Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Phương Pháp Giải Thích Thánh Kinh Theo Quy Điển



Phương Pháp
Giải Thích Thánh Kinh
Theo Quy Điển

Bài này nói về Phương pháp Quy Điển và các ưu khuyết điểm của nó. Đây là phương pháp giải thích Thánh Kinh chú trọng đến việc các bản văn lịch sử này được cộng đồng tín hữu thu thập lại thành một Quy Điển Thánh Kinh.




  

Thế Giới ngoài Bản Văn
(Cộng Đồng Giải Thích)

PHẠM VI
& PHƯƠNG PHÁP QUY ĐIỂN

Trình bày phương pháp:

Phương pháp Quy Điển là phương pháp giải thích Thánh Kinh trong đó chú trọng đến việc các bản văn lịch sử này được cộng đồng tín hữu thu thập lại thành một Quy Điển Thánh Kinh. Đối với những người giải thích Thánh Kinh theo tiếp cận này, quan niệm về quy điển đưa đến ba hiệu quả chính trong việc giải thích Thánh Kinh.

Thứ nhất, sự chú trọng đến những gì xảy ra trước khi bản văn Thánh Kinh được soạn thảo và các nguồn tài liệu có trước đó của các nhà phân tích lịch sử được thay thế bằng việc đặt trọng tâm vào dạng quy điển cuối cùng của Sách Thánh như là một khối duy nhất. Mỗi đoạn được cắt nghiã theo mạch văn của toàn thể cuốn sách.
Thứ nhì, qua việc đặt một sách vào quy điển  Thánh Kinh, sách ấy được đặt vào một khung cảnh mới. Mỗi bản văn Thánh Kinh giờ đây là phần tử của một bộ sách. Quy điển cung cấp cho chúng ta một phạm vi để giải thích Thánh Kinh -- các sách Thánh Kinh được giải thích trong phạm vi của toàn bộ Thánh Kinh.

Thứ ba, "quy điển" ám chỉ một sưu tập các sách "thánh". Quy điển là một sưu tập các bản văn "thánh" có địa vị uy quyền đối với một cộng đồng tôn giáo. Các sách này được công nhận là mặc khải bởi Thiên Chúa, là những thông điệp từ Thiên Chúa, và tiếp tục thích hợp với cộng đồng tín hữu, cùng siêu vượt các giới hạn của tình trạng lịch sử nguyên thủy của chúng. Các nhà chú giải theo quy điển cắt nghĩa các bản văn Thánh Kinh như là những bản văn thánh và cố gắng giải thích ý nghĩa của các bản văn này cho cộng đoàn tín hữu hiện đại.

Biện minh cho phương pháp
giải thích Thánh Kinh theo quy điển

Sau khi xác định sự cần thiết phải chú ý đến phạm vi lịch sử và các dạng văn chương của Thánh Kinh, hiến chế về Mặc Khải của Thiên Chúa kêu gọi phải đồng thời chú ý đến phạm vi quy điển của Thánh Kinh:

Vì Thánh Kinh  phải được đọc và giải thích nhờ cùng một Thánh Thần, là Đấng đã viết Thánh Kinh (dịch khác bản tiếng Anh, xin xem chú thích), nên phải quan tâm đến nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh … (Dei Verbum 12).

Cần phải giải thích Thánh Kinh theo quy điển vì Hội Thánh hiểu Thánh Kinh như một bộ sách sưu tập các văn bản được Thiên Chúa linh hứng và được Hội Thánh công nhận là quy luật có thẩm quyền về Đức Tin. Điều này có nghĩa là nếu chỉ dùng phương pháp phân tích lịch sử mà thôi thì chưa đủ. Cần phải giải thích theo Thần Học, nghĩa là giải thích Thánh Kinh như những thông điệp của Thiên Chúa gửi cho Dân Chúa qua dòng lịch sử. Hơn nữa, mỗi sách trong Thánh Kinh phải được cắt nghĩa như là một phần của toàn bộ Thánh Kinh. Toàn thể Thánh Kinh đều được linh hứng. Trong sự đa dạng của Thánh Kinh lại có một sự hiệp nhất về chân lý là kết quả của sự linh hứng của Một Chúa Thánh Thần duy nhất, là Đấng thúc đẩy và hướng dẫn các thánh sử viết các sách trong quy điển, được Hội Thánh thu thập và công nhận. Đối với nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo thì sự hiệp nhất này được tìm thấy trong Đức Kitô, là Đấng kiện toàn Cựu Ước và ban cho chúng ta một trọng tâm cho Tân Ước.

Đối với các học giả Công Giáo, việc chú giải Thánh Kinh theo qui điển phải đi song song với việc giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh. "Qui điển" ám chỉ một cộng đồng tôn giáo là cộng đồng có khả năng và thẩm quyền để thừa nhận những sách nào thuộc về quy điển và loại ra ngoài quy điển những sách khác. "Chú giải Thánh Kinh theo Quy điển" chấp nhận "cái cộng đồng lập ra quy điển", là Hội Thánh, như là một phạm vi mà trong đó Thánh Kinh được giải thích.

Chú thích của dịch giả:

Đoạn này chúng tôi không dịch theo bản Tiếng Anh vì bản này dịch mù mờ: "But since holy scripture must be read and interpreted in the same spirit in which it was written,"  mà dịch theo bản Tiếng Pháp "Mais comme l'Écriture Sainte doit être lue et interprétée avec le même Esprit qui l'a fait écrire" hay là bản La Tinh: "Sed, cum Sacra Scriptura eodem Spiritu quo scripta est etiam legenda et interpretanda sit" cả chữ "qui" của tiếng Pháp và "quo" của tiếng La Tinh đều là đại từ liên tiếp (relative pronoun) chỉ chữ Esprit hay Spiritu viết hoa, có nghĩa là Chúa Thánh Thần, chứ không viết thường "spirit" như bản tiếng Anh.

Giới hạn của
phương pháp giải thích
Thánh Kinh theo quy điển

Việc Công Giáo tôn trọng "lịch sử" của mặc khải đưa đến một số thận trọng đối với tiếp cận quy điển trong việc giải thích Thánh Kinh. Quy điển của Kitô giáo đưa người ta đến việc đọc Thánh Kinh của Do Thái như là "Cựu Ước" được nên trọn trong Tân Ước là làm chứng cho Đức Kitô. Trong Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh, Ủy ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh xác nhận cách đọc Cựu Ước quy chiếu về Đức Kitô này, nhưng khuyến cáo rằng cách giải thích như thế không có nghĩa là hoàn toàn bất chất những ý nghĩa trước đây của những sách Thánh Kinh ấy:

Phải tôn trọng mỗi giai đoạn của lịch sử Cứu Độ.  Loại bỏ hoàn toàn các ý nghĩa riêng của Cựu Ước có nghĩa là nhổ Tân Ước ra khỏi các cội nguồn trong lịch sử.

Tôn trọng sự khác biệt về văn chương và thần học của Thánh Kinh đưa đến một sự thận trọng khác về tiếp cận quy điển về Thánh Kinh. Việc giải thích Thánh Kinh theo quy điển cũng phải tôn trọng sự khác biệt về các hình thức văn chương và các quan điểm thần học tìm thấy trong Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh dưới ánh sáng của toàn thể quy điển không có nghĩa là tạo ra những sự hòa hợp hay thống nhất giả tạo bất kể sự khác biệt về các thể văn và quan điểm thần học trong quy điển Thánh Kinh. 
Giải thích theo quy điển cũng phải để ý đến sự khác biệt của các quy điển. Do Thái giáo và Kitô giáo không những chỉ có các sách khác nhau, mà những sách có chung trong hai quy điển lại không được xắp đặt giống nhau, tạo thành hai cấu trúc về quy điển khác nhau cho một tuyển tập tương tự. Trong khi quy điển của Công Giáo và Tin Lành có cách xắp đặt gần giống nhau, nhưng lại khác nhau về nội dung của Cựu Ước. Một số học giả Thánh Kinh thời nay đề nghị một quan niệm về quy điển mở rộng và uyển chuyển hơn  bao gồm cả những sách Hipri và Kitô giáo đã bị loại ra ngoài quy điển hiện hành. Mỗi cách giải thích Thánh Kinh theo quy điển sẽ trình bày lối cắt nghĩa theo phạm vi quy điển của giáo hội mình. Những người đọc Thánh Kinh trong phạm vi quy điển phải đọc với một ý thức về phạm vi quy điển và giải thích của giáo hội xuất bản quyền sách ấy. 

Phương Tiện

Giải thích Thánh Kinh theo quy điển hầu như không còn thịnh hành trong khung cảnh giải thích Thánh Kinh thời đại nữa. Học giả Thánh Kinh Tin Lành, Brevard S. Childs, trong thập niên 1970, đã bắt đầu kêu gọi các học giả Thánh Kinh xét lại phạm vi quy điển của Thánh Kinh. Tác phẩm của ông, Introduction to the Old Testament as Scripture and The NewTestament as Canon: An Introduction vẫn được dùng như một sách nhập môn về giải thích Thánh Kinh theo quy điển.

Các Bách Khoa Tự Điển về Thánh Kinh có thể được dùng để trợ giúp việc giải thích Thánh Kinh theo quy điển, vì các sách này thường có những bài truy nguyên các đề tài Thánh Kinh qua toàn bộ quy điển.

Các Sách Mục Lục (Concordances) có thể được dùng để tìm ra các đoạn chứa đựng chữ muốn tra cứu trong toàn thể Thánh Kinh. (Thảo chương Thánh Kinh hay các Thánh Kinh trên mạng lưới Internet cũng giúp ta tìm được các đoạn này).

Để có thêm ví dụ về giải thích theo quy điển, bạn có thể trở lại các Giáo Phụ và các nguồn tài liệu khác trong phần Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh. 

Áp Dụng

Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây về đoạn Thánh Kinh của bạn:
•    Đoạn này cho bạn những sứ điệp, hay sự
      hiểu biết gì về các giáo huấn thần học?
•    Thông điệp thần học của đoạn này có góp phần vào thông điệp thần học của cả cuốn sách chứ đựng đoạn này không?
•    Thông điệp này có góp phần vào giáo huấn
     chung của Thánh Kinh không?
•    Giáo huấn hay thông điệp của Thánh Kinh nói chung giúp gì cho bạn để hiểu biết về ý nghĩa thần học của đoạn này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét