Chú giải của Lm. FX. Vũ Phan Long
SỰ HƯỚNG DẪN VÀ CHE CHỞ CỦA THIÊN CHÚA
1.- Ngữ cảnh
Bản văn đưa chúng ta
đi vào tấn bi kịch: Vừa chào đời, Hài Nhi Giêsu đã bị vua Hêrôđê tìm cách tiêu
diệt. Toàn bản văn có hai nét tiêu biểu: (1) Cuộc sống của Hài Nhi bị đe dọa,
và vì thế, công trình cứu thế cũng bị đe dọa; (2) Thiên Chúa che chở Hài Nhi.
Bản văn không hề có chút gì là màu sắc lãng mạn: các biến cố được mô tả rất đơn
giản, y như thể là bài tường thuật về một sự kiện thời sự.
2.- Bố cục
Có thể chia bản văn
Mt 2,13-21 thành ba phần, cuối mỗi phần có một ghi nhận về sự hoàn tất các sấm
ngôn:
1) Cuộc đi trốn sang
Ai Cập (2,13-15);
2) Mối đe dọa thật
trầm trọng (2,16-18);
3) Mối đe dọa chấm
dứt – Trở về quê hương (2,19-21).
Bản văn phụng vụ
không đọc phần thứ hai.
3.- Vài điểm chú giải
- trốn sang Ai Cập (13): Đây là miền đất những người Do Thái bị
bách hại thường tìm đến mà ẩn náu (x. 1 V 11,40; 2 V 25,26), nhất là từ khi xảy
ra các xáo trộn thời Macabê. Rất có thể Giuse đã đến Arít, phía nam Gada: đến
được đó, thì đã coi như ngài đã ở trên đất Ai Cập; vùng này được Rôma trực tiếp
kiểm soát từ năm 31 tCN. Dù thế nào, đi từ Bêlem xuống Ai Cập chỉ mất năm hay
sáu ngày.
- Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập
(15): Mt trích sách ngôn sứ Hôsê Hípri với chi tiết “con Ta”, còn Bản LXX thì
viết là “các con của nó”. Lời sấm Hs gợi đến cuộc Xuất hành của Israel, vì khi
đó họ đã được gọi là “con Ta” ở Xh 4,22. Theo cách Mt đặt Israel và Đức Giêsu
song đối với nhau, ta phải kết luận rằng Đức Kitô sáp nhập dân mới của Thiên
Chúa, tức là Hội Thánh, vào bản thân Người và Người sẽ lôi kéo dân mới này đi
theo trong cuộc Xuất hành cánh chung của Người.
- giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng
lân cận, từ hai tuổi trở xuống (16): Rất có thể con số các trẻ em bị
giết không vượt quá hai mươi, do mật độ dân số thưa thớt và tỷ lệ sinh ít ỏi ở Bêlem
thời đó (theo tính toán của D. Buzy).
- tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các
nhà chiêm tinh (16): Ta có cảm tưởng là điều này không thật, bởi vì vua
Hêrôđê có thể dễ dàng cho người đến Bêlem mà tìm ra ngôi nhà đã được các hiền
sĩ đến thăm. Câu trích Gr 31,15 và giọng văn rất giản dị khiến người ta nghĩ
bản văn này là một bài giáo lý hơn là một tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, chứng
giận dữ điên cuồng mù quáng dại dột của nhà vua thì rất phù hợp với những gì
chúng ta biết được về những năm cuối đời ông.
- Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:
tiếng bà Rakhen khóc thương (18): Bản văn trích từ Gr 31,15 dường như
là một bản dịch tóm bản văn Hípri. Vị ngôn sứ cho thấy bà Rakhen, mẹ của Giuse
(các chi tộc Épraim và Mơnase) và Bengiamin, trỗi dậy từ ngôi mộ của bà gần
Rama (khoảng 8 cs về phía bắc Giêrusalem) mà khóc trên nỗi bất hạnh của các
cháu chắt bà, vì họ đang bị người Átsua đưa đi lưu đày (khoảng năm 722 tCN).
Truyền thống Do Thái đã lầm khi xác định Éprát, nơi có mộ bà Rakhen, là Bêlem
(St 35,19), nhưng giúp cho tác giả Mt có cơ sở mà liên kết bản văn Giêrêmia với
hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, để hiểu ý hướng của Mt khi quy chiếu về chương
này của Gr, cần thấy rằng các câu sau (Gr 31,16-17) giới thiệu một bầu khí
khác, đưa tới lời Thiên Chúa hứa lập một giao ước mới với nhà Israel (Gr
31,31-33). Theo Mt, việc Đức Giêsu trở về từ Ai Cập đánh dấu bước đầu hoàn tất
lời sấm ấy: “giao ước mới” được Gr tiên báo, này đang đi dần tới chỗ được thực
hiện nơi bản thân Đức Giêsu.
- vì những kẻ tìm giết Hài Nhi
đã chết rồi (20): Câu
này trích từ Xh 4,19 (“Đi đi, hãy trở về Ai Cập, bởi vì mọi kẻ tìm cách làm hại
mạng sống ngươi đã chết cả rồi”).
- Áckhêlao (22): Ông cai trị miền Giuđê từ năm 4 tCN
đến năm 6 CN. Mt không nói vì sao Giuse muốn rời bỏ miền đất do Áckhêlao cai
trị. Lịch sử cho biết Áckhêlao cũng độc ác như vua cha, nhưng không thông minh
và khôn khéo về chính trị như vua cha. Mt không nói lý do, có lẽ vì muốn để cho
quyết định của Giuse hoàn toàn lệ thuộc sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
- Người sẽ được gọi là người
Nadarét (23): Qua sự
kiện Đức Giêsu về ở tại Nadarét, Mt thấy nhiều bản văn ngôn sứ được ứng nghiệm.
“Người Nadarét” là nazôraios trong tiếng Hy Lạp. Nhưng nazôraios cũng còn có
thể có hai nghĩa sau:
(1) Nazôraios có
quan hệ với naziraios (LXX) là từ ngữ dẫ
n xuất từ từ ngữ Hípri na-dia (nazýr).
Na-dia là một người “biệt cư”, một vị “thánh”, như Samsôn (x. Tl 13,5-7:
đoạn này thường được liên kết với Mt 1–2), phải tuân giữ những luật lệ nghiêm
ngặt. Luca giới thiệu Gioan Tẩy Giả (Lc 1,15), và Đức Giêsu (1,35), như một
na-dia, kế thừa các vị thánh Cựu Ước.
Thật ra, văn cảnh Mt
1–2 khó phù hợp với ý tưởng về truyền thống na-dia này.
(2) Nazôraios có
quan hệ với từ Hípri nêser, “mầm mống, chồi lộc” (x. Is 11,1; Gr 23,5; 33,15;
Dcr 3,8; 6,12). Đấng Mêsia được gọi bằng tên này để diễn tả thân phận thấp hèn,
khiêm tốn.
Từ này yếu hơn từ
trước về phương diện ngữ học, nhưng lại phù hợp với văn cảnh Mt ch. 2 hơn.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong bản văn chúng
ta đọc hôm nay, tác giả Mt diễn tả rõ ràng hình ảnh Đấng Mêsia bị dân Người
loại trừ và bách hại. Ông cũng theo sát quan niệm của các kinh sư về một cuộc
Xuất hành mới vào thời cánh chung mà trình bày loạt các biến cố này như một
cuộc Xuất hành mới, tiên báo cuộc Xuất hành cuối cùng của lịch sử nhân loại mà
Đức Giêsu sẽ thực hiện qua sứ vụ của Người: ở đây cũng có một ông vua sát hại
các trẻ em Do Thái; nhưng cũng như Môsê đã được mang đi giấu và được cứu, Đức
Giêsu cũng thoát khỏi cái chết; Thiên Chúa đã gọi Israel ra khỏi Ai Cập, bây
giờ chính là Đức Giêsu, Israel mới, ra khỏi Ai Cập.
* Cuộc đi trốn sang Ai Cập
(13-15)
Giuse được Thiên
Chúa giao cho nhiệm vụ che chở và bảo vệ Maria và Hài Nhi (1,20t) và ngài đã
vâng lời chấp nhận nhiệm vụ (1,24t). Kể từ đó, ngài sống là để phục vụ mẹ con
Hài Nhi. Điều ngài phải làm, đã được biểu lộ đặc biệt vào dịp Hài Nhi bị đe
dọa. Ba mệnh lệnh ngài nhận được từ Thiên Chúa luôn luôn có nguyên do là hoàn
cảnh hiểm nghèo này (2,13.20.22). Thật ra lệnh Thiên Chúa đã được hiểu ngầm
trong hoàn cảnh, bởi vì hoàn cảnh diễn tả điều mà Giuse được yêu cầu làm để bảo
vệ Hài Nhi. Hành động của Giuse được xác định như là cách ứng xử do hoàn cảnh
bó buộc dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Tương ứng với mỗi lệnh là việc Giuse
thi hành chính xác điều được yêu cầu (2,14.21.23). Giuse vâng lời Thiên Chúa
theo sát mặt chữ và tức khắc (ngay trong đêm; không biết ngày về). Luật tối
thượng của đời sống ngài là ý muốn của Thiên Chúa, Đấng đã giao phó Hài Nhi cho
ngài.
Hài Nhi luôn luôn
được nhắc đến cùng với mẹ Người (2,13.14.20.21). Tuy nhiên, tác giả không nêu
tên bà. Maria không được nhắc đến vì chính mình, nhưng vì công việc phục vụ từ
mẫu bà cống hiến cho Hài Nhi, và Hài Nhi phải nhờ đó mà sống. Cũng như Giuse
được giao cho nhiệm vụ che chở Hài Nhi khỏi các nguy hiểm bên ngoài, Maria được
giao cho bổn phận săn sóc Hài Nhi để Hài Nhi lớn lên. Giuse và Maria có những
nhiệm vụ khác nhau, nhưng tại trung tâm đời sống các ngài, có công việc giống
nhau là phục vụ Đức Giêsu.
Khi kết thúc bài
tường thuật đầu tiên này, tác giả Mt đã vận dụng bản văn Hs (11,1) không phải
để nói về cuộc trốn sang Ai Cập, nhưng là chuyến đi từ Ai Cập về đất Israel.
Bằng cách này, ngài muốn đề cao ơn gọi thiên sai của Đức Giêsu (sẽ được công bố
tại sông Giođan), như xưa kia, dân Do Thái, khi được gọi ra khỏi Ai Cập, đã trở
thành dân “sở hữu” của Thiên Chúa (Xh 19,5).
* Mối đe dọa thật trầm trọng
(16-18)
Lối xử sự của vua
Hêrôđê hoàn toàn ngược lại với lối xử sự của Maria và Giuse. Hai đấng che chở
và săn sóc Hài Nhi, còn vua Hêrôđê thì muốn loại trừ Người, khi ông cảm thấy
vương quyền của ông bị ấu chúa dân Do Thái đe dọa (2,2). Ông đã coi vương quyền
của ông như mục tiêu tự nó có giá trị; ông bị chiếm hữu bởi ý chí hùng cường.
Do đó, ông chỉ có một mối bận tâm, là vận dụng mọi phương tiện để đảm bảo vương
quyền, kể cả vi phạm bổn phận đầu tiên của một vị vua, là che chở thần dân
mình: như mục tử chăm sóc đoàn chiên, một vị vua cũng phải săn sóc dân mình (x.
2,6). Hêrôđê đã xúc phạm đến sự sống của dân ông, khi cho sát hại các hài nhi.
Vì muốn loại trừ Đấng mà ông đang tìm kiếm, ông muốn chắc chắn nên đã gây ra
cuộc tàn sát các hài nhi Bêlem. Ở đây Hêrôđê là hình ảnh của Pharaô ngày xưa
tái hiện, vì trước Xuất hành, Pharaô đã giết các trẻ nam Israel (x. Xh
1,15-22).
* Mối đe dọa chấm dứt – Trở về
quê hương (2,19-21)
Cái chết của vua
Hêrôđê đã loại trừ nguy hiểm, nên Thánh Gia có thể trở về quê. Tuy nhiên, vì sợ
Hêrôđê Áckhêlao, Giuse đã quyết định đưa Hài Nhi về Nadarét. Tác giả nhận ra
qua hành trình Hài Nhi theo để đi sang Ai Cập rồi trở về Nadarét là chương
trình của Thiên Chúa được hoàn tất. Lời ngôn sứ Hôsê 11,1 (“Ta đã gọi con Ta ra
khỏi Ai Cập”) lúc đầu nhắm tới việc dân Israel thoát ách nô lệ Ai Cập; nay vị
trí của dân Thiên Chúa, Đức Giêsu, trong tư cách là Con Thiên Chúa theo cách
tuyệt đối đặc biệt (x. 3,17), đã chiếm lấy. Công thức “Người sẽ được gọi là
người Nadarét” không có trong bất cứ sách ngôn sứ nào; chính Mt cũng không quy
chiếu về vị ngôn sứ nào, nhưng nói ở số phức “các ngôn sứ”. Câu văn ấy trước
tiên cho thấy Đức Giêsu như là người đến từ Nadarét. Đây có thể là một gợi ý
đến Is 11,1, vì trong câu ấy, có loan báo về mầm chồi (nêser) phát xuất từ gốc
Giêsê như là Hoàng tử bình an, đầy Thần Khí và công chính; cũng có thể gợi đến
cả Gr 23,5; 33,15, vì ở đó có cho biết là dân chúng đang trông mong một vị vua
công chính và khôn ngoan như là một mầm chồi cho Đavít.
Chúng ta ghi nhận là
trong đoạn tường thuật cuối cùng này, Mt so sánh Đức Giêsu với Môsê. Cũng như
Môsê đã thoát chết cách huyền nhiệm (Xh 2,1-10) và đã trốn sang đất ngoại quốc
để tránh Pharaô (Xh 2,11-15) trước khi đương đầu công khai với nhà vua theo
lệnh Thiên Chúa, thì Đức Giêsu, sau khi đã được tấn phong làm ngôn sứ (Xh
3,1-12), cũng thoát khỏi cuộc tàn sát và trốn bạo chúa (cc. 13-15), rồi lui về
Nadarét (c. 23) để tái xuất hiện và rao giảng công khai, sau khi được tấn phong
làm Mêsia khi chịu phép rửa (ch. 3–4). Nét tương đồng với Môsê được khẳng định
qua lời thiên sứ trích từ Xh 4,19. Đến cuối cuộc xuất hành này, Đức Giêsu sẽ
tái xuất hiện trên sân khấu xã hội Do Thái dẫn đầu đoàn người đông đảo (4,25),
và Người sẽ ban cho họ Luật mới (Bài Giảng trên núi, ch. 5–7), như Môsê sau
Xuất hành, tại núi Sinai.
+ Kết luận
Ý muốn sát nhân của
vua Hêrôđê đã bị sự che chở của Thiên Chúa triệt tiêu, mà lại không dùng bất cứ
phương tiện phi thường nào. Do biết đi trốn và biết khôn ngoan nhận định tình
hình, Giuse đã bảo vệ Con Trẻ được an toàn. Giuse đã là một dụng cụ Thiên Chúa
dùng; ngài vâng lời Thiên Chúa và ra sức hành động để phục vụ sự sống của Hài
Nhi. Do ý muốn của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đi sang Ai Cập rồi về Nadarét, và
thế là chương trình của Thiên Chúa được ứng nghiệm (2,15.23). Những ai bị cuộc
xuất hiện của Đức Giêsu “phá rối” thì vận dụng mọi phương tiện để chống lại
Người. Nhưng Đức Giêsu ở dưới sự che chở của Thiên Chúa. Các dụng cụ Thiên Chúa
dùng là các con người, được kêu gọi để phục vụ Hài Nhi. Trong câu truyện vừa
đọc, ta thấy rõ ý nghĩa của sự hiện diện của Giuse và Maria đối với Hài Nhi
Giêsu.
Đức Giêsu vừa là
Môsê mới (Ai Cập) vừa là con cháu Đavít (Bêlem). Cuộc trốn sang Ai Cập không phải
là một ngoặc đơn tình cờ trong định mệnh Đức Giêsu, nhưng là một sự kiện đầy ý
nghĩa nối kết định mệnh này với toàn thể lịch sử Israel. Chương trình của Thiên
Chúa đang điều hành trọn vẹn cuộc đời Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Một em bé là một
con người yếu ớt, mong manh, không quyền lực, bị đe dọa trong cuộc sống. Em
không thể tự vệ, cũng không thể tự khẳng định. Chỉ nguyên chuyện tiếp tục sống,
em cũng cần được săn sóc và giúp đỡ. Em lại càng cần được che chở cách hiệu quả
và khôn ngoan để có thể thoát các nguy hiểm. Vô sô hài nhi đã trở thành nạn
nhân của chính tình trạng thiếu khả năng tự vệ. Hài Nhi Giêsu cũng thông dự vào
nguy cơ này. Làm sao khỏi cảm kích trước mầu nhiệm Nhập Thể đã đưa Con Thiên
Chúa đến chỗ chia sẻ thân phận con người như thế?
2. Giuse biết rõ
mình là ai và biết rõ mình phải làm gì và ngài sống đúng theo chiều hướng đó.
Ta không hề thấy Giuse bận tâm đến chút quyền lợi riêng tư nào. Ngài chấp nhận
mọi mệt nhọc, mọi mò mẫm; ngài chỉ có một mục tiêu là phục vụ sự sống của Hài Nhi.
Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn và Giuse là người thi hành. Cuộc sống Kitô hữu
cũng có những mệt nhọc và những mò mẫm như đi trong đêm tối. Thiên Chúa kêu
gọi, Thiên Chúa hướng dẫn, nhưng Ngài không chỉ rõ con đường phải theo. Ngài để
cho con người suy nghĩ, vận dụng sáng kiến, mà cộng tác với Ngài.
3. Giuse và Maria có
những nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều nhằm phục vụ Hài Nhi Giêsu. Thật ra công
việc phục vụ này không có gì đặc biệt, mà chỉ là công việc của một người cha và
một người mẹ như bất cứ cha mẹ nào: săn sóc đứa con, bảo vệ che chở, làm cho nó
lớn lên an toàn. Qua điểm này, chúng ta nhận ra sự hạ cố của Thiên Chúa: Người
chấp nhận sự săn sóc của loài người, các thọ tạo của Người. Nhưng đấy cũng là
một bài học cho chúng ta: cứ làm những việc bổn phận thuộc bậc sống, chúng ta
lại có thể đang thực hiện những điểm trọng yếu trong lịch sử cứu độ.
4. Quyền bính của
Giuse, chủ gia đình, là một quyền bính trung gian. Ngài nhận các mệnh lệnh từ
Thiên Chúa và truyền đạt cho các thành viên trong gia đình. Như thế, quyền bính
này là một việc phục vụ. Mục tiêu Giuse nhắm không phải là thỏa mãn chính mình,
nhưng là phục vụ Con của mình bằng cách bảo vệ Con khỏi nguy hiểm. Đức Maria và
Đức Giêsu vâng lời Giuse, vì nhận ra nơi lời ngài có Lời Thiên Chúa. Đây chính
là sự hài hòa và bổ túc của các vai trò trong gia đình: mỗi người được mời gọi
sống ơn gọi của mình trong tình yêu và sự kính trọng người khác.
5. Quyền lực được
giao là để phục vụ hạnh phúc của nhân dân. Như thế, gương phải theo khi thi
hành quyền lực là chính Thiên Chúa. Hêrôđê chỉ biết đến mục tiêu cá nhân, chứ
không hề quan tâm đến những con người, dù là những con người yếu đuối, vô tội.
Khi đó, mọi phương tiện đều tốt, kể cả sát hại hàng loạt những trẻ thơ vô tội.
Dĩ nhiên không ai trong chúng ta lại không rùng mình khi nghĩ đến sự tàn ác của
vua Hêrôđê, nhưng chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có thật sự tôn trọng người
khác, vì họ là con cái Thiên Chúa, và anh chị em của chúng ta chăng, hay là đôi
khi chúng ta cũng nghĩ đến người khác chỉ như là phương thế để trục lợi, để
giải quyết mọi khúc mắc của chúng ta, rồi sau đó mau mắn bỏ rơi và quên mất họ?
6. Đoạn văn nói đến
diễn tả rõ ràng sự quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời Đức Giêsu. Nhưng
quan phòng không có nghĩa là làm cho cuộc đời của Đức Giêsu tiến đi trên thảm
mịn, rải toàn hoa hồng. Đức Giêsu vẫn gặp đủ thứ thử thách. Nhưng Thiên Chúa
quan phòng đưa lại một ý nghĩa cho các thử thách, tháp chúng vào trong một
chương trình cứu độ (x. Rm 8,28).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét