Suy niệm về Bí tích Rửa Tội
(Mc 1,7-11)
Hầu như tất các Kitô hữu, kể cả các Kitô hữu ngoan đạo nhất,
đều ghi nhớ ngày sinh nhật của mình, ngày họ được cất tiếng khóc chào đời, được
làm thành viên của gia đình nhân loại. Trong khi đó, ngày họ được rửa tội, được
làm con cái Thiên Chúa, làm công dân Nước Trời thì rất ít người biết đến. Đó là
dấu chỉ cho thấy rằng những người Kitô hữu chúng ta chưa nhận thức được giá trị
và ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội. Nguyên nhân chính của hiện tượng đáng
buồn ấy là do hầu hết chúng ta đã được lãnh nhận Bí tích thánh đó khi còn bé và
chưa có sự ý thức và sự chọn lựa của chính bản thân mình.
Vì thế, để sống đức tin Kitô hữu của mình một cách xác tín
và sống động hơn, chúng ta cần suy niệm và nhận chân được ý nghĩa đích thực của
Bí tích Rửa Tội.
Cửa Nước Trời được mở ra
Đức Giêsu, tuy là một thành viên đích thực của gia đình nhân
loại, nhưng đã xuất thân từ Thiên Chúa ở chốn Trời Cao. Điều này được minh xác
và được chứng nhận rõ ràng trong ngày Người được ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa
cho tại sông Giođan.
Thánh Linh Thiên Chúa ngựa xuống trên Người. Vâng, Đức Giêsu
đã được lãnh nhận Thánh Linh Thiên Chúa khi Người khởi sự cuộc sống công khai
của Người, cuộc sống loan báo Tin Mừng Cứu Độ, một Sứ Mệnh mà Thiên Chúa Cha đã
giao phó cho Người thi thành giữa con cái nhân loại, và Người đã hoàn toàn thực
thi và hoàn tất Sứ Mệnh ấy qua sức mạnh của Thánh Linh.
Điều đó muốn nói rằng Đức Giêsu đã được Gioan làm phép rửa
chỉ vì Sứ Mệnh của Người, vì con đường khổ nạn Người phải đi, vì cái chết và vì
sự phục sinh của Người. Và trong mọi sự, trong tất cả những gì xảy đến cho
Người, Người đều luôn có tình yêu vô biên của Chúa Cha bao bọc, chở che, một
tình yêu mà chính Chúa Cha đã mặc khải trong khi Người chịu phép rửa của ông
Gioan tại sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Nếu Đức Giêsu đã tự hoà đồng với đoàn người có tội cùng đến
sông Giođan để cùng được ông Gioan làm phép rửa cho, thì nay Người lại muốn rửa
tội cho họ bằng Thánh Linh Thiên Chúa. Vâng, Người muốn thu nhận tất cả họ vào
trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa, trong tình yêu mà Người luôn được ấp ủ.
Vì Người muốn rằng khi tất cả họ luôn liên kết mật thiết với Người và với Thánh
Linh của Người, thì họ sẽ trở nên những con người mới và sống một cuộc sống mới
trước mặt Thiên Chúa, Đấng đang luôn mở rộng Cửa Nước Trời để ban phúc cho họ
và nói với họ rằng “các con là con của Cha, Cha hài lòng về các con”.
Những ai biết sống liên kết Đức Giêsu và được rửa tội bằng
Thánh Linh của Người, họ sẽ thoát ly được chiều kích hạn hẹp của cuộc sống trần
thế để vươn tới một tương lai mới, tươi sáng và rực rỡ chân thật, tương lai của
cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Trời.
Một nhận thức mới về Bí tích Rửa Tội
Theo sự nhận thức truyền thống về Bí tích Rửa Tội, thì Bí
tích Rửa Tội được gắn liền với Tội Nguyên Tổ, mà chúng ta có thể tóm tắt như
sau: Hai ông bà Nguyên Tổ của loài người là Adong và Evà đã phạm tội chống lại
Thiên Chúa và chúng ta là con cháu của các ngài nên cũng bị lây nhiễm tội của
hai ông bà. Vì thế, Đức Giêsu Kitô đã nhập thể và được sinh xuống trần gian để
giải cứu chúng ta khỏi cái tội nguyên tổ ấy. Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người
chúng ta được ơn tha thứ Tội Nguyên Tổ.
Nhưng theo sự nhận thức mới về Bí tích Rửa Tội, một sự nhận
thức được định hướng theo Kinh Thánh, nhất là đặt cơ sở trên phép rửa của chính
Đức Giêsu tại sông Giođan.
Theo đó, Bí tích Rửa Tội trước hết được hiểu là sự tuyển
chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho đương sự trong Chúa Thánh Linh;
tiếp đến là được tái sinh bởi nước và Thánh Linh (x. Ga 3,4-5).
Theo Kinh Thánh, nước vừa có nghĩa là sự chết và vừa có
nghĩa là sự sống. Nếu một người được tẩy rửa qua cái chết của Đức Kitô, thì
người ấy đồng thời cũng với Đức Kitô cùng được sống lại trong một cuộc sống
mới.
Trong Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh
Linh của Người và đời đời thu nhận chúng ta làm con cái của Người. Người yêu
thương chúng ta. Người thu nhận chúng ta vào trong cộng đoàn những người được
tuyển chọn của Người, tức Giáo Hội.
Và một khi được tái sinh trong nước và Thánh Linh, mỗi người
trong chúng ta được trở nên một Alter Christus - một Đức Kitô khác. Chúng ta sẽ
bước đi trên con đường Đức Kitô đã đi qua, con đường hy sinh chính mình cho anh
em đồng loại.
Đàng khác, sự nhận thức mới về Bí tích Rửa Tội cũng được
định hướng theo sự tuyên xưng đức Tin, bởi vì Bí tích Rửa Tội là Bí tích Đức
Tin. Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra: Nếu Bí tích Rửa Tội là Bí tích Đức
Tin, thì người ta phải giải thích thế nào về Bí tích Rửa Tội của các trẻ sơ
sinh, khi chúng chưa thể tự tuyên xưng đức tin của mình được? Đây là một vấn
nạn thường được nêu lên, nhưng thường lại không được giải đáp một cách rõ ràng
đầy đủ, vì thế nhiều bậc cha mẹ “cấp tiến” đã sai lầm không muốn cho con cái
mình được rửa tội khi còn sơ sinh và sau đó cũng không cho chúng theo học giáo
lý, mà chờ cho tới khi chúng trưởng thành và để chúng tự quyết định.
Trong khi đó, việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho các trẻ sơ
sinh như Giáo Hội vẫn thi hành là một điều cần thiết và chính đáng. Dĩ nhiên,
việc rửa tội cho các trẻ sơ sinh chỉ mang đầy đủ ý nghĩa là Bí tích của Đức Tin
với điều kiện bất khả miễn là các bậc cha mẹ, các người đỡ đầu và cộng đoàn của
đức trẻ phải công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô thay cho đứa trẻ, vì
việc tuyên xưng đức tin một cách công khai như thế muốn nói lên thiện ý của mọi
người là sẵn sàng góp phần giúp đỡ cho đứa trẻ đó bằng chính cuộc sống đức tin
nêu gương của mình, hầu đứa trẻ một ngày nào đó có thể tự xác tín được đức tin
của mình.
Những hiệu quả thực tiễn
* Đối với chúng ta, những người đã được rửa tội khi còn bé
thơ, chúng ta cần phải ý thức rõ ràng và cần phải có một quyết định dứt khoát
về đời sống đức tin của mình. Kiểu sống “đạo theo” hoàn toàn không phù hợp với
cách sống đức tin của người trưởng thành.
* Tin Mừng Phúc Âm luôn được công bố hằng ngày và hằng tuần
trong các Thánh Lễ. Chúng ta đều nghe rõ. Nếu chúng ta không chỉ đón nhận Lời
Chúa, nhưng tìm cách sống và thực hành trong cuộc sống của cụ thể của mình
những chỉ dạy, những hướng dẫn và những gợi ý của Phúc Âm, thì chúng ta đã thực
sự có được một đức tin sống động.
* Mỗi người trong chúng ta không nên hỏi: Giáo Hội hay giáo
xứ cần phải làm gì để giúp tôi sống đức tin? Nhưng là phải tự hỏi mình: Tôi
phải sống đức tin của tôi trong Giáo Hội, trong giáo xứ như thế nào để Giáo Hội
và giáo xứ của tôi mỗi ngày càng trở nên nơi nương náu an toàn và chốn cậy dựa
vững chắc cho tất cả những ai đang thiếu thốn tình Chúa cũng như tình người.
* Để việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho các trẻ sơ sinh tiếp
tục tồn tại một cách đầy đủ ý nghĩa, các người thanh niên thiếu nữ vào lứa tuổi
từ 14 đến 18 tuổi cần nhận thức rõ ràng về đức tin của mình và dọn mình đón
nhận Bí tích Thêm Sức một cách sốt sắng. Vì qua đó, các bạn thanh niên thiếu nữ
ấy mới thực sự xác tín về điều các bạn đã được lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội.
Đó là điều kiện thiết yếu để mỗi Kitô hữu làm chứng cho Đức Kitô ở giữa dòng
chảy cuộc sống hằng ngày. Nhưng để các thanh niên thiếu nữ nhận thức và xác tín
được đức tin của mình, họ cần đến gương sống đức tin của các bậc cha mẹ, của các
người đỡ đầu cũng như của toàn thể cộng đoàn giáo xứ.
* Vì những lý do vừa nêu, việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho
trẻ sơ sinh một cách lý tưởng nhất là được cử hành trong khuôn khổ Thánh Lễ của
cộng đoàn giáo xứ, vì qua đó, mọi người sẽ cảm nhận được một cách dễ dàng và rõ
ràng hơn rằng: - Quả thật, Thiên Chúa đã thực hiện một điều cao cả giữa loài
người chúng ta là đón nhận một người trong chúng ta làm con cái Người; - Hầu
cho các bậc cha mẹ, các người đỡ đầu, các bà con, bạn bè và cả cộng đồng giáo xứ,…
ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đứa trẻ lớn lên trong đức
tin một cách đúng đắn bằng chính cuộc sống đức tin gương mẫu của mình.
* Sau cùng, chúng ta đừng quên rằng việc nhận thức và xác
tín được ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội sẽ là động cơ trọng yếu góp phần
xây dựng một cộng đồng giáo xứ và một Hội Thánh sống động.
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa 2012
Lm. Nguyễn Hữu Thy
Nguồn: truyenthongconggiao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét