Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót (2)
Đức Ma-ri-a trong Niềm Tin của Giáo Hội
Những đoạn trích tuy sơ lược nhưng quan trọng trong Kinh Thánh về Đức Ma-ri-a đã khắc sâu trong lòng các tín hữu qua mọi thế kỷ, và đã tạo ra một tiếng vang lớn trong nền linh đạo Ki-tô giáo qua mọi thời đại. Chính Đức Ma-ri-a đã tiên báo rằng: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1, 48). Một truyền thống phong phú và sống động vẫn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay dựa trên những lời chứng của Tân Ước.
Mấu chốt mang tính tín điều quan trọng nhất của truyền thống sống động này chính là việc Công đồng Ê-phê-sô (năm 431 CE (CommonEra)) đã công nhận Đức Ma-ri-a là người cưu mang Thiên Chúa (GeoTOKog). Vì thế, điều quan trọng đáng lưu tâm ở đây là cuộc tranh luận liên quan tới danh xưng cao trọng của Đức Ma-ri-a do Nestorius và Cyril Alexandria khởi xướng không phải là cuộc tranh luận về Thánh Mẫu học nhưng là về Ki-tô học. Cuộc tranh luận đặt ra vấn đề: liệu rằng Đức Giê-su có thực sự là Con Thiên Chúa trong bản thể của Ngài hay không. Do vậy, ngay từ đầu, truyền thống Thánh Mẫu học không phải là một sự phát triển xa lạ và ngẫu nhiên, nhưng được kết nối với Ki-tô học và được đặt trên nền tảng ấy. Chỉ bằng cách này, truyền thống Thánh Mẫu học mới có thể và sẽ tiếp tục sản sinh ích lợi và hoa trái thiêng liêng. Dựa trên nền tảng ấy, rất nhiều lời kinh, các bài thánh thi và thánh ca trong lịch sử Ki-tô Giáo không ngừng lặp lại những lời chứng của Tân Ước, giải thích những lời chứng ấy theo hướng thiêng liêng và khiến chúng sinh nhiều hoa trái. Trong số đó, quan trọng nhất là các lời chứng của Phụng vụ. Ngoài ra, có vô vàn bài giảng và luận thuyết đã xuất hiện trong thời các giáo phụ. Những giải thích thiêng liêng về Kinh Thánh này được tìm thấy trong tất cả các truyền thống của Giáo Hội ở thiên niên kỷ thứ nhất; chúng được tìm thấy giữa cộng đồng người Hy Lạp cũng như những người nói tiếng La-tinh, người Ai-Cập cũng như những người Sy-ri và Ac-me-ni-a, tại nước Nga cũng như người phương Tây nói tiếng La-tinh. Chúng ta cũng nhận thấy những dấu vết nổi bật trong lời ca ngợi Đức Ma-ri-a của những nhà cải cải ở thế kỷ thứ 16.
Điều này đã được diễn tả trong kinh cầu Đức Ma-ri-a cổ xưa nhất bắt đầu khoảng năm 300 CE và được phổ biến rộng rãi: “Chúng con đến với sự bảo trợ của Mẹ, lạy Mẹ Thiên Chúa.” Ban đầu, lời kinh ấy là: “Chúng con đến với lòng thương xót của Mẹ, lạy Mẹ Thiên Chúa.” Trong những lời kinh sau này, chúng ta cũng thấy thái độ tin tưởng như vậy. Có người sẽ nghĩ tới lời kinh Ave Maris Stella (kính chào Ngôi Sao Biển), hoặc Ngôi Sao Biển, chúng con kính chào Mẹ (thế kỷ 19) với câu: “Xin tỏ cho chúng con thấy Mẹ, để nhờ Mẹ, Hài Nhi có thể nghe thấy những lời cầu nguyện của con cái Mẹ.” Trong kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương; thế kỷ 11), một trong những kinh nguyện phổ biến nhất với Đức Ma-ri-a, chúng ta nại đến Mẹ như là “Mẹ của Lòng Thương Xót” và xin Mẹ: “Xin hãy ghé mắt nhân từ của Mẹ đối với chúng con.” Tương tự như vậy, bài thánh thi về Đức Ma-ri-a từ mùa Vọng đến mùa Giáng Sinh, Alma Redemptoris Mater (thế kỷ 12), kết thúc với lời kêu xinpeccatorum miserere (xin thương xót những người tội lỗi). Trong kinh cầu Đức Bà Loreto (bản gốc có từ thế kỷ 12 tại Giáo Hội Đông Phương), chúng ta nài xin Đức Ma-ri-a như là “Mẹ của Lòng Thương Xót”, “đấng trợ lực của người bệnh”, “nơi nương tựa của những người tội lỗi”, “nguồn an ủi của kẻ khốn khó “, và “sự trợ giúp của các Ki-tô hữu.” Mẹ được gọi là đấng phù giúp trong mọi ưu phiền, không chỉ đáp lời trong những thảm họa thiên nhiên, đói kém, dịch bệnh, bão táp, nhưng còn trong những gian khổ của chiến tranh và quyền lực bạo tàn.
Ngay từ thế kỷ thứ hai, vị giáo phụ lớn của Giáo Hội là thánh I-rê-nê thành Lyons đã tóm gọn điều này khi ngài mô tả Đức Ma-ri-a như Đấng Tháo Cởi những nút thắt. Mẹ mở nút thắt mà E-va đã buộc lại. Vì thế, Đức Ma-ri-a trở thành người tháo cởi các nút thắt của rất nhiều Ki-tô hữu. Mẹ giúp họ giải quyết những khó khăn khác nhau trong đời sống cá nhân, trong các mối tương quan, trong tâm hồn, đặc biệt là những nút thắt do tội lỗi và sai lầm gây ra.
Đôi khi, lòng đạo đức này cũng tạo nên những hoa trái lạ thường, giống như trong nét vẽ và bức chân dung về Đức Ma-ri-a, “Đức Nữ Đồng Trinh của những người bất toàn.” Mẹ như là người đứng về phía những kẻ thất bại và người tội lỗi, kẻ trộm cắp và người ngoại tình, và Mẹ gần như được coi là người “đồng hàng” với họ. Bức chân dung này không hẳn là một miêu tả phù phiếm nhưng là một diễn tả hài hước của sự hiểu biết vững chắc về Đức tin; thậm chí đôi khi lòng thương xót được diễn tả một cách thái quá.
Những lời nguyện thưa lên qua hàng thế kỷ cũng được diễn tả bằng nhiều cách thế trong nghệ thuật ảnh tượng, đặc biệt là các ảnh tượng sùng kính Đức Mẹ. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9, ở Syria đã có những tác phẩm theo hình thức Eleusa, một Hình Thức Trìu Mến diễn tả Đức Maria đang bồng ẵm và âu yếm Con Thiên Chúa trong lòng Mẹ. Biểu tượng nổi tiếng nhất của hình thức này là bức tranh Đức Trinh Nữ Vladimir có từ thế kỷ 12 ở Constantinople, và hiện nay đang được trưng bày ở phòng triễn lãm Tretyakov, Moscow. Ở Tây Phương, có thể tìm thấy các bản sao của nó tại Notre Dame de Grace, giáo phận Cambrai; ở Carmelite Madonna (nhà thờ thánh Maria ở Traspontina, Rôma), và trong tranh vẽ của Lucas Cranach về Đức Mẹ Phù Hộ.
Một biểu tượng nổi tiếng khác là Salus Populi Romani.Theo truyền thống, biểu tượng này bắt nguồn từ thánh sử Luca nhưng thực ra nó chỉ mới có từ thế kỷ 13 và được sùng kính tại Vương cung thánh đường Maria Maggiore thành Rôma. Bản sao của nó được đặt ở nhà thờ chính tòa thánh Eberhard thành Stuttgart và được gọi là Đức Mẹ Ủi An.
Cuối cùng, chúng ta không thể không nhắc tới hình ảnh từ bi của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được phác họa theo trường phái Byzantine.
Vào thế kỷ 15, bức tranh này được chuyển từ thành Crete (hòn đảo lớn nhất thuộc Hy Lạp – ND) sang Rôma vì lý do an toàn trước người Thổ Nhĩ Kỳ. Bức tranh được tôn kính cách đặc biệt tại Rôma và ngay cả những người không sống ở Rôma cũng biết đến điều này.
Trên hết, chúng ta cần nhắc đến các tác phẩm thuộc hình thức nghệ thuật Pieta, hình ảnh Mẹ Thiên Chúa đang ôm xác con trong lòng mình. Các tác phẩm của hình thức này có từ thế kỷ 14. Nổi tiếng nhất là bức tượng do Michelangelo điêu khắc được đặt ở Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô thành Rôma.
Đây là tác phẩm nổi tiếng và được ngưỡng mộ trên toàn thế giới. Trong các tác phẩm loại này, Đức Maria được diễn tả như là người mẹ của tất cả những ai đang gặp đau khổ, buồn sầu, bế tắc và cần được ủi an. Kiểu tranh ảnh này giúp những ai có lòng đạo đức cảm thấy gần gũi với Đức Maria, đặc biệt là những người mẹ có cùng hoàn cảnh. Cùng một bối cảnh như thế, nhưng những tác phẩm mô tả Đức Maria đang ngất lịm lại ít được biết đến hơn. Chúng diễn tả Đức Maria chung phần trong cơn gục ngã của con Mẹ đến mức ngất đi thế nào và cách Mẹ được quyền năng thương xót của Thiên Chúa gìn giữ ra sao. Bức tranh này cũng là niềm an ủi cho những ai đang ngập chìm trong khổ não hay đang dần mất hướng nhưng biết đón nhận sức mạnh trong đức tin.
Cuối cùng, cũng cần nhắc đến những tác phẩm theo hình thức Mater Dolorosa (Mẹ Sầu Bi) xuất hiện từ thời kỳ đầu của trường phái Ba-rốc mô tả trái tim Đức Maria đang bị lưỡi đòng đâm thâu (Lc 2,35).
Liên hệ mật thiết với hình ảnh này là tác phẩm bảy vết thương của Đức Maria được mô phỏng bằng bảy lưỡi đòng trên ngực Mẹ. Những tác phẩm, mà mới thoạt nhìn chúng ta thấy lạ lẫm vì thiếu thực tế, lại diễn tả cách thế Đức Maria thông phần trong cái chết nhục nhằn của con Mẹ.
Những bức chân dung này không chỉ nhắc đến Đức Maria như một cá nhân riêng lẻ, nhưng như một kiểu mẫu khiến người Kitô hữu cảm thấy an lòng. Điều này càng trở nên sáng rõ trong những tác phẩm thuộc hình thức Madonna (Thánh Mẫu) với Áo Choàng Che Chở. Tượng Thánh Mẫu với Áo Choàng Che Chở ở thị trấn Ravensburg (Đức) rất nổi tiếng. Bức tượng diễn tả rằng chúng ta cần cảm thấy mình được an toàn dưới áo choàng che chở của Mẹ trong mọi nghịch cảnh, đặc biệt là trong chiến tranh.
Theo luật lệ cổ của người Đức, khi được che chắn dưới áo choàng của người mẹ, những đứa trẻ sinh ra ngoài hôn thú được thừa nhận như những đứa trẻ có cha mẹ hợp pháp. Bởi đó, tác phẩm này cũng ngụ ý rằng tất cả chúng ta, những người được sinh ra trong tội lỗi (x. Tv 51,7) đã được trở nên con Thiên Chúa do bởi lòng thương xót của Ngài, theo gương Đức Maria. Hình ảnh áo choàng cũng được biết đến trong bài thánh thi về Đức Maria vào thế kỷ 17 với tựa đề Marta breitet den Mantel aus. Khổ cuối của bài thánh thi này có ghi: “Ôi Mẹ của Lòng Thương Xót, xin phủ lấp áo choàng của Mẹ trên chúng con.”
Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J. – Minh Vương, S.J
(Bài này được dịch từ phần Mary, Mother of Mercy trong cuốn sách The Essence of The Gospel And The Key to Christian Life, của tác giả Walter Kasper, nhà xuất bản Claretian Communications Foundation, Inc., 2015.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét