Phương Pháp
Giải Thích Thánh Kinh
Theo Hội Thánh
Phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là giải thích Thánh
Kinh trong Hội Thánh và cùng với Hội Thánh. Điểm đặc thù của việc giải thích
Thánh Kinh theo Công Giáo là sự thận trọng đặt mình trong truyền thống sống
động của Hội Thánh. Giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là giải thích Thánh
Kinh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh. Người
giải thích phải đi từ phạm vi lịch sử và văn chương của một câu Thánh Kinh đến
phạm vi Hội Thánh.
Thế Giới đằng sau Thánh Kinh
(Cộng Đoàn Giải Thích)
Phạm vi Hội Thánh &
Giải Thích theo Hội Thánh
Trình bày phương pháp:
Phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là giải
thích Thánh Kinh trong Hội Thánh và cùng với Hội Thánh. Thánh Kinh đã được phát
sinh từ một cộng đoàn Đức Tin, trước hết là dân Israel cổ thời, rồi sau đó là Hội
Thánh. Các bản văn Thánh Kinh được thu thập, lưu truyền, và giải thích trong
chính cộng đồng ấy. Môi trường Hội Thánh này đã cung cấp phạm vi mà trong ấy
Thánh Kinh được giải thích và thực thi.
Các nhà chú giải Thánh Kinh phải nhìn nhận rằng Hội Thánh là cộng đồng
giải thích chính yếu:
Điểm đặc thù của việc giải thích Thánh Kinh theo Công Giáo
là sự thận trọng đặt mình trong truyền thống sống động của Hội Thánh (Giải
Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh)
Giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh dựa vào niềm tin rằng
Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng các thánh sử, đang tiếp tục hướng dẫn Hội
Thánh trong việc giải thích Thánh Kinh:
Hội Thánh, là Dân Thiên Chúa, ý thức rằng mình được Chúa
Thánh Thần giúp đỡ để hiểu và giải thích Thánh Kinh. (Giải Thích Thánh Kinh
trong Hội Thánh)
Giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là giải thích Thánh
Kinh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh. Sự hướng dẫn này của Chúa Thánh
Thần trong Hội Thánh được tìm thấy ở những nguồn sau đây:
• Các Kinh Tin Kính
và các Công Đồng
-- Ngay cả trước khi có Tân Ước thì các tín hữu tiên khởi đã lưu truyền Đức Tin
của họ bằng những bảng tóm lược dưới hình thức các Kinh Tin Kính (xem ví dụ về
Kinh Tin Kính sơ khai trong I Corinthô 15). Các Kitô hữu đầu tiên cũng nhóm
họp các Công Đồng chống lại những sai lạc và làm sáng tỏ nội dung của Tín Điều
Kitô (xem TĐCV 15). Các Kinh Tin Kính và các Công Đồng của Hội Thánh, vừa tóm
tắt nội dung Đức Tin và sửa sai những sai lầm về tín lý, vừa cung cấp một cơ
cấu về tín lý để chúng ta đọc và giải thích Thánh Kinh.
• Huấn
Quyền sống động của Hội Thánh -- Theo Đức Tin của Hội Thánh, huấn quyền
của Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ được trường tồn trong đời sống Hội Thánh
qua các đấng kế vị các ngài, là Đức Giáo Hoàng và các đức giám mục, là những
người dạy Đức Tin Kitô giáo qua một ân sủng đặc biệt của Đức Kitô và sự trợ
giúp của Chúa Thánh Thần. Các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo phải tìm sự
hướng dẫn từ các giáo huấn tông truyền của các ngài để hiểu Thánh Kinh.
• Các
Giáo Phụ -
Các Giáo Phụ đóng vai trò căn bản và vạch ra quy tắc cho
việc hình thành quy điển và trong việc khai triển các cơ cấu về Ba Ngôi và Kitô
học, mà trong đó quy điển được giải thích, làm cho các giải thích Thánh Kinh
của các ngài tiếp tục có giá trị. Trong khi các nhà chú giải Thánh Kinh thời
đại phải dè dặt về các phương pháp ngụ ngôn của các Giáo Phụ, họ phải học từ
các ngài cách đọc Thánh Kinh theo thần học trong lòng truyền thống sống động
của Hội Thánh, với một tinh thần Kitô chân chính.(Giải Thích Thánh Kinh trong
Hội Thánh).
• Các
Tiến Sĩ Hội Thánh –
Giáo huấn của Hội Thánh nhận ra một số người được ơn đặc
biệt để thấu hiểu Đức Tin, hiểu biết các mầu nhiệm đức tin, và khả năng chia sẻ
sự hiểu biết thâm sâu của họ qua các bài
họ viết và qua đời sống của họ. Các "Tiến Sĩ Hội Thánh" này hướng dẫn
các nhà chú giải Thánh Kinh về linh đạo cũng như thần học.
• Sensus
Fidelium (Cảm quan Tín Ngưỡng) –
Có một sự hiểu biết sống động về Đức Tin Công Giáo được chia
sẻ cách khác nhau giữa mọi tín hữu. Đây là sự hiểu biết về Đức Tin Kitô lãnh
hội được khi tham dự đời sống bí tích và phụng vụ của Hội Thánh và sống theo
đường của Đức Kitô trong đời thường nhật, như Hội Thánh dạy. Giải thích Thánh
Kinh theo Hội Thánh cách chân chính đòi hỏi người giải thích phải đọc Thánh
Kinh theo cảm nghiệm là họ thuộc về một cộng đồng diễn giải Đức Tin.
Biện minh cho
phương pháp giải thích Thánh kinh
theo Hội Thánh
Đức Thánh Cha Piô XII nhiệt tình khuyến khích các học giả
Thánh Kinh thời đại đừng bỏ qua sự đóng góp của các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội
Thánh trong công tác giải thích Thánh Kinh. Ngài dựa vào những sự hiểu biết về
các thực tại tâm linh đằng sau bản văn mà các vị ấy đã cống hiến mà kêu gọi:
Các nhà chú giải Công Giáo sẽ tìm thấy sự giúp đỡ vô giá
trong việc chuyên cần nghiên cứu các tác phẩm mà trong đó các Giáo Phụ, các
Tiến Sĩ Hội Thánh và các nhà chú giải thời danh trong các thời đại đã qua đã
giải thích các Sách Thánh. Vì đôi khi các ngài không được huấn luyện về những
kiến thức đời, và hiểu biết về các ngôn ngữ của Thánh Kinh như các học giả của
thời đại chúng ta, nhưng vì chức vụ được
Thiên Chúa chỉ định cho các ngài trong Hội Thánh, các ngài lại xuất xắc về việc
hiểu biết những sự trên trời, và có một kiến thức đặc biệt giúp các ngài hiểu
thấu ý nghĩa thâm sâu nhất của Lời Thiên Chúa.
(Divino Afflante Spiritu 28)
Bản Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh lý luận rằng ngay
từ thủa ban đầu các bản văn Thánh Kinh được phát xuất từ công đồng Đức Tin cho
cộng đồng Đức Tin, là phạm vi cơ bản mà trong đó các bản văn được cắt nghĩa.
Thánh Kinh nằm trong cuộc đối thoại với cộng đồng tín hữu:
Thánh Kinh phát xuất từ các truyền thống Đức Tin của họ ... Cho nên việc giải
thích Thánh Kinh xảy ra trong lòng Hội Thánh ... Chính cộng đồng Đức Tin tạo
thành nội dung sống động cho các hoạt động văn chương của các tác giả Thánh
Kinh ... Một cách tương tự, việc giải thích Thánh Kinh đòi hỏi người chú giải
Thánh Kinh phải hoàn toàn tham gia vào đời sống và Đức Tin của cộng đồng tín
hữu của thời đại của họ.
Hiến Chế về Mặc Khải của Công Đồng Vaticanô II nhìn nhận Hội
Thánh như là nhà Giải Thích Thánh Kinh dựa vào tác động chung của Chúa Thánh
Thần làm cho Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền Hội Thánh nên sống động và
linh hứng:
Như thế, hiển nhiên là Thánh Truyền, Thánh Kinh, và Huấn
Quyền của Hội Thánh, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kềt và
nối liền với nhau đến nỗi một thực thể không thể đứng vững một mình nếu không
có hai thực thể kia. Và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba,
theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn.
(Dei Verbum 10)
Giới hạn của
phương pháp giải thích Thánh Kinh
theo Hội Thánh
Một nguy hiểm của khoa giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh
là việc chỉ dùng Thánh Kinh như một mớ dẫn chứng cho các giáo huấn của Hội
Thánh. Việc dùng Thánh Kinh để dẫn chứng
có thể lựa chọn từng câu Thánh Kinh một cách nguyên tử hay lịch sử mà không đếm
xỉa đến nội dung văn chương hay lịch sử của các câu Thánh Kinh ấy. Phương pháp
này cũng không nhận ra hoạt động của động lực lịch sử mà qua đó giáo huấn của
Hội Thánh được hình thành qua dòng thời gian. Người giải thích phải đi từ phạm
vi lịch sử và văn chương của một câu Thánh Kinh đến phạm vi Hội Thánh sau đó
theo quỹ đạo dẫn từ khung cảnh nguyên thủy đến những giải thích của Hội Thánh
tiếp theo đó và đến việc khai triển tín lý.
Phương Tiện
• Bộ sách chú giải
nhan đề Ancient Christian Commentary on the Scriptures trình bày tuyển tập các
bài chú giải của các Giáo Phụ cho từng câu Thánh Kinh một. Bộ mới sẽ được phát hành
và sẽ bao gồm toàn bộ Thánh Kinh. Bộ Faith of the Early Fathers (Jurgens) và bộ
Biblia Patristica cũng rất hữu dụng để tìm các giải thích Thánh Kinh của các
Giáo Phụ.
• Nhiều tuyển tập về
giáo huấn Hội Thánh có bảng liệt kê Thánh Kinh và giáo điều nhờ đó bạn có thể
tìm các câu Thánh Kinh hay các đề tài về tín lý liên quan đến các câu Thánh
Kinh ấy trong tài liệu của Huấn Quyền.
Thí dụ xem bảng liệt kê về The Christian Faith in the Doctrinal
Documents of the Catholic Church ( Neuner & Dupuis), Sources of Catholic
Dogma (English trans.of Denzinger) và Decrees of the Ecumenical Councils
(Tanner)
• Tương tự, bảng
liệt kê Thánh Kinh trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có thể được dùng
để đặt những câu Thánh Kinh vào phạm vi Hội Thánh bằng cách xem các câu này
được dùng thế nào và ở đâu trong sách tóm lược giáo huấn của Hội Thánh.
• The Navarre Bible
New Testament (Scepter Publishers) gồm có các chú chú giải của các Giáo Phụ,
các Đức Giáo Hoàng, Công Đồng Vaticanô II, Giáo Lý, cũng như các tác giả linh
đạo nổi danh như thánh Josemaria Escriva, Cũng đã xuất bản: The Navarre Bible:
Pentateuch. (Scepter Publishers) và nhiều sách Cựu Ước khác.
Áp Dụng
• Hãy tìm trong
những giáo huấn mới đây của Hội Thánh các thí dụ về giải thích Thánh Kinh và
dùng câu Thánh Kinh bạn chọn. Có thể là các giải thích hay bài giảng của các
Giáo Phụ về câu ấy, hay đoạn ấy được nhắc đến trong một Công Đồng, một huấn từ
của Đức Thánh Cha, hay trong Sách Giáo Lý Công Giáo.
• Hãy nói rõ cách áp
dụng đoạn này vào vấn đề tín lý, thần học, linh đạo hay mục vụ.
• Đoạn này làm sáng
tỏ giáo huấn mới đây của Hội Thánh ở điểm nào?
• Giáo huấn mới đây
của Hội Thánh làm giúp giải thích đoạn này thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét