Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ THÁNH KINH THEO NHÓM





PHƯƠNG PHÁP
CHIA SẺ THÁNH KINH THEO NHÓM  
Linh Mục Giuse Trịnh tín Ý
(dành cho Giới Trẻ)



I. GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP  

Để Lời Chúa thấm nhuần vào đời sống, Phương Pháp Chia sẻ Lời Chúa Theo Nhóm (gọi tắt làPPCS) sẽ giúp các bạn trẻ tập suy nghĩ theo lời Chúa và dẫn nhập Lời Chúa vào cuộc sống. Phương pháp gồm 4 bước:  

1/         Đọc chung và đọc to tiếng một đoạn Lời Chúa  

2/         Đặt câu hỏi gợi ý suy nghĩ  

3/         Suy nghĩ và trả lời (bằng miệng hay trên giấy)  

4/         Rút ra bài học sống.  

5/         Cầu nguyện (theo tâm tình được cảm nhận từ cuộc chia sẻ)  

Bước đầu chúng tôi giới thiệu những câu hỏi làm sẵn chỉ mong giúp các thành viên của nhóm tập đặt câu hỏi và suy nghĩ. Phương pháp rất tán thành những câu hỏi khác thích hợp môi trường và trình độ của các nhóm. 

Những câu hỏi sẽ tuần tự diễn tiến từ phần mở sang phần khai triển rồi tiếp phần suy nghĩ.  

PPCS bắt đầu từ Tin Mừng Maccô với những điểm dẫn nhập vắn gọn, không mang tính nghiên cứu chuyên môn, chỉ nhằm giúp các nhóm đôi nét tổng quan về bản văn cho dễ hiểu ý nghĩa trong văn mạch. 

Những thành viên của nhóm cần thành thật suy nghĩ, cởi mở chia sẻ, và thành tâm cầu nguyện. Sinh hoạt của nhóm cần được ban tổ chức sắp xếp để tránh trường hợp các thành viên quá chênh lệch nhau về trình độ văn hóa, dễ gây bầu khí chán nản. 


II. NĂM CĂN BỆNH TRẦM KHA DỄ LÀM BỊ THƯƠNG NHÓM CHIA SẺ 
 a/ Xung động    

Triệu chứng: Đổ mồ hôi khi gặp mặt nhau giờ chia sẻ, tiếng nói bị nghẹn. Mỗi khi “tới lần ai nói ” là đầu óc trống rỗng, tư tưởng biến đi hết.  

Căn bệnh: Sợ gặp gỡ.  

Chữa trị: Chia nhỏ nhóm và xin mỗi người ngồi với nhau như bạn đồng bàn. Có thể tổ chức bữa ăn nhỏ trước giờ chia sẻ.  

b/ Đóng băng  

Triệu chứng: Tránh nhìn nhau, phát âm lắp bắp, chờ mãi mới có ai đó mở lời, nhưng chẳng ai tiếp lời. 

Căn bệnh: Thiếu mô kết nối do ít tin tưởng nhau.  

Chữa trị: Củng cố tinh thần nhóm bằng những cuộc tiếp cận, giao cảm, chia sẻ chuyện đời mình với những ước mơ, trăn trở. Tránh phê phán người vắng mặt.  

c/ Dị dạng  

Triệu chứng: Nhiều tiếng thở dài, bẻ tay, nhìn đồng hồ, một vài người lên tiếng, những người khác chờ nghe, một vài người dẫn đường, những người khác đi theo.  

Căn bệnh: “Tế bào phì đại” lấn át các tế bào khác làm cho toàn thân thành dị dạng.  

Chữa trị: Cấu trúc lại thành phần nhóm và hóa giải những tư thế làm mối tương giao mất cân bằng. Hạn chế lối chia sẻ mô phạm. Điều chỉnh thời lượng chia sẻ của những người tham dự.  

d/ Trì trệ ấu thơ  

Triệu chứng: Nhiều câu hỏi, ít câu trả lời, chờ can thiệp của nhân vật có quyền trong sinh hoạt nhóm, thích sao chép những mẫu mã.  

Căn bệnh: Thiểu năng tinh thần do thiếu tự tin.  

Chữa trị:  Nhìn lại mục đích: Chia sẻ kinh nghiệm sống không chia sẻ những bài giáo khoa Lời Chúa  

e/ Thuốc quá liều  

Triệu chứng: Dáng mặt mệt mỏi, nhiều tiếng lẩm bẩm, bầu khí khó nghe, khó nói và khó cảm, nóng nảy, dễ phản ứng khó chịu trước những lời nói, thái độ vụn vặt bên lề.  
Căn bệnh: Nặng quá suy tư, nhẹ quá kinh nghiệm sống Lời Chúa.  

Chữa trị: Quân bình cuộc hội thoại giữa nghe và nói, quân bình chứng từ và kinh nghiệm sống (tránh nói quá dài), chọn thời điểm thư giãn. 


III. DẪN NHẬP TIN MỪNG MACCÔ  

Tác Giả 

            Maccô tên đầy đủ là Gioan Maccô, con của bà Maria. Các môn đệ của Chúa hay gặp gỡ nhau tại nhà ông. Riêng thánh Phêrô đã tới thẳng đây sau khi ra khỏi tù (Cv 12, 1- 7). Thời trai trẻ, Maccô đã dấn thân làm việc cho Giáo Hội sơ khai. Đặc biệt Maccô rất gần với Phêrô nên Phêrô đã gọi anh là “Maccô, người con của tôi” (1, Pr 5, 13). Maccô cũng được nhiều người coi là thư ký của Phêrô và nghĩ Tin Mừng Maccô phản ảnh nhãn quan của Phêrô về các biến cố. Giám mục Papias (viết năm 140) xác nhận: “Maccô đã thành thông dịch viên của Phêrô, Maccô đã viết ra những gì anh nhớ, những lời Chúa nói và việc Chúa làm, tuy nhiên không theo đúng thứ tự”.  

Maccô cũng tiếp cận gần với thánh Phaolô. Cùng với người anh họ Barnaba, anh đã tháp tùng thánh Phaolô trên chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên. Maccô đã bỏ đoàn ở Perga khi đoàn chuyển hướng sang Á Châu. Do chuyện này Phaolô đã từ chối không cho anh theo trong chuyến hành trình thứ hai, nên Barnaba đã đi với Maccô tới Đảo Cyprô trong khi thánh Phaolô đi với Sila. Về sau Phaolô và Maccô hòa nhau và anh thành bạn đường của Phaolô khi thánh Tông Đồ bị cầm tù tại Roma. Theo truyền thuyết, anh đã lập Giáo hội tại Alexandria, Ai Cập.

Niên hạn và thính giả  

Đã lâu các Kitô hữu tại Roma ít bị để ý nhưng từ khi hoàng đế Nêrô đốt thành Roma năm 64, ông đã đổ lỗi cho các Kitô hữu, các Kitô hữu bắt đầu bị bách hại. Nhiều người bị ném vào hang sư tử hoặc bị thiêu sống. Trong bầu khí bách hại đó, Maccô đã viết Tin Mừng trực tiếp cho họ và viết trong khoảng từ năm 60 đến 70.  

Tin Mừng Maccô là bản viết đầu tiên về cuộc đời Chúa Giêsu, bản sưu tập những chuyện truyền khẩu khá phổ biến và cũng được Tin Mừng Matthêu và Luca sử dụng.  
Đặc điểm  

Trong bản văn Tin Mừng vắn nhất này, tác giả nối kết những loạt chuyện kể nho nhỏ về cuộc đời Chúa Giêsu. Những câu văn ở đây gần như văn thiếu nhi. Tác giả hình thành những mệnh đề đơn giản rồi nối kết với nhau bằng liên từ “và”. Thế nhưng Tin Mừng này lại phong phú và sống động nhất về chi tiết của thị chứng nhân. Chẳng hạn khi trình bày Chúa Giêsu chúc lành cho các em thiếu nhi, một mình Maccô kể, trước tiên, Chúa Giêsu ôm các em trong vòng tay Chúa (Mc 10,13- 16).  



NHỮNG CÂU HỎI


ĐI THEO TIN MỪNG MACCÔ
MACCÔ 1, 1- 19  
Gioan chuẩn bị con đường cho Đấng Cứu Thế  

Mở  
1/ Khi nhận thư từ, bạn mở đọc thư nào trước?  
2/ Khi chọn mua áo quần, bạn thích chọn loại giá thấp hay chọn loại phẩm chất cao?  

Khai triển  
1. Lời trích tiên tri Isaia (Mal 3,1: Is 40, 3) đề cập gì tới “Đấng đang đến”?  
2. Tại sao sứ vụ của Gioan Tẩy Giả lại phổ biến đến thế (4-5) ?  
3. Lối ăn, cách mặc của Gioan cho thấy ông chủ trương gì về tiền của?  
4. Bạn giải thích thế nào về thái độ đám đông chờ đón Gioan, dù sứ điệp của Gioan rất cứng rắn?  
5. Bạn nghĩ, chim bồ câu và tiếng nói từ trời có ý nghĩa gì với Chúa Giêsu khi Người vừa lên khỏi nước?  

Suy nghĩ  
1. Trong đời bạn có gì minh họa được ý nghĩa nào đó của lòng “sám hối và trở về”? 
2. Với bạn, Chúa đã sai bạn vào sa mạc tinh thần nào?  
3. Cuộc vào sa mạc này có khẳng định tình yêu của Chúa hay một sứ mạng Chúa trao?  

CHÚA GỌI CÁC MÔN ĐỆ  ĐẦU TIÊN  

Mở        
Lần đầu tiên “bỏ nhà đi” bạn đã đi đâu?  

Khai Triển  
1/         Theo Chúa Giêsu, Tin Mừng là gì?  
2/   Nước Trời có ý nghĩa gì với các môn đệ ?  

Suy nghĩ  
Vào dịp nghỉ cuối tuần, bạn muốn làm gì đó mang ý nghĩa “Sám hối và trở về”, bạn chọn làm gì:  
(a) đi câu cá?  
(b) vẫn tiếp tục chuyện làm ăn đang trên đà giao dịch?  
(c) Tìm tới nhà thờ dọn mình xưng tội? Giải thích.  


MACCÔ 1, 1- 8 (THẢO LUẬN)  

Đọc Tin Mừng Mc 1, 1- 8 / 25 phút và thảo luận. 

Trả lời có, không hay có thể cho những tình huống sau:  

1/         Gioan là loại người thích... (có / không / có thể)  
            c / k / ct            Đi siêu thị.  
            c / k / ct            Ru tôi ngủ.  
            c / k / ct            Lái xe đường trường nhưng vẫn giữ tốc độ giới hạn.  
            c / k / ct            Gửi người tới bệnh viện thuyết phục bệnh nhân đau tim nặng cải đạo.  
            c / k / ct            Vào ăn tại những cửa hàng sang trọng.  

2/         Tại sao dân chúng lũ lượt tìm đến với Gioan thay vì trốn chạy?  
a. Ông là tiên tri đầu tiên trong 300 năm.  
b. Ông làm chuyện lý thú hơn cả một tay ảo
           thuật gia.  
c. Ông nói lên sự thực trong lòng người dân.  
d. Ông trình bày về tội và ơn tha thứ.  

3/         Gioan giữ vai trò gì trong kế hoạch toàn bộ của Thiên Chúa?  
a. Nối kết Cựu Ước với Tân Ước.  
b. Chuẩn bị cho dân đón Chúa Giêsu.  
c. Làm phép rửa cho Chúa Giêsu.  
d. Cảnh giác các tội nhân mong muốn họ đi tìm đấng Cứu Chuộc.  

Kể chuyện đời mình / 20 phút  

1/         Nếu Gioan tới khu phố của bạn loan báo sứ điệp này, theo bạn, ông sẽ được đón tiếp thế nào?  
a. Giới truyền thông sẽ say sưa đón nhận.
 b. Dân chúng đổ xô tới gặp gỡ Gioan.  
c. Các nhà thờ mở rộng cửa chào đón Gioan.  
d. Dân chúng tỉnh bơ, phớt lờ.  

2/         Ai đã giữ phần vụ của Gioan, “Chuẩn bị con đường” cho Chúa Giêsu trong đời bạn?  
a. Cha mẹ.  
b. Cha sở.  
c. Một người bạn thân.  
d. Chẳng ai hết.  

3/         Bạn cảm nhận lúc này đang có mối tương quan nào giữa bạn với Chúa Giêsu?  
a. Ở bước đầu.  
b. Đang duy trì.  
c. Đang tiến triển.  
d. Rất mong manh.  


Mc 1, 21- 45  
CHÚA GIÊSU XUA ĐUỔI QUỶ  

Mở        
1/         Ai là thày cô tuyệt vời nhất bạn đã gặp?  
2/         Thày cô này đã giảng dạy thế nào?  

Khai triển  
1/         Tại sao bạn nghĩ Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng trong một hội đường? Thái độ hay lời nói nào của Người đã làm dân chúng ngạc nhiên?  
2/         Thế nào là “giảng dạy như Đấng có quyền?” Đâu là bản chất, nguồn gốc quyền bính của Chúa?  

Suy nghĩ  
1/         Bạn chân nhận thế nào về Nước Trời ở đây?  
2/         Bạn cảm nhận gì về quyền của Chúa trong đời?  


CHÚA CHỮA TRỊ NHIỀU BỆNH NHÂN  
Mở
 1/         Hồi thơ ấu bạn khỏe mạnh hay thường đau yếu?  
2/         Lúc nào bạn thấy mình cô đơn?  

Khai Triển  
1/         Đâu là lãnh vực mới về quyền bính của Chúa ở đây?  
2/         Bạn hình dung gì về quyền bính của Chúa trong câu 32- 34? Tại sao Chúa buộc tên quỷ phải im miệng?  
3/         Sau một ngày dưới sức ép của cuộc sống, Chúa Giêsu có thể cảm nhận gì khi bình minh ló dạng?  
4/         Chúa Giêsu đã cầu nguyện gì? Điều này có liên hệ gì tới quyết định của Chúa? (c 38).  
5/         Nếu là Simon, bạn cảm nhận thế nào về quyết định đó?  

Suy Nghĩ  
1/         Theo kinh nghiệm của bạn, hành động nhân danh Chúa và suy niệm với Chúa ảnh hưởng hỗ tương nhau thế nào?  
2/         Bạn thấy gì nơi những chuyện kể về Chúa Giêsu và Nước Trời?  


MỘT NGƯỜI PHONG CÙI
ĐƯỢC CHỮA LÀNH  
Mở                    
Khi bị kẹt giữa đám đông (chẳng vào giờ cao điểm, trong lễ hội...) Bạn làm gì?  

Khai Triển                       
1/         Tại sao người cùi không dám chắc chính Chúa cũng mong được giúp đỡ mọi người?  
2/         Khi đụng chạm tới người phong cùi, Chúa đã làm gì đáng chú ý nhất?  
3/         Đám đông đợi chờ gì nơi Chúa?  

Suy nghĩ  
1/         “đụng chạm vào ai đó” thái độ này có ý nghĩa gì với Chúa Giêsu?  
2/         Tuần này, bạn cần một cú đụng chạm đặc biệt nào của Chúa?  
3/         Bạn có thể “đụng chạm?” thế nào tới những người cùi trong cộng đồng của bạn?


Mc 2, 1- 22  

CHÚA GIÊSU
CHỮA LÀNH MỘT NGƯỜI TÊ LIỆT  

Mở  
Nếu bạn rơi vào một tình thế ngặt nghèo lúc 3g sáng, bạn sẽ kêu người bạn nào tới giúp?  

Khai triển  
1/ Bạn có thể thấy gì và cảm nhận gì nếu bạn có mặt trong đám đông hôm ấy?  
2/ Trong tình huống ấy nếu là chủ căn nhà, bạn nghĩ gì và phản ứng ra sao? Và nếu là chính bệnh nhân bại liệt?  
3/ Tại sao các thày hôm ấy lại xốn sang? Trong tâm tư họ nghĩ về tội và quyền năng của Thiên Chúa có liên hệ gì với tội nhân?  
4/ Tại sao Chúa Giêsu không chữa ngay cho bệnh nhân bại liệt như mọi người đang mong đợi?  
5/ Chúa đã bày tỏ lối nhìn mới mẻ nào về Nước Trời và về chính mình?  

Suy nghĩ  
1/ Bệnh bại liệt giống tội lỗi ở góc cạnh nào?  
2/ Lời Chúa tha thứ cho bạn có là ơn ban về niềm tự do trong đời bạn? Niềm tự do nào?  
3/ Bạn cần nghe lại Lời này ở đâu?  
4/ Trong chuyện kể này, bạn có liên tưởng tới người quen, người thân, bạn bè của họ không? Tại sao?  


CHÚA GỌI LÊVI
 Mở        
Nếu mức lương của bạn bỗng dưng tăng lên gấp ba lần, bạn có thể làm gì với số tiền lương thặng dư đó?  

Khai triển  
1/ Các môn đệ là ngư dân có thể từ lâu đã trả cho ông Lêvi những khoản thuế vụn vặt. Họ có thể cảm nhận gì khi Chúa gọi ông? Tại sao Chúa làm thế? Chuyện đó có ý nghĩa gì với ông?  
2/ Theo lời Chúa, chúng ta cần sống thế nào để được vào Nước Trời?  

Suy nghĩ  
1/ Bạn đau yếu thế nào mới cần đi khám bác sĩ thiêng liêng?  
2/ Khi được Chúa Giêsu gọi, bạn trả lời Chúa ra sao? 


VẤN NAN VỀ ĂN CHAY  

Mở  

Bạn gắn bó và vui nhận ăn chay hay đong đưa và muốn thay thế bằng một việc khác? Tại sao?  
Khai triển  
            1/ Tại sao môn đệ của Gioan và các Pharisiêu ăn chay nhưng môn đệ Chúa Giêsu lại không? Điều đó có ngầm ý gì?  
            2/ Ba dụ ngôn nhỏ ở đây (19- 22) trả lời thế nào? Rượu mới là gì? Bầu da cũ là gì?  
Suy nghĩ  
            Tại sao “rượu” của Chúa lại làm bể “bầu da cũ” nào đó của bạn? Ở đâu, lúc nào rượu có thể làm bể bầu da?  


THIÊN CHÚA CỦA NGÀY SABÁT  
Mở
            Ai trong nhà bạn thường chạy xe quá tốc độ?  
Khai triển  
            1/ Chuyện kể về Đavit có thể áp dụng cho Chúa Giêsu không?  
            2/ Chuyện gì đã gây căng thẳng trong hội đường?  
            3/ Các vị lãnh đạo tôn giáo có mặt đã quan tâm gì?  
            4/ Chuyện gì đã làm Chúa thêm giận?  
            5/ Nhìn lại 5 cuộc tranh cãi trong (Mc 2, 1- 3,6) ta thấy những cuộc đối nghịch của dân với Chúa Giêsu đã lớn dần tại sao?  
suy nghĩ  
            1/ Bạn thấy những luật tôn giáo và các hướng dẫn đã xúc phạm dân thế nào? Đâu là nguyên do?  
            2/ Bạn thấy đâu là “bàn tay bại liệt” được Chúa chữa lành trong đời bạn?   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét