Trang

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Trường phái cực đoan, một kiểu đọc Kinh Thánh nên tránh

Trường phái cực đoan, một kiểu đọc Kinh Thánh nên tránh


Hiện nay có một xu hướng canh tân trong việc quan tâm và sử dụng Kinh Thánh trong những người Công Giáo. Kinh Thánh đóng một vai trò đặc việt quan trọng trong thánh lễ, trong các gia đình và trong các cộng đoàn của Giáo Hội. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lưu ý. Thật vậy, có thể có một cách đọc và giải thích Kinh Thánh làm cho chúng ta mất tự do và không mang đến bình an và niềm vui ơn cứu độ. Đó là cách đọc Kinh Thánh theo sát mặt chữ, bám lấy nghĩa đen và coi bản văn có giá trị tuyệt đối hay còn gọi là cách đọc Kinh Thánh theo Trường phái cực đoan.
Trường phái cực đoan – một cách thức đọc Kinh Thánh bị khiếm khuyết.
Trường phái cực đoan bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ XX ở Mỹ. Trường phái này đã phát triển và người ta cũng thấy trường phái này nơi một số người Công Giáo. Về mặt giáo thuyết, Huấn quyền cho thấy rằng trường phái cực đoan nhấn mạnh đến: 1) Thiên tính của Chúa Giê-su, 2) Chúa Giê-su sinh ra từ Đức Maria đồng trinh, 3) sự cứu chuộc ngang qua cái chết hiến tế của Đức Giê-su, 4) thân xác của Chúa Giê-su phục sinh và 5) việc Chúa Giê-su lại đến trong ngày sau hết. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý rằng trường phái này không đề cập gì đến Giáo Hội, Chúa Ba Ngôi hay các bí tích vốn là những điều quan trọng đối với người Công Giáo.
Đặc biệt, có ba điều quan trọng cần lưu ý, 1) khi giải thích Kinh thánh, trường phái cực đoan này nhấn mạnh nghĩa mặt chữ. Trường phái này cho rằng không có bất cứ sai lầm dưới bất cứ hình thức nào trong Kinh Thánh và do đó, việc tạo dựng diễn ra trong sáu ngày y hệt như những gì sách Sáng Thế đã thuật lại. 2) Trường phái này cho thấy Kinh Thánh như là một phương thế độc nhất để đạt đến chân lý. Chỉ có Kinh Thánh mới có thể hướng dẫn hành vi và cuộc sống của chúng ta. 3) Trường phái này khẳng định rằng Kinh Thánh rõ ràng và đơn giản, do đó không cần bất cứ sự giải thích nào. Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ phản biện lại từng khẳng định của Trường phái cực đoan này và cho thấy thuyết này khiếm khuyết như thế nào.
Tại sao có trường phái cực đoan?
Trường phái cực đoan xuất hiện trong một giai đoạn có những xáo động và có nhiều trào lưu mới mẻ. Những người theo Ki-tô giáo đã tìm kiếm một sự ổn định giữa những xáo động này. Họ thấy thế giới ngày một tồi tệ đi và quay trở lại với Lời Chúa để tìm câu trả lời tối hậu.
Trường phái cực đoan ngày nay nhấn mạnh đến những mối nguy hiểm trong thế giới và họ thấy những đổ vỡ nơi một số cộng đoàn Ki-tô giáo, do đó, họ quay trở lại với Kinh Thánh như là con đường đúng đắn duy nhất. Những người chủ trương trường phái cực đoan thường phê bình các người theo Ki-tô giáo vì cho rằng những người theo Ki-tô giáo giải thích sai Kinh Thánh. Vì thế, họ nỗ lực giải thích nghĩa đen của bản văn Kinh Thánh. Những người theo Trường phái cực đoan đang nỗ lực tìm chỗ đứng cho mình giữa muôn vàn khó khăn. Những khó khăn ấy có thể là một sự suy sụp về kinh tế, sự bất ổn trong chính trị hay sự nghèo đói vốn đưa con người đi tìm những thế lực, giải đáp, niềm hy vọng đáng tin cậy. Vì thế, họ hướng về Kinh Thánh nhưng họ không đọc hay giải thích theo một cách thức đầy đủ hoặc cách thức của người Công Giáo.
Sự hiểu biết Kinh Thánh theo kiểu Công giáo – Lời Chủa được linh hứng và lời con người
Những người Công Giáo xem Kinh Thánh như là Lời Chúa, được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Nhưng nếu nói rằng đây là lời của con người thì cũng đúng. Kinh Thánh được viết bởi các tác giả là con người, như Luca, Phaolô, Gia-cô-bê và Gioan. Thánh Luca kể về và nỗ lực của chính ông và trong việc kể về cuộc đời Chúa Giê-su (Lc 1, 1-4). Những tác giả này viết cho những con người, trong những thời điểm, ở những nơi chốn cụ thể. Khi họ viết, Thiên Chúa đã không loại bỏ đi kiến thức giới hạn của họ, hoặc Thiên Chúa cũng không đọc cho họ chép từng chữ. Kết quả là chúng ta không thấy Kinh Thánh phải là một câu trả lời tức khắc và phổ quát hay Kinh Thánh có thể đưa ra những giải pháp đơn giản cho mọi đòi hỏi của con người.
Lời Chúa là lời không thể sai lầm?
Đúng vậy, Kinh Thánh là chân lý của Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta và không hề sai lầm khi dạy dỗ chúng ta những chân lý về Thiên Chúa và con người. Kinh Thánh không thể đưa chúng ta đến sai lầm.
Nhưng cần lưu ý rằng Kinh Thánh không trả lời cho chúng ta mọi câu trả lời cho mọi vấn đề về vũ trụ, về con người, về thế giới, về lịch sử con người. Kinh Thánh không nhằm giải thích vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học, chẳng hạn như Thiên Chúa sáng tạo thế giới bằng cách nào. Kinh Thánh chỉ dạy chúng ta rằng thế giới được tạo dựng bởi một Thiên Chúa tốt lành, yêu thương và đầy quyền năng.
Có những phần Kinh Thánh dễ hiểu, nhưng cũng có những phần khó hiểu
Mọi người có thể hiểu câu chuyện người con hoang đàng, người Samaritano nhân hậu, Thánh Vịnh 23 về người mục tử nhân lành. Tuy nhiên, có những phần Kinh Thánh khó hiểu và có vẻ không nhất quán. Ai giết Go-li-át? Đa vít (1 Sam 17) hay Elhanan (2 Sam 21, 19)? Chúa Giê-su muốn nói điều gì khi nói chúng ta phải “ghét cha mẹ”? Những người theo trường phái cực đoan nghĩ rằng họ có những câu trả lời thật đơn giản cho những vấn đề này.
Không phải mọi chi tiết trong Kinh Thánh đều quan trọng ngang nhau
Tân ước và bốn sách Tin Mừng quan trọng hơn sách Dân Số và Lê-vi. Những người theo trường phái cực đoan có xu hướng coi mọi chi tiết trong Kinh Thánh đều như nhau. Có những phần của Cựu ước được thay đổi trong Tân Ước. Chẳng hạn, sách Gióp (14.13-22) và sách Huấn Ca (14,16-17) nhìn nhận là có thể có sự sống đời sau nhưng sau đó lại phủ nhận. Trong Cựu ước, Thiên Chúa cho phép đa thê nhưng điều đó không được phép trong Tân Ước.
Các đoạn văn Kinh Thánh phải được đọc trong một bối cảnh
Không được dùng những đoạn văn trong Kinh Thánh như là một đoạn để làm chứng cớ cho một vấn đề. Một ví dụ trong sách Isaia 2, 4 chúng ta đọc thấy rằng “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày…” Trong sách Giô-en 4, 10, chúng ta đọc thấy tư tưởng ngược lại “Hãy lấy cuốc lấy cày đúc thành gươm đao…”. Nếu tách khỏi bối cảnh, những câu vừa trích dẫn sẽ mâu thuẫn nhau. Chúng ta phải biết bối cảnh trong đó câu văn được viết; chúng ta cũng phải biết chúng có ý nghĩa gì trong thời đại đó. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết cách áp dụng những câu trích như thế nào và áp dụng ở đâu trong thời đại ngày nay. Thánh Phao-lô nói rằng phụ nữ nên trùm khăn trên đầu nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong sứ điệp của Ngài. Nếu xem những lời dạy dỗ của Phao-lô về khăn đội đầu quan trọng hơn những giáo huấn của ngài về đức ái và sự công chính thì thật là không công bằng đối với Phao-lô.
Chúng ta không đọc những bản văn Kinh Thánh theo nghĩa đen
Những người theo Trường phái cực đoan tuyên bố rằng họ nói về Kinh Thánh chân thật nhất, trung thành nhất. Họ dường như đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen. Để chứng minh tuyên bố trên là hoàn toàn bất khả thi, phiến diện, chúng ta hãy liệt kê một số đoạn Kinh Thánh mà mọi Ki-tô hữu, cho dù họ theo Trường phái cực đoan hay không đều cảm thấy khó hiểu. Chúng tôi trình bày những đoạn Kinh Thánh này để chỉ ra rằng việc giải thích Kinh Thánh không rõ ràng, rạch ròi như nhiều người theo trường phái cực đoan thường quan niệm.
Chúng ta sẽ không chú giải từng chi tiết- chẳng hạn, rõ ràng ngày nay, Người Ki-tô hữu không theo sát những lời thánh Phao-lô nói về vấn đề nô lệ, hoặc chúng ta cũng sẽ không chặt đứt tay phải của chúng ta nếu nó làm cớ vấp phạm.
“Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục.” (Mt 5, 29-30)
 “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Anh em muốn hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.” (Lc 6, 29-30)
“Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng.” (1 Tm 2, 12)
Những câu chúng ta vừa trích dẫn trên đây cho thấy rằng, chúng ta cần đọc Kinh Thánh trong một bối cảnh lịch sử, với não trạng của đại chúng và với trí hiểu. Chúng ta nên rất cẩn thận khi trích dẫn Kinh Thánh làm bằng chứng hoặc chú giải Kinh Thánh theo nghĩa đen trong mọi trường hợp.
Đức Giê-su và Kinh Thánh
Chúng ta thấy khi Đức Giê-su 12 tuổi, Người ở đền thờ, đối đáp với các kinh sư, luật sĩ. Chắc chắn Người biết Kinh Thánh từ những ngày thơ ấu vì nhờ sự dạy dỗ của Maria và Giuse. Làm cách nào Đức Giê-su đọc và hiểu Kinh thánh? Chắc chắn Người đã gặp khó khăn khi tìm hiểu nghĩa đen của Kinh thánh. Ngài đã từng dùng lý luận bình thường để phản đối những người Pharisêu, những người không đồng ý việc Người chữa bệnh vào ngày Sa-bát. Người nói rằng ngày Sa-bát được làm ra cho con người chứ không phải con người được tạo nên cho ngày Sa-bát. Người cũng nói rằng có sự tiến bộ và phát triển trong Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước. Nhiều lần trong Bài Giảng Trên Núi, Người trích dẫn Cựu Ước, nhưng sau đó lại thêm một điều gì đó mới. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác…” (Mt 5, 38-39)
Kinh Thánh và cuộc sống
Một số hình thức của trường phái cực đoan nhấn mạnh Kinh Thánh quá mức đến nỗi xem Kinh Thánh thay thế cho cuộc sống. Chúng tôi muốn so sánh Kinh Thánh như một lăng kính. Chúng ta không nhìn vào lăng kính nhưng chúng ta nhìn qua lăng kính để thấy thế giới rõ hơn. Tương tự, Kinh Thánh giúp chúng ta nhìn cuộc sống, tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Chúng ta không chỉ nhìn vào Kinh Thánh hoặc lạc lối mất hút trong đó, nhưng chúng ta sử dụng Kinh Thánh để nhìn ngắm và giải thích xem Thiên Chúa sống động, hiện hữu và mời gọi chúng ta điều gì trong thế giới hôm nay. Cần lưu ý rằng, thậm chí trước khi chúng ta đọc Kinh thánh, Chúa đã bước vào cuộc sống của chúng ta qua những ân sủng của Người.
Kết luận
Giá trị và đóng góp tích cực của Trường phái cực đoan là họ đọc Kinh Thánh rất nghiêm túc. Họ đặt Kinh Thánh ở trung tâm đời sống của họ. Chúng ta có thể học hỏi từ họ. Chúng ta là những người Công giáo, cần làm quen, cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh cũng như để chính Kinh Thánh tra vấn chúng ta. Nhưng chúng ta thực hiện theo cách thế của người Công giáo chứ không như những cách thức “duy văn tự’ hay đọc theo nghĩa đen. Cũng nên lưu ý rằng bên cạnh Kinh thánh, chúng ta còn có Hội Thánh, các linh mục, giám mục; chúng ta còn có các bí tích để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta nên nhớ rằng, Kinh Thánh xuất hiện bên trong những cộng đoàn Do Thái giáo và Ki-tô hữu.
Những cấm kỵ khi đọc Kinh Thánh
  • Dừng lại ở nghĩa đen khi đọc Kinh Thánh
  • Kinh Thánh như là một phương thế độc nhất để đạt đến chân lý.
  • Kinh Thánh rõ ràng và đơn giản, do đó không cần bất cứ sự giải thích nào.
Những lưu ý khi đọc Kinh Thánh
  • Có những phần Kinh Thánh dễ hiểu, nhưng cũng có những phần khó hiểu,
  • Không phải mọi chi tiết trong Kinh Thánh đều quan trọng ngang nhau
  • Các đoạn văn Kinh Thánh phải được đọc trong một bối cảnh
  • Đặc biệt, cần đọc Kinh Thánh trong truyền thống của Giáo Hội vì Kinh Thánh xuất phát từ truyền thống sống động của Giáo Hội và vẫn đang được Giáo Hội sống và làm chứng cho những lời trong Kinh Thánh
(Công Tùng, sj dịch từ “Handbook for Lay Readers” của Peter Schineller, sj)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét