Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Phương Pháp Phân Tích (Phê Bình) Lịch Sử




Hướng Dẫn
Giải Thích Thánh Kinh
theo Công Giáo


Bài này tóm tắt các phương pháp giải thích Thánh Kinh được Hội Thánh chấp nhận và đưa ra ưu điểm, khuyết điểm cũng như giới hạn của từng phương pháp để giúp các Giáo Lý viên phân biệt được những gì là đúng hay sai trong khi theo học các lớp Thánh Kinh ở Đại Học hay cả trong các Chương Trình Đào Tạo các Giáo Lý Viên của các Giáo Phận.



DẪN NHẬP


Đối với hầu hết các học giả Thánh Kinh Công Giáo ngày nay, một phương pháp khoa học được sử dụng nhiều nhất là phương pháp "Phân Tích (hay Phê Bình) Lịch Sử".  Nhiều sách giáo khoa và giải thích về Thánh Kinh của Công Giáo khẳng định rằng Hội Thánh Công Giáo đã ủng hộ (endorse) Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử.  Nhưng theo các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II, nhất là theo Hiến Chương Tín Lý về Mặc Khải và tài liệu gần đây nhất của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh là tài liệu "Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh" thì Hội Thánh chỉ khuyến khích dùng và nêu lên sự cần thiết của việc dùng tất cả các phương pháp giải thích Thánh Kinh, trong đó có phương pháp Phân Tích Lịch Sử. 

Khi nói về ích lợi của Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử, tài liệu này nhấn mạnh rằng: "Một khi phương pháp này không bị chi phối bởi những thành kiến bên ngoài, nó đưa đến việc hiểu biết Thánh Kinh một cách chính xác hơn" (câu I4).  Nhưng trong phần thứ III, khi nói về các đặc tính của việc giải thích Thánh Kinh theo Công Giáo, Ủy Ban nhắc nhở các nhà chú giải Thánh Kinh là phải dùng các phương pháp này "trong phạm vi truyền thống sống động của Hội Thánh" (Đoạn III).  Trong mục C của phần này, Ủy Ban nhắc cho các nhà chú giải Thánh Kinh  rằng họ "không được phép chỉ đưa ra các kết luận dựa theo Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử, mà còn phải giải thích các ý nghĩa Kitô học, Quy Điển và Hội Thánh của bản văn Thánh Kinh."

Tiếc rằng phần lớn các sách giáo khoa của Công Giáo Âu Mỹ về Thánh Kinh ngày nay đi theo trường phái thuần Phân Tích Lịch Sử, bởi vì họ bị ảnh hưởng bởi các học giả Thánh Kinh thuần Lịch Sử vĩ đại như Cha Raymond E. Brown và các bạn, mà điển hình là hai sách "New Jerome Biblical Commentary" và "Collegeville Biblical Commetaries", cũng như các bài mở đầu và các chú giải của sách "New American Bible".  Hầu hết các bài chú giải viết trong hai sách trên và các chú thích của New American Bible đã coi "Thuyết Hai Nguồn - Two Source Theory" và "Thuyết Tài Liệu - Documentay Theory" như là những chân lý khoa học vững chắc về Thánh Kinh, mà trên thực tế các thuyết này đang bị lung lay tận gốc như kiềng hai chân.  Khi làm như vậy, các học giả này đã hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các truyền thống của Hội Thánh, mà nếu có đề cập đến thì cũng chỉ tìm cách để hạ giá các truyền thống này.  Vì thế chúng tôi không ngạc nhiên khi có nhiều sinh viên, và ngay cả các linh mục mất đức tin sau khi theo học các lớp Thánh Kinh theo trường phái Thuần Lịch Sử này.
Để giúp các Giáo Lý viên có một cái nhìn chính đáng về giáo huấn của Hội Thánh chúng tôi đề nghị các bạn đọc kỹ  Sách Giáo Lý Công Giáo, Mục 2Mục 3 của Phần Thứ Nhất, và tài liệu Interpretation of The Bible in The Church. Chúng tôi hy vọng có một ngày nào đó Chúa cho chúng tôi thì giờ để phiên dịch tài liệu này ra Tiếng Việt. Tài liệu này tương đối khó đọc hơn là một tài liệu tóm tắt của giáo sư John Gresham, Giáo sư tại Đại Chủng Viện Kenrick-Glennon và Viện Phaolô VI tựa đề "A Catholic Guide to Biblical Interpretation" mà chúng tôi xin tạm dịch ở đây là "Hướng Dẫn Giải Thích Thánh Kinh theo Công Giáo".  Trong bài này, giáo sư John Gresham tóm tắt các văn kiện Toà Thánh về các phương pháp giải thích Thánh Kinh chính và nói lên các ưu khuyết điểm của từng phương pháp.

2.                       Phương Pháp Phân Tích Bản Văn
3.                       P. Pháp Giải Thích Theo Quy Điển
4.                       Phương Pháp Giải Thích Theo Xã Hội
5.                       P. Pháp Giải Thích Theo Hội Thánh

Trong tất cả các phương pháp kể trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đến Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo, và khuyến khích chúng ta dùng phương pháp này trong các lớp Giáo Lý.
Về Đức Tin cũng như về Thánh Kinh, cái nhìn của Hội Thánh bao giờ cũng là cái nhìn trung dung, cái nhìn toàn diện.  Thánh Kinh là hiện thân của Ngôi Lời Nhập Thể với hai bản tánh Thiên Chúa và Loài Người. Nếu chỉ nhấn mạnh đến Đức Kitô là Thiên Chúa thật mà quên rằng Người cũng là người thật trong việc dạy Giáo Lý là chúng ta dẫn học sinh đến sai lạc.  Nếu chỉ coi Thánh Kinh là Lời Chúa mà quên rằng Ngài cũng dùng các tác giả nhân loại với sự hiểu biết hữu hạn của con người để bày tỏ những mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa thì chúng ta cũng bị sai lầm khi học hỏi Thánh Kinh. Nhưng nếu chỉ coi Thánh Kinh là một tác phẩm của loài người và phân tích Thánh Kinh hoàn toàn dựa theo sự hiểu biết hiện đại mà quên rằng Chúa Thánh Thần cũng là tác giả của Thánh Kinh, và Thánh Kinh được trao cho Hội Thánh để truyền lại cho chúng ta, thì chúng ta lại càng bị sai lầm hơn nữa. Vì thế mà Hội Thánh không ủng hộ một phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh nào cả, mà khuyến khích chúng ta dùng tất cả mọi phương pháp, trong phạm vi giới hạn của chúng, tùy theo mục đích của chúng ta. 
Hy vọng bài này sẽ giúp các bạn phân biệt được điều gì là đúng, và điều gì là sai khi theo học các lớp Thánh Kinh ở Đại Học hay cả trong các Chương Trình Đào Tạo các Giáo Lý Viên của các Giáo Phận.
Houston, Mùa Hè 2007
Phaolô Phạm Xuân Khôi






Phương Pháp Phân Tích
(Phê Bình) Lịch Sử

Bài này tóm tắt Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử để giúp chúng ta biết những trường hợp nào có thể dùng Phương Pháp này trong việc nghiên cứu Thánh Kinh.























Thế Giới đằng sau bản văn

(Phạm vi Lịch Sử)

PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH LỊCH SỬ

 

Trình Bày Phương Pháp:

Phương pháp phân tích lịch sử nghiên cứu các văn bản Thánh Kinh như các tài liệu lịch sử và tìm cách hiểu bản văn trong phạm vi lịch sử.
Đối với phương pháp phân tích lịch sử, manh nha ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới đứng đằng sau bản văn, đó là:
  • Cái thế giới lịch sử và văn hóa mà trong đó bản văn được phát sinh. 
  • Các nhân vật và biến cố trong lịch sử mà từ đó bản văn chính được tạo ra.
  • Các truyền thống được truyền khẩu hoặc được viết thành văn có trước khi bản văn cuối cùng được thành hình.  
Phương pháp phân tích lịch sử cố ý xác định ý nghĩa nguyên thủy của bản văn bằng cách tái tạo: 
  • Khung cảnh nguyên thủy.
  • Môi trường lịch sử và văn hóa đầu tiên mà trong đó bản văn được sáng tác.
  • Những nguồn tài liệu dùng để viết bản văn, hoặc truyền khẩu hoặc được ghi chép.
  • Các hoàn cảnh lịch sử và văn hóa dẫn đến việc viết bản văn. 
  • Các niềm tin về thần học cũng như văn hóa của những người đầu tiên viết và đọc bản văn. 
  • Chủ ý của các tác giả đầu tiên.
Có nhiều phương pháp phân tích lịch sử khác nhau được dùng trong mỗi giai đoạn của lịch sử bản văn. Phương pháp phân tích văn thể được dùng để khám phá ra các truyền thống khẩu truyền đằng sau bản văn. Phương pháp phân tích nguồn văn để tìm ra các văn bản được sát nhập vào bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến vai trò của soạn giả hay người viết cuối cùng là người gom góp các tài liệu hoặc truyền khẩu hoặc đã được viết xuống thành bản văn Thánh Kinh. Phươnh pháp phân tích văn tự chú ý đến lịch sử của việc lưu truyền bản văn sau khi bản chính đã được soạn thảo.

Phương pháp phân tích văn thể điều nghiên từng tiết mục của các bài truyền khẩu có trước khi bản văn được viết ra. Phương pháp này chú trọng đến các thể văn hay cách cấu trúc của truyền khẩu và tìm cách tái lập của truyền thống ấy. Thí dụ, các nhà phân tích văn thể sắp loại Thánh Vịnh bằng các đặc tính cấu tạo chung, và tìm cách tái lập việc phụng tự tại đền thờ của dân Israel trước khi các thánh vịnh này được gom lại và viết thành sách. Các nhà phân tích văn thể của Tân Ước phân tích cách cấu trúc chung của mỗi loại câu chuyện trong Tin Mừng (chuyện về phép lạ, dụ ngôn,vv...) và tái tạo hoàn cảnh sống mà trong đó các câu chuyện này được kể lại trong Hội Thánh sơ khai trước khi chúng được thu thập và viết thành các sách Tin Mừng. 

Giai đoạn kế tiếp trong lịch sử của bản văn Thánh Kinh là việc gom góp những truyện truyền khẩu này lại thành các sưu tập văn viết, mà sau đó trở thành nguồn gốc của các bản văn Thánh Kinh cuối cùng. Phương pháp phân tích nguồn văn cố gắng tìm ra nguồn gốc của bản văn Thánh Kinh cuối cùng bằng cách phân chia bản văn này ra thành nhiều nguồn văn có trước. Thí dụ, nhiều nhà phân tích văn thể Cựu Ước đọc Ngũ Thư như là một tổng hợp của bốn nguồn văn, Giavê, Êlôít, Thứ Luật, và Tư Tế, viết tắt là J,E,D&P. Các nhà phân tích nguồn văn của các Tin Mừng cũng điều nghiên các liên hệ giữa ba Tin Mừng nhất lãm, và lập ra nguồn văn thứ tư gọi là Q (từ chữ "quelle" có nghĩa là "nguồn"). Liên quan đến phương pháp phân tích nguồn văn là "phương pháp phân tích truyền thống." Phương pháp phân tích truyền thống không đặt nặng việc tìm ra các tài liệu gốc đã được viết trước, nhưng tìm cách phân biệt những truyền thống có trước (truyền khẩu hay văn tự) đã được thu nhập vào bản văn Thánh Kinh.  

Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo bản văn Thánh Kinh. "Người biên tập" là người soạn thảo và tác giả cuối cùng (có thể là một cá nhân hay một cộng đoàn). Người này gom góp các truyền thống truyền miệng hay văn tự khác nhau thành bản văn cuối cùng.  Trong phương pháp phân tích biên tập, người chú giải đặc biệt quan tâm đến vai trò tích cực của soạn giả cuối cùng trong việc chọn lựa, xắp đặt, và giải thích các truyền thống trước đó. Thí dụ, nhà phân tích biên tập quan tâm đến việc xác định các lý do lịch sử và thần học trong cách Thánh Luca kể lại Cuộc Khổ Nạn so sánh với các Tin Mừng khác. Tương tự, một học giả về Cựu Ước có thể chú ý đến nhãn quan thần học của người viết Sử Ký (Sử biên niên)  khi kể chuyện về Vua Đavid, nhất là khi so sánh với lịch sử Thứ Luật được tìm thấy trong các sách Samuel I và II.

Phương pháp phân tích văn tự nghiên cứu  việc lưu truyền bản văn sau đó. Vì chúng ta không có những nguyên bản Thánh Kinh, các phương pháp phân tích bản văn được dùng để phân tích những thủ bản hiện còn tồn tại. Việc nghiên cứu lịch sử và so sánh các dị bản được dùng để tái lập bản văn gốc. Thí dụ, các phương pháp phân tích văn bản được dùng để so sánh các kết luận khác nhau của Tin Mừng Marcô tìm thấy trong các thủ bản hiện có, và xác định đâu là kết thúc nguyên thủy của Tin Mừng này. Cách nghiên cứu này đôi khi được gọi là vì không chú tâm đến việc giải thích ý nghĩa của các bản văn như (phân tích lịch sử). Phương pháp phân tích văn tự chỉ nhằm mục đích tái tạo bản văn nguyên thủy mà thôi. 


Biện minh cho

phương pháp phân tích lịch sử


Đây là một phương pháp cần thiết để nghiên cứu Thánh Kinh vì một lý do hiển nhiên là các tài liệu Thánh Kinh xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử và văn hóa khác với hoàn cảnh của các độc giả đương thời. Việc nghiên cứu bất cứ tài liệu cổ nào đều đòi hỏi kiến thức về khung cảnh lịch sử của tài liệu ấy. Đây là một phần của lý luận được đưa ra để khai mào việc dùng phương pháp phân tích lịch sử hiện đại để nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh  trong thế kỷ thứ 19 - phương pháp này đã được chứng minh là hữu dụng trong việc nghiên cứu các văn bản cổ nên cũng có thể dùng để nghiên cứu các bản văn Hipri cổ và các bản văn Kitô Giáo thời sơ khai. Với một khoảng cách dài giữa thời gian các bản văn Thánh Kinh được ghi chép và thời đại của chúng ta, thật khó mà bác bỏ lý luận này. 

Một lý luận khác biện minh cho việc dùng phương pháp này để nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh có tính cách mâu thuẫn hơn. Phương pháp phân tích lịch sử được đề ra như là một âm mưu "giải phóng" việc nghiên cứu Thánh Kinh khỏi khoa Thần Học Tín Lý. Người ta lý luận rằng các nhà thần học chỉ dùng các bản văn Thánh Kinh để chứng minh cho các hệ thống thần học của họ bằng cách áp đặt trên bản văn những ý nghĩa được rút ra từ hệ thống thần học của họ. Việc này thay vì làm sáng tỏ ý nghĩa tiên khởi của các câu văn thì làm cho chúng ra tối nghĩa. Đối với những người truyền bá phương pháp phân tích lịch sử đầu tiên này, và nhiều phương pháp hiện hành, một điều chính yếu của phương pháp phân tích lịch sử là nghiên cứu bản văn Thánh Kinh, không phải như một Sách Thánh độc đáo được Thiên Chúa mặc khải, nhưng chỉ như một tài liệu lịch sử mà thôi.  Từ đó, một tiếp cận nghiên cứu Thánh Kinh thuần lịch sử được khai triển, nhất là trong các đại học, mà không đếm xỉa gì đến Đức Tin, Thần Học hay Giáo Huấn Hội Thánh. 

Vậy vấn đề được đặt ra là có chỗ đứng nào cho phương pháp phân tích lịch sử trong tiếp cận đọc Thánh Kinh với Đức Tin, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền của Hội Thánh không? Trong khi chúng ta phải loại bỏ tiếp cận thuần lịch sử vì lý do sau đây, thì Đức Tin Công Giáo lại chuẩn y tiếp cận lịch sử. Quả thật, sự hiểu biết của Công Giáo về mặc khải và linh ứng đòi hỏi chúng ta phải dùng tiếp cận lịch sử. 

Trước hết, dùng tiếp cận lịch sử về Thánh Kinh là công nhận rằng việc Thiên Chúa mặc khải có xảy ra thật trong lịch sử nhân loại. Hiến Chế Tín Lý Mặc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng việc Thiên Chúa mặc khải thực sự xảy ra khi Thiên Chúa vô hình, vì tình yêu sung mãn của Ngài đã "đi lại giữa chúng ta" trong lịch sử nhân loại. "Công trình mặc khải" được thể hiện bằng "lời nói và việc làm...mà bản chất liên kết chặt chẽ với nhau."   Các bản văn Thánh Kinh phát sinh từ một "lịch sử cứu độ." Cho nên chúng ta có thể dùng các phương pháp phân tích lịch sử để giúp chúng ta đi vào lịch sử cứu độ trong quá khứ trong khi chúng ta tìm cách hiểu các lời nói và việc làm của Thiên Chúa.  Viễn cảnh Nhập Thể và Bí Tích của đạo Công Giáo xác thực sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dòng lịch sử nhân lọai. Nói cách khác, Đức Tin Công Giáo xác quyết rằng mặc khải xảy ra trong phạm vi lịch sử nhân loại. Việc nghiên cứu Thánh Kinh bằng phương pháp phân tích lịch sử cung cấp cho chúng ta những phương thế để chúng ta có thể hiểu Thánh Kinh rõ hơn trong phạm vi ấy. Theo tài liệu về Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh thì:

Thánh Kinh, thực ra, không tự mình xuất hiện như một mặc khải trực tiếp các chân lý vĩnh cửu, nhưng như chứng từ viết về những lần can thiệp của Thiên Chúa mà trong đó Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra trong lịch sử nhân loại.  Bằng một cách thế khác hẳn với các giáo lý của các tôn giáo khác, sứ điệp của Thánh Kinh có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử. Cho nên không thể hiểu các bản văn Thánh Kinh cách đúng đắn nếu không nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử ảnh hưởng đến các bản văn này. 

Thứ đến là, sự hiểu biết của Công Giáo về mặc khải của Thiên Chúa trong các bản văn Thánh Kinh đòi buộc phải dùng tiếp cận lịch sử để nghiên cứu Thánh Kinh. Theo sự hiểu biết của Công Giáo về mặc khải thì Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy. Thiên Chúa chọn các tác giả Thánh Kinh và hoạt động trong họ và nhờ họ mà truyền đạt lời của Ngài, nhưng Ngài lại hoàn toàn sử dụng năng lực và khả năng của họ để họ viết như những tác giả thật sự (Dei Verbum 11-12). Đức Thánh Cha Piô XII viết trong Divino Afflante Spiritu rằng các tác giả được linh hứng của Thánh Kinh là dụng cụ sống động và hợp lý của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, trong khi được linh hứng bởi Thiên Chúa, các tác giả nhân loại không phải là các dụng cụ thụ động mà chủ động của Thiên Chúa. Họ đem cá tính của mình vào các bản văn Thánh. Điều này phù hợp với Đức Tin Công Giáo là ơn thánh làm cho thiên nhiên được nên hoàn hảo. Trong việc mặc khải, Thiên Chúa đã nâng việc làm theo khả năng nhân loại của các tác giả thành Thánh Kinh. Các phương pháp phân tích lịch sử có thể được dùng để hiểu rõ hơn về các tác giả nhân loại mà Thiên Chúa đã dùng để thông tri lời Ngài. 

Như vậy khi chúng ta nhìn đến giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, mặc dù phương pháp thuần lịch sử bị gạt bỏ, chúng ta thấy rằng tiếp cận lịch sử được công nhận. Hiến Chế vế Mạc Khải của Công Đồng Vaticanô II kêu gọi các nhà chú giải Thánh Kinh hãy :
tìm ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, thánh sử đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong thời đại và hoàn cảnh văn hóa của họ, qua các lối văn được dùng trong thời đó. Thực vậy để hiểu đúng ý nghĩa tác giả Thánh Kinh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức người thời ấy thường dùng để giao tế với nhau. (DV 12) 

Đức Thánh Cha Piô XII nói trong Tông thư Divino Afflante Spiritu

Như thế, hãy để cho các nhà chú giải Thánh Kinh, với sự cẩn trọng hết sức, mà không bỏ sót những tia sáng tìm được từ những nghiên cứu gần đây, cố gắng xác định đặc tính và hoàn cảnh riêng biệt của thánh sử, thời đại mà vị ấy sống, các nguồn tài liệu truyền khẩu hay văn tự mà vị ấy đã dùng và cách diễn tả mà vị ấy đã sử dụng. 

Giới hạn của

phương pháp phân tích lịch sử


Trong lúc những người có đức tin thường thắc mắc về một vài xu hướng của phương pháp phân tích lịch sử, thì trong những năm gần đây, phương pháp này đã bị phê bình cả trong Hội Thánh lẫn trong các đại học. Các lời phê bình ấy vạch ra giới hạn của phương pháp này.

Một trong các lời phê bình là phương pháp phân tích lịch sử thường có khuynh hướng nghiên cứu tiền sử của các bản văn Thánh Kinh mà không tìm hiểu ý nghĩa của toàn thể bản văn. Một số người có thể lý luận rằng, các học giả thuộc phái phân tích lịch sử bỏ ra quá nhiều năng lực để phân tích các nguồn và các tiền đề lịch sử của bản văn Thánh Kinh nên không còn năng lực để giải thích  ý nghĩa của bản văn cho chúng ta. Nghiên cứu theo phương pháp phân tích lịch sử thường được coi là chia cắt bản văn ra thành những mảnh vụn như mổ xẻ một xác chết không hồn mà không biết làm sao gắn lại được nữa. Những người nói lên các lời phê bình này đã kêu gọi phải chú ý đến sách Thánh Kinh cách toàn phần, như một bản văn thánh, hay ít ra một tác phẩm văn chương được cắt nghĩa trong hình thức cuối cùng, bất chấp lai lịch trước đây của các nguồn văn tác giả dùng. 

Một phê bình tương tự là trọng tâm của phương pháp phân tích lịch sử bị lệch lạc. Thay vì tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử được tái tạo đằng sau bản văn như các nhà phân tích lịch sử làm, một số người cho rằng phải chú tâm nhiều hơn đến những tường thuật trong bản văn Thánh Kinh. Các nhà bình phẩm này cho rằng thật là một sai lầm lớn cho các nhà phân tích lịch sử khi thay thế những câu truyện được kể trong Thánh Kinh với lịch sử được họ tái tạo dựa theo các tiêu chuẩn lịch sử hiện đại. Người đọc Thánh Kinh chỉ còn lại một số dữ kiện tối thiểu có thể được xác nhận cách chắc chắn trong lịch sử, mà mất đi các ý nghĩa phong phú đa dạng được tìm thấy trong chính những câu truyện được diễn tả trong Thánh Kinh. 

Một lời phê bình khác đã được những người có đức tin mạnh dạn đưa ra. Cộng đoàn tín hữu không đọc Thánh Kinh như một tác phẩm về lịch sử cổ thời, nhưng như Lời của Thiên Chúa. Nghiên cứu theo phương pháp phân tích lịch sử thường không vượt qua giai đoạn phân tích xem bản văn có ý nghĩa gì trong vị trí lịch sử nguyên thủy, để phân biệt xem bản văn muốn nói gì hôm nay với Dân Thiên Chúa là những người tìm các giáo huấn trong bản văn. Chú giải Thánh Kinh sẽ không trọn vẹn nếu chỉ phân tích lịch sử. Phân tích lịch sử phải đóng góp vào "phân tích theo giáo huấn Hội Thánh." Đức Thánh Cha Phaolô VI (trong bài diễn từ đọc trước Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, ngày 14 tháng 3, 1974) đã kêu gọi các học giả Thánh Kinh phải dùng phương pháp phân tích theo giáo huấn Hội Thánh bằng những lời này:

Công việc của anh em không phải chỉ giải thích các bản văn cổ để trở lại hình thái sơ khởi của một số bản văn Thánh Kinh. Nhiệm vụ chính yếu của một nhà chú giải Thánh Kinh là trình bày sứ điệp mặc khải cho Dân Thiên Chúa; phơi bày chính ý nghĩa của Lời Chúa ngay trong những Lời ấy trong mối liên hệ với con người hiện đại.  

Các phê bình cũng nhằm vào sự quá thiên lệch về lý trí thường xảy ra trong việc nghiên cứu Thánh Kinh khi dùng phương pháp phân tích lịch sử. Trong một vài trường hợp thì đó là hậu quả của việc áp đặt những hệ luận triết học trên một phương pháp lịch sử đáng lý ra phải trung dung. Một số các nhà phân tích Thánh Kinh dựa theo thuyết duy lý hoặc theo thuyết tự nhiên để tìm những cách giải thích theo lịch sử về các phép lạ xảy ra trong Thánh Kinh. Trong những trường hợp khác, điều này phản ảnh khuynh hướng của phương pháp. Một tiếp cận thiên về những trường hợp tương tự trong lịch sử, hoặc chịu ảnh hưởng bởi tiếp cận này, như một nguyên tắc thì thường không được trang bị để giải thích những biến cố mới và lạ lùng của mặc khải của Thiên Chúa mà Thánh Kinh làm chứng. Các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo sẽ dùng phương pháp phân tích lịch sử cách thận trọng, ý thức rằng phương pháp này có thể bị bóp méo bởi những thiên lệch duy lý dùng để chứng thực nội dung Thánh Kinh được giải thích. 

Việc nhấn mạnh đến sự gián đoạn của phương pháp phân tích lịch sử để giải thích Thánh Kinh cũng bị chỉ trích là đặt các truyền thống sớm và muộn vào vị thế đối nghịch nhau. Theo một số học giả duy lý vào thế kỷ thứ 19 thì Thánh Tông Đồ Phaolô đã dùng các huyền thoại của Hy Lạp về cứu độ mà bóp méo giáo huấn đơn giản của Chúa Giêsu. Còn các học giả Thánh Kinh ở hậu bán thế kỷ 20 thì lại khám phá ra rằng sứ điệp trung thực của Thánh Phaolô về ân sủng đã bị thất lạc khi Kitô Giáo được cơ chế hóa trong giai đoạn cuối của thời kỳ viết Tân Ước. Gần đây hơn nữa một số học giả bị lôi cuốn bởi các sách ngoài quy điển và một số truyền khẩu được tái tạo mà cho rằng chúng diễn tả sự bình đẳng của sứ điệp của Chúa Giêsu đúng hơn là sách Tân Ước, vì chúng không bị áp đặt bởi một giáo hội chuyên chế. Ngược lại phương thức của Công Giáo là nhấn mạnh sự liên tục và phát triển của của các truyền thống Thánh Kinh từ truyền khẩu và các bài viết về thời tiền sử, đến việc biên soạn cuối cùng và sát nhập vào quy điển, cùng việc liên tục sử dụng và giải thích Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh.  Một phê bình cuối cùng mà nhiều bình luận gia ngày nay nhắm vào phương pháp phân tích lịch sử là đả kích và việc phương pháp này đôi khi mạo nhận là có tính cách khoa học khách quan và địa vị đặc quyền của phương pháp này. Trong quá khứ chúng ta thường nghe nói về "kết quả chắc chắn" của phân tích thượng như là phương pháp phân tích lịch sử đã tái tạo được ý nghĩa gốc của các biến cố trong Thánh Kinh và các bản văn Thánh Kinh một cách chắc chắn theo khoa học. Trong một thế giới đa dạng của thời nghiên cứu Thánh Kinh hậu tân thời, tiếp cận lịch sử, mà tự nó đã đưa ra những phương pháp và những ước đoán khác nhau, bây giờ chỉ là một trong nhiều tiếp cận để nghiên cứu Thánh Kinh. Chúng tôi bênh vực sự đồng qui của tất cả những tiếp cận này trong phương pháp giải thích Thánh Kinh của Công Giáo. Phương pháp giải thích Thánh Kinh của Công Giáo xác nhận sự cần thiết của việc nghiên cứu bản văn theo phương pháp phân tích lịch sử, nhưng nó không phải là phương pháo độc nhất được dùng để hiểu bản văn Thánh Kinh. 

Phương Tiện

Các sách Bách Khoa và Tự Điển Thánh Kinh cung cấp cho chúng ta phương thế tìm tài liệu về lịch sử và văn hóa đứng sau các bản văn Thánh Kinh.  Một số tác phẩm hữu ích là: 
  • Anchor Bible Dictionary bộ bách khoa tự điển gồm 6 quyển dành cho học giả.
  • Cultural Dictionary of The Bible John Pilch. (Liturgical Press) trình bày phương diện xã hội và văn hóa của các vật dụng trong Thánh Kinh, các sinh hoạt thường nhật, các biểu tượng và quan niệm trong phạm vi lịch sử. 
  • Eerdman’s Dictionary of the Bible. (Eerdmans) Một tự điển Tồng Quát có tính cách Đại Kết dành cho các học giả. (600 học giả về Thánh Kinh góp bài). Cập nhật hóa nhất.
  • The Dictionary of The Bible. J. McKenzie. (Simon Schuster) học giả Dòng Tên soạn thảo.
  • HarperCollins Bible Dictionary - Một tự điển khác.
  • Nelson’s New Illustrated Bible Dictionary (Thomas Nelson) Tyndale Bible Dictionary (Tyndale House.) New Bible Dictionary (InterVarsity Press) Các tự điển tổng quát về Thánh Kinh  dựa theo các học giả bảo thủ.
Hầu hết các sách chú giải Thánh Kinh hiện đại nhấn mạnh đến việc giải thích Thánh Kinh theo lịch sử. Nghiên cứu và so sánh vài sách chú giải khác nhau sẽ cho thấy các cách giải thích khác nhau dựa theo phương pháp phân tích lịch sử. 
Trọn bộ chú giải một cuốn gồm:
  • The Collegeville Bible Commentary  Giải thích Thánh Kinh theo phương pháp lịch sử và từ chương bởi các học giả Công Giáo dùng ngôn ngữ dễ hiểu.
  • New Jerome Biblical Commentary (Prentice Hall) Giải thích Thánh Kinh theo phương pháp phân tich lịch sử có tính cách lý thuyết được soạn thảo bởi các học giả Công Giáo.  Sách này là bản tu chính của sách The New Jerome Bible Handbook  (Liturgical Press), là sách có tính cách bình dân hơn.
  • Farmer, William R., et al. The International Bible Commentary: A Catholic and Ecumenical Commentary for the Twenty-First Century (Liturgical Press) Sách gồm những bài giải thích dựa theo lịch sử, văn học và mục vụ do nhiều học giả trên toàn cầu đóng góp. Có nhiều bài giới thiệu tốt. 
Các bộ sách chú giải Thánh Kinh theo phương pháp phân tích lịch sử gồm nhiều quyển là:
  • Word Biblical Commentary 
  • Anchor Bible Commentary
  • New International Commentary on Old Testament and New International Commentary on the New Testament
Tự Điển Thần Học và Chú Giải Thánh Kinh giúp nghiên cứu các từ ngữ làm sáng nghĩa thần học các từ trong Thánh Kinh theo khung cảnh lịch sử và văn hóa đầu tiên của chúng.
  • Dictionary of Biblical Theology by Xavier Leon-DuFour, Hoc giả Thánh Kinh người Pháp. Pauline Books & Media.
  • Theological Dictionary of the New Testament Kittel, Gerhard, and G. Friedrich, eds. G. Bromiley, trs.Eerdmans. 10 vols. Gồm cả Kinh Thánh và mục lục bằng tiếng Anh.
  • Dictionary of New Testament Theology Colin Brown. Zondervan.
  • Sacramentum verbi: an encyclopedia of Biblical theology. Ed. by Johannes Baptist Bauer.  Herder and Herder

Áp Dụng

Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây về đoạn Thánh Kinh mà bạn đang tìm kiếm:
  • Nó được viết khi nào và ở đâu?
  • Nguồn văn đã được viết lại thế nào trong đoạn này?
  • Các từ chính trong câu có nghĩa gì trong khung cảnh nguyên thủy của chúng?
  • Tác giả nguyên thủy muốn nói gì cùng độc giả?
  • Việc nghiên cứu đoạn văn này theo phương pháp phân tích lịch sử có giúp thêm sự hiểu biết cho việc giải thích đoạn này trong hiện tại không?



1 nhận xét: