Trang

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

ĐTC Phanxicô: Năm Thánh Tình Thương - Tại Sao?

ĐTC Phanxicô: Năm Thánh Tình Thương - Tại Sao?


 
Tác giả: 
 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

"Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa Năm Thánh này để trả lời cho câu hỏi: Tại sao lại có một Năm Thánh Tình Thương? Như thế nghĩa là gì?"

Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh Tình Thương - Tại sao?

Xin chào Anh Chị Em thân mến,

Hôm qua, ở nơi đây, ở Đền Thờ Thánh Phêrô, tôi đã mở Cửa Thánh của Năm Thánh Tình Thương, sau khi đã mở ở Vương Cung Thánh Đường Bangui của Cộng Hòa Trung Phi. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa Năm Thánh này để trả lời cho câu hỏi: Tại sao lại có một Năm Thánh Tình Thương? Như thế nghĩa là gì?

Giáo Hội đang cần đến thời điểm ngoại lệ này. Tôi không nói rằng thời điểm ngoại lệ này tốt đẹp cho Giáo Hội. Tôi nói là Giáo Hội đang cần đến thời điểm ngoại lệ này. Trong thời đại xẩy ra những thay đổi sâu xa của chúng ta đây, Giáo Hội được kêu gọi để cống hiến việc đóng góp đặc biệt của mình, ở chỗ tỏ hiện cho thấy những dấu chỉ về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa. Năm Thánh này là một thời điểm thuận lợi cho tất cả chúng ta là vì, bằng việc chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa là những gì vượt trên tất cả mọi hạn hẹp của con người và chiếu tỏa vào bóng tối tội lỗi, chúng ta có thể trở thành những chứng nhân xác tín hơn và hiệu năng hơn. 

Việc hướng nhìn lên Thiên Chúa, Người Cha Nhân Hậu của chúng ta, và nhìn đến những người anh em đang cần đến tình thương nghĩa là chúng ta tập trung vào nội dung thiết yếu của Phúc Âm là Chúa Giêsu, Tình Thương đã hóa thành nhục thể, để nhờ đó mắt của chúng ta có thể thấy được mầu nhiệm cao cả của Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc cử hành Năm Thánh Tình Thương nghĩa là tiếp tục tập trung đời sống riêng của chúng ta cũng như của cộng đồng vào những gì là chuyên biệt cho đức tin Kitô giáo, đó là Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa nhân hậu.

Bởi thế, Năm Thánh là để sống tình thươngĐúng thế, anh chị em thân mến, Năm Thánh này được cống hiến cho chúng ta để chúng ta cảm nghiệm thấy trong đời sống của mình cái đụng chạm ngọt ngào và dịu dàng của việc Thiên Chúa tha thứ, việc Ngài hiện diện bên chúng ta và việc Ngài gần gũi với chúng ta nhất là trong những lúc khẩn trương nhất.

Vì vậy, Năm Thánh này là một thời điểm đặc biệt cho Giáo Hội để làm sao chỉ chọn duy "những gì hài lòng Chúa nhất". Và đâu là những gì "làm hài lòng Chúa nhất"? Đó là tha thứ cho con cái của Ngài, là thương xót họ, nhờ đó, về phần mình, họ cũng có thể tha thứ cho những người anh em của họ, chiếu sáng như những ngọn đuốc của tình thương Thiên Chúa trên thế giới này. Đó là những gì đẹp lòng Chúa nhất. Trong một cuốn sách viết về Adong, Thánh Ambrôsiô bắt đầu lịch sử tạo dựng thế giới và nói rằng mỗi ngày, sau khi đã dựng nên một cái gì đó - như mặt trăng, mặt trời hay thú vật - thì "Thiên Chúa đều thấy rằng tốt đẹp". Tuy nhiên, khi Ngài dựng nên con người nam nữ thì Thánh Kinh viết: "Ngài thấy là rất tốt đẹp". Thánh Ambrôsiô mới ngẫm nghĩ: "Vậy thì tại sao Ngài lại nói là 'rất tốt?'" Tại sao Thiên Chúa lại rất sung sướng sau khi tạo nên người nam và người nữ? Bởi vì, cuối cùng Ngài có được người để mà thứ tha. Thật là tuyệt vời: niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ; bản chất của Thiên Chúa là tình thương. Thế nên, trong năm nay, chúng ta cần phải mở lòng mình ra, để tình yêu này, niềm vui này của Thiên Chúa làm cho tất cả chúng ta tràn đầy tình thương ấy. Năm Thánh này sẽ là "một thời điểm thuận lợi" cho Giáo Hội nếu chúng ta biết chọn làm "những gì đẹp lòng Chúa nhất", mà không chiều theo khuynh hướng nghĩ rằng còn một cái gì khác quan trọng hơn hay ưu tiên hơn. Không có gì quan trọng hơn là chọn làm "những gì đẹp lòng Chúa nhất", tức là tình thương của Ngài, tình yêu của Ngài, niềm êm ái dịu dàng của Ngài, việc ấp ủ của Ngài, việc chăm sóc của Ngài!

Việc cần phải canh tân cải cách các tổ chức và các cơ cấu của Giáo Hội cũng phải là phương cách phải giúp chúng ta có được cái cảm nghiệm sống động về tình thương của Thiên Chúa là những gì duy nhất có thể bảo đảm rằng Giáo Hội là thành đô ở trên núi không thể bị che khuất (xem Mathêu 5:14).Chỉ có Giáo Hội nhân hậu mới chiếu sáng! Nếu chúng ta quên lãng, cho dù chỉ trong giây lát, rằng tình thương là "những gì làm hài lòng Chúa nhất", thì hết mọi nỗ lực của chúng ta sẽ biến thành như không, vì chúng ta trở thành những kẻ nô lệ cho các tổ chức của chúng ta cũng như cho các cấu trúc của chúng ta, bất kể chúng có được canh tân đổi mới ra sao chăng nữa. Bao giờ chúng ta cũng chỉ là những tên nô lệ. 

"Mạnh mẽ cảm thấy nơi chúng ta niềm vui lại được Chúa Giêsu tìm thấy như Vị Mục Tử Nhân Lành đến tìm kiếm chúng ta vì chúng ta bị lạc loài" (Homily in the First Vespers of Divine Mercy Sunday, April 11, 2015): đó là mục tiêu được Giáo Hội đặt ra cho chính mình trong Năm Thánh này. Vậy chúng ta sẽ tái củng cố lại nơi chính bản thân mình niềm xác tín rằng tình thương mới thực sự là những gì góp phần vào việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn. Đặc biệt là trong thời điểm của chúng ta đây, một thời điểm mà việc tha thứ là một vị khách hiếm thấy trong phạm vi đời sống của con người, thì tiếng gọi sống tình thương lại càng trở nên khẩn trương, ở hết mọi nơi: ngoài xã hội, trong các tổ chức, nơi việc làm cũng như trong gia đình. 

Dĩ nhiên là có người chống lại: "Thế nhưng, thưa Cha, Giáo Hội không được làm điều gì hơn nữa trong Năm này hay sao? Cần phải chiêm ngưỡng tình thương của Thiên Chúa là đúng, tuy nhiên còn nhiều nhu cầu khẩn trương khác nữa chứ!" Đúng vậy, còn nhiều việc phải làm, và tôi là người không thôi nhắc nhở điều ấy. Thế nhưng cần phải nhớ rằng, ở tận căn gốc của tình trạng quên lãng tình thương là lòng yêu thương quyến luyến bản thân mình. Trên thế giới này, nó mặc hình thức của việc chỉ tìm kiếm lợi lộc của mình thôi, tìm kiếm khoái lạc cũng như vinh dự dính liền với ước muốn tích lũy giầu sang phú quí, trong khi đó đời sống của Kitô hữu thường bị móc nối bởi những gì là giả hình và trần tục. Tất cả những sự ấy đều phản ngược lại với tình thương. Những động thái của tình yêu bản thân cho tình thương là những gì xa lạ trên thế giới này thì rất nhiều và đầy giẫy, đến độ chúng ta không thể nhận thấy chúng như những gì giới hạn và tội lỗi. Đó là lý do tại sao cần phải nhận thấy mình là thành phần tội nhân, để củng cố nơi chúng ta niềm tin tưởng về Lòng Thương Xót Chúa. "Lạy Chúa, con là một tội nhân; này con đến với tình thương của Chúa". Đó là lời cầu nguyện đẹp nhất. Đó là lời cầu nguyện dễ nhất để đọc hằng ngày: "Lạy Chúa, con là một tội nhân; này con đến với tình thương của Chúa". 
 
Anh chị em thân mến, tôi hy vọng rằng, trong Năm Thánh này, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa, để trở thành những chứng nhân về "những gì đẹp lòng Chúa nhất". Thật là ngây ngô khi tin rằng điều này có thể biến đổi thế giới? Đúng thế, nói theo kiểu loài người thì thật là ngu xuẩn, thế nhưng "cái ngu xuẩn của Thiên Chúa còn khôn hơn loài người, và cái yếu hèn của Thiên Chúa còn mạnh hơn loài người" (1Corintô 1:25). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét