Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Cách dùng Thánh Kinh trong việc Dạy Giáo Lý và Cầu Nguyện





Cách dùng Thánh Kinh
trong việc Dạy Giáo Lý
và Cầu Nguyện


Giáo Lý và Thánh Kinh cần phải đi liền với nhau. Dùng Thánh Kinh trong Giáo Lý và cầu nguyện giúp học sinh hiểu rõ nền tảng của Giáo Lý và dễ dàng sống những điều mình học hơn.


Có khi nào điều này xảy ra cho bạn không? Vị linh mục hay người đọc bắt đầu công bố bài Thánh Kinh trong Thánh Lễ, và bạn lập tức nhận ra bài đó. Bạn nghĩ: Ồ, đó là bài nói về ông Abraham và Isaac, hay về các cô trinh nữ khôn ngoan và khờ dại. Trước khi bạn bừng tỉnh, bạn đã lạc vào mê hồn trận của những liên quan bừa bãi và những tư tưởng khác, cho đến khi người đọc kết luận, “Lời của Chúa”, lúc ấy bạn ra ngoài những ý nghĩ của mình và ý thức rằng bạn thật sự đã không nghe bài đọc vừa được công bố.

Cảnh tượng như thế cho thấy thực trạng của việc chúng ta tiêu thụ các tin tức như thế nào: việc một lời hay một câu gợi lên nhiều điều trong trí nhớ là thường. Một câu truyện quen thuộc có thể lôi cuốn chúng ta vào một dòng ý thức dễ dàng bị trôi xa khỏi biến cố ban đầu. May thay, sự tài tình của phụng vụ Công Giáo là không chỉ dựa vào lời nói. Từ lâu trước khi nhà tâm lý học Howard Gardner hình thành thuyết thông minh đa dạng [1] của ông, phụng vụ đã sử dụng nhiều cách để kết hợp cộng đoàn lại với nhau trong cầu nguyện và giúp họ tham gia việc thờ phương có ý nghĩa: cuộc rước và các bài hát, nến cháy và hương trầm, bánh và rượu, các cửa kính vẽ hình và kiến trúc, chúc bình an cho nhau và tham dự vào các câu đáp trong nghi thức, cũng như công bố và lắng nghe.

Cũng thế, có nhiều cách để biến Thánh Kinh thành phần tử của toàn thể việc phụng tự lẫn dạy Giáo Lý. Đây là một số phương thức để các bạn suy nghĩ.

Hoạt Cảnh

Một trong những cách để làm cho Thánh Kinh trở nên sống động, nhất là với trẻ em là diễn kịch. Các hoạt cảnh này có thể được sửa soạn kỹ càng hay ứng biến tại chỗ. Chúng có thể được diễn tả cách hiệu quả bởi các trẻ em trẻ khoảng sáu tuổi, cũng như người lớn. Hoạt cảnh là một phương pháp dạy học có thể được dùng thường xuyên, giúp cho nhiều người tham gia, và sử dụng nhiều giác quan trong tiến trình học hỏi. (Đương nhiên là những hoạt cảnh như thế không bao giờ được thay thế việc công bố Tin Mừng và bài giảng trong Thánh Lễ).

Đem Thánh Kinh vào đời sống có thể được thực hiện trong các sinh hoạt gia đình. Nếu bạn chỉ muốn các diễn viên là trẻ em, thì hãy dùng phụ huynh trong việc soạn thảo văn bản, chế tạo y phục, và tổ chức thực tập, cũng như đặt chương trình cho buổi tiếp tân sau cuộc trình diễn. Đừng sợ khuyến khích các phụ huynh đóng các vai kịch, nhất là những vai trò chống đối - để cha mẹ làm đứa con hoang đàng, một em là cha mẹ tha thứ.

Trong khi bạn có thể làm những vở kịch nhỏ bất cứ lúc nào, có một số thời điểm nào đó của năm rất thích hợp cho việc đóng kịch Thánh Kinh. Các mùa Vọng/Giáng Sinh và mùa Chay/Phục Sinh là những thời điểm hiển nhiên, nhưng bạn cũng có thể để cho sách bài đọc quyết định các bài đọc của bạn.  Hãy nghĩ đến những câu truyện dễ đóng kịch, như trong Luca 15:11-32, dụ ngôn người con hoang đàng.

Đây là một cách đóng dụ ngôn này. Để một phụ huynh lớn tiếng đọc bản văn, như là kể lại câu truyện cách chầm chậm. Một người khác, phụ huynh hay trẻ em, diễn tả thái độ của đứa con trong khi người kia đọc đoạn văn. Một người khác đóng vai nguời cha đang kiên nhẫn chờ đứa con trở về và sau đó vui mừng liên hoan khi người con về đến nhà. Dùng bong bóng để ám chỉ bầu không khí liên hoan. Cho nhiều người đóng những vai trò tình cờ xảy  ra trong câu truyện. Cần dùng cả âm nhạc để giúp truyền đạt sứ điệp của câu truyện.

Sau hoạt cảnh, khuyến khích tham dự viên tham gia việc suy niệm cá nhân và nhóm nhỏ. Cung cấp các câu hỏi cho gia đình dùng để hội thảo tại chỗ, và có thêm cả những câu hỏi mà các gia đình có thể dùng để bàn luận theo sau biến cố này.

Bạn có thể dùng cách thức này trong các buổi tập họp hay trong các lớp học, ngay cả trong những buổi họp. Sao các bài đọc, gạch dưới các phần cá nhân, và phân phát cho bất cứ ai. Chỉ cần giải thích ngắn gọn, nhưng sẵn sàng có người thay thế nếu có ai từ chối. Lần sau họ sẽ biết phải làm gì.

Cầu Nguyện bằng Thánh Kinh.

 Trong khi có những người sẽ cầu nguyện bằng Thánh Kinh với cách mà đôi khi người ta gọi là “xoay ổ đạn” - tức là mở bất cứ đoạn Thánh Kinh nào ra cách ngẫu nhiên, và coi là Thiên Chúa nói với họ bằng bất cứ câu nào mà ngón tay họ đặt vào – Cách thực hành này không thông dụng trong truyền thống Công Giáo.

Một hình thức cầu nguyện bằng Thánh Kinh là một phần quan trọng của truyền thống Công Giáo là việc thực hành Lectio Divina, được bắt đầu từ những ngày sơ khai của đời sống tu viện (khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm). Dùng một tiến trình suy niệm để đọc Thánh Kinh, Lectio Divina là một cách rất hiệu quả để cầu nguyện với các bài đọc hằng ngày hoặc các bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật.

Tiến trình Lectio Divina rất dễ để giới thiệu cho cá nhân hoặc các nhóm, lớn hay nhỏ. Có nhiều cách khác nhau trong tiến trình này, nhưng đây là một cách có thể dùng dễ dàng trong một nhóm lớn.

Bảo mỗi người mang một cuốn sách Thánh Kinh và một sổ tay đến khóa. Có thêm một số Thánh Kinh và sổ tay cho những người quên mang đi.

Bắt đầu bằng cách hỏi các tham dự viên để cho tâm trí và tinh thần lắng đọng. 
Giải thích rằng bạn sẽ đọc lớn tiếng một đoạn Thánh Kinh vài lần, và mời các tham dự viên cùng theo dõi với bạn bằng cách nhìn vào Thánh Kinh của họ.

Đọc qua lần thứ nhất, họ phải lắng nghe để tìm được một lời hay một câu làm cho họ chú ý. Họ có thể viết xuống để suy nghĩ sau đó.
Trước khi lớn tiếng đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ nhì, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ xem đoạn Thánh Kinh này có ý nghĩa gì đối với đời sống của chính họ.

Trước khi đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ ba, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ về việc họ phải trả lời thế nào đối với Lời của Thiên Chúa.

Sau mỗi lần đọc để cho các tham dự viên suy nghĩ về đoạn Thánh Kinh và cầu nguyện bằng đoạn Thánh Kinh ấy. Họ có thể dùng sổ tay để viết các suy tư, cám tưởng, hình ảnh và tư tưởng mà bài đọc gợi ra trong tâm trí họ xuống.

Cuối cùng, sau một thời gian thích hợp, hỏi xem có tham dự viên nào muốn chia sẻ lớn tiếng tư tưởng và lời cầu nguyện của họ từ cảm nghiệm này không.

Tưởng Tượng

 Phương pháp Linh Thao của Thánh Ignatiô Loyola cung cấp cho chúng ta một thí dụ sống động về việc tưởng tượng đi vào Thánh Kinh thế nào. Những cách khác nhau được đề nghị ở đây bao gồm cả hoạt cảnh lẫn cầu nguyện. Tiếp cận này có hiệu quả nhất với những dạng kể chuyện hoặc câu truyện trong Thánh Kinh, như là các sách Tin Mừng và hầu hết Cựu Ước. Có thể được dùng cá nhân hay nhóm.

Bắt đầu với việc đọc câu truyện trong cầu nguyện. Rồi đặt mình vào hoàn cảnh của một trong các nhân vật trong câu truyện; cố gắng đi vào vai trò ấy trong một bài đọc tiếp theo. Làm nhân vật này có ý nghĩa gì? Bạn thấy, nghe, ngửi, cảm giác và nghĩ gì? Bạn được tự do hay bị ràng buộc một cách nào đó? Điều gì xảy ra cho bạn, và tại sao? Ở lại với cảm nghiệm này trong cầu nguyện, và viết nhật ký về điều đó. Cảm nghiệm này phản ảnh một điều gì trong đời bạn thế nào? Bạn có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đâu trong việc này? Bạn được mời gọi để trả lời thế nào?

Cách thực hành này có thể được dùng bởi những nhóm thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt là các trẻ em trong tuổi tiểu học thông thạo loại thực tập này cách kỳ lạ, và câu trả lời của các em thường thâm thúy.

Tóm lại, dù trong cầu nguyện hay trong việc dạy Giáo Lý, hãy để Thánh Kinh thở cho bạn và cho giáo dân của bạn. Thay vì để Thánh Kinh mãi là những lời cổ xưa trên một trang giấy, hãy nhóm những lời ấy lên trong trí tưởng tượng của bạn, và mời những lời ấy vào đời sống bạn là nơi mà chúng có thể trở nên sống động và thích hợp với kinh nguyện hằng ngày. Nguyện xin Thiên Chúa ban bình an và phúc lành cho thừa tác vụ của bạn.

GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi phiên dịch từ tài liệu Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer của HĐGMHK

[1] The eight intelligences we possess are linguistic, logical-mathematical, musical, bodily-kinesthetic, spatial, interpersonal, intrapersonal, and naturalist (see Gardner’s Frames of Mind: A Theory of Multiple Intelligences [10th anniversary ed.] [New York: Basic Books, 1993).
[2] Daily readings are available online at www.usccb.org/nab.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét