minh, hoặc truy cập vào một chuỗi tưởng như vô tận
các siêu liên kết [hyperlink]? Chẳng phải tính tò mò của chúng ta đang trở
thành con mồi cho các nguồn tin, bài báo mang tít đề giật gân và quảng cáo đó
sao? Dòng chảy bất tận các dòng tweet và bài đăng chẳng phải là một hình thức
“ba hoa lắm lời” dưới dạng công nghệ cao? Còn các phần bình luận lại là nơi
dung dưỡng cho sự giận dữ và thù hằn? Tất cả các hình thức công nghệ này hướng
đến nhiều mục đích khác nhau nhưng rốt cuộc lại làm chúng ta sao lãng khỏi mục
tiêu quan trọng duy nhất. Giống như Martha, chúng ta lo lắng và bận rộn với quá
nhiều thứ vì sự quấy nhiễu liên tục của các thiết bị để rồi bỏ qua điều cần thiết
thực sự. Bởi đó, chúng ta bị tước mất phần tốt hơn để rồi nhanh chóng rơi vào
chán nản. Cho dẫu không còn gọi những đứa con của lười biếng bằng tên gọi mà
Aquinô đặt ra, nhưng ngày nay chúng ta vẫn nói về chúng qua sự lo âu và chán nản.
Trong số những hệ quả khác nhau của lười biếng, một số hàm ý
sự trì trệ, còn những biểu hiện khác mang tính chất chủ động. Ở đây, căn nguyên
mâu thuẫn đề cập ở trên được vén mở: Lười biếng đẩy chúng ta ra xa điều tốt
thiêng liêng, là điều mà chúng ta không còn nhận thức là tốt; và lôi kéo chúng
ta chạy theo điều mà ta ngộ nhận là tốt lành hơn. Chúng ta lơ là đối với điều tốt
thực sự nhưng lại cuồng nhiệt với điều không phải vậy. Khi nỗ lực tìm kiếm điều
tốt nhưng không phải là điều tốt tối thượng, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa
mãn: những ai theo đuổi chúng sẽ mãi mãi thao thức bồn chồn. Như câu nói thời
danh của thánh Augustinô, con người được dựng nên để tìm kiếm sự nghỉ yên nơi
Thiên Chúa. Bất kỳ điều gì kém hơn Thiên Chúa sẽ không bao giờ là đủ; sự thiếu
vắng Người không thể được lấp đầy bởi bất kỳ số lượng điều thiện hữu hạn nào.
Đến đây, ai đó có thể lập luận rằng khuynh hướng khiến chúng
ta quen với sự lười biếng khi sử dụng các thiết bị hiện đại chỉ là điều tùy phụ
- vì rốt cuộc điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng. Điều này không
hoàn toàn sai. Rõ ràng là có thể dùng chúng theo cách khác nhưng chúng ta lại
không làm vậy. Có phải đơn thuần vì chúng ta thiếu ý chí? Hoặc bởi chúng ta sử
dụng sai cách? Hay vì tự thân các công nghệ được thiết kế và xây dựng để tiêm
nhiễm vào chúng ta những thói quen xấu? Tôi cho rằng khuynh hướng này không
mang tính tùy ngẫu nhưng nảy sinh từ mối liên hệ thiết yếu giữa lười biếng và
công nghệ hiện đại. Martin Heidegger tin rằng bản chất của công nghệ chính là một
dạng thức phát lộ mà ở đó mọi thứ được vén mở như là nguồn lực sẵn có – với mục
đích duy nhất là phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Đây là lý do Đức Thánh cha
Phanxicô gọi đó là một “mô hình kỹ trị”: một lối tư duy hoàn toàn xem hết thảy
công trình tạo dựng chỉ hiện hữu để cho chúng ta sử dụng. Sự tốt lành nơi vạn vật
bị hạn định vào tính hữu ích của chúng đến nỗi tương quan giữa chúng ta với thế
giới bị giản lược vào cách chúng ta tác động lên thế giới. Aquinô đã có một
nhãn quan thật khác biệt. Ngài cho rằng Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới bởi vì
lòng tốt tuyệt đối của Người. Công trình tạo dựng hiện hữu để tỏ bày chính lòng
tốt ấy. Aquinô chỉ ra đặc trưng của acedia là sự buồn chán đối với sự thiện thần
linh. Đây là lý do mà nó đối nghịch với đức ái: nó chống lại niềm vui tuôn trào
từ tình yêu Thiên Chúa. Một kẻ lười biếng không thể hân hoan vì sự tốt lành của
Thiên Chúa. Trong bối cảnh đương đại, chúng ta cũng không thể hân hoan vì điều
kể trên, bởi chúng ta không còn nhận ra nó. Não trạng kỹ nghệ làm chúng ta mờ mắt
trước sự thiện thần linh nơi công trình tạo dựng: chúng ta chỉ xem thế giới là
tốt lành khi nó phục vụ lợi ích của chính chúng ta. Josef Pieper nhận thấy sự
méo mó trong cách hiểu này về công trình tạo dựng dẫn đến tình trạng hoạt động
không ngừng nghỉ, một đặc trưng của lười biếng:
Chúng ta đừng quá ngạc nhiên về sự suy yếu của giềng mối (nhờ
đó mà thế giới được nhìn nhận như là Công trình Tạo dựng chứ không phải tài
nguyên để con người khai thác) kể trên lại song hành với sự sụp đổ của đặc tính
suy lý nơi triết học, với sự đánh mất vị thế của nó khi đối diện với triết học
duy chức năng, và với sự phân rã của chính triết học. Có một lối dẫn trực tiếp
từ “Tri thức là sức mạnh” – cùng tuyên bố khác của Bacon cho rằng mục tiêu của
tri thức là để cung cấp cho con người những phát chế và công cụ mới – đến phát
biểu mang tính luận chiến rõ ràng hơn nữa trong tác phẩm Khảo luận về phương
pháp của Descartes, rằng ông có ý định thay thế triết học “lý thuyết” cũ bằng
loại triết học thực tiễn, ngõ hầu con người chúng ta có thể biến mình trở thành
những kẻ “chế ngự và làm chủ tự nhiên”. Con đường này lại dẫn đến tuyên bố nổi
tiếng của Marx: Cho đến nay, triết học chỉ quan tâm đến việc diễn giải thế giới,
nhưng điều quan trọng là phải cải tạo thế giới.
Cùng với từng bước tiến trong việc gia tăng tri thức, chúng
ta bị thúc ép để tạo ra những phát minh mới hơn nữa nhằm gia tăng quyền làm chủ
lên tự nhiên: chúng ta chạy theo chúng để đạt được thêm những sức mạnh lớn hơn
đối với thế giới. Nhưng chóng vánh, chúng ta thấy mình sa vào trạng thái đối
kháng chủ - nô, mà dần dà, người làm chủ lại trở nên phụ thuộc vào các nô lệ đến
mức để cho mình bị nô lệ hóa: các thiết bị công nghệ trở thành chủ nhân của
chúng ta.
Đây cũng là lý do mà Pieper đặt ra sự tương phản giữa lười
biếng với thanh nhàn, với sự nghỉ ngơi đích thực. Theo Pieper, thanh nhàn là lời
khẳng định về điều tốt lành nơi vạn vật, chấp nhận sự tồn tại của chúng theo
cách thế mà chúng vốn là. Sống thanh nhàn là biết tiếp nhận sự thiện hảo của mọi
sự mà không phụ thuộc vào cách chúng mang lại lợi ích cho chúng ta. Nhờ vậy,
người ta mới có thể nghỉ ngơi vì không còn mê mãi tìm cách lợi dụng, thao túng
và thống trị. Và chỉ khi nào đón nhận sự tốt lành của vạn vật, chúng ta mới nhận
thức và sử dụng chúng cách thích đáng; chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nhận ra
rằng sự hữu ích của chúng biểu hiện một sự thiện hảo đong đầy và dư dật, được
ban cho chúng ta như một món quà. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể phát triển
một nền kỹ thuật đem lại cho chúng ta sự nghỉ ngơi đích thực.
Điều này giúp làm sáng tỏ ý nghĩa nhận định xem ra lạ kỳ của
Aquinô, rằng sự lười biếng nghịch lại với giới răn thánh hóa ngày Sabát. Nếu
Pieper đúng, thì việc trở nên thanh thản chính là việc bắt chước sự nghỉ ngơi của
Thiên Chúa vào ngày thứ bảy, một sự nghỉ ngơi đặt nền tảng trên việc Người thấy
rằng công trình tạo dựng của Người “thật tốt đẹp” (St 1,31). Giới mệnh nghỉ
ngơi không chỉ hạn định cho riêng con người, nhưng còn mở rộng đến mọi giống
súc vật (Xh 20,8-11) và thậm chí cả đất đai: “Trên núi Sinai, Ðức Chúa phán với
ông Môsê rằng: ‘Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất
Ta sắp ban cho các ngươi, đất phải nghỉ một sabát kính Ðức Chúa… Nhưng năm thứ
bảy sẽ là một sabát, một thời kỳ đất nghỉ, một sabát kính Ðức Chúa: các ngươi
không được gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, không được tỉa vườn nho của các
ngươi” (Lv 25,1-4). Ngày nay, hẳn là giới lệnh của Đức Chúa đòi buộc chúng ta để
cho các thiết bị của mình được nghỉ ngơi. Nhưng tại sao giới mệnh này mở rộng
ra đến cả thú vật và những sự vật vô tri vô giác? Đáp án là vì có những giới hạn
trong quyền thống trị của chúng ta trên công trình tạo dựng. Chúng ta không thể
tùy ý sử dụng theo ý mình, bởi chúng ta không phải là những kẻ cai trị tuyệt đối,
nhưng chỉ là những người quản lý. Để trở nên những người quản lý trung tín,
chúng ta phải nhận thức được rằng công trình tạo dựng không tồn tại chỉ để phục
vụ chúng ta.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từng viết, “một phần làm nên hướng
đi Kitô giáo đó là vững tin rằng, con đường duy nhất để chúng ta thực sự trở
nên sáng tạo – tức có khả năng sáng tạo – là thực hiện điều đó trong sự hòa điệu
với Đấng Sáng tạo, với Đấng đã làm ra vũ trụ này. Chúng ta chỉ có thể phục vụ
trái đất cách đúng nghĩa nếu nhận thức về nó phù hợp với Lời Thiên Chúa, và nhờ
đó chúng ta mới có thể thực sự tiến bộ và hoàn thiện chính bản thân mình lẫn thế
giới này. Kỹ nghệ sẽ đem lại lợi ích đích thực cho chúng ta (cả mặt thể lý lẫn
tâm linh) khi điều chúng ta làm ra vén mở về công trình tạo dựng theo đúng bản
chất của nó: công trình tạo dựng biểu lộ sự tốt lành của Thiên Chúa và là lý do
cho việc chúng ta thờ phượng Người. “Công trình tạo dựng được hoàn thành trọn vẹn,
phục vụ theo đúng mục đích, khi nó trở thành ngôi nhà của sự thờ phượng… Công
trình tạo dựng hiện hữu vì ngày Sabát, vì giao ước và vì sự thờ phượng”.
Nhờ nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng
của Người, kỹ nghệ của chúng ta sẽ được biến đổi, sẽ hiện hữu vì sự nghỉ ngơi của
ngày Sabát. Ngược lại, chúng ta có thể cứ tiếp tục theo lối đi hiện tại. Các
ngôn sứ thời Cựu ước đã tuyên bố rằng, chính thất bại của Israel trong việc giữ
ngày Sabát đã dẫn đến cuộc lưu đày Babylon: “Những ai còn sót lại không bị gươm
đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua,
cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị. Thế là ứng nghiệm lời Ðức Chúa phán, qua
miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sabát và
suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn” (2Sbn
36,20-21). Hình phạt dành cho việc không giữ ngày Sabát chính là lao nhọc không
ngừng.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Tác giả: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Nguồn tin: https://www.wordonfire.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét