BÍ TÍCH THÁNH TẨY KITÔ
Linh mục Augustinô NGUYỄN VĂN TRINH, trong phần “Tạm kết” của tập sách do ngài biên soạn về Bí tích Thánh Tẩy, đã ghi nhận :
“Chúng ta đã cố gắng
- thu tập tài liệu về BT Thánh Tẩy;
- nhưng chưa tạo nên được một thần học về BT này
- lại càng không thể nhìn vào hoàn cảnh Việt Nam để đưa ra nhận định và đóng góp về một thần học mang tính Việt Nam. Tất cả còn chờ ở phía trước.” [1]
Thật vậy, mãi cho đến bây giờ, trong lãnh vực thần học về các bí tích nói chung, đặc biệt, bí tích Thánh Tẩy kitô, vẫn con rất nhiều vấn đề chưa giải quyết cách rốt ráo được, và vì thế, cần được nghiên cứu và thảo luận lâu dài thêm nữa. Thí dụ : a) Phải quan niệm như thế nào về tương quan giữa ba bí tích “khai tâm” (Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể) ? Những hiệu quả đích thực và trực tiếp của Bí tích Thánh tẩy là gi ? Phải quan niệm thế nào về tương quan giữa Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô và các bí tích thánh tẩy kitô ? V.v…
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (từ nay, được viết tắt : GLHTCG) số 1257 viết : “Chính Chúa khẳng định rằng bí tích Rửa Tội là cần thiết để được ơn cứu độ…Thiên Chúa đã ràng buộc ơn cứu độ với bí tích Rửa Tội, nhưng chính Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích của Ngài.” Làm sao dung hòa được giữa việc “Thiên Chúa đã ràng buộc ơn cứu độ với bí tích Rửa Tội” và việc “Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi các bí tích của Ngài.” ? Chẳng lẽ Thiên Chúa thất bại trong tất cả các công trình của Ngài (Sáng tạo, Mặc khải vả Siêu độ), nếu nhìn vào tỉ lệ con số những người kitô-hữu trên toàn thế giới (thống kê năm 2012, toàn cầu : 1.052.924.00, 00 công giáo /2.013.132.000, 00 kitô-hữu/7.052.132.000, 00 dân số toàn cầu, tỉ lệ 17, 42%; tại Châu Á : 125.860.000, 00 công giáo/4.115.586.000, 00 không công giáo, tỉ lệ 3, 06% [2]) ?
Và, ở số 1261 : “Về các trẻ em chết mà chưa được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Hội Thánh chỉ biết phó dâng các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em.” [3] Điều nầy phải chăng chứng tỏ ngoài bí tích Thánh Tẩy, Thiên Chúa còn nhiều con đường khác, cách thức khác nữa để cứu độ con người ?
Làm sao dung hòa được tất cả những điều đó ? Giữa tình yêu nhưng không của Thiên Chúa (Ep 2, 8) và việc “ràng buộc ơn cứu độ với bí tích Rửa Tội” ? Giữa ơn cứu độ phổ quát dành cho tất cả mọi người (1 Tm 2, 4) và những giới hạn, những qui định có tính bắt buộc như vậy ?
Nguyên nhân của tình trạng thiếu nhất quán nầy, theo thiển ý, có nhiều, nhưng nói chung, qui tụ quanh những nguyên nhân chính sau đây :
1- Trước tiên, khi nói về sự cần thiết của Phép Rửa, người ta thường đơn thuần chỉ hiểu cách hạn hẹp và nông cạn đó là nghi thức Phép Rửa bằng nước mà không hiểu rằng Phép Rửa của Đức Giêsu-Kitô chính là các Mầu nhiệm Tự hủy nhập thể làm người, Thập giá (chết và Phục sinh) của Ngài, mà nghi thức “dìm trong nước”(Hy ngữ : Baptizein) vốn là một biểu tượng (Lc 12, 50)…
2- Thứ đến, thay vì coi các ân sủng phát sinh từ Bí tích Thánh Tẩy kitô là những tương quan liên vị (giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa-Ba Ngôi và ngược lại; giữa thụ nhân với Đức Giêsu-Kitô và trong Ngài với Thiên Chúa-Ba Ngôi), có vẻ như thần học cổ điển và kinh viện có khuynh hướng coi các ân sủng của Bí tích Thánh tẩy như là những “sự vật” (res, une chose)[4] hơn là những tương quan tình yêu…
3- Và, trong khi trên thực tế, Bí tích Thánh Tẩy kitô có thể có hai hiệu quả : a) hiệu quả tích cực và trực tiếp là “được trở nên con Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người” và b) hiệu quả tiêu cực hay kèm theo là “được tha thứ tội lỗi” (nếu có), thì có vẻ như, thần học và mục vụ về Bí tích Thánh Tẩy của Giáo Hội kitô trong suốt gần 2000 năm qua hầu như có khuynh hướng muốn xem hiệu quả tiêu cực như là chính yếu và coi hiệu quả tích cực và trực tiếp như là phụ tùy và kèm theo…
4- Sau cùng, do đó, khi đề cập đến sự cần thiết của Bí tích Thánh Tẩy kitô, thần học cổ điển và kinh viện có vẻ như thường lẫn lộn giữa - sự cần thiết của ơn siêu độ được mang lại bởi Đức Giêsu-Kitô trong toàn bộ các mầu nhiệm Sáng tạo, Mặc khải và Siêu độ của Ngài, đặc biệt trong mầu nhiệm Tự hủy khi nhập thể làm người và mầu nhiệm Thập giá (chết và Phục sinh), và - sự cần thiết của các nghi thức, vốn chỉ là biểu tượng của Bí tích Thánh tẩy kitô; hay nói cách khác, lẫn lộn giữa thực tại mầu nhiệm được diễn tả và những công cụ hay phương tiện được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm ấy, tức là giữa “signifié” và “signifiant”, giữa “mysterium” và “sacramentum”…
Thật ra, mãi cho đến thế kỷ XIII, dưới ảnh hưởng của Alexandre de Halès, Albertô Cả và nhất là Thôma d’Aquin, các hiệu quả của Bí tích Thánh Tẩy kitô mới được phân tích cách khá hệ thống : 1) Tha tội; 2) Tha thứ các hình phạt do tội; 3) Ân sủng thánh hóa và các hồng ân siêu nhiên; 4) Ấn tín; 5) Hội nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh. [5]
Còn Sách SGLHTCG [6] cho biết những Ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy như sau : 1) Để tha tội (các số 1263, 1264); 2) Được trở nên “Thụ tạo mới” [thành nghĩa tử của Thiên Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, v.v…] (các số 1265, 1266); 3) Được tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (các số 1267, 1268, 1269, 1270); 4) Mối dây bí tích của sự hiệp nhất các kitô-hữu (số 1271); 5) Ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa (các số 1272, 1273, 1274).
Để có thể có được một cái nhìn toàn cục và chính xác về Bí tích Thánh Tẩy kitô, theo thiển ý, có lẽ chúng ta cần “đọc lại” Biến cố Đức Giêsu được thánh tẩy ở sông Giođan, bởi Gioan Tẩy Giả, vốn vẫn được coi như là mô mẫu và nguồn gốc của tất cả mọi bí tích Thánh Tẩy kitô khác, và sau đó “đọc lại” những suy tư thần học của các tác giả TƯ liên quan đến Bí tích nầy…
I - Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô :
Mc 1, 9-11 : “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadaret miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Ngài liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’.”
Mt 3, 13-17 : “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông Gioan một mực can Ngài và nói : ‘Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !’ Nhưng, Đức Giêsu trả lời : ‘Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.’ Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Ngài. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. Và có tiếng từ trời phán : ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài’.”
Lc 3, 21-22 : “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con.”
Khi lướt qua cả ba tường thuật về biến cố Đức Giêsu được thánh tẩy ở sông Giođan bởi Gioan Tẩy giả (Mc 1, 9-11; Mt 3, 13-17; Lc 3, 21-22), người ta sẽ có thể khám phá ra được cấu trúc, vai trò, vị trí và nội hàm ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy kitô :
I.1 – Cấu trúc của Bí tích Thánh Tẩy kitô :
Khi phân tích cả ba tường thuật liên quan việc Đức Giêsu được thánh tẩy nơi sông Giođan bởi Gioan Tẩy Giả, người ta khám phá ra được cách khái quát cấu trúc cơ bản của Bí Tích Thánh Tẩy kitô, bao gồm những yếu tố sau đây :
I.1a – Đặc tính “thừa tác” (baptême ministériel) :
Trong khi trong Cựu Ước (viết tắt : CƯ) cho đến Gioan tẩy Giả, phần lớn việc thanh tẩy là do người ta tự mình làm cho mình, việc Đức Giêsu đến “nhờ” Gioan Tẩy Giả thánh tẩy cho Ngài (Mt 3, 13-15) nói lên tính thừa tác của Bí Tích Thánh Tẩy kitô.
Tuy nhiên, Gioan Tẩy Giả chỉ là thừa tác viên của Bí Tích Thánh Tẩy kitô khi được chính Đức Giêsu-Kitô giao cho hay ủy thác cho thừa tác vụ nầy, dù có thể chỉ là một lần trong đời của ông mà thôi :
“Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông Gioan một mực can Ngài và nói : ‘Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !’ Nhưng Đức Giêsu trả lời : ‘Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính’. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Ngài.” (Mt 3, 13-15).
Có thể nói rằng tác viên đích thực của Bí tích Thánh Tẩy kitô chính là Thiên Chúa-Ba Ngôi, đặc biệt, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hay nói cách khác, Ba Ngôi Thiên Chúa trong cùng lúc vừa là tác nhân (agens) vừa là hiệu quả (effectus) của Bí tích Thánh Tẩy.
Là tác nhân (agens), bởi vì chính Chúa Cha và Chúa Thánh Thần “dìm Con” vào thế gian và vào cõi chết, và cũng chính các Ngài làm cho Con phục sinh, trong cùng lúc vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, hay trở nên Con Người (viết hoa), con người mới; và làm cho Hội Thánh trở nên Thân Mình của Con, “bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3, 5).
Là hiệu quả (effectus), bởi vì khi tuyên xưng, cử hành và sống Bí tích Thánh Tẩy kitô, tương quan giữa Con (và qua Con là toàn thể nhân loại) với Thiên Chúa-Ba Ngôi được xác tín, được củng cố, được tăng cường cách mạnh mẽ và thân mật sâu sắc hơn. Hiệu quả ở đây, như vậy, là những tương quan hiện sinh tình yêu, chứ không phải là một sự vật gì đó (res, une chose) mà người ta có thể sở hữu và sở đắc một lần rồi thôi. Những tương quan tình yêu nầy, vì vậy, được phát triển và nẩy nở theo qui trình phát triển của những hạt giống trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu.
Nếu Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong cùng lúc vừa là tác nhân vừa là hiệu quả, Chúa Con, cũng vậy, trong cùng lúc vừa là tác nhân vừa là thụ nhân. Là tác nhân, bởi vì ngay từ thưở vĩnh hằng Chúa Con tự nguyện tham gia các công trình tình yêu của Thiên Chúa-Ba Ngôi (Sáng tạo, Mặc khải, Nhập thể, Siêu độ, Thập giá). Là thụ nhân, bởi vì Đấng “bị dìm vào”, “chết và phục sinh”, “được phục hồi tư cách Con Thiên Chúa”, “được tràn đầy Thánh Thần” chính là Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người.
“Thiên Chúa Cha cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý nầy là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…” (Ep 1, 9-10).
I.1b - Đặc tính “dấu chỉ” hay “bí tích” (baptême sacramentel) :
“Từ mysterion trong tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng La tinh bằng hai từ là mysterium (mầu nhiệm) và sacramentum (bí tích). Trong cách giải thích về sau nầy, từ sacramentum (bí tích) diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại ẩn giấu của ơn cứu độ, thực tại ẩn giấu đó được diễn tả bằng từ mysterium (mầu nhiệm). Theo nghĩa nầy, chính Đức Kitô là mầu nhiệm của ơn cứu độ : ‘Mầu nhiệm của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Đức Kitô’ [Thánh Augustinô, Epistula 187, 11, 34 : CSEL 57, 113 (PL 33, 845)]. Công trình cứu độ do nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Đức Kitô thực hiện là bí tích của ơn cứu độ…” (GLHTCG, số 774).
I.1ba – Yếu tố bí tích (sacramentum) :
Như vậy, cơ sở nền tảng của các đặc tính “thừa tác” và “bí tích” hay “dấu chỉ” đó chính là sự kiện Đức Giêsu-Kitô trong cùng lúc vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, và Giáo Hội kitô, Thân Mình của Ngài, cũng vậy, trong cùng lúc vừa vô hình vừa hữu hình, vừa thuộc linh vừa thuộc trần thế.
Là Thiên Chúa thật, vì thế, tư cách và cương vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô chỉ có thể được xác nhận từ bởi Thiên Chúa mà thôi :
“Lại có tiếng từ trời phán rằng : ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’.” (Mc 1, 11; xem thêm Mt 3, 17; Lc 3, 22b).
Là người, vì thế, tư cách là “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” của Đức Giêsu-Kitô cần được chứng thực vừa bởi con người vừa bởi Thiên Chúa :
“Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình liền nói : ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian…Tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ ra cho dân Itraen, tôi đến làm phép rửa trong nước’. Ông Gioan còn làm chứng : ‘Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Ngài. Tôi đã không biết Ngài. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa đã bảo tôi : ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1, 29.31-34).
Khi nói “Tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ ra cho dân Itraen, tôi đến làm phép rửa trong nước” (Ga 1, 31) và “Tôi đã không biết Ngài. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : ‘Ngươi thấy Thần Khí ngự xuống trên ai…” (Ga 1, 33-34), đã hẳn Gioan muốn chứng tỏ cho thấy Bí tích Thánh Tẩy trong nước vốn chỉ là một “dấu chỉ”, một “bí tích” qua đó “được mặc khải ra” cương vị là Con Thiên Chúa và tư cách là Đấng Mêsia của Đức Giêsu-Kitô.
I.1bb – Yếu tố mầu nhiệm (mysterium) :
Bí tích Thánh Tẩy, như vậy, tự căn nguyên, là một “dấu chỉ” cho thấy có sự hiện diện của một thực tại khác, vốn vô hình vì thuộc linh, chứ không phải tự nó có khả năng tạo ra những thực tại đó, kể cả thừa tác viên của Bí tích nầy, bởi vì thực tại đó không phải là một sự vật gì đó (res, une chose) mà người ta có thể sở đắc chỉ một lần là xong, mà là chính Thiên Chúa-Ba Ngôi, hay nói cách khác là những tương quan với Ngài. Và tương quan hiện sinh nầy vốn như một hạt giống được gieo trồng trên các mãnh đất là con người, và sẽ phát triển lớn dần lên với thời gian.
Đó chính là lý do tại sao Đức Giêsu lại nói :
“Tôi còn một phép rửa phải chịu, và lòng tôi khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất !” (Lc 12, 50).
“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17, 4-5).
Khi “đọc lại” cả ba tường thuật TƯ liên quan đến Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô, người ta khám phá ra hai yếu tố quan trọng làm nên căn tính của Bí tích nầy : a) tư cách Con Thiên Chúa được Đức Giêsu tuyên xưng và sống, và được Thiên Chúa-Ba Ngôi “xác nhận”; b) sự “tái hợp”, “đoàn tụ” “hội nhập” giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với loài người trong Con và qua Con.
(1) Liên quan đến tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô :
Sự kiện Đức Giêsu, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đấng Thánh, hoàn toàn vô tội, nhận lãnh Phép rửa ở sông Giođan, bởi Gioan Tẩy Giả, chứng tỏ cho thấy nguyên nhân và mục đích chính, trực tiếp của Bí tích Thánh tẩy kitô không phải là để được tha tội, mà là để tư cách và cương vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu được tuyên xưng và được sống bởi Con (Mt 3, 15), và được xác nhận và được mặc khải ra bởi Thiên Chúa-Ba Ngôi (Mc 1, 10-11; Mt 3, 16-17; Lc 3, 21-22), và Gioan Tẩy Giả là thừa tác viên đầu tiên được sai đi để làm chứng, và sau đó là “dân Itraen” cũ và mới (Ga 1, 29.31-34).
Theo thiển ý, đó mới chính là lý do giải thích sự kiện ngay từ khoảng thế kỷ thứ hai Giáo Hội kitô sơ khai đã cho các em nhỏ nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy kitô, bởi vì tội lỗi, thậm chí, cả điều vẫn được gọi là tội “nguyên tổ”, không bao giờ là nguyên lý, nguyên nhân hay động cơ trực tiếp của các bí tích kitô, kể cả bí tích Thánh Tẩy kitô, mà chính là tình yêu nhưng không (vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên) của Thiên Chúa-Ba Ngôi.
Thật vậy, qua Mt 3, 15, Đức Giêsu tuyên xưng và sống tư cách Con Thiên Chúa của mình trong tương quan với Cha và như thế là Ngài giữ trọn đức công chính, hay nói theo ngôn ngữ Đông phương là “chính danh” (con cho ra con, cha cho ra cha) :
“Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông Gioan một mực can Ngài và nói : ‘Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !’ Nhưng, Đức Giêsu trả lời : ‘Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.’ Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Ngài.”
Và chính qua cử chỉ vâng phục đó trong tương quan với Cha mà Thiên Chúa-Ba Ngôi xuất hiện và xác nhận tư cách và cương vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô :
“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadaret miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Ngài liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’.” (Mc 1, 9-11).
Vai trò và sứ mạng của Gioan Tẩy Giả thừa tác viên là làm chứng những điều đó :
“Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình liền nói : ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian…Tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ ra cho dân Itraen, tôi đến làm phép rửa trong nước’. Ông Gioan còn làm chứng : ‘Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Ngài. Tôi đã không biết Ngài. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa đã bảo tôi : ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1, 29.31-34).
Thật vậy, cương vị và tư cách Con Thiên Chúa vốn thuộc về cấu trúc hữu thể học của Ngôi Vị thần linh của Đức Giêsu-Kitô, “từ” vĩnh hằng, và cả trong thân phận tự hủy làm người của Ngài, dù có bị che khuất bởi thân phận là người của Ngài, và vì thế, cần được mặc khải ra, tỏ lộ ra, bởi chính Thiên Chúa và bởi những con người của Chúa, bởi Giáo Hội kitô, vốn là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô.
Tương quan giữa Bí tích Thánh Tẩy kitô và cương vị Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô, vì thế, không phải là tương quan nhân-quả, mà đúng hơn là dịp, là cơ hội, là hiện trường để Thiên Chúa mặc khải cho (Con, Gioan Tẩy Giả và những người đang hiện diện ở đó, và cho cả tất cả mọi người như chúng ta ngày hôm nay) biết Ngài là Cha của Con, và để Con xác tín mạnh mẽ hơn tương quan phụ-tử đó trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi, và với loài người, trong hiện sinh trần thế của mình.
Hay nói cách khác, cũng không phải Gioan Tẩy Giả, thừa tác viên của Bí Tích Thánh Tẩy là người đích thân mang lại những hiệu quả của Bí Tích nầy mà chính Thiên Chúa-Ba Ngôi, vốn là Đấng mặc khải cho thấy cương vị và tư cách “là Con Thiên Chúa” của Đức Giêsu-Kitô, tức là mặc khải cho thấy “tương quan” của Đức Giêsu-Kitô với Thiên Chúa-Ba Ngôi và ngược lại, đó là tương quan phụ-tử.
Như vậy, ân sủng được tỏ bày ra trong Bí tích Thánh tẩy kitô, trong trường hợp của Đức Giêsu-Kitô, không phải là một sự vật (res, une chose) mà là những tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với loài người. Và tương quan nầy là điều mà Đức Giêsu-Kitô đã tuyên xưng, đã cử hành và đã sống trong suốt cả cuộc đời trần thế của Ngài, cho đến Biến cố Thập Giá (chết và Phục Sinh), và trở thành nguyên nhân và mẫu mực cho tất cả mọi hiện sinh kitô.
Ngoài ra, các tác giả TƯ có vẻ như còn muốn nới rộng nội hàm ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô ra hết trương độ và chiều kích phổ quát của nó, khi cho rằng Phép rửa của Đức Giêsu-Kitô không chỉ bắt đầu từ việc Ngài được Gioan Tẩy Giả cử hành nơi sông Giođan và được kết thúc nơi Mầu nhiệm Thập Giá (chết và Phục sinh) thôi, mà còn bắt đầu từ mầu nhiệm Sáng tạo, Nhập thể, Mặc khải và Siêu độ của Con, và chấm dứt với Biến cố Quang Lâm của Con Người (viết hoa) : đó cũng chính là quá trình làm con người và làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô :
“Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy.” (1 Ga 3, 2).
(2) Sự “tái hợp” hay “đoàn tụ” giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi với nhau và với loài người trong Con và qua Con :
Bí tích Thánh Tẩy của Đức Giêsu-Kitô, ngoài ra, còn là “hiện trường” trong đó diễn ra cuộc gặp gỡ, tái hợp, đoàn tụ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với loài người trong Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Đó chính là điều cả ba tường thuật về biến cố Đức Giêsu được thánh tẩy ở sông Giođan bởi Gioan Tẩy Giả đều ghi nhận.
“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadaret miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Ngài liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’.” (Mc 1, 9-11; xem Mt 3, 16-17; Lc 3, 21-22).
“Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17, 4-5).
I.1c - Bí tích Thánh Tẩy “nhân danh Chúa Giêsu” hay “nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa” (baptême trinitaire) :
Chiều kích nầy được diễn tả khá rõ ràng nơi Mt 3, 13-15 :
“Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông Gioan một mực can Ngài và nói : ‘Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !’ Nhưng Đức Giêsu trả lời : ‘Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính’. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý người.” (Mt 3, 13-15).
Ở đây, Gioan làm phép rửa là do yêu cầu của Đức Giêsu hay nhân danh Ngài. Như vậy, chính nhờ nhân danh Đức Giêsu mà phép rửa nầy, được cử hành bởi Gioan Tẩy Giả, mang giá trị kitô.
Ngoài ra, khi trả lời cho thái độ ngại ngần của Gioan Tẩy Giả : “Nhưng Đức Giêsu trả lời : ‘Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính’.” (Mt 3, 15), có vẻ như Đức Giêsu muốn cho thấy sở dĩ Ngài đến xin Gioan làm phép rửa cho mình là vì muốn tuân theo Thánh Ý của Cha, qua đó Đức Giêsu cho thấy cảm thức của Ngài về tương quan phụ-tử với Chúa Cha của Ngài.
Cả chính Gioan Tẩy Giả khi làm phép rửa nầy cũng là vì vâng theo Ý của Đấng đã sai ông làm phép rửa trong nước :
“Tôi đã không biết Ngài. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : ‘Ngươi thấy Thần Khí ngự xuống trên ai…” (Ga 1, 33-34).
Như vậy, là cả “thụ nhân” (Đức Giêsu) cả thừa tác viên (Gioan Tẩy Giả) của Bí tích Thánh Tẩy đều làm phép rửa nhân danh Thiên Chúa-Ba Ngôi. Và chính nhờ vậy, mà những tương quan hiện sinh giữa con người (cả “thụ nhân” và thừa tác viên) với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau, và ngược lại, được cử hành, được tuyên xưng và được sống.
Chính yếu tố “nhân danh Chúa Giêsu-Kitô” và “nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa” khiến cho Bí tích Thánh tẩy kitô khác với các phép rửa khác, kể cả của Gioan Tẩy Giả. Và, cũng chính vì thế, mà chỉ Bí tích Thánh Tẩy kitô mới có khả năng tha tội, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Như chúng tôi đã phân tích trong phần thừa tác viên của Bí tích Thánh tẩy kitô trên đây, Bí tích Thánh Tẩy kitô không chỉ được diễn ra “nhân danh Chúa Giêsu-Kitô” và qua Ngài “nhân danh Thiên Chúa-Ba Ngôi”, mà chính Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, trong cùng lúc, vừa là tác nhân (agens) vừa là hiệu quả (effectus) của Bí tích nầy; và Chúa Con, trong cùng lúc vừa là tác nhân vừa là thụ nhân của Bí tích Thánh Tẩy kitô (còn tiếp).
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Gp Phan Thiết
[1] Xem Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Bí tích học, Tập I : Rửa tội, bản lưu hành nội bộ 2002, trg. 485.
[2] Nguồn : Báo Hiệp Thông, bản tin của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, số 73, trg. 35-36.
[3] Xem Tuyên ngôn “The Hope of Salvation for Infants who Die Without Being Baptized” của Ủy Ban Thần học Quốc tế ra ngày 19-01-2007 về việc loại bỏ khái niệm “limbo” (nơi vẫn được cho là dành cho các em nhỏ chết mà chưa được rửa tội !).
[4] Xem Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Id., trg. 368.
[5] Xem Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Id., trg. 402.
[6] Trong bài nầy, chúng tôi sử dụng bản dịch của Úy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét