Những chiến công hiển hách của Alexandre đại đế, những bành trướng vũ lực của Hy Lạp, của La Mã, những vó ngựa tung hoành của Thành Cát Tư Hãn, những xâm lược như hỏa của Nã Phá Luân cùng tất cả các ngai vàng đều lui vào màn đêm, nhưng vĩnh hằng vạn đại là văn hiến, thi ca. Thi ca là biểu tượng nền văn minh của dân tộc.
Song song với sự hấp thụ văn minh Hán, sau này tiếp cận với văn minh Tây Âu và cũng không quên ảnh hưởng của Chàm, Ba Li, dân tộc ta luôn có một dòng chảy văn hiến thuần dân tộc. Đấy là nét độc đáo của nền văn hiến nước nhà. Xã tắc trường tồn cũng nhờ dòng chảy thuần dân tộc đó.
Hiền minh, cảnh giác và mỏng manh vô thường là châm ngôn của sáng tác. Khi mơ màng sát gần cuồng dại, khi chấp bút sát gần lý trí. Cứ ở giữa lý trí và cuồng dại để sáng tác, để tìm cái hay trước khi lo đúng hay sai, mới hay cũ. Khi thẩm mỹ nghệ thuật đưa con người vào chốn mê hồn say đắm thì có phải chăng đã sát gần chân - thiện - mỹ.
Vì những khó khăn, phức tạp, trở ngại của kiếp người (ôi thung lũng tràn đầy lệ!), nên con người luôn mơ đến thiên đường Eden, nuối tiếc thời hoàng kim Nghiêu Thuấn. Nhưng tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam rất to lớn. Chỉ cần được khai thác là tiềm năng đó bùng phát. Năm 2008, thành công tập thể của bản giao hưởng hợp xướng Khai Giác trong Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là nhờ tài năng của 500 nhạc công biểu diễn một tác phẩm với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, tiên phong đi từ truyền thống dân tộc, mà trong đó một số em cách mấy tháng trước còn làm ruộng nơi đồng quê sâu xa.
Vậy con đường để nền văn hiến thi ca Việt Nam đi đến nhân loại là con đường dân tộc đích thực. Và con đường dân tộc đích thực là lòng yêu nước mãnh liệt lên trên hết.
Nguyễn Thiện Đạo - Giáo sư
* Tham luận cho Hội thảo "Tết đọc sách, tại sao không?" do Sách Hay tổ chức tại Hội sách TP. Hồ Chí Minh, 21/3/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét