Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

Lời mời gọi đến với điều cao hơn

 Lời mời gọi đến với điều cao hơn

Ronald Rolheiser, 2025-01-20


Tội là gì? Không đi lễ ngày Chúa nhật là tội ư? Gian lận thuế là tội? Say xỉn là tội? Nuôi thù hận là tội? Thủ dâm là tội? Không chung thủy trong hôn nhân là tội?

Trong một thời gian quá dài, các nhà giảng thuyết, các nhà giáo lý, giáo lý viên, hàng giáo phẩm và các thần học gia luân lý đã quá tập trung vào tội lỗi. Quả thật là có tội, nhưng nó không nên là trọng tâm của chúng ta khi muốn hiểu ý nghĩa của việc sống đời sống người tín hữu kitô đạo đức. Chúng ta nên nắm bắt từ lời của Chúa Giêsu.

Trong Bài giảng trên núi (Mt 5) Chúa Giêsu giảng, “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Về cơ bản, ý Chúa Giêsu là: Thầy không đến để loại bỏ Mười Điều răn, Thầy đến để mời gọi anh em đến với một điều cao hơn.

Tiếc là chúng ta có khuynh hướng nghĩ về đời sống đạo đức theo kiểu giữ Mười Điều răn và tránh tội. Cái mà chúng ta gọi là “thần học luân lý” tập trung vào các vấn đề luân lý, về đúng và sai. Nhưng Chúa Giêsu, thầy dạy luân lý, lại không nói như vậy. Trong Bài giảng trên núi (có lẽ là bộ luật luân lý lớn nhất) chú trọng vào lời mời gọi đến với một điều cao hơn. Bài giảng trên núi giả định chúng ta đã sống những điều căn bản của luân lý là Mười Điều răn rồi, thế nên Bài giảng mời gọi chúng ta đến với một điều gì đó vượt trên những điều căn bản này, cụ thể là trở nên người lớn và giúp thế giới gánh vác sự căng thẳng của nó.

Chúa Giêsu không cho chúng ta một thần học luân lý theo kiểu kinh điển hay phổ biến. Thay vào đó, Ngài mời gọi chúng ta vào một tinh thần môn đệ sâu sắc hơn nữa (vốn là mục tiêu của thần học luân lý, giáo lý học và việc học giáo lý).

Đây là ví dụ của một lời mời nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi. Chúa Giêsu mời chúng ta đến với “một nhân đức sâu sắc hơn của kinh sư và Biệt phái”. Chúng ta dễ bỏ lỡ ý chính ở đây, hầu như chúng ta luôn có khuynh hướng cho rằng Chúa Giêsu đang nói đến sự giả hình của kinh sư và Biệt phái. Không phải. Hầu hết kinh sư và Biệt phái là những người tốt, lương thiện thành tâm, thực hành đức hạnh. Với họ, sống đạo đức và ngoan đạo là giữ Mười Điều răn (không sót điều nào) và trở nên người vô cùng công bằng với mọi người, là nên người chính nghĩa.

Vậy họ thiếu điều gì? Nếu tôi là một người giữ hết các Điều răn, công bằng và chính nghĩa khi ứng xử với tha nhân, vậy tôi thiếu gì về mặt luân lý? Tại sao như vậy vẫn chưa đủ?

Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa chúng ta vượt xa hơn Mười Điều răn và các yêu cầu về chính nghĩa. Ngài mời gọi chúng ta đến với một điều vượt cao hơn.

Ngài chỉ ra rằng yêu cầu của chính nghĩa vẫn cho phép chúng ta ghét kẻ thù, nguyền rủa ai nguyền rủa chúng ta, và giết người (mắt đền mắt). Ngài mời gọi chúng ta đến với một điều vượt lên trên, cụ thể là yêu thương người ghét ta, chúc phúc cho ai nguyền rủa ta và tha thứ cho ai làm tổn thương ta. Đây là thực chất của thần học luân lý. Và hãy nhớ, nó đến với chúng ta như lời mời, mời gọi chúng ta luôn đến với điều cao hơn. Nó không bận tâm đến chuyện cái gì là tội và cái gì không. Thay vào đó, nó là lời mời gọi tích cực vẫy gọi chúng ta đến với một điều cao hơn, vượt ngoài những xung động tự nhiên, vượt lên trên một người chỉ giữ các điều răn và tránh tội.

Tôi nhớ có lần nghe bài giảng của Michael Hines quá cố, ông cho chúng ta một hình ảnh về Thiên Chúa luôn mãi mời gọi chúng ta đến với một điều cao hơn: Cứ hình dung một người mẹ đang mời gọi đứa con tập đi. Bà ngồi xổm trên nền trước mặt đứa trẻ, cách một sải tay, những đầu ngón tay của bà chỉ cách đầu ngón tay con mình mấy phân, bà nhẹ nhàng dỗ đứa trẻ mạo hiểm tiến tới một bước, khi đứa trẻ đi bước đó rồi, bà rụt tay lại mấy phân, lại nhẹ nhàng dỗ đứa trẻ mạo hiểm tiến thêm bước nữa. Thế là đứa trẻ đi qua hết phòng.

Đây là hình ảnh chúng ta cần cho tinh thần môn đệ kitô hữu và thần học luân lý. Bận tâm trên hết của chúng ta không nên là chuyện “đây có phải là tội hay không”. Không đi lễ ngày Chúa nhật là tội ư? Có những suy nghĩ dâm dục là tội? Nuôi thù hận là tội ư?

Thay vào đó, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho mình là tôi được mời gọi đến với điều gì? Tôi cần vươn lên đến với điều cao hơn trong chuyện gì? Tôi có yêu thương vượt quá những xung động tự nhiên của mình không? Và cụ thể hơn: Tôi có yêu thương những người ghét tôi không? Tôi có chúc phúc cho người nguyền rủa tôi không? Tôi có tha thứ cho kẻ giết người không?

Thầy không đến để loại bỏ Mười Điều răn, Thầy đến để mời gọi anh em đến với một điều cao hơn – và cứ thế từng bước Ngài đưa chúng ta như đứa trẻ tập đi đi qua hết phòng.

J.B. Thái Hòa dịch

https://phanxico.vn/2025/02/13/loi-moi-goi-den-voi-dieu-cao-hon/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét