Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29; Rm 8, 31b-39;
Lc 9, 23-26
-----------------
THIÊN CHÚA TRÊN HẾT
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; 
còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”

(Lc 9,24)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I:
Sách Máccabê đánh dấu một giai đoạn đầy khó khăn trong lịch sử của dân Chúa khi mà đền thờ và nền phụng tự bị ngoại bang xâm phạm cách nặng nề. Đoạn sách Máccabê hôm nay là một thiên hùng ca về những người Do Thái sẵn sàng chấp nhận đau khổ và cả cái chết để trung thành với lề luật và tôn giáo của cha ông.
Trước hết, đối với người Do Thái, tuân giữ lề luật cách đầy đủ và nghiêm ngặt là một cách chứng tỏ sự trung thành, là thái độ tôn thờ Thiên Chúa cách thiết thực. Một người Do Thái được xem là đạo đức và công chính khi giữ trọn “mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa” (x. Lc 1,6). Đối với Đức Giêsu cũng vậy, đòi hỏi đầu tiên của người muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp là hiểu biết và tuân giữ lề luật (x. Lc 10,25-28). Câu chuyện về bà mẹ và bảy người con thà chấp nhận cái chết chứ không chịu vi phạm lề luật là cao điểm của lòng trung tín của con người nơi Thiên Chúa.
Sau nữa, qua câu chuyện bà mẹ khuyên nhủ, động viên những người con chấp nhận cái chết, chúng ta khám phá ra lý lẽ của tác giả sách Máccabê. Sở dĩ bà mẹ và những người con sẵn sàng chấp nhận cái chết là vì họ xác tín rằng sự sống của họ không do họ tự tạo ra mà là do Thiên Chúa, Đấng ban cho họ “thần khí và sự sống”. Đồng thời, họ cũng tin rằng một khi họ “trọng luật lệ của Người hơn bản thân mình” đến nỗi dám hy sinh sự sống để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa họ thờ, thì chính Người sẽ trả lại cho họ thần khí và sự sống (x. 2 Mcb 7,22-23).
Cuối cùng, qua câu chuyện bà mẹ và bảy người con, tác giả sách Máccabê cho thấy thấp thoáng bóng dáng của quan niệm phục sinh. Thật vậy, bà mẹ tin rằng nếu các con bà “chấp nhận cái chết” vì trung thành với lề luật của Thiên Chúa, thì “đến ngày Chúa thương xót”, chính Người sẽ trả các con về lại cho bà (x. 2 Mcb 7,29). Như thế, việc người công chính chịu đau khổ đã dẫn tác giả đến chỗ xác tín vào niềm tin phục sinh của kẻ chết. Việc thưởng phạt của Thiên Chúa không chỉ nằm ở đời này như truyền thống quan niệm. Nó còn kéo dài sau cái chết. Do vậy, những người chịu chết vì trung thành với lề luật sẽ được sống lại cả hồn lẫn xác.
Bà mẹ và bảy anh em (2 Mcb 7,1-41) đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Họ được coi như là hình bóng của các vị tử đạo trong Kitô Giáo sau này.
2. Bài đọc II:
Đoạn thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Rôma là một bài ca tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc trao hiến Đức Giêsu, Con Một của Ngài.   
Trước hết, việc Thiên Chúa trao ban Đức Giêsu, Con Một của Ngài cho nhân loại là bằng chứng rõ ràng nhất của tình yêu cao cả và vô điều kiện Ngài dành cho nhân loại. Thật vậy, một khi trao hiến chính Con Một là kho tàng quý giá nhất của mình, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho nhân loại thấy rằng Ngài đã cho con người tất cả mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Đồng thời, khi Thiên Chúa để cho Đức Giêsu chết cho tội lỗi nhân loại, Ngài đã thật sự tha thứ cho mọi lỗi lầm của nhân loại.
Hơn nữa, thánh Phaolô còn xác tín rằng một khi được Thiên Chúa yêu thương hết mực như thế, con người không còn gì phải lo lắng hay sợ hãi nữa. Ai hay điều gì có thể tách nhân loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa? Câu hỏi tu từ của thánh Phaolô như là một lời khẳng định chắc chắn rằng dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo (x. Rm 8,35); dù là sự sống hay sự chết, ma vương hay quỷ lực, hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một sức mạnh nào, cũng không thể chia cắt con người khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu (x. Rm 8,38-39). Vậy nên, những ai thật sự cảm nhận và xác tín sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thì dám chết để chứng tỏ sự trung thành và sức mạnh vô song của tình yêu ấy.
Cuối cùng, dù được Thiên Chúa yêu thương hết mực và vô điều kiện, con người không thể tránh khỏi những sự dữ trong thế giới này. Tuy vậy, những thử thách trong thế giới lại là cơ hội để con người chiến đấu mà chứng tỏ sự trung thành. Và nếu con người có thể chiến thắng trong những cơn thử thách, thì đó không phải do công sức riêng của con người, mà là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37).
Qua và nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy Ngài yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện và vững chắc đến nỗi không có bất cứ ai hay sức mạnh nào có thể lung lay nổi. Các thánh tử đạo đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho các ngài đến nỗi cái chết cũng không thể chia cắt tình yêu đó.
3. Bài Tin Mừng:
Sau khi thánh Phêrô, đại diện cho các môn đệ, tuyên tín cách hùng hồn (x. Lc 9,18-21), Chúa Giêsu liền mạc khải cho các môn đệ biết con đường Người phải đi là con đường khổ giá (x. Lc 9,22). Và Người cũng muốn các môn đệ của mình đi con đường đó.
Trước hết, điều kiện để theo Đức Giêsu là “ từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Thật vậy, Đức Giêsu không dùng những lời lẽ hoa mỹ mà vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng cho cuộc sống của những người muốn theo Người. Trái lại, Người cho thấy đó là con đường của sự từ bỏ; từ bỏ ý riêng, để thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo gương Đức Giêsu. Đó còn là con đường chấp nhận vác “thập giá hàng ngày”, đón nhận mọi sự xảy đến trong niềm tin tưởng và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa.
Hơn nữa, người môn đệ Chúa Kitô ý thức rằng tất cả mọi sự, ngay cả sự sống, cũng đều phát xuất từ Thiên Chúa; và tất cả cuộc sống của người môn đệ hoàn toàn thuộc về Chúa, như lời xác quyết của thánh Phaolô: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Vì thế, cuộc sống của người môn đệ không phải là đi tìm mình, tìm vinh quang cho mình, tìm sự sống cho mình, nhưng là đi tìm Chúa và làm vinh danh Ngài; và khi người môn đệ dám bỏ mình vì Chúa, thì họ lại tìm được chính bản thân, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
Sau cùng, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm chứng cho Chúa Giêsu và lời của Người. Việc các môn đệ làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt người khác là điều kiện để họ được Người chứng thực trước mặt Thiên Chúa trong ngày quang lâm. Trái lại, “ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình …” (Lc 9,26).
Các thánh tử đạo là những người đã trung tín đi trọn con đường mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: đó là từ bỏ ý riêng và chấp nhận mọi sự xảy đến trong đời mình với tinh thần phó thác, đến nỗi sẵn sàng “liều mất mạng sống” để làm chứng cho Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “sẽ cứu được mạng sống ấy” trong ngày Đức Kitô quang lâm.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Bà mẹ và bảy anh em đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Họ xác tín rằng một khi họ hết mực trung thành với lề luật của Thiên Chúa, Đấng ban cho họ “thần khí và sự sống”, thì Ngài sẽ ban cho họ sự sống bất diệt.Niềm tin vào sự phục sinh là sức mạnh giúp họ vượt thắng cả cái chết. Sống trong thời hậu phục sinh, Đức Kitô Phục Sinh có là sức mạnh giúp tôi vượt thắng những cám dỗ thường ngày để sống trung tín với Thiên Chúa và giới răn của Ngài?
2/ Qua và nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy Ngài yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện và vững chắc đến nỗi không có bất cứ ai hay sức mạnh nào có thể lung lay nổi. Các thánh tử đạo đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho các ngài đến nỗi chấp nhận cái chết để minh chứng cho sức mạnh của tình yêu đó. Tôi có mạnh mẽ xác tín rằng Đức Kitô đã chết vì yêu thương tôi, đến nỗi không có gì có thể chia cắt tình yêu của Người dành cho tôi? Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa thể hiện nơi cái chết và sự sống lại của Đức Kitô có là động lực thúc đẩy tôi yêu thương anh chị em mình hơn?
3/ Điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giêsu: đó là từ bỏ ý riêng và chấp nhận mọi sự xảy đến trong đời mình với tinh thần phó thác, đến nỗi sẵn sàng “liều mất mạng sống” để làm chứng cho Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “sẽ cứu được mạng sống ấy” trong ngày Đức Kitô quang lâm. Tôi có dám chấp nhận từ bỏ ý riêng để xứng với tư cách làm môn đệ Đức Giêsu? Là môn đệ Đức Giêsu, tôi có đang tìm cách làm vinh danh Người hay tìm vinh danh tôi? Tôi có sẵn lòng chấp nhận thiệt thòi, ngay cả những gì thiết thân nhất, để làm chứng cho Chúa Kitô?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Các Thánh Tử đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa, và máu của các ngài trở nên hạt giống đức tin cho bao thế hệ con cháu. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã đoái thương nước Việt, và tin tưởng dâng lời cầu xin cho Giáo Hội và cho đồng bào của chúng ta:
1. Cầu cho các Đức Giám mục và hàng linh mục Việt Nam. Xin cho các ngài luôn nhiệt thành loan báo Tin Mừng trên mọi miền đất nước, can đảm làm chứng cho sự thật, tận tình chăm sóc hướng dẫn đoàn chiên, cùng nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất của Dân Chúa.
2. Cầu cho những anh chị em đang đau khổ vì nghèo đói, bệnh tật, hoặc thiên tai. Xin cho họ luôn cảm nhận và xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện, yêu thương và chăm sóc họ trong mọi hoàn cảnh, qua sự đồng cảm và tương trợ của rất nhiều người xa gần.
3. Cầu cho các Kitô hữu, cách riêng là các bạn trẻ giữa xã hội hôm nay. Xin cho họ luôn sống xứng danh là con cháu các vị tử đạo, biết tránh xa lối sống vô cảm, luôn dấn thân quên mình vì bổn phận và trách nhiệm, nêu cao tinh thần bác ái tốt đẹp của Kitô giáo.
4. Cầu cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn. Xin cho tất cả chúng ta luôn ý thức trân trọng di sản đức tin được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, không ngừng tái khám phá sứ điệp Tin Mừng, ra sức thực hành và hăng say loan báo sứ điệp đó cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con ca ngợi tình thương và sức mạnh của Chúa đã thể hiện nơi sự yếu đuối mỏng giòn của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống trung thành với đức tin và gương sáng của các bậc tiền nhân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SCĐ LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CHỦ ĐỀ : SỰ ĐỔI ĐỜI CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO.
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : "Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa"
- Đáp ca : "Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khập khởi mừng"
- Tin Mừng : "Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được người tuyển chọn từ bốn phương"
- Bài đọc II : "Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người".

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Sau bao nhiêu thế kỷ tin theo Kitô giáo, cuối cùng Giáo Hội Việt Nam cũng có được 117 vị thánh của mình, những vị thánh tử đạo dám lấy chính mạng sống để làm chứng niềm tin vững vàng của mình.
Mừng lễ các Thánh Tử đạo VN, chúng ta vui mừng hãnh diện. Chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta noi gương cha ông chúng ta, can đảm làm chứng đức tin của mình trên quê hương đất nước thân yêu và trước mặt những đồng bào ruột thịt của mình.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Nhiều lần chúng ta xấu hổ không dám tuyên xưng niềm tin của mình.
- Nhiều lần vì ngại khổ ngại khó, chúng ta đã không chu toàn bổn phận của một tín hữu.
- Chúng ta chưa tích cực loan Tin Mừng cho đồng bào Việt Nam của mình.
III. GỢI Ý GIẢNG
1. Các Thánh tử đạo
Gia đình của Chúa là một gia đình gồm những người trần mắt thịt, chứ không phải gồm những siêu nhân, những con người siêu đẳng. Kitô hữu không phải là những siêu nhân. Các thánh càng không phải là những siêu nhân, vì các Ngài là những con người có tính cách người nhất trong các con người. Các thánh không phải là những người cao siêu, các Ngài không cần cái cao siêu, họa chăng cái cao siêu cần đến các Ngài. Các thánh không phải là những vị anh hùng kiểu các anh hùng bách chiến bách thắng. Một người anh hùng như chúng ta ảo tưởng là họ vượt khỏi nhân tình, đấng thánh không vượt khỏi nhân tình mà đảm nhận lấy nhân tình. Đấng thánh nỗ lực thể hiện nhân tình một cách tốt nhất. Bạn có hiểu hai điều đó khác nhau ra sao không ? Đấng thánh cố gắng hết sức mình để đạt đến gần giống Đức Giêsu là mẫu gương của mình, nghĩa là gần giống với một Đấng đã hoàn toàn là người, với một sự đơn giản hoàn hảo, điều độ làm chưng hửng các vị anh hùng, nhưng lại làm yên lòng những phàm nhân chúng ta. Bởi vì Đức Kitô không chỉ chết vì những người anh hùng. Ngài còn chết vì những kẻ hèn nhát nữa :Khi bạn bè Ngài quên Ngài thì kẻ thù Ngài có quên Ngài đau. Bạn có biết rằng bọn quốc xã không ngừng đem đối lập cơn hấp hối cực thánh của Đức Kitô trong vườn Cây Dầu với cái chết vui tươi của các thanh niên quốc xã. Nghĩa là Đức Kitô muốn mở ra cho các thánh tử vì đạo của Ngài con đường vinh quang của cái chết không khiếp sợ, nhưng Ngài cũng muốn đi trước mỗi người chúng ta vào trong bóng tối đầy lo âu của sự chết. Một bàn tay vững bàng dũng cảm có thể tìm nơi nương tựa cuối cùng ở bờ vai Ngài, nhưng một bàn tay run rẩy chắc chắn sẽ nắm được bàn tay Chúa... (Georges Bernanos)
2. Những con người dám chết
Lễ kính các Thánh tử đạo là sự tuyên dương những con người đã dám chết.
Tại sao tuyên dương ? Thưa vì người ta thường nghĩ "Không có gì quý hơn mạng sống". Khi mạng sống bị đe dọa thì bằng bất cứ giá nào, người ta cũng tìm cách để thoát khỏi cái chết và bảo tồn mạng sống của mình. Thí dụ có người khi đói quá đã kiếm cỏ, kiếm võ cây để ăn, những thứ mà bình thường không bao giờ họ ăn ; có người bình thường rất tự trọng nhưng khi quá đói đã phải ăn cắp thức ăn của người khác, đã dành ăn với người khác ; thậm chí có người còn dám ăn thịt người trong lúc không còn gì ăn để giữ mạng sống. Thực ra những việc làm trên không có gì lạ, vì người ta đã làm theo bản năng, gọi là bản năng sinh tồn.
Tuy nhiên có những người đã không theo bản năng sinh tồn ấy. Những người này không nghĩ rằng mạng sống là giá trị cao quý nhất, mà còn có những giá trị không cao hơn nhiều. Thí dụ :
- Trong trận động đất ở nước Nga, một người mẹ bị kẹt trong đống gạch vụn cùng với đứa con của mình. Vì không có gì để ăn, hai mẹ con dần dần yếu. Người mẹ nghĩ rằng nếu tình hình cứ tiếp tục thì sau cùng cả hai mẹ con đều chết, bởi đó bà đã cắn đầu ngón tay mình, lấy máu cho con uống. Bà dám chết để con bà được sống.
- Hay như các anh hùng liệt sĩ, những người đã can đảm hy sinh mạng sống mình để bảo vệ tổ quốc quê hương. Họ đã coi quê hương đất nước trọng hơn mạng sống bản thân.
- Và các vị thánh tử đạo cũng vậy, các ngài coi đức tin trọng hơn mạng sống thể xác.
3. Tất cả những người vừa kể trên đều đã dám chết, tất cả đều đáng ta kính phục. Riêng các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy kính phục đặc biệt vì các ngài có thể thoát chết cách rất dễ dàng thế mà các ngài vẫn can đảm chết : chỉ cần nói với quan một câu là "Tôi chịu bỏ đạo" thì lập tức được thả tự do, hay đơn giản hơn chỉ cần thưa "vâng" khi quan hỏi "Có chịu bỏ đạo không ?", hay đơn giản hơn nữa, không cần nói một lời nào cả, chỉ một cái gật đầu hay chỉ để yên cho người ta khiêng mình ngang qua cây thập giá thôi. Thế nhưng các ngài đã không làm như vậy, các ngài dám chịu chết. Cái chết của các ngài gợi lên cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ :
a/ Điều thứ nhất cái chết ấy nói lên một quan niệm sống : sống không phải chỉ là tồn tại, tồn tại bằng bất cứ giá nào. Nhưng sống còn là sống theo một lý tưởng. Người không sống theo một lý tưởng thì chỉ sống như một sinh vật, chỉ lo ăn lo uống, lo sinh tồn. Còn người có lý tưởng và quý chuộng lý tưởng của mình thì không làm những gì nghịch với lý tưởng ấy ; nếu bị buộc làm điều nghịch với lý tưởng, hay bị cấm cản không cho sống theo lý tưởng thì các ngài thà chết để trung thành với lý tưởng cao đẹp của mình.
Một trong những điều tệ hại hiện nay là nhiều người không còn lý tưởng sống, nhất là các thanh niên ở các nước giàu bên Âu Mỹ, cả đời họ không biết tìm gì khác hơn là kiếm tiền, rồi ăn nhậu, rồi mua sắm, rồi vui chơi. Nhưng cũng như người ta không thể ăn hoài được, khi đã no thì không thể ăn thêm nữa, các thanh niên ấy ăn uống mãi rồi cũng chán, vui chơi mãi rồi cũng nhàm, thế là họ nghĩ ra những cách hưởng thụ khác như xì ke ma túy, nghĩ đến những hình thức tình dục khác thường... kết quả là bị mắc bệnh Aids. Có lẽ không bao lâu nữa cách sống đó cũng du nhập vào xã hội chúng ta, bởi vậy nhắc lại gương sống của các thánh tử đạo là một điều hữu ích : sống không phải chỉ là tồn tại và hưởng thụ, mà còn phải là sống theo một lý tưởng cao đẹp.
b/ Điều thứ hai chúng ta kính phục nơi các thánh tử đạo là sự trung thực của các ngài : Trung thực là sống đúng theo điều mình tin và nói. Các thánh tử đạo tin rằng và nói rằng có Thiên Chúa, có linh hồn, có đời sau. Vậy khi các ngài dám chết là các ngài đã tỏ ra trung thực với niềm tin ấy, cái chết của các ngài cho người ta thấy rõ là các ngài thực sự tin rằng sau khi chết các ngài sẽ gặp được Chúa, linh hồn các ngài vẫn còn sống trong cõi vinh quang hạnh phúc với Chúa.
Thực tế ngày nay, nhiều người không còn trung thực nữa : họ nói rất hay nhưng họ không làm theo điều họ nói, có khi họ cũng muốn làm nhưng lại không dám làm vì sợ bị thiệt thòi...
c/ Và điều thứ ba khiến chúng ta kính phục các thánh tử đạo là các ngài đã mở trí cho chúng ta hiểu rằng đời này không phải là tất cả. Năm 1980 tại câu lạc bộ những nhân vật vị vọng trong xã hội, câu lạc bộ Philadelphia Phillies, người ta đã tổ chức một buổi nói chuyện và người được mời nói chuyện một nhân vật đặc biệt tên là Cordell. Cordell có tật nơi chân nên đi đứng rất khó khăn. Anh lại ngọng nên nói năng cũng khó. Mặt mày anh dị hợm nên nhiều người thấy anh phải quay mặt đi hướng khác. Một người như thế có gì để nói với những nhân vật giàu sang danh vọng trong xã hội ? Anh mở đầu như sau : "Tôi biết rằng tôi rất là khác biệt với các bạn", rồi anh kể về cuộc đời mình, một cuộc đời nhiều thất bại, nhiều đau khổ. Sau cùng anh kết luận "Các bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời và lãnh hàng triệu đôla mỗi năm. Nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của bạn lại, thì các bạn sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là lúc chúng ta đều y như nhau". Không biết cử tọa của cuộc nói chuyện hôm đó nghĩ gì, nhưng tôi thì nghĩ đến các thánh tử đạo : các ngài khôn hơn nhiều người ở chỗ nhiều người đã dùng cả cuộc đời để kiếm tìm những điều họ sẽ phải bỏ lại hết khi quan tài của họ bị đóng lại, còn các ngài thì dám bỏ tất cả những gì quý nhất ở trần gian để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu.
IV. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Các Thánh tử đạo Việt Nam là những đấng hết lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, trung thành với Giáo Hội, sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận. Với tâm tình cảm phục và mến yêu các bậc anh hùng tiền bối trong đời sống đức tin, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Hội Thánh luôn tha thiết mời gọi các kitô hữu / làm chứng nhân cho Chúa trên chính quê hương đất nước của mình / bằng cách chu toàn mọi bổn phận của người công dân tốt và người tín hữu tốt / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết sống trọn vẹn ơn gọi kitô hữu trên chính quê hương của mình.
2- Trên thế giới ngày nay / nhiều kitô hữu / đặc biệt là các kitô hữu trẻ / bị mất đức tin vì hiểu biết giáo lý không đủ / và hầu như không biết đến quyển Kinh Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi tín hữu hiểu rằng / để có thể giữ vững niềm tin / cũng như để có thể dấn thân theo Chúa đến cùng / cấn phải học hỏi sâu rộng giáo lý của Chúa / nhất là sống theo Lời Chúa dạy trong Tin Mừng.
3- Các Thánh tử đạo Việt Nam cũng là những con người mỏng dòn yếu đuối như chúng ta / nhưng đã can đảm bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá / và đã anh dũng hiến dâng mạng sống để nói lên lòng mến Chúa của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu biết luôn cố gắng noi gương các ngài / mà bước trọn con đường Chúa đã đi qua.
4- Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn gắn bó và tin yêu Chúa giữa muôn vàn thử thách của cuộc đời.
CT : Lạy Chúa, Ông bà tổ tiên chúng con đã không ngần ngại hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin, để nói lên lòng mến của các ngài đối với Chúa. Xin Chúa thương trợ giúp, để chúng con có thể luôn hiên ngang sống đức tin đã lãnh nhận. Nhờ đó, mai sau chúng con cùng được chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc. Chúng con cầu xin…
V. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Hiệp cùng các Thánh Tử đạo Việt Nam là những người con ưu ái của Chúa, chúng ta hãy dâng lên Cha trên trời lời kinh lạy Cha.
- Sau kinh Lạy Cha : "… và được an toàn khỏi mọi biến loạn. Xin giúp chúng con biết noi gương các Thánh tử đạo can đảm sống đức tin của mình đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc…"
VI. GIẢI TÁN
Noi gương các Thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy trở về cuộc sống và làm chứng đức tin của mình trước mặt mọi người.
 ---
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. José Feder, Alain Gorius et leur équipe, Célébrer le dimanche, A. Nouvelles éditions Mame, Paris, 1977.
2. Flor McCarthy, New Sunday and Holy Day Liturgies, Year A, Dominican Publications. Dubblin 1998.
3. NN, Fiches dominicales, Bulletin de liaison et d’animation des équipes liturgiques du diocèse de Saint-Brieuc et Tréguier. Année A. France, 1994.
4. Số đặc biệt Giáng sinh năm phụng vụ 1998-1999 của báo Công giáo và Dân tộc.
5. Jean - Francois Kieffer, Mille images d’Evangile, France 2000.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XXXIII Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 13 Tháng 11, 2016

Bài giảng của Chúa Giêsu về ngày sau hết
Lc 21:5–19 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, Chúa là Đấng đã tạo dựng nên trời đất và biển khơi, cùng tất cả muôn loài trong đó; chính Chúa là Đấng đã qua Chúa Thánh Thần và dùng miệng tổ phụ Đavít chúng con, người tôi tớ của Chúa, mà phán: 
Tại sao các chư dân ồn ào náo động,
sao vạn quốc dám bày kế viển vông?
Các vua chúa thế gian cùng giàn trận,
các vương hầu khanh tướng cùng cấu kết với nhau chống nghịch lại Thiên Chúa và chống lại các đấng đã được Người “Xức Dầu” phong vương.
…  Xin Chúa hãy dơ tay của Chúa chữa lành và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Người là Đức Giêsu (Cv 4:24-25, 30)”.  Xin hãy đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống chúng con như khi xưa Chúa đã ban cho các thánh Tông Đồ sau lời nguyện này, trong thời gian thử thách, để chúng con cũng có thể rao giảng Lời Chúa một cách công khai và làm chứng cho sự hy vọng.   

2.  Bài Đọc

a)  Bối cảnh: 
Đoạn Tin Mừng này nói về sự bắt đầu công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế.  Đoạn 21:5-36 là một đơn vị văn học toàn bộ.  Chúa Giêsu đang ở trong thành Giêrusalem, tại cổng vào Đền Thờ, cuộc Thương Khó đã gần kề.  Các sách Tin Mừng Nhất Lãm (xem Mt 24; Mk 13) sắp đặt bài gọi là bài giảng “thời cánh chung” ở trước câu chuyện cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh.  Những sự kiện này được đọc trong ý nghĩa của lễ Vượt Qua.  Ngôn ngữ được dùng là “ngày tận thế”.  Chúng ta không nên chú ý vào từng chữ riêng rẽ, mà nên để ý về lời công bố của sự xáo trộn hoàn toàn.  Cộng đoàn của thánh Luca đã biết về các sự kiện liên quan đến việc phá hủy thành Giêrusalem.  Tác giả Phúc Âm đã phổ quát hóa lời tiên báo và làm hiển nhiên thời kỳ trung gian của Giáo Hội trong khi chờ đợi sự trở lại quang lâm của Chúa.  Luca cũng đề cập đến ngày sau hết ở trong các chương khác (12:35-48; 17:20; 18:18).   

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:                           

Lc 21:5-7:  Lời giới thiệu  
Lc 21:8-9:  Lời cảnh báo ban đầu
Lc 21:10-11:  Các dấu chỉ   
Lc 21:12-17:  Các môn đệ bị thử thách   
Lc 21:18-19:  Sự bảo vệ và tín thác

c)  Phúc Âm:

5 Khi ấy, có mấy người trầm trồ về Đền Thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng:  6 “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá.”  7 Bấy giờ các ông hỏi Người rằng:  “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?”
8 Người phán:  “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối, vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng:  ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến.’  Các con chớ đi theo chúng.  9 Và khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu.”
10 Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng:  “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ.  11 Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát; những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể.  12 Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy:  13 và các con sẽ có dịp làm chứng.  14 Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào.  15Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.  16 Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết.  17 Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy.  18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất.  19 Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con.”
   
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện  

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý 

-     Những cảm xúc nào đang chiếm ngự trong tôi: nỗi đau khổ, sợ hãi, tín thác, hy vọng, hay là nghi ngờ …?
-     Tin Mừng trong bài giảng này là gì?
-   Chúng ta có hài lòng với những gì chúng ta mong đợi và chúng ta có thích nghi với những nhu cầu của bản thân mình không?
-     Tôi phản ứng ra sao trước các thử thách trong đời sống đức tin của tôi?
-     Tôi có thể làm một sự liên kết với những sự kiện lịch sử hiện nay không?
-     Chúa Giêsu có vị trí nào trong lịch sử ngày nay?


5.  Suy gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 

Hãy đừng để cho chúng ta bị dao động bởi những biến động bên ngoài, điển hình là ngôn ngữ ngày tận thế, mà bởi những việc bên trong nội tâm cần thiết, đó là lời báo trước và chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa.  Ngay cả khi biết rằng ngày nay, ở các nơi khác nhau trên thế giới tình trạng “ngày tận thế” đang được xảy ra, nó có thể trở nên một bài đọc cho cá nhân, chắc chắn không phải là một lẩn tránh để đổi hướng sự chú ý sang trách nhiệm cá nhân.  Thánh Luca, với cương vị tác giả Phúc Âm, nhấn mạnh rằng ngày sau hết chưa xảy đến, do đó thật là cần thiết để sống trong chờ đợi với sự dấn thân.  Chúng ta hãy tỉnh thức về những thảm kịch của thời đại chúng ta, đừng trở thành tiên tri của sự bất hạnh,  là tiên tri cam đảm của một trật tự mới dựa trên công lý và hòa bình.  
  
b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

[5]  “Khi ấy, có mấy người trầm trồ về Đền Thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý”, nên Chúa Giêsu phán rằng:...  Có lẽ Chúa Giêsu đang ở bên trong cổng Đền Thờ, được coi là nơi mua bán các lễ vật.  Thánh Luca không xác định rõ những người nghe là ai, nó có vẻ nhắm vào tất cả mọi người, ông đã phổ quát hóa bài giảng ngày cánh chung.  Bài giảng này có thể nói về ngày sau hết, nhưng cũng nói về ngày cánh chung của riêng mỗi người chúng ta.  Nói chung, dứt khoát có một gặp gỡ với Chúa Phục Sinh.

[6]  “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá.”  Chúa Giêsu dùng những từ ngữ bất hạnh (17:22; 19:43) và lặp lại những lời nhắc nhở của các tiên tri liên quan đến Đền Thờ (Mk 3:12; Gr 7:1-15; 26:1-19).  Đây cũng là một sự nghiệm xét về tính chất hay hư nát của con người, dù cho kỳ diệu phi thường đến bực nào.  Cộng đoàn của thánh Luca đã biết về sự phá hủy của đền thờ Giêrusalem (vào năm 70).  Chúng ta hãy nghiệm xét thái độ của chúng ta về những việc kết thúc với thời gian.

[7]  Bấy giờ các ông hỏi Người rằng:  “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?”  Những người nghe đang quan tâm đến các biến động bên ngoài đặc trưng cho sự kiện này.  Chúa Giêsu đã không trả lời thẳng vào câu hỏi này.  Chữ “bao giờ” không được dùng bởi thánh Luca trong mối quan hệ với sự phá hủy của đền thờ Giêrusalem.  Chúa nhấn mạnh rằng ngày tận thế “sẽ không xảy ra ngay lập tức” (câu 9) và “nhưng trước những điều đó…” (câu 12) có những việc khác sẽ xảy ra.  Người hỏi chúng ta về mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử và việc thực hiện lịch sử ơn cứu độ.  Thời điểm của nhân loại và thời điểm của Thiên Chúa.

[8]  Người phán:  “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối, vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng:  ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến.’  Các con chớ đi theo chúng.”  So với các tác giả Phúc Âm khác, thánh Luca cho biết thêm về mấu chốt của thời gian.  Cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi đang vượt qua giai đoạn ngày Chúa tái thế sắp tới và chuẩn bị bản thân trong thời kỳ trung gian của Giáo Hội.  Chúa Giêsu khuyến cáo không nên để cho mình bị lừa gạt hoặc tệ hơn, bị thuyết phục bởi những kẻ mạo danh.  Có hai loại tiên tri giả:  những kẻ giả danh Chúa Giêsu mà tự xưng “Chính ta đây” và những kẻ khẳng định rằng thời điểm đã gần kề, ngày đó đã được biết (10:11; 19:11).

[9]  “Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu.”  Ngày nay, ngay cả trước những sự kiện chiến tranh, và chúng ta có thể nói rằng các hành vi khủng bố, cũng chưa phải là bắt đầu ngày tận thế.  Tất cả những điều này xảy ra nhưng đó không phải dấu hiệu cho ngày tận thế (Đn 3:28).  Luca muốn cảnh báo họ về ảo ảnh ngày tận thế sắp xảy ra với hậu quả bị vỡ mộng và từ bỏ đức tin.

[10]  Và bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng:  “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. 
[11]  Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát; những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể.”  Những chữ “và bấy giờ Người phán” là một sự lặp lại của bài giảng sau những lời cảnh báo ban đầu.  Đây là ngôn ngữ khải huyền hoàn toàn, có nghĩa là sự mặc khải (Is 19:2; 2Cr 15:6) và đồng thời là sự ẩn dấu.  Những hình ảnh truyền thống được dùng để mô tả những thay đổi nhanh chóng của lịch sử (Is 24:19-20; Dcr 14:4-5; Ed 6:11-12; v.v.).  Ảo giác thảm họa giống như một bức màn che giấu cảnh đẹp đằng sau đó:  ngày Chúa tái thế trong vinh quang (câu 27). 

[12]  “Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.”
[13]   “và các con sẽ có dịp làm chứng”.  Người Kitô hữu được mời gọi để phục tùng theo Chúa Kitô.  Họ đã tra tay hành hạ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.  Thánh Luca gợi nhớ lại cảnh thánh Phaolô bị điệu ra trước mặt vua Agrippa và quan tổng trấn Phétô (Cv 25:23-26, 32).  Kìa, thời gian của thử thách.  Không nhất thiết phải dưới hình thức ức hiếp bắt bớ.  Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chịu thử thách trong 18 tháng, sự vắng mặt của Thiên Chúa, khi ngài phát hiện ra căn bệnh của mình. Một thời gian thanh luyện để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ.  Đây là tình trạng bình thường của người Kitô hữu, đó là sống trong sự căng thẳng lành mạnh mà không phải là thất vọng.  Người Kitô hữu được mời gọi để làm chứng cho niềm hy vọng đã làm họ sinh động.

[14]  “Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. 
[15]  Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.   Đã đến lúc để chúng ta đặt niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa là quá đủ.  Đó cũng là sự khôn ngoan mà thánh Stêphanô đã làm bối rối kẻ thù của mình (Cv 6:10). Người tín hữu được bảo đảm có khả năng chống lại sự bức hại.

[16]  “Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết.”
[17]  “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy.”  Nguyên lý căn bản đi theo Chúa Kitô cũng bao hàm ý nghĩa sự khắc phục các mối liên hệ thân thích, những người mà chúng ta, theo cảm xúc, tin là an toàn hơn.  Có sự rủi ro phải tiến bước trong lẻ loi, giống như Đức Giêsu trong cuộc Thương Khó của Người.

[18]  “Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất.”  Thánh Luca lặp lại câu trước (12:7) để nhắc nhở chúng ta về sự bảo vệ của Thiên Chúa được đoan chắc trong cơn thử thách.  Vì người tín hữu cũng được bảo đảm cho sự chăm sóc về sự vẹn toàn thể chất của mình.

[19]  “Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con.”  Sự kiên trì (câu Cv 11:23; 13:43; 14:22) thì không thể thiếu được cho việc sinh hoa kết quả (Lc 8:15), trong những lúc thử thách hằng ngày và trong những lúc bị bắt bớ.  Điều đó có cùng ý nghĩa với “ở lại” trong Chúa Kitô của Gioan.  Vinh quang cuối cùng đã chắc chắn:  Triều đại Thiên Quốc sẽ được thiết lập bởi Con Người.  Vì thế, cần phải có sự kiên trì, thận trọng và trong lời cầu nguyện (câu 36 và 12, 35-38).  Phong cách sống của người Kitô hữu phải là một dấu hiệu của tương lai sẽ xảy đến.     

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 98

Hãy hát lên chúc tụng Thiên Chúa một bài ca mới

Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,
địa cầu với toàn thể dân cư!
Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào,
đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan CHÚA.
Vì Người ngự đến xét xử trần gian,
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo lẽ công bình.

7.  Chiêm niệm

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Nước Trời của Chúa là tình yêu và hòa bình, chính Chúa đã tạo dựng trong tâm hồn chúng con sự thinh lặng cần thiết để Chúa hiệp thông với chúng con.
Hành động hòa hoãn, ước ao mà không đam mê, nhiệt tình mà không kích động: tất cả chỉ có thể đến từ Chúa, Đấng Khôn Ngoan Hằng Hữu, Toàn Năng, thư thái không đổi dời, nguyên tắc và mô thức của sự bình an thực sự.
Chúa đã hứa với chúng con qua các vị tiên tri hòa bình của Chúa; Chúa đã ban cho chúng con điều này qua Đức Giêsu Kitô; Chúa đã ban cho chúng con sự bảo đảm với dạt dào Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa đừng để cho sự ghen ghét của kẻ thù, những khắc khoải của các đam mê, những ngại ngùng của lương tâm làm cho chúng con mất đi ân huệ từ trời, đó là sự cam kết tình yêu của Chúa, chứng tích những lời hứa của Chúa, phần thưởng của Máu Con Thiên Chúa.  Amen (Thánh Têrêsa thành Avila, 38:9-10). 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét