Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

GIA ĐÌNH THÁNH SỐNG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO (LỄ THÁNH GIA THẤT)

Tác giả: 
 JM. Lam Thy ĐVD.
GIA ĐÌNH THÁNH SỐNG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO (LỄ THÁNH GIA THẤT)

Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 35) đã viết: “Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21, 1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x. Dt 11, 1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Ki-tô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian. Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình.” Xin cùng tìm hiểu:

Nói về gia đình là nói tới ba ngôi vị: Cha, Mẹ và Con. Muốn lấy một gia đình nào làm mẫu gương học tập cho cộng đồng, thì phải miêu tả đầy đủ cụ thể về 3 nhân vật chủ chốt đó; đồng thời làm nổi bật vai trò từng nhân vật sống và sinh hoạt trong bầu khí ấm cúng, hòa thuận, thương yêu nhau. Gia đình thánh Na-da-ret đã được Giáo hội chọn làm mẫu gương cho toàn thể các gia đình Ki-tô hữu (lễ kính Thánh Gia Thất được Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII lập ra vào cuối thế kỷ XIX). Chia sẻ về Thánh Gia Thất quả thực rất khó, vì ít tài liệu (các sách Kinh Thánh phần lớn chỉ tập trung trình thuật những gì liên quan tới công trình Cứu Độ của Đức Giê-su, ít chú trọng tới cuộc sống của Người nơi gia đình).

Thường thì người mẹ đóng một vai trò quán xuyến nội trợ trong gia đình, còn người cha dù được coi là gia trưởng, nhưng phần lớn thời gian thường phải dành cho công việc mưu sinh, ít có mặt nơi gia đình. Với Đức Maria trong vai trò Người Mẹ nơi gia đình thánh Na-da-ret thì Mẹ lại rất ít nói (Mẹ chỉ nói 6 lần, mà Tin Mừng có ghi lại: * 5 lần Mẹ nói với Chúa, nói về Chúa (2 lần đối thoại với sứ thần truyền tin – ” Lc 1, 34.38; 1 lần tôn vinh Thiên Chúa trong Bài ca Ngợi Khen “Magnificat” – Lc 1, 46-56; – 1 lần khi tìm được Con trong Đền Thánh – Lc 2, 48;  và 1 lần nói với Con: “Họ hết rượu rồi” trong tiệc cưới Cana – Ga 2, 3); * Chỉ có một lần Mẹ nói với người ngoài gia đình là các gia nhân trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!’’ (Ga 2, 5). Mẹ chu toàn bổn phận mà Thiên Chúa đã trao phó bằng hành động phục vụ, còn tất cả mọi sự kiện liên quan tới Người Con Chí Thánh thì Mẹ chỉ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

Còn Thánh Giu-se thì hầu như không nói gì, chỉ như một cái bóng âm thầm làm việc phục vụ Chúa và Đức Mẹ. Tuy vậy, nhưng ngài đã chu toàn bổn phận cách hoàn hảo như Thánh Gio-an Phao-lô II nhận xét: ”Thánh Giu-se, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giê-su Ki-tô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu.” (Tông huấn Người Chăm Sóc Đấng Cứu Thế “Redemptoris Custos”, số 1). Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cũng nhấn mạnh: “Trong các sách Phúc Âm, thánh Giu-se xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở, yêu thương đối với tha nhân.” (Bài giảng tại Thánh lễ “Khai mạc sứ vụ Phê-rô của Giám mục Rô-ma” – 19/3/2013).

Đến như nhân vật chính là Đức Giê-su thì Kinh Thánh nói rất sơ lược về sinh hoạt của Người nơi gia đình Na-da-ret. Chỉ có duy nhất thánh sử Lu-ca viết: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa… Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2, 39-40.51-52)

Cũng vì thế, khi chia sẻ Tin Mừng lễ Thánh Gia Thất, đa số thường chỉ chú ý đến mặt tâm linh (mầu nhiệm hiệp thông sứ vụ). Điều đó là tất yếu, tuy nhiên, để có một cái nhìn cụ thể theo nhân sinh quan, thì vẫn có thể biện giải được. Đó là cảnh “đã nghèo lại gặp cái eo” (tục ngữ VN) khi từ quê nghèo Na-da-ret, Thánh Giu-se và Đức Mẹ phải về nguyên quán Bê-lem để chính quyền kiểm tra dân số, mà “hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 7). Cuối cùng phải ra cánh đồng và sinh con nơi hang bò lừa “lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 7). Nhân đức khó nghèo đã triển nở trong sự can đảm và nhẫn nại tột cùng.

Khó khăn trong hoàn cảnh Chúa Giáng Sinh vừa qua khỏi thì khó khăn bách hại lại đến. Hung thần Hê-rô-đê “đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống.” (Mt 2, 16), cố tình sát hại Hài Nhi Giê-su cho kỳ được! Ở đây thấy nổi bật vai trò của vị gia trưởng là Thánh Giu-se. Trước hết ngài luôn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, thông qua lời sứ thần: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập”. Đã là ý Chúa thì phải mau mắn thi hành. Thánh Giu-se lập tức trỗi dậy, và dù là đang đêm, ngài cũng lên đường đi Ai-cập ngay chứ không chờ trời sáng. Sau thời gian tạm trú bên Ai-cập, Thánh Giu-se lại mau mắn thi hành ý Chúa do Sứ thần báo mộng ("Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." – Mt 2, 20), đem Thánh Gia trở về It-ra-en; nhưng không về Giu-đê-a nữa, mà ghé qua miền Ga-li-lê “và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.” (Mt 2, 23).

Như vậy, học hỏi nơi mẫu gương Thánh gia Na-da-rét là học sự thể hiện lời khuyên Phúc Âm (Khó nghèo – Khiết tịnh – Vâng phục) bằng hành động, bằng cuộc sống cụ thể. Ba nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến) được minh họa đến tuyệt đỉnh nơi 3 nhân tố tuyệt hảo trong Gia đình thánh: Đức Giê-su, Đức Maria và Thánh Giu-se. Do đó, mừng lễ Thánh Gia Thất, mọi gia đình Ki-tô giáo từ nay biết đặt Thánh ý Chúa lên trên hết, để không những biết sống thuận hòa yêu thương nhau, mà hơn nữa còn biết sống tinh thần phục vụ cho hạnh phúc của mọi người, để có thể nói mỗi gia đình Ki-tô giáo là một Thánh gia thất ở Ga-li-lê dân ngoại, tức là biết chuyển ơn cứu độ của Chúa đến môi trường chung quanh.

Ấy cũng bởi vì “Nơi gia đình ấy, do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã sống ẩn dật nhiều năm tháng. Thế nên gia đình ấy là nguyên mẫu và là tấm gương cho mọi gia đình Ki-tô hữu. Chúng ta hãy nhìn gia đình ấy, Gia đình có một không hai trong thế giới, Gia đình đã sống âm thầm, lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ Palestina, Gia đình đã bị thử thách vì nghèo khổ, bắt bớ, lưu đầy, Gia đình đã tôn vinh Thiên Chúa một cách trổi vượt và tinh khiết vô song: Gia đình ấy sẽ không quên cứu giúp các gia đình Ki-tô hữu và cứu giúp cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày của họ, để họ biết cách chịu đựng những âu lo và xáo trộn trong cuộc sống, để họ quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác, để họ vui vẻ hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã định cho họ.” (Tông huấn Gia Đình “Faniliaris Consortio”, số 86).

Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của gia đình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng trong bối cảnh nhiễu nhương của xã hội hiện nay. Quả thật “Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Ki-tô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Ki-tô. Gia đình Ki-tô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Ki-tô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 35)

Để “Gia đình Ki-tô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc”, toàn thể Giáo hội cần canh tân sao cho “Giáo Hội tại gia là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất” như “Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục về Gia đình” nhận định: “Giáo hội cần canh tân ngôn ngữ để loan báo Tin Mừng: Cần thiết phải thay đổi ngôn ngữ của Giáo Hội, làm cho nó có ý nghĩa hơn để việc loan báo Tin Mừng gia đình đáp ứng thực sự những mong đợi sâu xa nhất của con người. Thực vậy, vấn đề ở đây không phải chỉ là trình bày một qui tắc, nhưng là loan báo ơn mang lại khả năng sống những thiện hảo của gia đình. Sau cùng, Phúc trình chung kết nhấn mạnh vẻ đẹp của gia đình trong vai trò loan báo Tin Mừng: Giáo Hội tại gia dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tế bào cơ bản của xã hội mà Giáo Hội góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất, là điểm duy nhất liên kết, trong một thời đại bị phân hóa, là thành phần của sinh thái học con người, gia đình cần được bảo vệ, nâng đỡ và khích lệ, kể cả từ phía các chính quyền.” (xc. “Tóm lược Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục về Gia đình” – nguồn Vietcatholic.net).

Nói tóm lại, để xứng đáng với danh hiệu “Giáo hội tại gia”, toàn thể các gia đình thừa sai Ki-tô hữu hãy chuyên cần học hỏi và thực hành theo đúng mẫu gương tuyệt hảo “Thánh Gia Thất sống sứ vụ Truyền giáo”. Muốn đạt hiệu quả tốt, hãy làm sao cho mỗi gia đình trở nên một “cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia” (Thư Chung của HĐGMVN năm 2013, số 6). Khi đã coi gia đình là  “đền thờ tại gia phụng thờ Thiên Chúa”, thì mọi thành phần trong gia đình cần phải biết “nâng tâm hồn và trí khôn lên với Thiên Chua” (cầu nguyện); vì “Cầu nguyện là hồng ân của Thiên Chúa; Cầu nguyện là giao ước; Cầu nguyện là hiệp thông” (Giáo lý HTCG, số 2559-2565). Một cách cụ thể, cầu nguyện chính là: “Chúc tụng và thờ lạy – Khấn xin – Chuyển cầu – Tạ ơn – Ngợi khen” (Giáo lý HTCG, số 2626-2643). Xin hãy cầu nguyện theo 3 điều “ước” của Thánh Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 86):

* Ước gì thánh Giu-se, là "người công chính", là người công nhân không biết mỏi mệt, là người bảo vệ nguyên vẹn tuyệt đối những gì đã được uỷ thác, luôn luôn gìn giữ các gia đình ấy, bênh vực họ, soi sáng cho họ!

* Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Hội Thánh, cũng nên Mẹ của "Hội Thánh tại gia"! Ước gì nhờ sự trợ giúp từ mẫu của Mẹ, mẹ gia đình Ki-tô hữu đều có thể thực sự trở nên một "Hội Thánh nhỏ", trong đó mầu nhiệm của Hội Thánh Đức Ki-tô được phản ảnh và sống lại ! Mẹ là Nữ Tỳ của Chúa, ước gì Mẹ là gương mẫu cho mọi gia đình biết khiêm tốn và quảng đại đón nhận ý của Thiên Chúa ! Mẹ là Người Mẹ đau khổ dưới chân thập giá, ước gì Mẹ cũng ở đó để xoa dịu những đau khổ và lau sạch nước mắt của những ai đang ưu phiền vì những khó khăn gia đình họ đang gặp phải!

* Ước gì Đức Ki-tô Chúa, là Vua vũ trụ, là Vua các gia đình, Đấng đã hiện diện ở Ca-na, cũng hiện diện trong mọi tổ ấm Ki-tô hữu, để thông ban cho nó ánh sáng niềm vui, sự bình an và sức mạnh. Hôm nay là đại lễ kính Vương quyền của Ngài, tôi cầu xin Ngài cho mọi gia đình biết quảng đại đóng góp phần độc đáo của mình, để Vương quốc Ngài được hiển trị trên thế giới, "Vương quốc của sự sống và sự thật, của ơn sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hoà bình", Vương quốc mà lịch sử đang lần bước tiến về.

“Tôi xin ký thác mọi gia đình cho Ngài, cho Mẹ Ma-ri-a, cho thánh Giu-se. Tôi xin đặt Tông Huấn này trong tay các Ngài để thưa Anh em đáng kính và các con yêu quí, chính các Ngài sẽ trao nó lại cho Anh em và các con, để các Ngài mở rộng tấm lòng của Anh em và các ơn trong ánh sáng mà Tin Mừng đang chiếu toả trên mỗi gia đình!”

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thánh Gia Thất).

 JM. Lam Thy ĐVD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét