Trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chuyện bên lề và không bên lề chung quanh ngày sinh của Đấng Cứu Thế

Chuyện bên lề và không bên lề chung quanh ngày sinh của Đấng Cứu Thế

Cứ mỗi 14 năm, người Rôma lại tổ chức một cuộc kiểm tra dân số trên toàn đế quốc nhằm đánh thuế đủ để trả tiền cho quân đội, cho cuộc sống xa hoa của họ, và cho “cơm bánh cùng trò xiếc” của dân. Cuộc kiểm tra dân số được Thánh Luca nhắc tới có lẽ diễn ra giữa năm 10 và năm 7 trước CN, dưới thời Hoàng Đế Augustus. Vì cuộc kiểm tra dân số này, Thánh Giuse buộc phải trở về Bêlem, nơi sinh quán và là thành của nhà Đavít.

Đưa một thiếu nữ gần ngày sinh đứa con đầu tiên của mình đi một hành trình gian khổ 4, 5 ngày trên lưng lừa xem ra khùng điên làm sao. Nhưng đối với người thiếu nữ Maria này, sự trùng hợp giữa cuộc kiểm tra và ngày sinh của con mình hẳn phải là một “xác nhận” nữa; nó làm nên trọn lời tiên tri xưa của Mica rằng Bêlem chính là sinh quán của Đấng Được Xức Dầu.

Nhiều thế kỷ sau, một đan sĩ Rôma, Dionysius Exiguus, nẩy ra ý tưởng phân chia lịch sử thành hai thời đại, phân cách bởi việc ra đời của Chúa Kitô, nhưng ngày nay, ta biết năm 1 A.D của niên lịch hiện thời có thể không phải là ngày Chúa Giêsu sinh ra, vì Người sinh ra dưới thời Vua Hêrốt, một người bệnh sắp chết và quả đã chết năm 4 trước CN. Khi Ba Chiêm Tinh Gia tới thăm ông, không có dấu hiệu gì ông bệnh nặng cả. Nên có lẽ Hài Nhi Giêsu sinh ra khoảng năm 7 trước CN, một niên hiệu có lẽ trùng hợp với một hay hai lời giải thích của các nhà thiên văn học về ngôi sao của Ba Chiêm Tinh Gia.

Thánh Giuse và Đức Mẹ có thể đã du hành dọc theo thung lũng Giócđan, lúc ấy không nóng, khô và lởm chởm như ngày nay; bởi lúc ấy, vẫn còn nhiều vết tích mầu mỡ và rừng thưa của Palestine. Các vị có thể băng qua Giêricô để từ đó leo dốc lên các ngọn đồi Giêrusalem, và tiếp tục thêm 5 dặm nữa để tới Bêlem.

Cũng có thể các vị đi một mình. Vì hình như Thánh Giuse muốn tránh cho Đức Mẹ những con mắt tò mò. Và nếu thế, thì đây quả là một quyết định táo bạo, vì nhiều băng cướp sẵn sàng nhẩy bổ ra từ những khe đồi hóc hiểm. Lừa đã trở thành một phần rất lớn của bức tranh đến nỗi ta coi là chuyện đương nhiên. Còn Đức Maria, vì gần tới ngày sinh, không thể nào cuốc bộ được.

Về đêm, có lẽ các vị phải tìm an toàn nơi các quán xá hay nhà trọ dọc đường. Có thể là một căn nhà nhỏ 1 lầu, có sân vây tường, một chiếc giếng ở giữa, những vòng dây giữ thú vật, và nhiều chỗ để nổi lửa, làm bằng đất xét hay đào lỗ xuống đất.

Lừa thường mang một cuộn đồ giường, và Đức Maria hẳn mang theo nhiều tã lót, những chiếc khăn vải hẹp mà thời ấy người ta dùng để cột tứ chi em bé sơ sinh cho khỏi động đậy nhiều quá. Và cứ thế, các vị tới Bêlem Ephrathah, một thị trấn đồi núi giữa những hàng ôliu xanh.

Ephrathah, một khu tại Bêlem, có nghĩa “nhiều trái”, còn Bêlem có nghĩa “nhà bánh”; Chúa Giêsu sau này sẽ nói Người là “cây nho đích thực”, “bánh hằng sống”; và hàng triệu Kitô hữu tin rằng Người xuất hiện hàng ngày dưới hình bánh và rượu, trên bàn thờ khắp mọi ngõ ngách trên thế giới. Nhưng đêm đó, tại Bêlem, như ta biết, chẳng ai đón Người cả, không có chỗ nào dành để Người sinh hạ một cách xứng đáng cả. Máng chiên bò, có lẽ của một quán xá, có thể là một cái hang vì ở vùng đồi núi Bêlem, đó là nơi người ta giữ trâu bò cùng các gia súc.

Đức Maria có thể sinh con một mình; nhưng một ngụy thư cho hay Thánh Giuse đi tìm một bà đỡ và bỗng nhiên trời đất lặng thinh.

“Lúc ấy, Giuse tôi đang đi, và bỗng dừng lại… Nhìn lên trục trời, tôi thấy nó đứng im; nhìn lên chim trời, tôi thấy chúng bất động. Nhìn xuống trái đất, tôi thấy chiếc đĩa nằm đó, mấy người thợ nằm bên, tay trong chiếc đĩa: và những người đang nhai ngừng nhai, người đang nâng thức ăn lên ngừng nâng, còn những người đang cho thức ăn vào miệng cũng nửa chừng ngưng lại, mọi khuôn mặt đều hướng lên trời. Và kìa có những con cừu bị lùa, nhưng chúng không đi mà đứng im tại chỗ, còn người chăn cừu thì giơ tay lên định lấy gậy đánh chúng nhưng tay ông ta lơ lửng trên không. Nhìn xuống giòng sông tôi thấy miệng những con dê non đang uống nước nhưng chúng không uống được. Rồi bỗng nhiên, mọi sự lại chuyển động lại như thường.
… và kìa, một đám mây sáng bỗng bao phủ chiếc hang. Và… đám mây cũng tự rút lui… và một ánh sáng vĩ đại xuất hiện trong hang… rồi từ từ ánh sáng ấy cũng tự rút lui cho tới lúc hài nhi xuất hiện…”

Quả là một bức tranh tuyệt vời mô tả toàn vũ trụ nín thở.

Sự hiện diện của bò lừa đã ứng nghiệm lời tiên tri. Habacúc từng viết “giữa hai sinh vật, ngài tự làm mình được biết đến”. Còn Isaia thì viết “bò biết chủ, lừa biết máng cỏ chủ mình”. Ở Phương Đông, máng cỏ được làm bằng đất sét hay có lẽ bằng cả chiếc chậu đá, và dù Đức Maria có trải cỏ khô lên, thì nó vẫn rất lạnh. Nên truyền thuyết cho rằng bò lừa đã thổi hơi ấm cho Hài Nhi.

Tại Palestine, ta khó có thể đi một quãng mà không gặp một người chăn chiên, đôi khi với một con chiên hay một con cừu bị thương trên vai. Người này có thể khoác bên ngoài chiếc áo dài của mình một áo khoác bằng da cừu kiểu người Bedouin, bên trong là lông cừu; ông cầm gậy trong tay để hướng dẫn đoàn vật, nói với chúng bằng một giọng như ca. Mục tử là những người rất nổi trong Thánh Kinh, từ Ápraham với đoàn chiên của ông, rồi Đavít, được kêu gọi lúc đang chăn chiên để được sức dầu làm vua, tới chính Chúa Kitô. “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn gì” có lẽ là thánh vịnh đáng yêu hơn cả của chúng ta và nhiều lần Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nhắc đến việc Người là Đấng Chăn Chiên Lành. Thành thử còn điều gì chính đáng hơn khi những người bên ngoài đầu hết được thấy Người mới sinh cho bằng những người chăn chiên?

Nhưng cũng chính vì thế mà có cuộc tranh luận bất tận. Một số thần học gia nói Chúa Giêsu không thể sinh trong mùa đông được vì Bêlem vào tháng 12 lạnh đến không độ nên đoàn vật ở trong hang cả. Bởi thế, họ cho rằng Chúa Giêsu có lẽ sinh trong mùa xuân, vì đây là mùa chăn chiên, lúc các người chăn chiên canh chừng ban đêm, chứ vào dịp khác, họ để mặc các con chiên. Tranh luận gì thì tranh luận, các sách Tin Mừng xác nhận: các người chăn chiên của Giáng Sinh sống ở ngoài đồng, do đó, dường như họ là người Bedouin hay những người du mục khác; tận ngày nay, chung quanh Bêlem, vẫn có những chiếc lều thấp bằng vải đen của người Bedouin bất chấp đông hay hạ, và những tia lửa ban đêm.

Ngày nay, vào dịp Lễ Giáng Sinh, Bêlem chật ních du khách, đông đến nỗi các Kitô hữu địa phương không vào để dự lễ nửa đêm của họ được. Chiếc hang sinh nhật nằm dưới nhà thờ vĩ đại kiểu Rôma; hai hàng bậc thang dẫn xuống chiếc hang nhỏ xíu chỉ rộng dài chừng vài thước; nó nực mùi hương và được trang trí cầu kỳ, với hơn 50 chiếc đèn; nhưng dưới sàn có gắn một ngôi sao bằng bạc, đã mòn đi dưới nụ hôn của muôn vàn tín hữu trong các thế kỷ qua, đánh dấu địa điểm Chúa Kitô ra chào đời, vừa để nhắc tới dòng Đavít vừa để nhắc tới ngôi sao của Ba Chiêm Tinh Gia.

Ba Nhà Chiêm Tinh đã tạo nên sôn sao đến thế nào cho phố xá Bêlem khi họ cỡi lạc đà tới địa điểm nó dừng lại! Tin Mừng Mátthêu nói rằng nó dừng lại một căn nhà, như thế là Thánh Gia đã dọn ra khỏi hang.

Không ai biết Ba Chiêm Tinh Gia từ đâu tới, nhưng cứ căn cứ vào sự giầu có trong các cống phẩm của họ và lòng tôn kính đối với họ tại cung đình Hêrốt, thì chắc chắn họ là những người tiếng tăm. Hiển nhiên họ từ phương xa mà đến. Có thể đã vượt cả sa mạc vì cỡi lạc đà! Theo ánh sao, hẳn nhiên họ du hành phần lớn trong đêm.

Các sử gia và các thiên văn gia hàng thế kỷ qua đã tranh luận xem ngôi sao tạo ấn tượng này là loại sao gì. Sao chổi chăng? Một ngôi được nhìn thấy vào năm 17 trước CN, sớm quá! Một ngôi khác, như điềm báo hiệu cái chết của Nêrông năm 66 CN, quá trễ! Người Trung Hoa, rất thành thạo trong quan sát thiên văn, ghi nhận rằng một sao chổi lúc ẩn lúc hiện suốt 70 ngày vào năm 5 trước CN. Hay ngôi sao này là một tân tinh (nova), không hẳn ngôi sao mới, cho bằng một ngôi sao chợt rực sáng do nổ tung từ bên trong; độ sáng của tân tinh hết sức lớn. Người Trung Hoa nhận ra một ngôi vào năm 4 trước CN; họ gọi sao chổi này là “sao chổi không có đuôi”, ngôn ngữ thiên văn chỉ vẻ đẹp của bầu trời.

Có một trùng hợp khác được cả khoa thiên văn lẫn khoa chiêm tinh ủng hộ, đó là việc nghiên cứu ảnh hưởng của các vì sao và các hành tinh đối với con người và mọi vụ việc của họ; các hành tinh chuyển vần trong thái dương hệ, đôi khi đến gần nhau đến độ đối với con mắt cách xa cả hàng triệu dặm của ta, chúng gần như đụng vào nhau. Năm 1603, thiên văn gia vĩ đại người Đức là Johannes Kepler nhờ kính hiển vi khi nhận ra sự đến gần nhau của Sao Mộc (Jupiter) và Sao Thổ (Saturn) trong chùm Song Ngư (Pisces), bèn nhớ tới một điều đã đọc, đó là các chiêm tinh gia ngày xưa vẫn tin rằng việc đến gần nhau của các hành tinh này là dấu chỉ đêm, thậm chí cả giờ, Đấng Được Xức Dầu xuất hiện, vì Song Ngư, với hai “cá” trời nối đuôi nhau chính là dấu hiệu của Người; Jupiter vốn là hành tinh vương giả và may mắn, còn Saturn vốn được coi là người bảo vệ Israel.

Tính toán cẩn thận, Kepler thấy rằng hiện tượng lạ lùng này từng xẩy ra một lần trước đây vào năm 6 hoặc 7 trước CN. Khám phá của ông bị coi thường nhiều năm cho tới tận năm 1925, khi người ta tìm thấy nhiều tài liệu cổ xưa tại Trường Chiêm Tinh Học nổi danh tại Sippar thuộc Babylon; và trong các tài liệu này, bằng hình thức chữ nêm (cuneiform) của Babylon, một vụ đến gần đã được ghi nhận rõ ràng và được quan sát suốt 5 tháng vào năm 7 trước CN: giữa Jupiter và Saturn trong chòm Song Ngư!

Xem ra không thể chối cãi được, ấy thế nhưng… vẫn có một chỗ khó hiểu: mọi người ở Babylon và ở cả Phương Đông, gồm luôn cả Trung Hoa đều nhìn thấy nó, vậy mà tại Palestine, xem ra không ai thấy nó cả, ngay các thượng tế và luật sĩ của Hêrốt, hay bất cứ ai ở Giêrusalem, cũng đều không thấy. Thậm chí lúc các Chiêm Tinh Gia cho họ hay, họ vẫn tỏ ra hết sức bỡ ngỡ. Tại sao?

Trong cuốn Thánh Kinh Giêrusalem, lời bình luận về các Tin Mừng hết sức thận trọng loại bỏ bất cứ chi tiết tưởng tượng nào, rất quan tâm tới việc tách sự thật ra khỏi dã sử, ấy thế mà vẫn có ghi chú này: “hiển nhiên, Tin Mừng Gia (sử gia thận trọng Mátthêu) nghĩ tới ngôi sao lạ; nên tìm các giải thích tự nhiên là điều vô ích”. Và yếu tính một thị kiến há không chỉ được nhìn thấy bởi những ai thị kiến muốn cho thấy đó sao? Không thấy có ghi chép nào cho thấy ngoài Gioan Tẩy Giả ra có ai khác thấy chim bồ câu đậu xuống Chúa Giêsu lúc Người chịu phép rửa; trên đường Đamát, nào có khác ngoài Thánh Phaolô thấy chi ấy thế nhưng ngài vẫn đã chịu mù vì ánh sáng. Mọi thị kiến khác đều thế cả.

Thành thử điều thực sự lạ lùng là chỉ có Ba Chiêm Tinh Gia thấy nó mà thôi. Với Đức Maria, sự tôn kính của họ chẳng có tính trần đời chút nào, những người khách vĩ đại đến từ tận những phương xa ngài chưa bao giờ thấy, nay qùy gối phủ phục trước Hài Nhi của mình, nhưng các cống phẩm của họ có tính trần đời rõ ràng, dù khá lạ lùng đối với một hài nhi. Tuy nhiên, quả họ có óc tinh tường nhìn thấu tương lai: vì vàng chỉ vương hiệu của Người; nhũ hương chỉ thần tính của Người và mộc dược chỉ cái chết và sầu khổ đắng đót của Người.

Sự sầu khổ này đến ngay sau đó. Trong tất cả các lịch sử, không có quái vật nào khủng khiếp hơn Hêrốt, người mà Flavius Josephus từng viết về: “Ông ta không hề là vua mà là một bạo chúa tàn ác nhất từng lên ngôi. Ông ta cướp bóc chính dân của ông, tra tấn trọn các cộng đồng; gần như ngày nào, cũng có một ai đó bị kết án tử hình, thậm chí trong hàng bạn hữu, tư tế và chính gia đình ông ta, cả vợ con ông ta nữa”. Tuy nhiên, không còn gì khủng khiếp hơn việc sát hại cả hàng trăm bé trai dưới hai tuổi tại và xung quanh Bêlem. Chúa Giêsu được hành động mau lẹ và sự vâng theo lời thần sứ Thiên Chúa của Thánh Giuse cứu thoát, thậm chí không chờ tới hừng đông; nhưng còn Đức Maria thì sao, lên đường trốn qua Ai Cập để lại đàng sau cảnh máu đổ thịt rơi hết sức đau lòng?

Cuộc lữ hành dưới bóng hãi hùng quả là dài, dài hơn cuộc hành trình từ Nadarét tới Giuđêa mấy hôm trước nhiều, hai trăm năm mươi dặm, theo con đường thương nhân phía nam Hebron, tây Gaza và dọc theo duyên hải, phần lớn phải băng qua những vùng sỏi đá, đến lừa có khi cũng phải chết dọc đường.

Bên kia biên giới và chỉ cách bắc Cairo ít dặm là làng El Matariya, ngày nay toạ lạc giữa những vườn trồng mía, và đây là nơi Thánh Giuse, theo truyền thuyết, đã đem Đức Maria và Chúa Giêsu tới. Khách hành hương ngày nay vẫn tuôn tới đó để chiêm ngắm Nhà Thờ Thánh Gia và thân cây rỗng ngày xưa mà theo tương truyền, Đức Maria cùng Chúa Giêsu đã được dấu trong đó khi bị lính tráng và kẻ cướp rượt chạy.

Khi Hêrốt băng hà và Thánh Giuse được một thần sứ Thiên Chúa cho hay gia đình có thể trở về Palestine, ngài đã qui hồi Nadarét, nơi Chúa Giêsu lớn lên.

Trong Thánh Kinh, Giáng Sinh đến đây chấm dứt và điều khó hiểu đối với chúng ta ngày nay là trong suốt 4 trăm năm sau đó, nó không hề được tưởng nhớ. Nó bị dấu kín như phần lớn cuộc đời trên dương thế của Chúa Giêsu. Trong ba năm ngắn ngủi, Người dạy dỗ và chữa bệnh, lay động tâm trí người ta, bị đóng đinh vì thế như là đấng xức dầu giả, rồi được chôn cất. Những người duy nhất theo Người chỉ là một nhóm nhỏ đàn ông lẫn đàn bà, phần lớn là những người hèn mọn chưa bao giờ ra khỏi Palestine.

Ánh sáng của Người cháy thấp đến độ xem như đã tắt; ấy thế mà sử gia Suetonius cho chúng ta hay chỉ 15 năm sau vụ đóng đinh, đã có một phái Kitô hữu tại Rôma. Trong vòng 3 trăm năm, chính hoàng đế Rôma, Constantinô Đại Đế, đã đặt Thánh Giá lên thuẫn khiên binh sĩ làm dấu chỉ niềm tin của ông và trở thành người bảo vệ Thế Giới Kitô Giáo. Giáo huấn của tiên tri Amos đã trở thành sự thật: Thiên Chúa không chỉ thuộc người Do Thái. 


Vũ Văn An 12/23/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét