GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 151 - HIỂU THẾ NÀO VỀ
CÁC THÁNH VỊNH NGUYỀN RỦA
- Hỏi: Thánh Vịnh dùng để cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa;
tuy nhiên có một số thánh vịnh nói lên sự thù hằn, nguyền rủa, không hợp với
tình yêu thương tha thứ. Phải hiểu điều này như thế nào?
Trả lời: Bạn đã đưa ra một câu hỏi rất chính đáng, một vấn đề
cần được tìm hiểu và đào sâu đối với những ai yêu mến Lời Chúa và yêu thích cầu
nguyện. Dù sự hiểu biết còn nhiều hạn chế, nhưng người viết vẫn mạnh dạn chia sẻ
với bạn đôi chút về chủ đề này.
Thánh Vịnh, một phần của Kinh Thánh Cựu Ước, gồm 150 bài ca
để ca tụng Thiên Chúa. Đây là sách mà Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một
cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Bởi vì qua các Thánh Vịnh, chính Thiên Chúa đang
dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài. Chính Ngài ban cho chúng ta những
lời để ta có thể dùng mà thưa chuyện với Ngài. Thật là kỳ diệu, lời con người
thưa với Thiên Chúa lại chính là Lời Chúa!
Qua các Thánh Vịnh, ta có thể thấy mọi tâm tình nhân loại
trong cuộc sống đều được trình bày trước nhan Thiên Chúa: tâm tình tạ ơn, tâm
tình tán tụng, niềm vui sướng hân hoan, nỗi sợ hãi và sự khắc khoải, tiếng kêu
than não nề, tiếng lòng thổn thức, sự phẫn uất… tất cả đều được nói tới ở đây.
Qua đó, chúng ta thấy toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại
với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn cuộc đời
chúng ta.
Trong phụng vụ Do thái giáo, các Thánh Vịnh có một vai trò rất
quan trọng. Giáo hội Công giáo cũng đã kế thừa và sử dụng Thánh Vịnh trong phụng
vụ của mình. Tuy nhiên, việc đọc Thánh Vịnh đối với các tín hữu Kitô giáo gặp
không ít khó khăn, nhất là các Thánh Vịnh được gọi với cái tên khá… chướng:
“Thánh Vịnh nguyền rủa”, như bạn đã thấy đấy, với nhiều lời lẽ dường như trái
nghịch với lương tâm Kitô hữu chúng ta.
Gọi là Thánh Vịnh nguyền rủa, vì trong đó chứa những lời lẽ
đầy căm giận oán hờn với kẻ thù, mong cho chúng bị tiêu diệt:
Lạy Thiên Chúa, xin đánh chúng bể miệng gãy răng,
Xin cho chúng biến đi như nước chảy
và héo tàn như cỏ đạp dưới chân (Tv 58,7.8)
Cũng có khi tác giả Thánh Vịnh mong cho kẻ thù phải sống mà
chịu muôn ngàn tai họa, sống không bằng chết:
Xin Chúa đừng giết chúng,
kẻo dân của con lãng quên đi.
xin dùng sức mạnh bắt chúng phải lang thang (Tv 59,12).
Ước gì mắt chúng mù đi không thấy nữa,
và lưng sụm xuống đến mãn đời. (Tv 69,24)
Nhưng ghê rợn nhất có lẽ là những lời sau đây:
Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt!
Phúc thay người xử lại với mi, như mi đã xử với ta!
Phúc thay người bắt những con thơ của mi
mà đem đập vào đá. (Tv 137,8-9)
Phải hiểu thế nào về các Thánh Vịnh nguyền rủa này?
Là Kitô hữu, chúng ta được học về 14 mối thương người, được
nghe Tin Mừng, nghe biết bao những giáo huấn yêu thương của Chúa Giêsu, nên khi
lần giở những trang Thánh Vịnh, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng về tính bạo lực của
nó. Bạn đã rất có lý do để đưa ra câu hỏi: “Như vậy thì sự đồng nhất ở đâu?”
Bạn thân mến, để có thể hiểu được các Thánh Vịnh, cũng như
khi muốn tìm hiểu một bản văn ngoại quốc cổ, chúng ta phải xem nó thuộc loại
văn nào, phải đặt mình vào khung cảnh địa lý, lịch sử, phải tìm hiểu ngôn ngữ,
phong tục, tôn giáo của nước ấy thì mới hiểu đúng được nội dung nó chuyển tải. Ở
đây chúng ta xem xét sơ qua vài yếu tố căn bản.
Về Văn hóa: Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng nguyền rủa là
một đặc trưng của văn hóa và văn chương Do Thái. Người Do Thái rất thích dùng lối
nói phóng đại, nói “quá lời”. Trong lúc căm giận, có khi tác giả đã dùng những
kiểu nói quá khích, mà thực ra ông không có ý như vậy. Tương tự như ở Việt Nam
chúng ta, nơi có nhiều người vẫn hay nói những câu từ rất khủng khiếp như: “đồ
mắc dịch”, “tao vặn cổ mày bây giờ”, hay “tao mà biết đứa nào tao xé xác”,
v.v.. Những kiểu nói ngoa ngoắt này chúng ta nghe đã quá quen nên không thấy có
gì ghê gớm. Nhưng nếu dịch chúng sang tiếng ngoại quốc, người nước ngoài nghe
thấy thế chắc sợ lắm.
Cũng nên nhắc lại điểm giáo lý này, là: từ bình diện nhân loại,
Kinh Thánh là tổng hợp những tác phẩm của nhiều tác giả nhân loại. Họ là những
con người cụ thể, sống trong một thời đại cụ thể, với những vấn đề của thời đại
và có những khả năng hạn chế của mình. Công đồng Vatican II xác định: "Để
viết các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả
năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ
viết ra như những tác giả đích thực…" (MK.11).
Về Lịch sử: Israel là một dân tộc nhỏ bé luôn bị đàn áp,
bách hại bởi các đế quốc hùng mạnh chung quanh, một dân tộc đã phải chịu rất
nhiều cay cực vì những cuộc chiến tranh khắc nghiệt.
Kẻ thù con lòng chai dạ đá,
mở miệng ra là ngạo mạn khinh đời.
Rầm rập tới, kìa chúng đã bao quanh,
mắt trừng trừng, như muốn quật con xuống đất,
thật giống loài sư tử chực nuốt sống ăn tươi,
hệt như con mãnh thú rình rập ở bụi bờ. (Tv 17,10-12)
Họ bị ngược đãi với những tội ác ghê rợn, như được miêu tả
trong sách ngôn sứ Giêrêmia:
Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt,
vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn,
vết trọng thương hết đường cứu chữa.
Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm,
quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả. (Gr 14,17-18)
Bạn thử nghĩ coi, sống trong hoàn cảnh như thế, lẽ nào người
ta không uất hận. Chứng kiến gia đình mình, con cháu mình, dân tộc mình bị tàn
sát như thế, lẽ nào người ta không nguyền rủa.
Lạy CHÚA, xin đứng dậy,
ra nghênh chiến, quật ngã quân thù,
vung bảo kiếm, cứu mạng con cho khỏi ác nhân.
Lạy CHÚA, xin thẳng tay khai trừ bọn chúng
khỏi thế giới loài người, khỏi chốn dương gian. (Tv
17,13-14)
Ai chưa sống trong hoàn cảnh đau thương sẽ khó mà hiểu được
nỗi đau thương nó lớn lao như thế nào, sức mạnh của sự dữ đáng sợ ra sao. Nó có
thể vượt cả sức chịu đựng và lòng khoan dung của con người. Trong tình cảnh ấy,
người Do thái đã mong đợi sự công minh của Thiên Chúa, họ đã chỉ đòi hỏi công
lý chứ không có tâm địa gì xấu xa. Đây là một đòi hỏi chính đáng. Nếu bạn đã
xem phim Bao Công xử án, bạn sẽ thấy công lý quan trọng như thế nào. Nhân vật
Bao Công được người đời kính sợ, vì ông xét xử rất thẳng thắn, chí công vô tư.
Kinh Thánh nhìn nhận nơi Thiên Chúa, Đấng tối cao, chức năng thi hành công lý ấy.
Mà theo lẽ công bằng, sự dữ phải bị luận phạt, và những nạn nhân phải được bồi
thường.
Về Tôn giáo: Đối với Do thái giáo, ít là vào thời mà các
Thánh Vịnh được viết, niềm tin về cuộc sống đời sau còn rất mơ hồ. Đọc các
Thánh Vịnh, bạn sẽ thấy thiếu vắng một niềm tin về đời sống tương lai với Thiên
Chúa. Mãi cho đến thời quyển Macabê thứ II được viết vào khoảng năm 124 TCN,
chúng ta mới gặp thấy chứng tích về niềm tin vào sự sống lại (chương 7), và chứng
tích về việc cầu nguyện cho người đã qua đời được thúc đẩy bởi niềm tin vào sự
phục sinh (chương 12). Chính vì chưa được mạc khải về cuộc sống đời sau, nên điều
người Do thái quan tâm là đời sống hiện tại của họ. Vì vậy, họ mong nhìn thấy
công lý được thực hiện đến nơi đến chốn ngay ở đời này. Họ cầu nguyện cho công
lý ấy được thực thi.
Nhưng cũng chính ngay trong những lời cầu nguyện mang tính
nguyền rủa ấy, các tác giả Thánh Vịnh đã nói lên niềm cậy trông vào Thiên Chúa.
Những tâm tình ấy chỉ có thể phát xuất từ những tâm hồn sáng suốt và đạo đức. Lời
cầu nguyện của họ chính là lời tuyên xưng vào tình yêu và quyền năng của Chúa,
chỉ mình Ngài mới có thể giải thoát họ khỏi sự dữ. Đây chính là lời cầu nguyện
chân thật nhất mà người ta có thể dùng để bày tỏ lòng mình với Thiên Chúa.
Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh tương đối yên ổn, một
môi trường tương đối văn minh, một tinh thần bác ái Kitô giáo đã được lan tỏa rộng
rãi, khi đọc Thánh Vịnh, chúng ta cần có sự thấu hiểu để có lòng thương cảm hơn
là phê phán.
Đọc Thánh Vịnh như thế nào?
Trong phụng vụ, Giáo Hội đã thận trọng lựa chọn những Thánh
Vịnh phù hợp để đưa vào phần Đáp ca trong các Thánh Lễ cũng như trong các giờ
kinh phụng vụ, nên chúng ta không phải lo ngại nhiều về chuyện gương mù gương xấu.
Chỉ khi đọc trực tiếp từ bản văn Kinh Thánh chúng ta mới gặp tất cả những Thánh
Vịnh Nguyền Rủa này. Với tư cách là Kitô hữu, những người sống trong thời Tân ước,
chúng ta cần phải vượt qua những quan niệm hạn hẹp của thời Cựu Ước để có thể đọc
Thánh Vịnh với một ý nghĩa dồi dào hơn.
Như đã nói: Thánh Vịnh là lời kinh của một thời đại khác, thời
Cựu Ước, trong đó có gói ghém một mạc khải chưa hoàn chỉnh. Mạc khải ấy chỉ được
kiện toàn nơi Chúa Giêsu, Đấng đã nói: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ lề luật
Cựu Ước, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Và Ngài đã dạy như thế này: “Anh em
đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng
chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên
trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy
cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42).
Đây mới chính là điều mà chúng ta phải thực hiện.
Sâu xa hơn một chút, chúng ta có thể thấy dường như chính
Chúa Giêsu là Đấng đã tự mình hứng chịu mọi lời nguyền rủa ấy, bởi vì Người đến
là để “gánh tội trần gian”: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân
thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc
đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa
lành” (1Pr 2,24). Vì thế, khi đọc Thánh Vịnh nguyền rủa chúng ta phải nhận ra
được sự hy sinh cao cả của Chúa, sự tha thứ Chúa dành cho nhân loại và cho
chính chúng ta. Vì, lẽ ra tôi cũng đáng bị nguyền rủa do bao tội lỗi mình đã phạm,
nhưng Đức Giêsu đã mang lấy vào thân Ngài rồi.
Hãy nhìn nhận Thánh Vịnh nguyền rủa chính là những tiếng gào
thét từ khổ đau. Nếu bản thân bạn đang đau khổ, thì có thể áp dụng lời Thánh Vịnh
vào hoàn cảnh cụ thể của mình; Nếu bạn đang hạnh phúc, thì hãy cầu nguyện cho
những người đang đau khổ. Khi ấy bạn ngỏ với Thiên Chúa bằng những lời than van
của tất cả những người đang bị nghiền nát bởi sự dữ. Đó là hành vi bác ái trong
cầu nguyện.
Hãy hiểu lời Thánh Vịnh theo nghĩa ẩn dụ. Chẳng hạn khi đọc
đến câu “xin đánh chúng bể miệng gãy răng…” thì chúng ta xin Chúa chặn đứng
ngay sự dữ đang chực chờ làm hại mình. “Chúng” ở đây không là ai hay nhóm người
nào, mà là “sự dữ” bao gồm ma quỷ, những trào lưu xấu của xã hội, và cả những
đam mê xấu của chính bản thân mình. Đó mới là những kẻ thù thực sự của chúng
ta. Cần phải chặt chân, chặt tay, móc mắt nó đi (x. Mt 9, 43-47).
Hãy phó thác cho Thiên Chúa những mối hiềm khích, những mối
thù hận nếu có của mình. Khi bị ai đó làm hại, chúng ta không ăn miếng trả miếng
với họ, nhưng chúng ta có thể giãi bày với Thiên Chúa. Phần Thiên Chúa, Ngài là
Đấng rất công minh, nhưng cũng là một người cha yêu thương của tất cả mọi người.
Ngài sẽ có cách giải quyết theo sự khôn ngoan vô cùng của Ngài. Và với quyền
năng vô hạn, Ngài có thể biến sự dữ thành sự lành cho chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta hãy noi gương các tác giả Thánh Vịnh mà
chân thành, thân thương dâng lên Chúa mọi tâm tình, mọi nỗi niềm trong cuộc sống
nhân sinh của chúng ta, theo như lời Kinh Thánh: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho
Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).
Tài liệu tham khảo:
1) Tông Huấn Verbum Domini (Lời Chúa) của Đức Giáo Hoàng
Bênêđictô XVI.
2) Dẫn Nhập Sách Thánh Vịnh, của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ.
3) Tìm hiểu Thánh Vịnh của Lm. Phaolô Nguyễn Quang Thanh,
CM.
Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM
05/02/2025
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét