Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

TRUYỀN GIÁO THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM

TRUYỀN GIÁO THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM




Giáo Hội tại Việt Nam với Đại hội Dân Chúa xác định truyền giáo hay loan báo Tin Mừng phải thấm nhiễm vào mọi hoạt động, công cuộc cũng như chương trình mục vụ. Điều ấy phải mang đến một sự canh tân rất lớn trong đường lối của Giáo Hội tại Việt Nam, vì đó đúng là con đường của Vaticanôô II đi. Hành trình đó cũng được Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hóa vốn đã được Đức Bênêđictô XVI loan báo, nhưng ngài chưa đi trọn con đường đó vì nhiều lý do. Đức Phanxicô tiếp bước và dẫn dắt Thượng hội đồng Giám mục đi đến thành tựu. Và như kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục ấy, ngài đã tổng hợp lại trong tông huấn Evangelii Gaudium. Văn kiện này sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều nếu mỗi tín hữu Việt Nam dám dành thời giờ để suy niệm, hấp thụ, chia sẻ và đưa ra những quyết định.

Vì không muốn để tông huấn đó rơi vào quên lãng, nên hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài khóe nhìn, hy vọng chúng ta cùng nhau thăng tiến trên đường loan báo Tin Mừng, lẽ sống của Giáo Hội tại Việt Nam mà chúng ta là thành phần, là chi thể.

Tôi sẽ trình bày vắn gọn con đường lịch sử của Giáo Hội đang đi từ Vaticanô II cho tới Evangelii Gaudium; và rồi như một hệ quả, tôi sẽ trình bày đôi nét về truyền giáo theo Đức Phanxicô. Trước khi kết luận, tôi đưa ra vài gợi ý để hy vọng những tầm nhìn của Tin Mừng trở thành hiện thực trên mảnh đất thân yêu của quê hương chúng ta.

I.  TỪ VATICANÔ II ĐẾN EVANGELII GAUDIUM

Không ai nghi ngờ tầm mức cách mạng thiêng liêng của Vaticanô II. Giáo Hội thay đổi bộ mặt rất nhiều từ Vaticanô II: phụng vụ, giáo luật, luân lý, tín lý. Vaticanô II cũng rất táo bạo trong lãnh vực truyền giáo.

Vaticanô II đã không còn nhìn truyền giáo như một hoạt động giữa muôn nghìn hoạt động của Giáo Hội, song đó là bản chất chi phối mọi hoạt động của Giáo Hội, đó là lẽ sống của Giáo Hội. Giáo Hội là truyền giáo, Giáo Hội là sứ vụ. Sứ vụ quyết định ý nghĩa cho toàn thể hiện hữu của Giáo Hội cũng như mọi tài sản, phương tiện của Giáo Hội, từ dòng tu cho đến giáo xứ hay cơ quan của Giáo Hội. Vaticanô II còn xác định thêm rằng truyền giáo, sứ vụ của Giáo Hội là xây dựng vương quốc THIÊN CHÚA quanh Chúa Giêsu theo tinh thần và cung cách của ngài. Dần dần, các tín hữu hiểu truyền giáo, sứ vụ không phải tiên quyết là xây dựng, là vun trồng Giáo Hội, theo nghĩa cơ cấu, tổ chức cho bằng như một dấu chứng và phương tiện hữu hiệu của Nước THIÊN CHÚA. Giáo Hội phải tỏ hiện như dấu chỉ và phương thế hữu hiệu của vương quốc, vì GIÁO HỘI mang trong mình một hạt nhân có sức biến đổi và tác sinh.

Với Vaticanô II, cả một chương trình và phong trào chia sẻ nỗi vui buồn, âu lo với dân chúng, với mọi người kể cả vô thần và những người bách hại. Giáo Hội nhìn việc chia sẻ đó theo gương của Đấng Được Sai duy nhất của Chúa Cha. Cả một nỗ lực của Giáo Hội đối thoại với mọi người vì Tin Mừng, kể cả với những người vô thần. Hướng đi đó, Đức Phaolô VI bước đi rất kiên định cùng với các Giám mục trong Thượng Hội đồng Giám mục 1980, như Evangelii Nuntiandi minh định. Ngài dẫn Giáo Hội vào một việc loan báo Tin Mừng với nhiều hoạt động khác nhau cũng như với những chiều kích đa dạng và bổ sung. Văn kiện cho thấy loan báo Tin Mừng là điều cốt thiết thấm nhiễm tất cả sinh hoạt, lãnh vực và hoạt động của Giáo Hội. Văn kiện cũng minh định chỗ đứng của việc thăng tiến nhân bản trong việc loan báo Tin Mừng, một sứ vụ phải được chu toàn bằng những con người của Thần Khí.

Tiếp theo trào lưu đó, Đức Gioan Phaolô II định rõ triều đại mình bằng việc Tân Phúc Âm hóa. Ngài mời gọi phải loan báo Tin Mừng cách mới mẻ: lối nhìn mới, phương thế mới, cách thức mới và những người thợ mới…

Tiếp nối sáng kiến của Đức Bênêđictô XVI khi dành một Thượng hội đồng Giám mục bàn về Tân Phúc Âm hóa, Đức Phanxicô gởi đến toàn Giáo Hội văn kiện Evangelii Gaudium: loan báo Tin Mừng với những người môn đệ tràn ngập niềm vui của THIÊN CHÚA, những người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và để cho Thần Khí ngài dẫn dắt.

II.  GIÁO HỘI LOAN BÁO TIN MỪNG THEO GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

1. Đức Phanxicô không đặt vấn đề truyền giáo như thế nào cho bằng tra vấn “chúng ta là Kitô hữu như thế nào. Ngài tra vấn Giáo Hội, đúng hơn, mỗi người tín hữu (tu sĩ, linh mục, giáo dân, giới trẻ…) rằng ta có hạnh phúc vì được biết Chúa Kitô không. Những trang đầu tiên chất vấn người tín hữu “có ngập tràn niềm vui” (số 1) không, có dám thú nhận mình “đã trốn tránh tình yêu Chúa bằng muôn ngàn cách”, có dám “trở lại sau lạc lối” (số 3) không. Không cảm nhận sự tha thứ yêu thương đó, không cảm nhận sự tiếp chạm sâu xa ấy, sẽ không có sứ vụ truyền giáo chân chính. Có thể có một số hoạt động, việc làm có tính truyền giáo, nhưng không thể là sứ vụ truyền giáo! Ngài khẳng định “có những Kitô hữu sống đời mình chỉ như có mùa chay mà không có mùa Phục sinh” (số 6). Họ than thở, trách móc, lẩm bẩm “như thể chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu có hàng ngàn điều kiện” (số 7). Họ bất mãn với Thiên Chúa. Vì vậy, điều tiên quyết phải tra vấn về truyền giáo là tra vấn chính người tín hữu xem đối với họ Kitô giáo là gì? Là một lý tưởng đạo đức cao vời? Là một tổ chức nhân đạo? Là một quyết định từ phía con người? hay là “gặp gỡ một BIẾN CỐ, MỘT CON NGƯỜI, một gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (số 7)?

2. Chính từ chất vấn đó, Đức Phanxicô cho thấy sự sai lầm lớn lao trong việc chia tách “người môn đệ” và “người truyển giáo”. Chúng ta nghe chính ngài nói: “Mỗi người Ki-tô hữu có bổn phận, ở đây và bây giờ, phải dấn thân cách tích cực vào công cuộc Phúc Âm Hóa; quả thật, bất kỳ ai đã thật sự trải nghiệm Thiên Chúa yêu thương cứu độ, thì không cần được huấn luyện nhiều thời gian và dài lâu để ra đi và công bố tình yêu đó. Mỗi người Ki-tô hữu là một nhà truyền giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “những môn đệ” và “những nhà truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta mãi mãi là “những môn đệ truyền giáo”. (số 120) Chúng ta cần để ý: chúng ta loan báo Tin Mừng theo mức độ chúng ta được Đức Giêsu chạm đến! Chính Đấng Phục sinh loan báo Tin Mừng của Ngài qua chúng ta! Chính Ngài là chủ thể, là tác nhân, là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng. (x. Phaolô VI, EN; Gioan Phaolô II, RM).

3.  Trong ánh sáng này, Đức Phanxicô khẳng định MỘT HỘI THÁNH ĐI RA. Số 24 thách đố mạnh mẽ cho lối sống Giáo Hội: “Hội Thánh “đi ra” là cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, những người đi bước đầu, tham gia, đồng hành, sinh hoa trái và ăn mừng. Cộng đoàn cảm nghiệm được rằng Chúa đã đi bước trước, Người đã đi trước vì yêu (x. 1 Ga 4, 10), và vì thế, cộng đoàn biết đi về phía trước, biết làm thế nào để đi bước trước mà không sợ hãi, đi ra gặp gỡ, tìm kiếm những người xa cách mình, và đến ngã ba đường để mởi những ngưởi bị ruồng bỏ. […] Cộng đoàn rao giảng Tin Mừng, qua việc tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và cử chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô trong những người khác. Vì thế, các nhà truyền giáo có “mùi của con chiên” và chiên nghe tiếng họ. [....] Cộng đoàn đồng hành với nhân loại trong tất cả mọi tiến trình của nó, bất kể khó khăn và kéo dài đến đâu đi nữa.” Trung tâm của Giáo Hội lại ở bên ngoài Giáo Hội! Một chiều hướng quy Giáo Hội chẳng mang chất truyền giáo gì cả.

4. Một Hội Thánh hoán cải truyền giáo. Theo Frank Maurovich, Giáo hoàng Phanxicô đánh dấu cho triều đại của mình khi nhấn mạnh “loan báo Tin Mừng – hay truyền giáo (sứ vụ) – là ưu tiên cao nhất trong Giáo Hội”. Ngài xác định: “Ước gì toàn thể tác vụ Giáo Hoàng phải mang chiều kích truyền giáo”. Nhất thiết Giáo Hội phải làm một cuộc hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần túy” đã trở nên bất cập” (số 25). Truyền giáo phải thúc đẩy một cuộc hoán cải liên tục của toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội được tạo dựng không phải để quản trị tài sản vật chất, nhưng là để vươn ra đến gặp gỡ những con người. Hướng dẫn trên còn mạnh mẽ hơn khi ngài viết tiếp: “Có những cơ cấu Hội Thánh có thể cản trở hoạt động loan báo Tin Mừng, nhưng ngay cả những cơ cấu tốt cũng chỉ hữu ích khi có một sức sống luôn thúc đẩy, nâng đỡ và đánh giá chúng. Không có sức sống mới và một tinh thần Tin Mừng đích thực, không có “sự trung thành với ơn gọi của Hội Thánh, thì mọi cơ cấu đều trở nên vô hiệu” (số 26). Chưa hết, ngài còn nói đến “một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, cách hành động, giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh” (số 27). Ta thấy rõ, ngay cả sự an toàn, sự tồn tại của Hội Thánh cũng phải đặt sau sứ vụ loan báo Tin Mừng. Quả là một điều gây “sốc” cho não trạng thuần nhân vốn đặt an toàn của mình trên hết! Dưới ánh sáng này, thái độ của Ađam và Chúa Kitô là khác nhau một trời một vực!

Những gì ở trên cho chúng ta thấy rằng nếu không tỉnh thức, mọi tín hữu chúng ta dễ bước vào cách thức tìm an toàn cho chính mình. Chúng ta dễ dàng đặt những “nổi tiếng” của Giáo hội lên hàng đầu, ngay cả trong việc truyền giáo. Chúng ta luôn bị cám dỗ đặt nặng về quản trị hơn là trên con người. Trong văn phòng có sự dễ chịu, không phải bị nắng mùa hè thiêu đốt! Rất tương phản với lối nhìn của Evangelii Gaudium! Qua đó, không phải cơ cấu, quản trị đã làm chúng ta xa cách những người nghèo hèn của Thiên Chúa hay sao? Chính Ngài gởi chúng ta, gởi Giáo hội đến để chăm sóc cho họ đấy. Chúng ta không phải là những nhà truyền giáo cho cái bàn cái ghế! Quả là đi ngược lại với con đường của Giáo Hội! Giáo hội tại Việt nam sẽ viết lên một trang sử tuyệt điệu về loan báo Tin Mừng khi đặt con người vào chỗ trung tâm của mọi sự chăm sóc mục vụ.

5. Một Giáo Hội “đi ra” có thể gặp nhiều vấp váp. Đúng, Đức Phanxicô khẳng định rõ: Một Giáo Hội “đi ra vì Tin Mừng” đúng là gặp vấp váp, nhiều lắm láp. Và chúng ta sợ hãi. Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng viết: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tính và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ, họ không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời. Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những quy tắc biến chúng ta thành những quan tòa tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói, và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “anh em hãy cho họ ăn đi!” (số 49). Chỗ khác, ngài nói: “Một Giáo Hội không đi ra chẳng sớm thì muộn sẽ yếu nhược trong một bầu khí quyển bẩn thỉu của việc đóng kín chính mình. Nó giống như thứ bệnh tự quy về mình, thứ bệnh tiêu biểu của một Giáo Hội đóng kín, một loại yêu mình quá đáng dẫn tới một thứ trần tục với vẻ thiêng liêng và thứ giáo sĩ trị giả mạo”.

Đúng là những lời gây “sốc” cho mỗi người chúng ta giống như xưa Đức Giêsu đã từng làm cho Nhóm Biệt phái bị “sốc”. Chúng ta không được để sự hoán cải chỉ ở bình diện ý tưởng.

III.Nỗ lực làm cho những hướng dẫn của Đức Phanxicô thành hiện thực trên quê hương Việt Nam dấu yêu

Đến đây, tôi tự hỏi: Nhưng làm sao bảo đảm sự hoán cải truyền giáo? Làm thế nào để sự hoán cải truyền giáo là thật? Đức Giáo Hoàng chỉ cho chúng ta nhiều điều, song cho phép tôi chỉ dừng lại ở hai điểm mà tôi thấy rất hiện sinh.

1.   Điểm thứ nhất chính là sự ưu ái dành cho người nghèo. Đức Thánh Cha khẳng định “trong trái tim Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính THIÊN CHÚA “đã trở nên nghèo khó” (số 197). Ngài là Thiên Chúa đã đồng hóa chính mình với họ. Và Giáo Hội đến với họ sẽ đang đi đúng hướng. Trong Mysterium Fidei, Đức Phaolô VI đã liệt kê người nghèo vào danh sách về những hiện diện thật sự của Đức Giêsu. Đức tin mách bảo chúng ta rằng chọn lựa người nghèo không làm chúng ta đi chệch đường (x. Mt 25,31-46).

Đức Giáo Hoàng mong đợi Giáo Hội nghe được tiếng kêu than của người nghèo, theo gương Giavê đã nghe được tiếng kêu than của dân ngài nơi Ai cập và lưu đầy. Nhưng phù hợp với salêdiêng cách đặc biệt khi ngài nói đến tiếng kêu xin giáo dục của những người nghèo (số 194). Cũng chính điều này Đại hội dân chúa 2010 đang thiết tha kêu gọi toàn Giáo Hội tại Việt Nam. Giáo Hội chúng ta sẽ làm cho Tin Mừng thấm sâu vào lòng đất mẹ Việt Nam khi thực sự đặt quan tâm mãnh liệt đến giáo dục. Các hội đoàn trong giáo xứ sẽ hiệp nhất hơn nữa nếu tất cả đều dồn tâm lực phục vụ giáo dục bằng loan báo Tin Mừng.

2.  Điều thứ hai bảo đảm cho chúng ta chính là cuộc chiến mà Đức Giáo Hoàng gọi là “nói không” với tiền bạc, với bạo lực, với thứ thế tục trong điều thiêng liêng, với sự nguội lạnh và ích kỷ thiêng liêng, với thái độ bi quan dèm pha (x. số 55, 59, 81, 84, 93). Những lời sau đây phải khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều, bởi lẽ nó có thể chạm đến điểm yếu của chúng ta chăng?

“Núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu mến đối với Giáo Hội, tính thế tục thiêng liêng hệ tại việc không tìm vinh quang THIÊN CHÚA mà là tìm vinh quang loài người và sự thỏa mãn bản thân […] Đây là một cách tinh vi để tìm lợi ích của riêng mình chứ không phải tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô […] vì nó dựa trên những vẻ bề ngoài được trau chuốt cẩn thận, bề ngoài nó không có vẻ gì là tội lỗi; từ ngoài nhìn vào mọi sự đều nghiêm túc. Nhưng nếu nó ngấm vào Hội Thánh, nó sẽ vô vàn tai hại hơn bất cứ thái độ thế tục nào chỉ đơn thuần về mặt luân lý” (số 93)

Vẫn còn đó nơi tâm tư của nhiều người tín hữu cũng như mục tử phải làm cho Giáo Hội nổi bật. Đúng. Phải làm cho Giáo Hội nổi bật. Nhưng không phải với những hào nhoáng hay vật chất, ngay cả cấu trúc đồ sộ và thái độ cũng như cách sống nệ luật. Cần phải làm cho Giáo Hội nổi bật như Đức Giêsu nhìn và nói: Anh chị em là ánh sáng trần gian. Và ánh sáng đó nổi bật lên khi chúng ta không còn tìm chính mình mà chỉ tìm Thiên Chúa và sự công chính của Nước Ngài. Chúng ta phải làm cho Giáo Hội nổi bật khi đi theo con đường mà Phó Tế Laurenso đã vạch ra: gia sản của Giáo Hội là người nghèo. Giáo Hội nổi bật lên vì dám sống và chết cho những người nghèo của Thiên Chúa. Bằng không, chúng ta dễ dàng chú ý đến các con số thống kê, các hiệu quả và thành tựu. Chúng ta dễ dàng đặt chuẩn mực của mục vụ là thành công. Thật ra, tự chúng những điều đó không xấu. Nhưng nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ lạc hướng.

Kết luận

Theo hướng suy tư này, tôi muốn kết luận rằng loan báo Tin Mừng hay truyền giáo trước khi là việc chiêu mộ tín đồ, thì đó phải là một LỜI NGÔN SỨ về Đấng đã đến và ở lại với chúng ta là những kẻ nghèo hèn để biến chúng ta thành những người sẵn sàng phục vụ biết bao con cái nghèo hèn của Thiên Chúa. Nếu thế, truyền giáo được thực thi với tinh thần của vị Ngôn Sứ luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa sẽ mang sức thức tỉnh thế giới. Như vậy lời Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI vang lên: Hỡi Mẹ Giáo Hội hãy vui lên; Hãy vui tươi nói cho thế giới biết mình là ai. Bằng cách đó, toàn thể Giáo hội tại Việt nam, dưới sự hướng dẫn của các chủ chăn hiệp thông với Đức Phanxicô, sẽ chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng như là VIỆC THỨC TỈNH THẾ GIỚI!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.
Nguồn: http://www.giaolyductin.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét