Tại sao thánh Giuse già vậy?
Trong tháng 3 dương lịch, tại nhiều nhà thờ, người ta trưng bày ảnh của thánh Giuse để tôn kính vị đã được Chúa chọn làm cha nuôi của đức Giêsu. Nhưng mà tại sao hầu như hết các bức tranh đều vẽ thánh Giuse như ông cụ già? Thánh Giuse được bao nhiêu tuổi khi Chúa Giêsu ra đời?
Thiết tưởng nên lưu ý là các hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên: họ không chụp lại tấm hình căn cước một nhân vật. Khi vẽ một bức tranh, kể cả bức tranh chân dung, các hoạ sĩ thường tô thắm thêm những nét diễn tả một tư tưởng hay cảm nghĩ gì nữa đó. Vì thế mà họ sẽ lựa chọn màu sắc của y phục, cũng như bày trí cảnh vật vân vân. Dù sao đi nữa, để hoạ lại chân dung của thánh Giuse, thì không hoạ sĩ nào có thể đóng vai của nhà nhiếp ảnh được, vì hai lý do: a) thứ nhất là thánh Giuse không có để lại một di ảnh nào, vì thế chẳng ai biết mặt mũi của ngài ra sao; b) nhất là, lý do thứ hai, không ai biết gốc gác lai lịch của thánh Giuse hết.
Phúc âm có nói về thánh Giuse đấy chứ?
Đúng như vậy, đặc biệt là Matthêu nói tới thánh Giuse khá nhiều trong hai chương đầu, vì vậy có người gọi Matthêu là thánh sử của Giuse (đối lại với Luca là thánh sử của đức Maria). Nhưng mà qua Phúc âm của Matthêu chúng ta chỉ biết được rằng Giuse là con ông Giacob (1,16) cũng giống như tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Giuse đã đính hôn với Maria, nhưng mà Chúa Giêsu không phải sinh ra do sự giao hợp tự nhiên. Sang đến chương 2, thì chúng ta lại gặp Giuse ở cạnh đức Maria tại Bêlem khi ba vua đến tìm gặp Hài nhi Giêsu; và tiếp đó Giuse lại phải đưa hài nhi với bà mẹ lánh nạn sang Ai cập và từ đó trở về Nadarét. Có vậy thôi: chúng ta không biết được Giuse qua đời lúc nào, cũng như chúng ta không biết Giuse được bao nhiêu tuổi.
Dựa vào đâu mà vẽ thánh Giuse đầu râu tóc bạc như vậy?
Dựa vào những tác phẩm ngụy thư. Như vừa nói, trong toàn bộ Tân ước, Matthêu là người nói tới Giuse nhiều hơn hết, nhưng thánh sử chẳng cho ta biết nhiều chi tiết về tông tích Giuse, vì thế mà không khỏi để lại trong đầu óc chúng ta nhiều câu hỏi, khêu gợi tính tò mò muốn biết hơn về lai lịch của thánh Giuse. Các nhà chú giải Kinh thánh cận đại đã không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng mục tiêu của bốn tác giả Phúc âm không phải là viết tiểu sử của Chúa Giêsu, nhưng tiên vàn là để loan báo một Tin mừng, tin mừng cứu độ. Trọng tâm của Tin mừng là cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong những bài giảng của thánh Phêrô trong sách tông đồ công vụ; kế đó, người ta kéo dài thêm một chút, tới những lời giảng và hoạt động của đức Kitô (quen gọi là cuộc đời công khai). Mãi về sau, người ta mới kéo dài thêm một phần gọi là nguồn gốc và cuộc đời thơ ấu của Chúa. Dù sao, trong Phúc âm của Matthêu, thánh Giuse chỉ xuất hiện như nhân vật phụ chứ không phải là nhân vật chính: Giuse được mời vào sân khấu bởi vì ông là con vua Đavít, nhờ vậy mà Chúa Giêsu cũng thuộc dòng dõi Đavit, và như vậy những lời tiên tri về Đấng Cứu thế thuộc dòng Đavit được thực hiện. Đó là lý do mà Matthêu kể lại gia phả của Giêsu từ đầu Phúc âm. Mặt khác, Matthêu cũng nhấn mạnh ngay từ khi thuật lại gia phả rằng Chúa Giêsu không phải là con của ông Giuse sinh bởi giao hợp vợ chồng. Vì thế ta thấy có sự gián đoạn mạch văn. Từ đầu, mạch văn của gia phả là ông A sinh ra ông B, ông B sinh ra ông C; thế nhưng tới cuối thì thay vì nói ông Giuse sinh ra ông Giêsu, thì Matthêu lại viết: “ông Giacop sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu”. Cảnh thiên thần hiện đến cho ông Giuse từ câu 18 đến 25 sẽ giải thích điều đó.
Những chuyện này có ăn thua gì đến ông thánh Giuse già hay trẻ đâu?
Có chứ! Chúng ta có thể tưởng tượng những người yếu bóng vía thì sẽ e ngại rằng nếu để ông thánh Giuse quá trẻ mà ở chung với cô Maria cũng còn trẻ, thì e rằng hai người khó mà giữ mình khiết tịnh được. Vì vậy, cho ông Giuse già đáng tuổi bố của cô Maria thì cô ta sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, như vừa nói, đó chỉ là mối bận tâm của những người yếu bóng vía, suy bụng ta ra bụng người. Các Kitô hữu đời xưa thì có mối bận tâm khác. Họ thấy rằng Phúc âm có nói tới các anh em của Chúa Giêsu. Tại sao có chuyện ấy được, khi mà tục truyền tin rằng đức Maria trọn đời đồng trinh, trước cũng như sau khi sinh Chúa Giêsu? Vì thế để giải quyết vấn đề, một số tác giả bèn nghĩ rằng những anh em đó phải được hiểu là các anh cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu; nói cách khác, ông Giuse đã có một đời vợ rồi và đã có con; sau đó vợ mất, ông Giuse ở góa một thời gian thì tục huyền với cô Maria.
Đến đây thì chúng ta bước sang các Phúc âm ngụy thư phải không?
Đúng vậy. Như đã nói trên đây, các Phúc âm nói rất vắn tắt về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài hơn 30 năm, đang khi mà cuộc đời công khai chỉ hơn kém 3 năm. Kế đó, người ta cũng muốn biết lai lịch, gốc gác của đức Maria và thánh Giuse nữa. Vì thế mà hàng lô truyền kỳ đã ra đời từ thế kỷ II, quen gọi là “ngụy thư”. Thực ra, theo nguyên gốc Hy-lạp “ngụy thư” (apocrypha) lúc đầu có nghĩa là sách giấu kín; và kế đó, nó ám chỉ những sách không được ghi vào sổ bộ Sách thánh; chứ không phải lúc nào ngụy thư cũng có nghĩa là sách nói bậy bạ. Chúng ta lấy một thí dụ: tác phẩm mang danh là “Tiền Phúc âm của Giacôbê” là một ngụy thư; thế nhưng chính từ tác phẩm đó, mà chúng ta biết được danh tánh của song thân đức Maria là Gioakim và Anna; cũng từ tác phẩm đó mà phụng vụ đón nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
Tác phẩm ấy có nói gì về thánh Giuse không?
Dĩ nhiên rồi. Thực ra phần lớn của tác phẩm “tiền phúc âm của Giacôbê” dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của đức Maria. Thánh Giuse xuất hiện vào lúc đức Maria thành hôn và mang thai. Theo đó, thì từ hồi 3 tuổi, đức Maria đã được dâng mình vào đền thờ. Đến tuổi dậy thì, thì thầy cả thượng phẩm phải tính chuyện lập gia đình cho cô. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra và đáp xuống trên đầu của Giuse. Thật đúng là dấu lạ. Nhưng Giuse không dám nhận Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.
Như vậy cụ Giuse lúc ấy đã già rồi hay sao?
Tác phẩm “tiền Phúc âm của Giacôbê” chỉ nói là Giuse góa vợ và đã có con, chứ không nói bao nhiêu tuổi. Nhưng câu chuyện chưa hết. Giuse nhận Maria về rồi thì để cô ta ở nhà, rồi ông ra đi kiếm việc làm. Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Sáu tháng sau đó, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu: chúng ta có thể tưởng tượng được bi kịch đã diễn ra. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do. Nhưng đó mới là chuyện nội bộ; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng tế trong đền thờ kêu Giuse lại mắng một trận vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria. Cả Giuse lẫn Maria đều một mực thanh minh thanh nga. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng theo luật của sách Dân số (chương 5) đã truyền khi có ai bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống mà không bị nước hành: cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Và Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bêlem.
Có tác phẩm nào nói tới tuổi của cụ Giuse không?
Dĩ nhiên còn nhiều ngụy thư khác nói tới Giuse. Xét về tuổi thì có tác phẩm tựa đề “Tiểu sử của Giuse thợ mộc” xuất phát từ Ai cập vào khoảng thế kỷ IV-V, thuật lại những giây phút cuối đời của Người. Theo đó, Giuse qua đời lúc 111 tuổi. Tại sao lại già quá như vậy? Theo cha Benoit, nguyên giám đốc học viện thánh kinh ở Giêrusalem, thì tại vì Giuse trong Cựu ước qua đời lúc 110 tuổi, nên Giuse trong Tân ước phải cho cao hơn 1 tuổi. Cuộc đời của thánh Giuse diễn ra như sau: người lập gia đình lúc 40 tuổi; và sống với bà này được 49 năm, sinh được bốn trai hai gái. Như vậy, khi vợ mất thì cụ đã được 89 tuổi rồi; và ở vậy được một năm thì cụ được lệnh phải lấy cô Maria lúc đó mới có 12 tuổi. Hai năm sau thì cô Maria có thai. Và cụ qua đời khi Chúa Giêsu lên 19 tuổi. Và để cho tình sử thêm mặn mà thì tác giả thêm rằng trước khi nhắm mắt, thánh Giuse đã xin lỗi đức Maria bởi vì đã có lúc nghi ngờ người bạn của mình khi thấy bụng lớn.
Như vậy, nếu chuyện thánh Giuse già bạc đầu là do các ngụy thư đã bịa ra chứ không dựa theo chứng tích lịch sử, thì các hoạ sĩ tân thời có thể vẽ thánh Giuse trẻ trung tí chút có được không?
Như đã nói ở đầu, các nhà hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên, nên họ muốn vẽ thế nào là tùy sở thích của họ. Chúng ta đã thấy rằng các truyền kỳ về thánh Giuse lão bộc đã ra đời nhằm giải quyết vấn nạn về các anh em của Chúa Giêsu. Ngày nay, khoa chú giải kinh thánh tìm cách giải thích cách khác (anh em theo nghĩa là anh em họ), nên không cần tới giả thuyết anh em cùng cha khác mẹ nữa. Ngoài ra cũng nên biết là ngay từ thời Trung cổ, thánh Toma Aquinô đã bác bỏ những truyền kỳ đó, và quả quyết rằng thánh Giuse trinh khiết suốt đời (Summa Theol. III, q.28, a.3, ad 5m). Nhiều bức tranh cũng cho thấy thánh Giuse cầm cây bông huệ tượng trưng sự trinh khiết. Tuy nhiên, có lẽ nhân đức mà truyền thống đề cao hơn cả nơi thánh Giuse là sự vâng lời trong thinh lặng. Hình như tại Việt Nam cũng có bài ca “Giuse người âm thầm”: thực sự chúng ta không biết gốc tích của Người; như một nhân vật phụ trên sân khấu; xong việc rồi, thì Người rút lui vào hậu trường biệt tăm.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Thiết tưởng nên lưu ý là các hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên: họ không chụp lại tấm hình căn cước một nhân vật. Khi vẽ một bức tranh, kể cả bức tranh chân dung, các hoạ sĩ thường tô thắm thêm những nét diễn tả một tư tưởng hay cảm nghĩ gì nữa đó. Vì thế mà họ sẽ lựa chọn màu sắc của y phục, cũng như bày trí cảnh vật vân vân. Dù sao đi nữa, để hoạ lại chân dung của thánh Giuse, thì không hoạ sĩ nào có thể đóng vai của nhà nhiếp ảnh được, vì hai lý do: a) thứ nhất là thánh Giuse không có để lại một di ảnh nào, vì thế chẳng ai biết mặt mũi của ngài ra sao; b) nhất là, lý do thứ hai, không ai biết gốc gác lai lịch của thánh Giuse hết.
Phúc âm có nói về thánh Giuse đấy chứ?
Đúng như vậy, đặc biệt là Matthêu nói tới thánh Giuse khá nhiều trong hai chương đầu, vì vậy có người gọi Matthêu là thánh sử của Giuse (đối lại với Luca là thánh sử của đức Maria). Nhưng mà qua Phúc âm của Matthêu chúng ta chỉ biết được rằng Giuse là con ông Giacob (1,16) cũng giống như tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Giuse đã đính hôn với Maria, nhưng mà Chúa Giêsu không phải sinh ra do sự giao hợp tự nhiên. Sang đến chương 2, thì chúng ta lại gặp Giuse ở cạnh đức Maria tại Bêlem khi ba vua đến tìm gặp Hài nhi Giêsu; và tiếp đó Giuse lại phải đưa hài nhi với bà mẹ lánh nạn sang Ai cập và từ đó trở về Nadarét. Có vậy thôi: chúng ta không biết được Giuse qua đời lúc nào, cũng như chúng ta không biết Giuse được bao nhiêu tuổi.
Dựa vào đâu mà vẽ thánh Giuse đầu râu tóc bạc như vậy?
Dựa vào những tác phẩm ngụy thư. Như vừa nói, trong toàn bộ Tân ước, Matthêu là người nói tới Giuse nhiều hơn hết, nhưng thánh sử chẳng cho ta biết nhiều chi tiết về tông tích Giuse, vì thế mà không khỏi để lại trong đầu óc chúng ta nhiều câu hỏi, khêu gợi tính tò mò muốn biết hơn về lai lịch của thánh Giuse. Các nhà chú giải Kinh thánh cận đại đã không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng mục tiêu của bốn tác giả Phúc âm không phải là viết tiểu sử của Chúa Giêsu, nhưng tiên vàn là để loan báo một Tin mừng, tin mừng cứu độ. Trọng tâm của Tin mừng là cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong những bài giảng của thánh Phêrô trong sách tông đồ công vụ; kế đó, người ta kéo dài thêm một chút, tới những lời giảng và hoạt động của đức Kitô (quen gọi là cuộc đời công khai). Mãi về sau, người ta mới kéo dài thêm một phần gọi là nguồn gốc và cuộc đời thơ ấu của Chúa. Dù sao, trong Phúc âm của Matthêu, thánh Giuse chỉ xuất hiện như nhân vật phụ chứ không phải là nhân vật chính: Giuse được mời vào sân khấu bởi vì ông là con vua Đavít, nhờ vậy mà Chúa Giêsu cũng thuộc dòng dõi Đavit, và như vậy những lời tiên tri về Đấng Cứu thế thuộc dòng Đavit được thực hiện. Đó là lý do mà Matthêu kể lại gia phả của Giêsu từ đầu Phúc âm. Mặt khác, Matthêu cũng nhấn mạnh ngay từ khi thuật lại gia phả rằng Chúa Giêsu không phải là con của ông Giuse sinh bởi giao hợp vợ chồng. Vì thế ta thấy có sự gián đoạn mạch văn. Từ đầu, mạch văn của gia phả là ông A sinh ra ông B, ông B sinh ra ông C; thế nhưng tới cuối thì thay vì nói ông Giuse sinh ra ông Giêsu, thì Matthêu lại viết: “ông Giacop sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu”. Cảnh thiên thần hiện đến cho ông Giuse từ câu 18 đến 25 sẽ giải thích điều đó.
Những chuyện này có ăn thua gì đến ông thánh Giuse già hay trẻ đâu?
Có chứ! Chúng ta có thể tưởng tượng những người yếu bóng vía thì sẽ e ngại rằng nếu để ông thánh Giuse quá trẻ mà ở chung với cô Maria cũng còn trẻ, thì e rằng hai người khó mà giữ mình khiết tịnh được. Vì vậy, cho ông Giuse già đáng tuổi bố của cô Maria thì cô ta sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, như vừa nói, đó chỉ là mối bận tâm của những người yếu bóng vía, suy bụng ta ra bụng người. Các Kitô hữu đời xưa thì có mối bận tâm khác. Họ thấy rằng Phúc âm có nói tới các anh em của Chúa Giêsu. Tại sao có chuyện ấy được, khi mà tục truyền tin rằng đức Maria trọn đời đồng trinh, trước cũng như sau khi sinh Chúa Giêsu? Vì thế để giải quyết vấn đề, một số tác giả bèn nghĩ rằng những anh em đó phải được hiểu là các anh cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu; nói cách khác, ông Giuse đã có một đời vợ rồi và đã có con; sau đó vợ mất, ông Giuse ở góa một thời gian thì tục huyền với cô Maria.
Đến đây thì chúng ta bước sang các Phúc âm ngụy thư phải không?
Đúng vậy. Như đã nói trên đây, các Phúc âm nói rất vắn tắt về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài hơn 30 năm, đang khi mà cuộc đời công khai chỉ hơn kém 3 năm. Kế đó, người ta cũng muốn biết lai lịch, gốc gác của đức Maria và thánh Giuse nữa. Vì thế mà hàng lô truyền kỳ đã ra đời từ thế kỷ II, quen gọi là “ngụy thư”. Thực ra, theo nguyên gốc Hy-lạp “ngụy thư” (apocrypha) lúc đầu có nghĩa là sách giấu kín; và kế đó, nó ám chỉ những sách không được ghi vào sổ bộ Sách thánh; chứ không phải lúc nào ngụy thư cũng có nghĩa là sách nói bậy bạ. Chúng ta lấy một thí dụ: tác phẩm mang danh là “Tiền Phúc âm của Giacôbê” là một ngụy thư; thế nhưng chính từ tác phẩm đó, mà chúng ta biết được danh tánh của song thân đức Maria là Gioakim và Anna; cũng từ tác phẩm đó mà phụng vụ đón nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
Tác phẩm ấy có nói gì về thánh Giuse không?
Dĩ nhiên rồi. Thực ra phần lớn của tác phẩm “tiền phúc âm của Giacôbê” dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của đức Maria. Thánh Giuse xuất hiện vào lúc đức Maria thành hôn và mang thai. Theo đó, thì từ hồi 3 tuổi, đức Maria đã được dâng mình vào đền thờ. Đến tuổi dậy thì, thì thầy cả thượng phẩm phải tính chuyện lập gia đình cho cô. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra và đáp xuống trên đầu của Giuse. Thật đúng là dấu lạ. Nhưng Giuse không dám nhận Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.
Như vậy cụ Giuse lúc ấy đã già rồi hay sao?
Tác phẩm “tiền Phúc âm của Giacôbê” chỉ nói là Giuse góa vợ và đã có con, chứ không nói bao nhiêu tuổi. Nhưng câu chuyện chưa hết. Giuse nhận Maria về rồi thì để cô ta ở nhà, rồi ông ra đi kiếm việc làm. Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Sáu tháng sau đó, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu: chúng ta có thể tưởng tượng được bi kịch đã diễn ra. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do. Nhưng đó mới là chuyện nội bộ; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng tế trong đền thờ kêu Giuse lại mắng một trận vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria. Cả Giuse lẫn Maria đều một mực thanh minh thanh nga. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng theo luật của sách Dân số (chương 5) đã truyền khi có ai bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống mà không bị nước hành: cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Và Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bêlem.
Có tác phẩm nào nói tới tuổi của cụ Giuse không?
Dĩ nhiên còn nhiều ngụy thư khác nói tới Giuse. Xét về tuổi thì có tác phẩm tựa đề “Tiểu sử của Giuse thợ mộc” xuất phát từ Ai cập vào khoảng thế kỷ IV-V, thuật lại những giây phút cuối đời của Người. Theo đó, Giuse qua đời lúc 111 tuổi. Tại sao lại già quá như vậy? Theo cha Benoit, nguyên giám đốc học viện thánh kinh ở Giêrusalem, thì tại vì Giuse trong Cựu ước qua đời lúc 110 tuổi, nên Giuse trong Tân ước phải cho cao hơn 1 tuổi. Cuộc đời của thánh Giuse diễn ra như sau: người lập gia đình lúc 40 tuổi; và sống với bà này được 49 năm, sinh được bốn trai hai gái. Như vậy, khi vợ mất thì cụ đã được 89 tuổi rồi; và ở vậy được một năm thì cụ được lệnh phải lấy cô Maria lúc đó mới có 12 tuổi. Hai năm sau thì cô Maria có thai. Và cụ qua đời khi Chúa Giêsu lên 19 tuổi. Và để cho tình sử thêm mặn mà thì tác giả thêm rằng trước khi nhắm mắt, thánh Giuse đã xin lỗi đức Maria bởi vì đã có lúc nghi ngờ người bạn của mình khi thấy bụng lớn.
Như vậy, nếu chuyện thánh Giuse già bạc đầu là do các ngụy thư đã bịa ra chứ không dựa theo chứng tích lịch sử, thì các hoạ sĩ tân thời có thể vẽ thánh Giuse trẻ trung tí chút có được không?
Như đã nói ở đầu, các nhà hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên, nên họ muốn vẽ thế nào là tùy sở thích của họ. Chúng ta đã thấy rằng các truyền kỳ về thánh Giuse lão bộc đã ra đời nhằm giải quyết vấn nạn về các anh em của Chúa Giêsu. Ngày nay, khoa chú giải kinh thánh tìm cách giải thích cách khác (anh em theo nghĩa là anh em họ), nên không cần tới giả thuyết anh em cùng cha khác mẹ nữa. Ngoài ra cũng nên biết là ngay từ thời Trung cổ, thánh Toma Aquinô đã bác bỏ những truyền kỳ đó, và quả quyết rằng thánh Giuse trinh khiết suốt đời (Summa Theol. III, q.28, a.3, ad 5m). Nhiều bức tranh cũng cho thấy thánh Giuse cầm cây bông huệ tượng trưng sự trinh khiết. Tuy nhiên, có lẽ nhân đức mà truyền thống đề cao hơn cả nơi thánh Giuse là sự vâng lời trong thinh lặng. Hình như tại Việt Nam cũng có bài ca “Giuse người âm thầm”: thực sự chúng ta không biết gốc tích của Người; như một nhân vật phụ trên sân khấu; xong việc rồi, thì Người rút lui vào hậu trường biệt tăm.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét