Đức Hồng Y Walter Kasper: Lòng thương xót có nghĩa gì đối với đời sống và sứ vụ Giáo Hội?
Lúc vừa nghe tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho mở Năm Thánh Thương Xót, Đức Hồng Y Walter Kasper, người mà cuốn sách viết về lòng thương xót, tức cuốn “Lòng Thương Xót: Yếu Tính Tin Mừng và Chía Khóa Đời Sống Kitô Hữu”, đã được Đức Phanxicô ca ngợi ngay những ngày đầu mới lên ngôi giáo hoàng, đã nhận định rằng Năm Thánh Thương Xót “tương hợp với các dấu chỉ thời đại” vì việc này sẽ phô diễn “gương mặt thực sự của Thiên Chúa”, không phải gương mặt khó khăn, ưa trả thù.
Nói trên Đài Phát Thanh Vatican dịp đó, tức ngày 10 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Kasper cho biết thêm: Năm Thương Xót còn là dịp để các Kitô hữu nhìn nhận rằng họ cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa và họ cần biểu lộ lòng thương xót của mình cho người khác. Ngài bác bỏ lời tố cáo cho rằng lập trường của ngài về lòng thương xót đã phần nào làm lỏng lẻo giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Thực ra, thực thi lòng thương xót của ta đối với kẻ thù là một thao tác khó khăn, rất đòi hỏi, chứ không phải thứ “Kitô Giáo rẻ tiền” như một số người nghĩ.
Muốn hiểu phần nào lập trường của Đức Hồng Y Kasper về lòng thương xót, thiển nghĩ nên đọc lại bài thuyết trình của ngài đọc tại Boston College, Hoa Kỳ ngày 1 tháng 5, 2014, đăng lại trên tạp chí America ngày 15 tháng 9, 2014 với tựa đề: Sứ Điệp Thương Xót.
***
Giới điều thương xót áp dụng không những cho các Kitô hữu cá thể, mà cho Giáo Hội như một toàn thể. Nhiều người hỏi: nếu Thiên Chúa luôn có lòng thương xót, thì tại sao Giáo Hội lại không như vậy? Hoặc, tại sao Giáo Hội xem ra không có lòng thương xót như Thiên Chúa? Câu hỏi này tự nó nói lên sự băn khoăn của nhiều Kitô hữu.
Họ đúng: Tại Công Đồng Vatican II, Giáo Hội tự định nghĩa mình là một bí tích, một dấu chỉ phổ quát và là dụng cụ cứu rỗi của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Nếu Giáo Hội là bí tích của tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, thì Giáo Hội cũng là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Bởi thế, lệnh truyền cho Giáo Hội phải thương xót đặt cơ sở trên bản sắc Giáo Hội như là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội không phải là một cơ quan xã hội hay bác ái; trong tư cách Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giáo Hội là bí tích chỉ sự hiện diện liên tục hữu hiệu của Chúa Kitô trong thế giới. Nó là bí tích thương xót của “Chúa Kitô toàn diện” nghĩa gồm Chúa Kitô đứng đầu và các chi thể. Như thế, Giáo Hội gặp gỡ Chúa Kitô trong chính các chi thể của mình và trong những người đang cần được giúp đỡ.
Nhưng vẫn còn khía cạnh thứ hai nữa. Giáo Hội không những là tác nhân của lòng Thiên Chúa thương xót; nó còn là đối tượng của lòng thương xót này. Vì là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giáo Hội đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội bao gồm những kẻ tội lỗi trong lòng mình và do đó lúc nào cũng cần được thanh tẩy để được tinh tuyền và thánh thiện (Eph 5:23). Thành thử, Giáo Hội phải tự hỏi mình một cách có phê phán và lặp đi lặp lại xem mình có thực sự sống đúng điều mình là và nên là không. Ngoài ra, như Chúa Giêsu đã làm, ta cũng giả thiết phải đương đầu với các thiếu sót và sai phạm của Giáo Hội, không theo cách biện minh mà theo cách thương xót. Tuy nhiên, ta phải hiểu rõ điều này: một Giáo Hội mà không có đức ái và lòng thương xót thì không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nữa.
Do đó, sứ điệp thương xót có nhiều hiệu quả sâu rộng đối với giáo huấn, đời sống và sứ vụ Giáo Hội. Lời trách móc nặng nề nhất có thể nêu lên chống lại Giáo Hội là Giáo Hội không thực hành điều mình công bố cho người khác. Thực vậy, nhiều người cảm thấy Giáo Hội khắt khe và thiếu lòng thương xót. Đó là lý do tại sao lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII nói rằng trước hết Giáo Hội phải dùng tới thuốc thương xót.
Điều trên có thể xẩy ra trong ba cách: Giáo Hội phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa; Giáo Hội phải cung cấp cho mọi người lòng thương xót của Thiên Chúa một cách cụ thể dưới hình thức bí tích hòa giải; và Giáo Hội phải để lòng thương xót của Thiên Chúa hiển hiện và thể hiện trong toàn bộ đời sống của mình, các cơ cấu cụ thể và cả trong luật lệ của mình nữa.
Lòng thương xót và người nghèo
Ở đây, chúng ta sẽ không bàn về từng mỗi chiều kích trên, mà chỉ đề cập tới một khía cạnh rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Giáo Hội như chứng tá của lòng thương xót vốn là điều chủ yếu trong chương trình muốn trở thành một Giáo Hội nghèo cho người nghèo của ngài.
Chương trình này không mới như người ta tưởng. Nó vốn là chương trình của chính Chúa Giêsu Kitô. Người đến để rao giảng tin vui cho người nghèo (Lc 4:18). Không những người rao giảng; Người, vốn là Đấng giầu có, đã trở thành nghèo để chúng ta trở nên giầu (2Cor 8:9). Công Đồng Vatican II tiếp nhận sứ điệp này trong một chương của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội”, một chương hay bị quên lãng sau Công Đồng nhưng đã trở nên quan trọng đối với nền thần học Nam Bán Cầu. Nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt nó lên bàn để Giáo Hội khắp thế giới đọc. Chúng ta thường quên mất rằng hai phần ba anh chị em Kitô hữu và Công Giáo của chúng ta hiện đang sống ở Nam Bán Cầu và chúng ta quên khuấy các nhu cầu của họ, các vấn đề và các đòi hỏi của họ. Họ nghèo về vật chất, nhưng về thiêng liêng, họ là các Giáo Hội quan yếu và đầy sinh động mà ta cần chú ý lắng nghe. Họ tượng trưng cho tương lai của Giáo Hội.
Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trở thành Giáo Hội nghèo cho người nghèo chủ yếu không phải là một chương trình xã hội mà là một vấn đề Kitô học. Các anh chị em nghèo của chúng ta là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Như Đức Giáo Hoàng từng nhấn mạnh, trong các thương tích của người nghèo và người bệnh, ta đụng tới các thương tích của Chúa Kitô nghèo. Chính Người nói với ta: Các con làm điều gì cho họ là các con làm điều ấy cho Ta (Mt 25). Đó chính là trải nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi: lúc khởi đầu con đường hoán cải của ngài, thánh nhân ôm hôn một người cùi và có cảm giác mình đang ôm hôn chính Chúa Kitô. Mẹ Têrêxa cũng thuật lại cùng một trải nghiệm như thế khi Mẹ quàng tay ôm người đàn ông rách rưới đang hấp hối tại trụ sở truyền giáo ở Calcutta. Xem thế, ta đủ biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả bám rễ sâu vào lịch sử Kitô Giáo. Di sản ngài để lại cho Giáo Hội là biến một truyền thống cổ xưa thành một sứ điệp khẩn cấp cho chúng ta ngày nay. Lòng thương xót là vấn đề chính trong triều giáo hoàng của ngài và là một thách đố lớn, nhất là đối với các Giáo Hội giầu có của chúng ta ở Bắc Bán Cầu.
Lòng thương xót và giáo luật
Nhiều người đặt câu hỏi: điều trên có nghĩa gì đối với chính Giáo Hội và tác phong của Giáo Hội không những đối với những người nghèo theo nghĩa vật chất mà còn đối với những người trong Giáo Hội bị bỏ rơi, bị đẩy qua một bên, bị đẩy ra bên lề và bị tuyệt thông, nếu không theo nghĩa giáo luật thì cũng theo nghĩa trên thực tế, vì họ không được phép dự phần vào bàn tiệc của Chúa? Đôi khi ta hỏi: đối với những người ly dị và tái hôn thì sao?
Trước nhất, tôi muốn ghi nhận điều này: hạn từ lòng thương xót thường hay bị hiểu lầm và sử dụng sai. Việc này diễn ra khi ta lẫn lộn lòng thương xót với sự yếu đuối bỏ qua (indulgence) và việc để mặc người ta muốn làm gì thì làm (laissez-faire) ra vẻ ta đây từ tâm. Sự nguy hiểm của những việc như thế là biến ơn thánh quí báu của Thiên Chúa, vốn phải mua bằng giá máu của Người trên thập giá, thành thứ ơn phúc rẻ tiền, biến ơn thánh thành món hàng bán rẻ ở tầng hầm. Đó là điều Dietrich Bonhoeffer muốn nói khi ông quả quyết rằng “ơn thánh rẻ tiền biện minh cho tội lỗi chứ không biện minh cho người có tội… Ơn thánh rẻ tiền giảng dạy sự tha thứ mà không đòi lòng thống hối, giảng dạy Phép Rửa chứ không giảng dậy kỷ luật của Giáo Hội, giảng dậy việc rước lễ mà không giảng dậy việc xưng tội, giảng dậy sự giải tội mà không đòi việc đích thân xưng tội”.
Do đó, ta phải tìm hiểu lại từ đầu về ý nghĩa của kỷ luật Giáo Hội. Hạn từ trong Tân Ước để chỉ Giáo Hội là ecclesia; Hạn từ này chứa đựng các yếu tố luật pháp ngay từ đầu. Ý niệm cho rằng Giáo Hội lúc khởi thủy là Giáo Hội của tình yêu, sau đó, mới trở thành Giáo Hội của luật pháp là điều hiện chưa ai có thể chứng minh. Theo Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô quyền chìa khóa và ban cho ngài cũng như các tông đồ khác quyền buộc và tha, nghĩa là quyền trục xuất các cá nhân khỏi cộng đồng và quyền cho họ tái nhập cộng đồng. Tin Mừng Mátthêu vốn đã thiết lập qui luật rõ ràng để thực thi quyền này (Mt 16:19; 18:18).
Thành thử, trong việc vi phạm kỷ luật Giáo Hội, người ta không có cách chi trông chờ sự hỗ trợ từ Chúa Giêsu hay Tân Ước. Nhưng vì kỷ luật Giáo Hội luôn phù hợp với ý nghĩa của Tin Mừng, nên nó cũng phải được giải thích và áp dụng đúng ý nghĩa và tinh thần của Tin Mừng. Chính vì lý do này, Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ rằng: hình phạt xua đuổi cố ý nhằm buộc người có tội suy nghĩ về tác phong của mình và thống hối. Nếu người có tội hối hận về các hành vi của mình và thống hối, thì cộng đồng phải để lòng dịu dàng thắng lướt một lần nữa (2Cor 2:5-11). Hình phạt phải là phương thế cuối cùng và, như thế, nó có giới hạn về thời gian. Nó là phương thế quyết liệt và sau cùng được lòng thương xót sử dụng.
Một cái hiểu về kỷ luật Giáo Hội như một môn thuốc thương xót tuy đắng đót nhưng cần thiết như thế rất phù hợp với truyền thống vốn hiểu Chúa Giêsu Kitô, trong các vụ chữa lành đầy lạ lùng của Người, như một thầy thuốc, một người chữa bệnh và là vị cứu vớt người ta; phù hợp với truyền thống trong đó, vị mục tử, nhất là vị giải tội, được hiểu không những như quan tòa, nhưng chủ yếu còn như một thầy thuốc chữa bệnh linh hồn. Cái hiểu có tính chữa bệnh này về luật lệ và kỷ luật của Giáo Hội dẫn chúng ta tới vấn đề nền tảng là làm sao giải thích và giải nghĩa luật Giáo Hội. Đây là một phạm vi rộng lớn mà ta không thể bàn ở đây một cách thấu đáo được, nhưng chỉ theo viễn ảnh mối tương quan giữa luật Giáo Hội và lòng thương xót mà thôi.
Lề Luật và Tinh Thần
Do đó, giáo luật không chống lại Tin Mừng, nhưng Tin Mừng chống lại cái hiểu quá duy luật về giáo luật. Phải giải thích và áp dụng giáo luật dưới sự soi sáng của lòng thương xót vì lòng thương xót mở mắt để ta thấy hoàn cảnh cụ thể của người khác. Lòng thương xót chỉ cho thấy cá nhân không phải chỉ là một hoàn cảnh có thể bao hàm dưới một luật lệ tổng quát. Ngược lại, điều rất chủ yếu đối với nền nhân học Kitô Giáo là trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không ở “số nhiều”; mọi người và mọi hoàn cảnh đều ở số ít. Nên, ta phải tìm các giải pháp công chính và công bình cùng một lúc. Nếu ta không tìm như thế, thì, như người Rôma đã nói, summa ius (công lý cao nhất) sẽ trở thành summa iniuria (bất công cao nhất).
Các suy nghĩ trên liệu có nghĩa gì đối với vấn đề người Công Giáo ly dị và tái hôn thì hiện đang được thảo luận trước khi có Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới. Tôi không có câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi này. Trách nhiệm của Thượng Hội Đồng cùng với Đức Giáo Hoàng là đưa ra các quyết định cho vấn đề này. Tuy nhiên, trong mật nghị Hồng Y cuối cùng mà tôi tham dự cùng với Đức Giáo Hoàng, với sự thỏa thuận của ngài, tôi có đề nghị một số suy nghĩ nhỏ mọn về vấn đề cấp thiết này.
Không thần học gia nào, thậm chí không vị giáo hoàng nào, có thể thay đổi tín lý bất khả tiêu của bí tích hôn phối. Ngược lại, tất cả chúng ta đều có lý khi giúp đỡ và hỗ trợ người ta trung thành với hôn nhân vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của con cái họ. Do đó, tín lý không thể bị thay đổi và sẽ không bị thay đổi. Nhưng tín lý phải được khôn ngoan áp dụng một cách công chính và công bình vào các hoàn cảnh cụ thể nhưng thường là phức tạp. Vì các hoàn cảnh này rất khác nhau. Không hề có một trường hợp ly dị và tái hôn đặc trưng; do đó, không thề có một giải pháp tiêu chuẩn nào cho mọi hoàn cảnh. Biện phân vì thế rất cần thiết, và biện phân, cẩn trọng (prudence) và khôn ngoan là các nhân đức chính đối với một vị giám mục mục tử. Ta không luôn làm được điều tốt nhất nhưng ta luôn phải làm hết sức có thể.
Do đó, câu hỏi là: nếu một người nào đó, sau khi ly dị, bước vào một cuộc hôn nhân thứ hai theo dân luật nhưng rồi hối hận vì đã thất bại trong việc chu toàn điều mình đã hứa hẹn trước mặt Thiên Chúa, trước người bạn đời của mình và trước Giáo Hội trong cuộc hôn nhân đầu tiên, và hết sức chu toàn các bổn phận mới và làm những gì có thể làm được để con cái được giáo dục theo Kitô Giáo, cùng ước muốn nghiêm túc được lãnh nhận các bí tích, điều mà họ cần có để có sức mạnh đương đầu với hòan cảnh khó khăn của họ, thì sau một thời gian hướng dẫn mới và ổn định hóa, liệu ta có nỡ chối từ giải tội và tha thứ cho người này hay không? Trong Kinh Tin Kính, ta vốn tuyên xưng “tôi tin phép tha tội”. Khi Thiên Chúa ban một cơ may mới, một tương lai mới cho tất cả những ai thống hối và làm những gì có thể làm được trong hoàn cảnh của họ, thì tại sao Giáo Hội, vốn là bí tích của lòng thương xót Thiên Chúa, lại không thể ban”.
Điều quan trọng ở đây là phải có một khoa chú giải thỏa đáng về việc áp dụng hay, như Thánh Tôma Aquinô, từng dạy theo Aristốt, phải có một cách áp dụng trí hiểu thực tiễn (khác với trí hiểu lý thuyết hay suy lý) vào hoàn cảnh cụ thể, nói cách khác, là nhân đức khôn ngoan: sự khôn ngoan thực tiễn trong việc áp dụng một nguyên tắc tổng quát vào một hoàn cảnh cá biệt và đặc thù. Đây là một phương thức đã được một số giáo phụ tiên khởi của Giáo Hội Kitô Giáo đưa ra, đặc biệt là Thánh Basilêô thành Xêdarê, được thực thi bằng cách sử dụng nguyên tắc oikonomia của Chính Thống và nguyên tắc epikeia của truyền thống La Tinh. Khởi đầu thời cận đại, Thánh Alphôngsô đệ Liguori đề xuất phương thức này trong hệ thống duy cái nhiên (probabilism) của ngài. (Như thế, ngài trở thành thánh quan thầy của các nhà thần học luân lý). Thành thử, nếu Thượng Hội Đồng cảm thấy cần phải đi theo hướng này, thì nó đã tự thấy mình nằm trong truyền thống tốt nhất của Giáo Hội. Điều chắc chắn là các suy nghĩ trên đây không khởi diễn một phương thức tổng quát áp dụng cho mọi hoàn cảnh; có lẽ nó chỉ được dành cho một thiểu số nhỏ mà thôi; nhưng nó vẫn có thể trở thành một con đường cho những ai đang hết sức quan tâm và muốn đi theo con đường hóan cải.
Đây có thể là một cách để vượt qua các cực đoan của chủ nghĩa nghiêm khắc (rigorism), một chủ nghĩa không thể trở thành đường lối cho người Kitô hữu bình thường, và của cả chủ nghĩa lỏng lẻo nữa, một chủ nghĩa không hề tương hợp với chủ trương nên thánh của Chúa Giêsu. Tìm một lối đi vượt qua các cực đoan luôn là đường lối của Giáo Hội, một đường lối biện phân, cẩn trọng và khôn ngoan, đường lối thương xót cụ thể.
Lòng thương xót từ bên dưới
Thông thường, viễn ảnh thần học bắt dầu từ bên trên. Ta biết một tín lý hay một qui luật, và ta khởi từ đó để áp dụng nó vào thực tại cụ thể, một thực tại thường là phức tạp và đa dạng. Lòng thương xót dẫn ta tới một viễn ảnh khác, không khởi đi từ bên trên nhưng khởi đi từ bên dưới, tức tiến hành việc xem xét một hoàn cảnh cụ thể để áp dụng một lề luật hay một qui luật. Đây không phải là đạo đức học hoàn cảnh (situation ethics), vì qui luật tự nó có giá trị chứ không do hoàn cảnh tạo ra. Đây là phương pháp của Thánh Inhaxiô Thành Loyola trong cuốn Linh Thao của ngài; và là điều Đức Phanxicô, một tu sĩ tốt của Dòng Tên, vốn thực hành. Ngài bắt đầu từ hoàn cảnh rồi mới tiến hành việc biện phân tinh thần.
Chúa Giêsu cũng chỉ cho ta cùng một phương thức như thế. Khi Người hỏi: “Ai là người lân cận của Tôi?” Người không đưa ra một câu trả lời trừu tượng. Người kể một câu truyện cụ thể, câu truyện của người Samaritanô tốt lành hay thương xót (Lc 10:30-37): “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giê-su bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’".
Đó chính là lối Thiên Chúa cư xử với chúng ta. Người cúi xuống để nâng ta dậy; để an ủi ta và chữa lành các vết thương cho ta; và ban cho ta cơ may mới, thông ban cho ta sự sống mới và niềm hy vọng mới. Và ai tự cho mình là người công chính đến nỗi nghĩ mình không cần chi tới lòng thương xót này? Lòng thương xót là thánh danh của Thiên Chúa. Lòng thương xót là lời kêu gọi trở thành Kitô hữu thực sự, một Kitô hữu biết theo gương Chúa Giêsu Kitô và gặp gỡ Chúa Kitô trong các anh chị em đang đau khổ của Người. Lòng thương xót là yếu tính của Tin Mừng và là chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu. Lòng thương xót là tin lành nhất và đẹp nhất từng được kể cho ta nghe và ta nên đem đến cho thế giới. Như Thiên Chúa, nhờ lòng thương xót của Người, đã luôn ban cho ta một cơ may mới, một tương lai mới thế nào, thì lòng thương xót của ta cũng phải đem tương lai lai cho người khác, và cho cả thế giới đang rất cần nó như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét