Trang

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

THƯ THÁNH PHAO LÔ VÀ ĐỨC TRINH NỮ

THƯ THÁNH PHAO LÔ VÀ ĐỨC TRINH NỮ

 

VẤNĐọc các thư thánh Phaolô, con thấy vị đại Tông đồ này không bao giờ đề cập đến Đức Trinh Nữ. Làm sao  cắt nghĩa sự kiện đó nơi một vị Tông đồ tài ba như thế? Là một trong những nhà chú giải Tin Mừng rất sáng giá, thì làm thế nào ngài lại bỏ qua Mẹ Đức Kitô được? Có thể vì thời bây giờ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ chưa xuất hiện? Nếu đúng như vậy, làm sao chúng ta lại có một lòng sùng kính rất sâu xa đối với Đức Trinh Nữ qua hàng bao thế kỷ như thế?


ĐÁP: Đồng ý là danh tánh Đức Trinh Nữ không hề được nhắc đến, dù chỉ một lần, trong các thư của thánh Phaolô… nhưng, sự im hơi lặng tiếng ấy cũng không ngăn cản một nhà Thánh Mẫu học có thế giá người Tây Ban Nha, cha Bover, viết những 5 bài khảo luận rất dài về cái gọi là “Thánh mẫu học của thánh Phaolô”(trong những năm 1920 và 1945). Thật ra, ngài đã phối trí và sắp xếp lại những bản văn của thánh Tông đồ, và sau ngài, không có ai tiếp tục con đường ngoại lệ ấy.
 
Dầu sao cũng có một đoạn văn của thánh Tông đồ nói đến Đức Trinh Nữ. Nhưng, thật mơ hồ và vắn tắt, chỉ gồm 4 chữ mà thôi: “sinh bởi người nữ”. Nguyên văn trọn vẹn như sau: “nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai Con của người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4, 4-5; x. Rm 1,3).

Trong đoạn văn trên, có 4 ý tưởng đối đáp nhau từng cặp một theo lối song đối kép, mà ta có thể minh giải ra như sau:

-  Sinh bởi người nữ: để biến chúng ta nên nghĩa tử.

- Sinh dưới quyền lề luật: để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền lề luật.

Một số người Tin Lành đã khai thác đoạn văn này theo nghĩa xấu: sự song đối giữa người nữ và lề luật, đối với họ, có nghĩa hạ giá Đức Trinh Nữ.

Ngược lại, một số người công giáo lại nhấn mạnh đến sự song đối theo chiều dọc giữa hai thành ngữ: “sinh bởi người nữ…”và “để biến chúng ta thành nghĩa tử”, và coi đó như là một nét phác họa mẫu tính thần linh của Mẹ Maria.

Thực ra, đây là một đoạn văn mập mờ, không rõ. Nó không đặc biệt nhắm đến con người Đức Mẹ, nhưng chỉ chú tâm nhận thức việc đức Giêsu hội nhập vào dòng giống phàm nhân:  một sự tự hạ khiêm cung, nhờ đó người đoạt được sự phục sinh và vinh quang.

Cũng có một số tác giả nghĩ rằng: thánh Phaolô , khi nói “sinh bởi người nữ” chứ không nói “sinh bởi người nam”, là có ý dạy về sự đồng trinh của Đức Maria. Có thể ngài có ý ám chỉ điều đó. Nhưng, rất mơ hồ và không chắc chắn. Một nhà chú giải Công giáo nọ còn đi đến chỗ cho rằng thánh Phaolô đã không biết gì về mầu nhiệm sinh nở đồng trinh: không biết chứ không phải bác bỏ.

Dầu gì đi nữa, làm sao thánh nhân lại có thể có thái độ im lặng lạ lùng như thế? Đúng như bạn nghĩ. Điều đó do bởi sự kiện là: thời đó chưa có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ. Tầm quan trọng của Đức Maria được khám phá dần dần do việc Giáo Hội sống và gẫm suy về những sự kiện Thánh Kinh, rồi những suy niệm ấy được truyền lại cùng được soi sáng thêm qua dòng truyền thống sống động. Các Kitô hữu dần dà hiểu được sự quan trọng của người nữ đã tự do đón nhận Đức Kitô qua lời đáp: “này là nữ tì Chúa” (Lc 1,38), và đã đưa người vào gia đình nhân loại, vào lịch  sử loài người. Họ hiểu rằng người nữ ấy đáng được hiểu biết, mến yêu, và ngưỡng mộ: rằng, sau Đức Kitô, người nữ ấy là khuôn mẫu toàn mỹ nhất cho mình bắt chước. Và họ cũng hiểu rằng người ta có thể kêu lên cùng người nữ ấy như là vị đứng đầu cộng đoàn các thánh, người cận kề Đức Kitô nhất: rằng người nữ ấy là chính mẫu mực của sự thánh thiện, vì hoàn toàn không nhiễm vương chút bợn nhơ nào từ giây phút đầu tiên. Cuối cùng, họ hiểu rằng vinh quang trọn vẹn, cả hồn lẫn xác.

Và Giáo Hội chỉ làm công việc đem ra ánh sáng những dữ kiện của Mạc Khải về Mẹ Chúa Giêsu, “là đối tượng tuyệt hảo của ân sủng Thiên Chúa” (hoặc “người nữ đầy ơn phước” theo lối dịch của bản phổ thông. Lc 1,28), là kẻ “được chúc phúc giữa các người nữ”(Lc 1,42), là người “có phúc vì đã tin”, là “đối tượng của sự viên thành những lời Chúa hứa” (Lc 1,45), và là người mà “từ đây muôn đời sẽ khen rằng có phúc” (Lc1,48).

Tại sao những điều ấy chỉ được nhận ra và sống dần dần theo thời gian mà thôi?

Có nhiều nguyên do. Sau đây là một số những nguyên do tiêu biểu:

1) Trước tiên, giáo lý tiên khởi do Thánh Phêrô xác định trong sách Công vụ Tông đồ có một nội dung giới hạn, trong đó Đức Maria chiếm một chỗ rất nhỏ.

“Chúa Giêsu… từ khi  nhận lễ Rửa của Gioan đến lúc về trời” (Cv 1,22; x. 2,17-36,…)

Trong giai đoạn này, Đức Trinh Nữ chỉ đóng một vai trò lu mờ, phụ thuộc. Suốt quãng đời công khai, Đức Kitô luôn rất cẩn trọng giữ mình khỏi chiều theo sự cám dỗ muốn tôn vinh Mẹ dựa trên huyết nhục; nhất là khi Người thốt lên những lời sau đây:

“Thế nào là mẹ Ta? Thế nào là anh em Ta?”

Rồi đưa mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh, Người tiếp:

“Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì kẻ nào làm điều Thiên Chúa muốn, kẻ ấy mới là anh em, chị em, và là mẹ Ta” (Mc 3,31-35). Và trước lời tán dương của một phụ nữ, vì quá ngưỡng mộ nên la lên: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Ông”, Người đã đáp lại như sau:

“Đúng hơn, phúc cho những ai nghe Lời Thiên Chúa và noi giữ “.

Mãi đến cuối thế kỷ I, Tin Mừng theo thánh Gioan mới phát hiện sự có mặt của Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana và bên thánh giá (12,1-12 và 19,25-27). Và, chỉ sau khi thánh Phaolô qua đời rồi, thánh Luca mới viết Tin Mừng thời thơ ấu, trong đó ân sủng và sự thánh thiện của Mẹ Maria được phát hiện .

2) Nguyên do sâu xa hơn là: vì thánh Phaolô chỉ chú tâm đến Chúa Kitô hiện tại, tức Chúa Kitô đã phục sinh, chứ không để ý đến Đức Kitô “theo xác thịt” (2Cr 5,16…). Bởi “xác thịt thì không ích gì” (x. Ga 6,63). Ngài không dừng lại ở những quãng đời của Đức Kitô thời tiền tử nạn và tiền phục sinh. Trong nhãn quan  đó, Đức Trinh Nữ đương nhiên bị chìm vào bóng tối. Mẹ ở vào giai đoạn tự hạ mà thánh Phaolô không cảm thấy cần phải khai thác nhiều. Vì với ngài, điều chính yếu là mầu nhiệm, là ơn cứu độ do cái chết cùng sự Phục Sinh của Đức Kitô mang lại, nơi đó chúng ta được tác tạo nhờ bí tích Rửa tội.

3) Một yếu tố khác qua bao thế kỷ đã trì hoãn sự triển khai giáo thuyết về Đức Trinh Nữ và sự tôn sùng dành cho Mẹ là: vì các Kitô hữu đã có ác cảm nặng đối với sự tôn sùng các “nữ thần thánh mẫu” nơi lương dân. Các hình ảnh thần bí ấy là một thứ gai làm sốn mắt họ. Và bởi sợ bị nhiễu lây, họ đã xếp Đức Trinh Nữ vào một chỗ khiêm tốn, kín đáo.

Sự thịnh lặng của thánh Phaolô mời ta lưu ý hai điều: Trước hết, Đức Maria hoàn toàn lệ thuộc “vào Chúa Kitô” như  Grignon de Montfort đã nói. Thứ đến, lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ có thể được biểu lộ bằng nhiều cách: tôi muốn nói là, trong sự duy nhất của Giáo Hội, vẫn có nhiều linh đạo khác nhau, tùy theo từng thế kỷ, từng dân tộc và từng nền văn hóa khác nhau. Tôi nói điều này với tư cách một sử gia và một nhà du lịch. Điều ấy mời gọi ta tỏ ra hiểu biết đối với những hình thức khác nhau của lòng sùng mộ dành cho Đức Trinh Nữ, và nhất là biết giữ chắc lấy điểm then chốt, tức những gì có nền tảng trong Tin Mừng cùng được Huấn quyền Giáo Hội bảo đảm.
 


Nguyên tác: số mục (24) quyển II
R. Laurentin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét