Trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (37)


Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (37)


TÌM HIỂU MỘT TÁC PHẨM KINH THÁNH
Có một nhà thám hiểm vô thần đi tham quan vùng rừng rậm Châu Phi. Đến một làng kia, ông thấy một cụ già thổ dân đang chăm chú đọc một quyển sách, tò mò ông đến gần để xem thì ra đó là một quyển Kinh Thánh. Ông hỏi: “Sách này đã lỗi thời rồi sao cụ còn đọc?” Người thổ dân đáp: “Không biết ở xứ ông thế nào, nhưng đối với chúng tôi, Kinh Thánh đã biến đổi cuộc đời chúng tôi.” Rồi ông cụ hướng dẫn nhà thám hiểm đi xem một cái bể chứa đầy xương sọ người thật rùng rợn. Ông giải thích: “Trước đây, chúng tôi là một bộ lạc ăn thịt người, nhưng nhờ đọc quyển Kinh Thánh này, chúng tôi nhận biết mọi người là anh chị em với nhau nên chúng tôi không ăn thịt người nữa. Nếu không, ông cũng đã bị ăn thịt rồi.”
Kinh Thánh thật sự đã mang lại nhiều thay đổi kỳ diệu cho lịch sử thế giới cũng như đời sống cá nhân các tín hữu. Mời bạn cùng học bài tuần này nhé.[1]

Định nghĩa
Phương pháp tìm hiểu một tác phẩm Kinh Thánh là nhắm có một cái nhìn tổng quát về tác phẩm đó, hạn như tại sao tác giả viết tác phẩm đó, đâu là chủ đề, bố cục và nội dung của tác phẩm. Các tín hữu thực hiện phương pháp này bằng cách đọc đi đọc lại nhiều lần tác phẩm đã chọn, rồi tìm hiểu bối cảnh, nội dung, làm biểu đồ nội dung và sau cùng áp dụng sứ điệp vào đời sống hôm nay của mình. Phương pháp này quan trọng vì các tín hữu có dịp đọc các câu Kinh Thánh trong mạch văn của toàn bộ tác phẩm, nhờ đó ý nghĩa mỗi câu sẽ trở nên sáng rõ hơn. Phương pháp này cũng giúp các tín hữu có cái nhìn quân bình, không cực đoan nhấn mạnh thái quá vài câu mà xem nhẹ các câu khác, như vài giáo phái cực đoan làm.

Các bước tìm hiểu một tác phẩm và áp dụng vào đời sống
1. Chọn và đọc: Nghe có vẻ thừa, nhưng thật sự ít tín hữu đọc trực tiếp bản văn Kinh Thánh mà chỉ đọc về Kinh Thánh. Sau khi chọn, hãy đọc tác phẩm càng nhiều lần càng tốt, như đây là lần đầu tiên đọc tác phẩm. Hãy đọc từ đầu đến cuối như một câu truyện đang xảy ra liên tục và xuyên suốt, đừng để ý đến các chia đoạn hoặc tựa đề. Hãy đọc nhanh. Đừng bận tâm đến các chỗ khó hiểu. Đừng vội tìm đọc các sách nghiên cứu hoặc chú giải. Sau mỗi lần đọc, chỉ cần lưu ý những cảm nhận và khám phá mới bạn có được mà lần đọc trước chưa thấy.
2. Ghi ra các nhận xét: Sau khi đọc xong, hãy nhận xét chín phương diện sau:
Phạm trù: Tác phẩm thuộc loại nào: Lịch sử? Thi phú? Ngôn sứ? Luật? Tự thuật? Thư?
Ấn tượng ban đầu: Thoạt đọc, bạn có ấn tượng gì về tác phẩm này? Theo bạn, đâu là mục đích của tác giả? Bạn cảm thấy thế nào khi đọc tác phẩm này?
Từ chủ chốt: Tác giả đã sử dụng những từ quan trọng nào? Từ nào được sử dụng nhiều nhất? Từ hoặc nhóm từ nào được nhấn mạnh nhất?
Câu chủ chốt: Tác phẩm có câu chủ chốt không? Nếu có, câu nào? Những từ hoặc nhóm từ nào được nhấn mạnh như cho thấy tư tưởng chính của tác giả? Đâu là mệnh đề chính?
Văn thể: Tác phẩm thuộc loại văn thể nào: Trình thuật? Thư cá nhân? Diễn từ? Thi phú? Kết hợp cả trình thuật lẫn thi phú? Tác giả có sử dụng lối nói bóng hoặc lập luận logic?
Cảm xúc: Tác giả có cảm xúc nào: Tức giận? Buồn? Hạnh phúc? Lo lắng? Phấn khởi? Tuyệt vọng? Bình tĩnh? Bạn nghĩ các thính giả sẽ cảm thấy thế nào khi nhận và nghe hoặc đọc tác phẩm này? Tại sao bạn nghĩ như vậy?
Chủ đề chính: Đâu là chủ đề chính? Một hay nhiều chủ đề? Tác giả đang nói gì? Tác giả nhấn mạnh điều gì?
Bố cục: Các tư tưởng trong tác phẩm có được phân chia rõ ràng không? Tác phẩm được sắp xếp như thế nào? Theo tuyến nhân vật? Sự kiện? Địa điểm? Ý tưởng? Thời gian?
Nhân vật chính: (Những) Ai là nhân vật chính? (Những) Ai được nhắc đến nhiều nhất? Họ giữ vai trò nào trong tác phẩm?
3. Tìm hiểu bối cảnh: Hạn như các yếu tố sau:
- Môi trường địa lý, sự kiện lịch sử, văn hóa, chính trị,…
- Tác giả là ai?
- Lý do khiến tác giả viết tác phẩm?
- Thời gian và nơi biên soạn?
- Độc giả là ai? Họ là người thế nào?
- Vị trí tác phẩm trong toàn bộ Kinh Thánh?
- Tác phẩm có nối kết các giai đoạn lịch sử nào không?
4. Lập biểu đồ nội dung: Đây là bước thật thú vị và hữu ích, giúp các tín hữu, với chỉ một cái nhìn, có thể nắm bắt các ý chính nội dung toàn bộ tác phẩm, giúp nhận thấy mối liên hệ giữa các chương và các đoạn, làm nổi bật các ý tưởng được tác giả lặp lại để nhấn mạnh, cũng như giúp dễ dàng ghi nhớ toàn bộ tác phẩm. Bạn hãy đặt ngang tờ giấy rồi kẻ các khung để lập biểu đồ gồm bốn phần, từ tổng quát đến chi tiết:
- Tác phẩm được chia thành mấy phần chính?
- Mỗi phần chính gồm có mấy chương và tựa của từng chương là gì?
- Mỗi chương gồm có mấy đoạn và tựa của từng đoạn là gì?
- Mỗi đoạn gồm có mấy ý chính và đó là những ý nào?
Hình thức biểu đồ có phong phú hay không tùy vào khả năng sáng tạo và tính cách của bạn.
5. Tìm bố cục: Thông thường bố cục tác phẩm trùng với biểu đồ nội dung bạn vừa làm, từ tổng quát đến chi tiết, chỉ khác biểu đồ thì có khung còn bố cục thì không. Tuy nhiên, cần lưu ý không phải tất cả các học giả Kinh Thánh đều đồng ý với nhau về bố cục một tác phẩm. Mỗi người có thể có bố cục riêng tùy theo lập trường thần học của mình.
Lưu ý: Các bản dịch Kinh Thánh của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR và CGKPV đã cung cấp một phần nghiên cứu trên trong phần Dẫn Nhập của mỗi tác phẩm. Các tín hữu có thể tham khảo. Tuy nhiên, phần lớn công việc vẫn phải do chính bạn làm, có thế bạn mới thật sự hiểu tác phẩm, nhất là việc lập biểu đồ thì chính bạn phải làm vì không sách nào có.  
6. Áp dụng: Các tín hữu có thể sẽ cảm thấy “quen” với tác phẩm Kinh Thánh sau khi học xong, nhưng cũng cần ý thức rằng hành trình trở nên “thân quen” với Lời Chúa vẫn còn đang ở phía trước. Hãy chọn câu Kinh Thánh nào trong tác phẩm đã đánh động bạn nhất và áp dụng vào đời sống của bạn. Đừng quên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hứng cho các tác giả loài người viết ra các trang Sách Thánh bạn đang đọc. Ngài sẽ soi sáng cho bạn hiểu chính những gì đã soi sáng cho các tác giả xưa viết ra.
LM. JM. Mười Một, CSsR


[1] Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can Unlock God’s Word, 169-84, của Rick Warren, tác giả tác phẩm nổi tiếng The Purpose Driven Life(Sống Theo Mục Đích).

* Quý vị có thê đọc lại toàn bộ loạt bài nghiên cứu này tại đây !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét