Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Chung quanh câu chuyện Đức Phanxicô nói về việc rước lễ của các cặp ly dị tái hôn bất hợp lệ

Chung quanh câu chuyện Đức Phanxicô nói về việc rước lễ của các cặp ly dị tái hôn bất hợp lệ


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Gần đây, có người cho rằng Đức Phanxicô cho phép một số trường hợp ly dị tái hôn được rước lễ, căn cứ vào lá thư ngài gửi cho các giám mục Á Căn Đình mới đây, trong đó, ngài hoàn toàn đồng ý với lối giải thích của các ngài về chương 8 của tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương".

Các giám mục Á Căn Đình nói gì?

Như mọi người đã biết, chương 8 của tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" nói về việc hội nhập các gia đình bị thương tích và bất hợp lệ, và kêu gọi diễn trình biện phân giúp đem đến việc tái cho phép các đối tượng này được chịu các bí tích nhất là Bí Tích Thánh Thể, tùy từng trường hợp cá biệt, mà không đi vào lãnh vực giải nghi học (casuistry) hay buộc các gia đình này phải tuân theo các qui định khắt khe. Chương này từng được giải thích nhiều cách khác nhau, và đây là lần đầu tiên, Đức Phanxicô cho biết: lối giải thích của các giám mục Á Căn Đình rất chính xác “không có lối giải thích nào khác hơn”. Vậy, các ngài đã giải thích ra sao?

Theo Andrea Tornielli, một chuyên gia về Vatican, trước nhất, các ngài quả quyết: “nói rằng cho phép” chịu các bí tích là điều không thích đáng, đúng hơn, đây là một diễn trình biện phân dưới sự hướng dẫn của một mục tử.

Bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình nói tiếp: trong diễn trình này, “vị mục tử nên nhấn mạnh tới việc công bố có tính nền tảng, tức sơ truyền (kerygma), nhằm kích thích hay hồi sinh cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô”. Việc “đồng hành mục vụ” này đòi vị linh mục cho người ta thấy “khuôn mặt mẫu thân của Giáo Hội”, qua việc chấp nhận ý hướng trung thực của hối nhân và ý hướng thành thực của họ trong việc sống đời họ phù hợp với Tin Mừng và thực hành đức ái”.

Bản giải thích nhấn mạnh: con đường biện phân trên “không nhất thiết dẫn tới các bí tích nhưng có thể dẫn tới các hình thức hội nhập nhiều hơn vào đời sống Giáo Hội: hiện diện mạnh mẽ hơn vào cộng đoàn, tham dự nhiều hơn vào các nhóm cầu nguyện và suy niệm, dấn thân nhiều hơn vào các lãnh vực phục vụ khác nhau trong Giáo Hội”.

Ở điểm năm của bản giải thích, các giám mục Á Căn Đình nói rằng “Cam kết tiết dục (continence) có thể được coi như một giải pháp khi các hoàn cảnh cụ thể của cặp vợ chồng cho phép, đặc biệt là khi cả hai người cùng là Kitô hữu biết sống theo con đường đức tin”, để “mở ra khả thể đến với bí tích hòa giải trong những trường hợp như thế”.

Tiết dục ở đây muốn nói tới việc vợ chồng sống với nhau như anh trai em gái. Khả thể này vốn đã có trong các giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris Consortio. Bản giải thích nói tiếp: trong trường hợp “các hoàn cảnh phức tạp hơn và khi không thể có được án tuyên bố vô hiệu, giải pháp trên (tức tiết dục) có thể không đứng vững. Dù thế, con đường biện phân vẫn có thể có. Trong trường hợp cụ thể, khi đã nhìn nhận quả có những giới hạn làm giảm mức độ trách nhiệm và qui tội, nhất là khi người ta tin rằng họ sẽ phạm sai lầm khác có thể gây hại cho những đứa con được cuộc kết hợp mới sinh ra, thì ‘Niềm Vui Yêu Thương’ đưa ra khả thể cho họ được đến với các bí tích hoà giải và Thánh Thể”.

Bản giải thích viết tiếp: “Các bí tích này, ngược lại, giúp người ta tiếp tục trưởng thành và lớn lên nhờ sức mạnh của ơn thánh”. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng việc mở rộng này không được coi như việc cho phép người ta thả dàn lui tới các bí tích hay như thể bất cứ hoàn cảnh nào cũng biện minh được việc này. Điều thực sự được đề xuất ở đây là một sự biện phân để có thể phân biệt thỏa đáng các trường hợp khác nhau. Vì quả có những trường hợp ngay sau khi ly dị, người ta đã vội vàng bước vào một cuộc kết hợp mới. Cũng có những trường hợp người ta liên tiếp sai phạm đối với các cam kết của mình đối với gia đình. Lại có những trường hợp người ta bênh vực hay khoác lác về hoàn cảnh của mình, coi nó như là một phần của lý tưởng Kitô Giáo. Nên người ta cần được hướng dẫn biết đặt “lương tâm của mình trước mặt Thiên Chúa” nhất là “khi đụng đến tác phong của họ đối với con cái hay đối với người phối ngẫu bị bỏ rơi. Khi vẫn còn các bất công chưa được giải quyết, thì việc lui tới với các bí tích phải đặc biệt bị nghi vấn”.

Sau cùng, các giám mục Á Căn Đình nhận định rằng “nếu việc lui tới với các bí tích được ban cấp trong một số trường hợp nào đó, thì điều hợp lý là phải giữ cho việc này được kín đáo, nhất là khi thấy trước sẽ có tranh chấp” nghĩa là khiến cho cộng đoàn bối rối. Thành thử, cùng một lúc, “cộng đoàn cần được hướng dẫn để lớn lên trong tinh thần hiểu biết và cởi mở”.

Đức Phanxicô ủng hộ

Thư của Đức Phanxicô gửi cho các vị giám mục Á Căn Đình ngày 5 tháng Chín ca ngợi việc làm của các ngài như “một điển hình chân thực của việc đồng hành của các linh mục”. Lời lẽ chủ yếu của lá thư như sau: tài liệu do các giám mục công bố “rất tốt đẹp và nắm được trọn vẹn ý nghĩa Chương 8 của Tông Huấn ‘Niềm Vui Yêu Thương’. Không có lối giải thích nào khác. Tôi chắc chắn nó sẽ gây nhiều lợi ích”. Về “con đường chào đón, đồng hành, biện phân và hội nhập”, Đức Phanxicô viết: “chúng ta biết nó gây mệt mỏi, đây là việc chăm sóc mục vụ ‘tay trao tay’, trong đó, việc trung gian có tính chương trình, tổ chức và luật lệ mà thôi không đủ, dù cần thiết”.

Không phải vấn đề cho phép

Việc cho rằng tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" quả có mở ra khả thể cho phép một số trường hợp ly dị tái hôn, dù hôn nhân cũ không được tuyên bố vô hiệu và hai người không sống như anh trai em gái, được rước lễ, là điều làm rất nhiều người Công Giáo bối rối và lo lắng.

Tuy nhiên, lối giải thích của các giám mục Á Căn Đình trên đây khá thận trọng khi quả quyết rằng đây chỉ là diễn trình biện phân, chứ không phải vấn đề cho phép hay không cho phép. Câu quả quyết này khiến người ta nhớ lại một nguyên tắc đã và đang được áp dụng trong lãnh vực kế hoạch hóa gia đình. Ai cũng biết việc sử dụng các phương pháp nhân tạo nhằm ngăn ngừa thụ thai bị Giáo Hội coi là xấu từ bên trong. Tuy nhiên, người tín hữu cá biệt, tùy theo hoàn cảnh riêng của mình,vẫn được khuyến khích, khi cần, bàn thảo với vị giải tội để biện phân có nên sử dụng một trong các phương pháp này hay không. Vị giải tội sẽ hướng dẫn, chứ không cho phép, trong diễn trình biện phân này. Chính đôi vợ chồng, bằng lương tâm được soi sáng của họ, phải đưa ra quyết định.

Vị mục tử phải đồng hành với cặp vợ chồng này trong tâm tình “mẫu thân” để họ biện phân được hoàn cảnh của họ trong một lương tâm trong sáng trước mặt Thiên Chúa. Việc biện phân này có thể dẫn họ tới các bí tích, mà cũng có thể không dẫn họ tới các bí tích, nhưng dẫn họ tới các hình thức hội nhập khác vào đời sống Giáo Hội.

Bản giải thích đưa ra các trường hợp có thể dẫn họ tới các bí tích đó là trường hợp tiết dục, sống với nhau như anh trai em gái, một điều không phải là không thể không có, như trường hợp triết gia Jacques Maritain và vợ là Raissa đã chứng minh. Nhưng nếu vì những lý do bất khả kháng mà giải pháp này không thể áp dụng được, thì “trong trường hợp cụ thể, khi đã nhìn nhận quả có những giới hạn làm giảm mức độ trách nhiệm và qui tội, nhất là khi người ta tin rằng họ sẽ phạm sai lầm khác có thể gây hại cho những đứa con được cuộc kết hợp mới sinh ra, thì ‘Niềm Vui Yêu Thương’ đưa ra khả thể cho họ được đến với các bí tích hoà giải và Thánh Thể”.

Trường hợp tiếp tục sống trong cuộc kết hợp bất hợp pháp chỉ là tội nhẹ

Nhận định về lối giải thích trên, Tiến Sĩ Jeff Mirus, một người vốn có quan điểm bảo thủ, quả quyết rằng nó không lạc giáo. Thực vậy, chủ trương rằng, trong một số hoàn cảnh, nên cho những người đang sống trong các cuộc hôn nhân bất thành hiệu được Rước Lễ không bất tương hợp với giáo huấn của Giáo Hội về cả hôn nhân lẫn Rước Lễ.

Tiến Sĩ Mirus cho rằng đó là hoàn cảnh trong đó, tội tiếp tục sống trong cuộc hôn nhân bất thành hiệu được coi là một tội nhẹ. Ông cho rằng tội nặng đòi hỏi ba điều kiện: điều lỗi phạm tự bản chất là điều xấu nặng; biết rõ điều xấu ấy; và chủ ý lỗi phạm. Thiếu một trong ba điều này thì chỉ là tội nhẹ.

Cuộc hôn nhân bất thành hiệu dĩ nhiên là điều xấu nặng. Nhưng còn biết rõ nó là xấu và chủ ý lỗi phạm nó thì sao? Đó là điều cần bàn. Tiến sĩ đơn cử trường hợp sau:

a. Một cặp kết hôn bất thành hiệu có con với nhau và những đứa con này còn đang sống với họ.
b. Một trong hai người thừa nhận tính tội lệ của cuộc “hôn nhân” này, hối tiếc vì đã bước vào, và nay muốn làm điều đúng (trong trường hợp này là hai người sống như anh trai em gái trong khi tiếp tục săn sóc con cái như cha như mẹ dưới một mái nhà).
c. Nhưng người kia bác bỏ việc sống như anh trai em gái.
d. Họ nói họ sẽ lìa bỏ gia đình nếu bị từ chối việc làm tình.
e. Do đó, người ấy phải tiếp tục mối liên hệ tính dục, dù miễn cưỡng, để bảo đảm cho các con khỏi mất một trong hai cha mẹ.

Tiến Sĩ Mirus cho rằng, người bị “bó buộc” tiếp tục sống như vợ chồng ấy chỉ phạm tội nhẹ, vì thiếu điều kiện thứ ba tức việc hoàn toàn tự do ưng thuận phạm tội. Và do đó, họ không bị trở ngại gì trong việc Rước Lễ.

Dĩ nhiên người ta rất có thể nghi vấn sự khôn ngoan của thực hành trên vì một trong các hệ quả của nó là làm yếu đi cái hiểu và cam kết của người Công Giáo đối với hôn nhân. Nhưng điều gì quan trọng hơn: tiềm năng gây gương mù gương xấu hay nhu cầu giúp người phạm tội nhẹ được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa? Lòng thương xót chắc chắn buộc ta phải nghiêng về vế thứ hai. Vả lại, về việc này, bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình có đề cập tới tính kín đáo (confidentiality) của diễn trình biện phân này và việc giáo dục để cộng đoàn thông hiểu và cởi mở, tránh gây ra bối rối đối với giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân.

Mới chỉ là một bản thảo

Nhân dịp này, nữ ký giả Ines San Martin cho biết: từ ngày công bố hồi tháng Ba vừa qua cho tới nay, tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" đã không ngừng được đem ra thảo luận về việc tông huấn này có câu kết luận dứt khóat ra sao đối với việc rước lễ của các người Công Giáo ly dị và tái hôn bất hợp lệ. Nhiều nhà thần học, nhiều giám mục, và chuyên viên giáo luật và ngay cả báo Người Quan Sát Rôma của Tòa Thánh cũng đã dấn thân vào việc giải thích chương Tám của Tông Huấn này. Một số cho rằng chương này mở cửa dẫn người ly dị tái hôn bất hợp lệ tới các bí tích. Một số khác cũng nghĩ thế nhưng cho rằng điều này ngược với giáo huấn hôn nhân bất khả tiêu của Giáo Hội. Một số nghi vấn tính chính đáng của tông huấn khiến Đức Hồng Y Christoph Schonborn của Vienna phải lên tiếng quả quyết rằng tông huấn là một phần của huấn quyền và lời quả quyết này được Đức Phanxicô xác nhận. Thành thử bản giải thích của các giám mục vùng Buenos Aires, một vùng chiếm tới 40% dân số Á Căn Đình, không phải là bản giải thích đầu tiên. Nó được chú ý chỉ vì được Đức Phanxicô “công nhận” qua văn thư ngày 5 tháng Chín vừa qua, và đây là lần đầu tiên, ngài chính thức tham dự vào cuộc thảo luận này.

Nhưng San Martin cho rằng hình như tài liệu này mới chỉ là một dự thảo, không nhằm để công bố, lại càng không được đem ra thi hành ngay. Cung cách công bố nó khiến người ta nghĩ vậy. Thoạt đầu nó được trang mạng InfoCatolica đăng tải cùng với lá thư của Đức Phanxicô. Sau đó, trang mạng này lấy cả hai văn kiện xuống, với lý do: các khuyến cáo của tài liệu chưa đầy đủ và chưa sẵn sàng để công bố.

Ngày 8 tháng Chín, một số giáo sĩ vùng Buenos Aires, trong đó, có Đức Hồng Y Mario Poli, người kế nhiệm Đức Phanxicô ở Buenos Aires, họp nhau thảo luận về tài liệu này. Và Chúa Nhật 11 tháng Chín, trang mạng IlSismografo của Ý, vốn được coi là trang mạng bán chính thức của Tòa Thánh, đăng tải cả hai văn kiện bằng tiếng Tây Ban Nha. Rồi thứ Hai, ngày 12 tháng Chín, tờ Quan Sát Viên Rôma, tờ báo chính thức của Tòa Thánh đăng cả hai văn kiện bằng tiếng Ý.

Các giám mục Gia Nã Đại

Như thế, xem ra Tòa Thánh “tích cực” hơn trong việc công bố hai văn kiện này. Điều đáng nói là: mấy ngày sau, tức ngày 15 tháng Chín, các giám mục Công Giáo vùng Alberta và Các Lãnh Thổ Phía Bắc Gia Nã Đại cũng công bố những hướng dẫn mới cho các linh mục trong vùng liên quan đến việc chăm sóc mục vụ cho những người ly dị tái hôn bất hợp lệ, nhấn mạnh rằng: những ai muốn Rước Lễ nên cương quyết sống như anh trai em gái, nhưng chưa thấy Tòa Thánh lên tiếng chi. Bản hướng dẫn này viết:

“Điều rất có thể xẩy ra là qua các phương tiện truyền thông, bạn bè hoặc gia đình, nhiều cặp vợ chồng được hướng dẫn để hiểu rằng đã có sự thay đổi của Giáo Hội về thực hành, đến nỗi nay những người ly dị và tái hôn phần đời có thể rước lễ trong Thánh Lễ nếu họ chịu nói chuyện với một linh mục. Quan điểm này sai lạc”.

Trong các trường hợp như thế, các giám mục dạy rằng các mục tử phải đồng hành với các cặp vợ chồng trong “một hành trình hàn gắn và hoà giải” để dẫn họ tới tham khảo với các tòa án hôn phối. Trích dẫn tông huấn Familiaris Consortio của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các giám mục quả quyết rằng nếu các cặp vợ chồng kết hôn bất hợp lệ lần thứ hai không thể ly thân vì lợi ích của con cái do họ sinh ra, “thì họ cần tiết dục và sống ‘như anh trai em gái’”. Xin xemGuidelines for the Pastoral Accompaniment of Christ's Faithful who are Divorced and Remarried without a Decree of Nullity (PDF, 10 trang).

Ủng hộ rồi lại không ủng hộ

Phải chăng vì đọc tài liệu trên đây của các cám giám mục Ga Nã Đại, nên Tiến Sĩ Mirus hình như muốn rút lại sự ủng hộ của ông đối với lối giải thích của các giám mục Á Căn Đình, mặc dù sự ủng hộ của ông được tiến sĩ Edward Peters, giáo sư giáo luật tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit và là thẩm trình viên (referendary) của Tòa Án Tối Cao của Giáo Hội, yểm trợ, nếu chỉ dựa vào điều 916 của Bộ Giáo Luật, là điều nói tới bổn phận của người rước lễ. Trong trường hợp này, nếu người rước lễ tin rằng hoàn cảnh tội của họ chỉ là nhẹ, họ có thể tiến lên rước lễ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Peters cho hay: bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình và thậm chí cả tông huấn Niềm Vui Yêu Thương không nhắc gì tới điều 915 là điều nói tới bổn phận của các thừa tác viên Thánh Thể: họ không thể cho rước lễ những người Công Giáo “cố chấp sống trong một tội trọng công khai”, trong trường hợp này, là những người ly dị tái hôn không hợp giáo luật. Không ai chính thức nói tới trách nhiệm của các thừa tác viên này. Thành thử, theo tiến sĩ Peters, trường hợp được tiến sĩ Mirus đưa ra làm điển hình đã chỉ giải quyết một nửa vấn đề rước lễ của người ly dị tái hôn bất hợp pháp, vì nó chỉ giải quyết khía cạnh trách nhiệm chủ quan của người rước lễ chứ chưa giải quyết trách nhiệm khách quan của việc cho họ rước lễ.

Có lẽ vì thế mà liên tiếp trong ba ngày 14 tới 16 tháng Chín, Tiến Sĩ Mirus đã viết 3 bài đề cập tới vấn đề này, rõ ràng để nhấn mạnh sự dè dặt. Ngày 14, ông cho rằng: Các giám mục Á Căn Đình đã đi quá xa khi nâng một “ghi chú tối nghĩa” trong "Niềm Vui Yêu Thương" thành một thay đổi kỷ luật để người ly dị tái hôn bất hợp pháp có thể rước lễ. Đức Phanxicô đã ca ngợi việc nâng lên này, cho rằng nó tuyệt đối là đường hướng của "Niềm Vui Yêu Thương".

Nhưng Tiến Sĩ Mirus cho rằng không vị giáo hoàng nào được che chở khỏi sai lầm khi, trong một thư từ riêng, ngài đưa ra một giải thích nào đó đối với bất cứ văn kiện Huấn Quyền nào, ngay cả các văn kiện do chính ngài ban hành. Điều này càng đúng khi nói tới các biện pháp kỷ luật, vì các biện pháp này không hưởng được sự che chở của Chúa Thánh Thần, nên nhận xét tư riêng của một vị giáo hoàng về điều ngài có ý nói lúc đó về biện pháp ấy càng không soi sáng gì cho các giáo huấn của huấn quyền.

Ông viện dẫn các lời lẽ trong học lý extra ecclesiam nulla salus (bên ngoài Giáo Hội không có sự cứu rỗi). Khi nghiên cứu cẩn thận, huấn quyền liên tục của Giáo Hội nhận thấy rằng các lời lẽ này thực sự không đòi buộc các kết luận như đã có trong đầu óc các vị giáo hoàng hay các công đồng đã công bố chúng và là những kết luận xem ra thích đáng vào thời đó. Khi phải lượng giá một giáo huấn Huấn Quyền, Giáo Hội được hướng dẫn nguyên bởi chính bản văn mà thôi, cùng với Sách Thánh và mọi tuyên bố khác có liên quan của Huấn Quyền, chứ không bởi lời tuyên bố có tính cá nhân của Đức Giáo Hoàng về điều ngài muốn nói. Các lời lẽ tư riêng này không được Chúa Thánh Thần che chở và do đó, chúng hoàn toàn không có liên quan.

Trên thực tế, "Niềm Vui Yêu Thương" không đòi lời giải thích theo đó, trong một số trường hợp, người ly dị tái hôn bất hợp pháp có thể được chấp nhận rước lễ mà không cần án tuyên bố vô hiệu. Đã đành, ghi chú vắn vỏi của "Niềm Vui Yêu Thương" có nói chung chung tới “các bí tích”, nhưng phần đông nghĩ rằng đây có ý nói tới bí tích Hòa Giải, một điều nhất quán với thực hành lâu đời của Giáo Hội và Bộ Giáo Luật hiện hành.

Nên ông nghĩ: “trong tương lai, Huấn Quyền rất có thể sẽ về phe với những người chỉ trích vị giáo hoàng hiện nay. Tôi chỉ muốn nói rằng, đối với những người chống đối việc thay đổi kỷ luật này, các vấn đề liên hệ tới tín lý vẫn chưa được giải quyết. Các vị giáo hoàng và các thế hệ Công Giáo tương lai sẽ sử dụng "Niềm Vui Yêu Thương", không theo điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài muốn thực hiện, mà chỉ theo điều chính bản văn đòi hỏi, một điều không bao hàm việc cho những người ly dị tái hôn, không có án vô hiệu, rước lễ”.

Các giải thích trên của Tiến Sĩ Mirus không hẳn là không có giá trị, nhưng người ta sợ ông đã trở lại nguyên hình tác phong bảo thủ của mình khi chỉ trong vòng 2, 3 ngày, ông đã lật hẳn lại suy nghĩ của mình. Chối bỏ giá trị lời bình luận của Đức Phanxicô về một văn kiện do chính ngài công bố, tối thiểu, cũng bị coi là quá đáng.

Dù sao, bình tĩnh mà xét, trường hợp điển hình ông đưa ra quả có giá trị cho diễn trình biện phân của các người ly dị tái hôn bất hợp pháp. Trong trường hợp này, họ có thể an tâm tiến lên rước lễ, phù hợp với điều 916 của Bộ Giáo Luật. Còn điều 915? Nên nhớ, bản giải thích của các giám mục Á Căn Đình, vì chủ yếu nói với các thừa tác viên Thánh Thể, thành thử mặc nhiên cho họ thấy: những người trong trường hợp này không phải là những người “cố chấp sống trong một tội trọng công khai”, thì tại sao lại không cho họ rước lễ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét