Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót (3)
Trong lời bình luận của mình về Tin Mừng Luca, thánh Ambrose đã mô tả Đức Maria như là nguyên mẫu (hình mẫu) của Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II đã minh nhiên chấp thuận khẳng định này. Là người đầu tiên trong số những người được cứu chuộc, Đức Maria là hình mẫu, tức là nguyên mẫu của tất cả những ai được cứu chuộc. Là mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria cũng đồng thời là mẹ của tất cả những ai được cứu chuộc. Theo phẩm cấp của ân sủng, Đức Maria là mẹ của chúng ta. Công Đồng Vaticanô II đã diễn tả niềm tin mà vô vàn Kitô hữu đã gìn giữ như sau: “Bởi lòng từ mẫu, Đức Maria đã trông nom bạn hữu của Con Mẹ, là những người vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình dương thế với biết bao hiểm nguy và gian khó, cho đến khi họ được dẫn vào thiên đường hạnh phúc vốn dành cho họ.”
Trong dòng lịch sử của mình, Giáo Hội đã học biết về Đức Maria, không chỉ như một chứng nhân và nguyên mẫu, nhưng còn là thụ tạo đặc biệt của Lòng Thương Xót. Đức Maria được cứu chuộc như tất cả những ai đã được cứu chuộc; nhưng khác với họ, Mẹ được miễn nhiễm khỏi mọi vết nhơ tội lỗi ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên. Vì lý do này, Giáo hội Đông Phương gọi Đức Maria là Toàn Thánh(Ilavayia). Nơi Mẹ và toàn bộ cuộc sống của Mẹ, lòng thương xót của Thiên Chúa vốn đối nghịch và đạp đổ tội lỗi để mang lại sự sống đã toàn thắng vinh quang. Vì vậy, Đức Maria là một dấu chứng cho thấy quyền lực tội lỗi không thể phá hỏng kế hoạch cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại ngay từ thuở ban đầu. Đồng thời, Đức Maria là nơi trú ẩn an toàn trong dòng thác lũ, là dấu tích linh thiêng của nhân loại, và cũng là bình minh của cuộc sáng tạo mới. Vẻ đẹp khởi nguyên và tận cùng của mẹ, vốn là nơi chiếu tỏa vẻ đẹp hoàn hảo của mọi thụ tạo, đã được ca ngợi trong thơ ca và nghệ thuật tôn giáo qua mọi thế kỷ. Mẹ là thụ tạo hoàn hảo. “Có thể nói, nơi Đức Maria, chúng ta vừa thấy được kế hoạch nguyên thủy của Đấng Tạo Hoá, vừa thấy được đích điểm của kế hoạch đó: người được cứu chuộc.”
Những trình bày trên đây có vẻ kỳ cục đối với cách suy nghĩ trần tục, kỳ cục với sự hiểu biết thiển cận và nghèo nàn về thực tại vốn cho rằng chẳng có gì vừa linh thiêng lại vừa trần tục. Tuy nhiên, việc xem xét các tác phẩm mà trong đó Đức Maria luôn là đề tài xuyên suốt cho tới ngày nay, sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cảm tưởng ấy. Người ta có thể nghĩ đến nhân vật Gretchen trong tác phẩm Faust của Goethe. “Xin cúi xuống, hỡi mẹ đầy sầu não, xin ghé mặt nhân từ đến nỗi đau của con!” Đề tài này cũng xuất hiện trong chủ nghĩa lãng mạn, trong các tác phẩm của Brentano và Eichendorff. Hölderlin và Rilke cũng sử dụng các chất liệu truyền thống, tuy không theo cách của Giáo Hội và tôn giáo, nhưng vẫn cho thấy cùng một điều là làm thế nào Đức Maria vẫn tiếp tục có ảnh hưởng trong vai trò một mẫu gương rạng ngời và hình ảnh lý tưởng của nhân loại. Các yếu tố truyền thống không chỉ được tìm thấy trong tác phẩm Hymnen at die Kirche của Gertrud von Le Fort, nhưng còn được trình bày với ngôn ngữ đầy tính thơ văn và mạnh mẽ.
Nói về Đức Maria như một mẫu gương cụ thể và như sự nhận thức đặc biệt về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ không ngừng mang lại ích lợi, ngay cả trong thế giới hiện đại của chúng ta. Cuộc bàn luận này cũng cho chúng ta thấy rằng, ngày nay, sứ điệp Kitô giáo về Lòng Thương Xót đã mặc lấy một hình mẫu rất thời cuộc và rất con người, nhờ đó chúng ta có thể thấu hiểu sức mạnh có khả năng biến đổi nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, không chỉ bằng lý trí, nhưng còn bằng trái tim của chúng ta.
Trong số tất cả các thụ tạo, Đức Maria hiện thân cho Tin Mừng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách tinh tuyền và xinh đẹp nhất. Mẹ là thụ tạo đại diện nguyên tuyền nhất cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và là hình ảnh trung thực của điều cốt lõi cũng như tóm kết của Tin Mừng. Mẹ chiếu tỏa toàn bộ sự tương hợp của Lòng Thương Xót, và biểu lộ sự huy hoàng cũng như vẻ đẹp có sức biến đổi đang bao phủ thế giới nơi Lòng Thương Xót nhân từ của Thiên Chúa. Chính trong những điều kiện sống khắc khổ cũng như trong sự hiểu biết đơn điệu và tẻ nhạt của cuộc sống hôm nay, Đức Maria có thể trở thành một nguyên mẫu và hình ảnh sáng ngời cho một nền văn hóa mới của Lòng Thương Xót. Mẹ có thể là gương mẫu cho đời sống của mọi Kitô hữu, cho Giáo hội và cho sự đổi mới của Giáo Hội dựa trên nền tảng là sáng kiến của Lòng Thương Xót; và cuối cùng, Mẹ là gương mẫu để xây dựng một nền văn hóa xót thương trong xã hội của chúng ta. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mô tả Đức Maria như là nguyên mẫu và mẫu mực cho một nền văn hóa Kitô giáo đã được đổi mới và cho linh đạo của Lòng Thương Xót.
Giáo Hội Công Giáo còn tiến một bước xa hơn. Đức Maria không chỉ là kiểu mẫu và gương mẫu, Mẹ còn là đấng bảo trợ nhân từ của Hội Thánh và của người tín hữu. Vì thế, ngay từ thế kỷ 15, lời khẩn nguyện “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” đã được thêm vào Kinh Kính Mừng vốn là lời kinh cầu Đức Maria nổi tiếng và được phổ biến rộng rãi nhất. Những lời này đã tiếp nối lời chào của thần sứ và của bà Elisabet (Lc 1,28; 42). Cách cầu nguyện này cũng không lạ lẫm gì đối với Martin Luther khi ông còn trẻ. Trong lời chú giải về bài ca Magnificat, Luther nhận thấy trong đó niềm trông cậy, rằng Thiên Chúa sẽ hành động qua trung gian của một thụ tạo. Thế nên, ông kết luận trong lời chú giải của mình: “Xin Đức Kitô ban cho chúng con điều này nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria và vì Đức Maria, Mẹ chí ái của Người.”
Người tín hữu sống Tin Mừng hôm nay thường lo lắng rằng một khi cậy vào lời cầu bầu như thế, vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu Kitô sẽ bị đe dọa. Đây là một sự hiểu lầm nặng nề. Tất nhiên, chúng ta không đặt Đức Maria ngang hàng với Đức Kitô hay đẩy Mẹ vào cuộc cạnh tranh với Người. Thật ra, chính Đức Maria đã sống trọn vẹn và không tách rời khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ hướng về lòng thương xót thánh thiêng được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô và trở thành chứng nhân của lòng thương xót ấy. Vậy làm thế nào Giáo Hội lại đặt cho Mẹ một vai trò độc lập với Đức Kitô hay một vai trò phụ trợ đối với Người? Đức Maria không lấy đi hay thêm vào bất cứ điều gì nơi Đức Kitô, Đấng Trung Gian Cứu Độ duy nhất. Hơn thế, trong vai trò chuyển cầu của mình, bằng cách thức đặc biệt và duy nhất, Mẹ hiện thực hóa việc bào chữa mang tính đại diện cho nhân loại vốn được xem là điểm phân biệt giữa Mẹ với mọi Kitô hữu. Nếu ai đó muốn diễn đạt ý nghĩa của điều này bằng thuật ngữ Kinh Viện, họ có thể nói rằng: Đức Maria hoàn toàn sống và làm việc trong sức mạnh của nguyên lý đệ nhất của ơn cứu độ; được thúc đẩy và lệ thuộc hoàn toàn vào nguyên lý ấy, Mẹ chung phần trong đó như nguyên lý đệ nhị.
Thế nên, chúng ta không tôn thờ Đức Maria. Việc tôn thờ chỉ dành cho Thiên Chúa và một mình Ngài mà thôi. Nhưng chúng ta tôn kính Mẹ trên hết mọi thụ tạo như là thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa và là khí cụ trong tay Ngài. Vì Thiên Chúa là Chúa của loài người và Ngài muốn thực hiện công trình cứu độ của Ngài cho loài người qua chính con người. Điều này cũng là dấu chỉ của lòng nhân từ và thương xót của Ngài vốn chiếu tỏa nơi Đức Maria theo một cách thức mẫu mực và duy nhất.
Vì vậy, Đức Maria hội tụ nơi Mẹ những mầu nhiệm đức tin lớn lao nhất và diễn tả chúng ra bên ngoài. Mẹ chiếu tỏa hình ảnh của con người mới, được cứu độ và được hòa giải, cũng như chiếu tỏa hình ảnh của thế giới tân tiến đã được biến đổi, một thế giới có thể quyến rũ chúng ta trong vẻ đẹp vô song của nó và kéo chúng ta khỏi mọi nỗi khốn khó ê chề. Mẹ tỏ bày với chúng ta rằng: Tin Mừng của lòng thương xót Chúa trong Đức Giêsu Kitô là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta đã từng nghe. Đồng thời, đó cũng là điều đẹp nhất có thể có vì nó có khả năng biến đổi chúng ta và cả thế giới này bằng vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ nơi lòng thương xót từ nhân của Ngài. Lòng thương xót này là tặng phẩm của Thiên Chúa đồng thời cũng là sứ mạng của chúng ta trong tư cách là Kitô hữu. Chúng ta được đòi hỏi phải thực thi lòng thương xót. Chúng ta phải diễn tả lòng thương xót bằng lời nói và việc làm và trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Bằng cách này, thế giới tăm tối và lạnh lẽo của chúng ta có thể phần nào trở nên ấm hơn, sáng hơn, dễ mến hơn và đáng sống hơn nhờ tia sáng của lòng thương xót. Lòng thương xót là phản ảnh của vinh quang Thiên Chúa nơi trần gian này và cũng là lời tóm gọn sứ điệp của Đức Giêsu Kitô vốn được ban cho chúng ta như một tặng phẩm mà chúng ta phải gửi trao cho anh chị em mình.
Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J. – Minh Vương, S.J
(Bài này được dịch từ phần Mary, Mother of Mercy trong cuốn sách The Essence of The Gospel And The Key to Christian Life, của tác giả Walter Kasper, nhà xuất bản Claretian Communications Foundation, Inc., 2015.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét