Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, Kỷ Niệm 500 Năm Phong Trào Cải Cách(9)
Chương V
Được kêu gọi kỷ niệm chung
Phép Rửa: Căn bản để đoàn kết và kỷ niệm chung
219. Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô. Như chỉ có một Chúa Kitô thế nào, thì Người cũng chỉ có một thân thể như vậy. Qua phép rửa, con người được trở nên chi thể của thân thể này.
220. Công đồng Vatican II dạy rằng những người đã chịu phép rửa và tin vào Chúa Kitô nhưng không thuộc về Giáo Hội Công Giáo Rôma "đều đã được công chính hóa bởi đức tin trong Phép Rửa [và] là chi thể của thân thể Chúa Kitô và có quyền được gọi là Kitô hữu, và vì thế được con cái của Giáo Hội Công Giáo chấp nhận một cách chính xác như là anh em" (UR 1.3) (84). Các Kitô hữu Luthêrô cũng nói y như vậy về các đồng Kitô hữu Công Giáo của mình.
221. Vì người Công Giáo và người Luthêrô được liên kết với nhau trong thân thể Chúa Kitô như các chi thể của nó, nên quả là đúng về họ điều Thánh Phaolô đã nói trong thư 1 Côrintô 12:26: "Nếu một chi thể đau, mọi chi thể cùng đau với nhau; nếu một chi thể được vinh dự, mọi chi thể cùng vui với nhau". Điều gì ảnh hưởng đến một chi thể của thân thể cũng ảnh hưởng đến mọi chi thể khác. Vì lý do này, khi các Kitô hữu Luthêrô tưởng nhớ các biến cố dẫn đến sự hình thành đặc thù các Giáo Hội của họ, họ không muốn làm như vậy mà không có các Kitô hữu Công Giáo của họ. Cùng nhau tưởng nhớ buổi khởi đầu của Phong Trào Cải Cách là họ đang coi trọng Phép Rửa của họ.
222. Vì họ tin rằng họ thuộc về thân thể duy nhất của Chúa Kitô, nên người Luthêrô nhấn mạnh rằng Giáo Hội của họ không khởi nguồn từ Phong Trào Cải Cách hoặc chỉ mới hiện hữu cách nay 500 năm. Đúng hơn, họ xác tín rằng các Giáo Hội Luthêrô bắt nguồn từ biến cố Hiện Xuống và việc rao giảng của các tông đồ. Tuy nhiên, các Giáo Hội của họ nhận được hình thức đặc thù của họ nhờ giáo huấn và các nỗ lực của các nhà cải cách. Các nhà cải cách này không muốn lập ra một Giáo Hội mới, và theo cái hiểu của họ, họ đã không làm như vậy. Họ muốn cải cách Giáo Hội, và họ đã lo liệu làm như vậy trong phạm vi ảnh hưởng của họ, mặc dù với nhiều sai lạc và vấp váp.
Chuẩn bị cho việc kỷ niệm
223. Là chi thể của một thân thể, người Công Giáo và người Luthêrô cùng nhau tưởng nhớ các biến cố của Phong Trào Cải Cách từng dẫn tới thực tế khiến họ sau đó phải sống trong các cộng đồng chia rẽ cho dù họ vẫn thuộc về một thân thể duy nhất. Đó là một khả thể không thể có và là nguồn gốc gây đau đớn lớn lao. Vì họ thuộc về một thân thể duy nhất, nên đứng trước sự chi rẽ giữa họ với nhau, người Công Giáo và người Luthêrô đã cố gắng đấu tranh hướng tới tính Công Giáo trọn vẹn của Giáo Hội. Cuộc đấu tranh này có hai phương diện: nhìn nhận những gì có chung với nhau và nối kết chúng lại với nhau và nhìn nhận những gì chia rẽ nhau. Phương diện đầu là lý do để tỏ lòng biết ơn và hân hoan; phương diện thứ hai là lý do để đau đớn và than khóc.
224. Năm 2017, khi các Kitô hữu Luthêrô kỷ niệm buổi khởi đầu của Phong Trào Cải Cách, họ không qua đó cử hành sự chia rẽ của Giáo Hội phương Tây. Không ai có trách nhiệm thần học lại có thể cử hành sự chia rẽ của các Kitô hữu với nhau.
Niềm vui chung trong tin mừng
225. Người Luthêrô rất biết ơn tận đáy lòng vì những gì Luther và các nhà cải cách khác đã dọn sẵn cho họ: sự hiểu biết tin mừng của Chúa Giêsu Kitô và đức tin vào Người; cái nhìn sâu sắc vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã ban chính Người cho chúng ta chỉ vì lòng nhân hậu và là Đấng chỉ có thể được nhận lãnh bằng niềm tín thác trọn vẹn vào lời Thiên Chúa hứa hẹn; vào sự tự do và sự chắc chắn rằng tin mừng có tính sáng tạo; vào tình yêu xuất phát từ và được đánh thức bởi đức tin, và vào niềm hy vọng vào sự sống và sự chết mà đức tin mang theo với nó; và vào việc tiếp xúc sống động với Kinh Thánh, các sách giáo lý, và các thánh ca đem đức tin vào đời sống. Việc tưởng nhớ và cuộc kỷ niệm hiện nay sẽ đem thêm lý do để biết ơn vào danh sách này. Lòng biết ơn này là điều khiến các Kitô hữu Luthêrô muốn cử hành trong năm 2017.
226. Người Luthêrô cũng nhận rõ rằng những gì họ cảm tạ Thiên Chúa không phải là một ơn phúc họ có thể chỉ giành lấy cho riêng mình. Họ muốn chia sẻ ơn phúc này với mọi Kitô hữu khác. Vì lý do này, họ kính mời mọi Kitô hữu cùng cử hành với họ. Như chương trước đã cho thấy, người Công Giáo và người Luthêrô có quá nhiều niềm tin chung đến nỗi họ có thể - và trên thực tế nên – cùng nhau tạ ơn, đặc biệt vào ngày kỷ niệm phong trào Cải Cách.
227. Điều trên tiếp nối sự thúc đẩy mà Công đồng Vatican II từng phát biểu: "Người Công Giáo phải hân hoan thừa nhận và quý trọng các giá trị Kitô giáo thực sự trong di sản chung của chúng ta, những giá trị cần được tìm thấy nơi các anh em ly khai của chúng ta. Điều đúng và có ích cho phần rỗi của chúng ta là nhìn nhận kho tàng của Chúa Kitô và các công trình đạo đức trong cuộc sống của những người khác đang làm chứng cho Chúa Kitô, thậm chí đôi khi đến nỗi phải đổ máu họ ra. Vì Thiên Chúa luôn luôn tuyệt vời trong các công việc của Người và xứng đáng được mọi lời ca ngợi "(UR 1.4).
Lý do để hối tiếc và than khóc
228. Vì việc kỷ niệm trong năm 2017 mang lại việc biểu lộ niềm vui và lòng biết ơn, nên nó cũng phải dành chỗ để cả người Luthêrô lẫn người Công Giáo cảm nghiệm niềm đau vì các thất bại và vi phạm, tội lệ và tội lỗi trong các con người và các biến cố đang được tưởng nhớ.
229. Nhân dịp này, người Luthêrô cũng sẽ tưởng nhớ những tuyên bố hằn học và hạ giá mà Martin Luther đã đưa ra chống lại người Do Thái. Họ xấu hổ vì những tuyên bố này và lấy làm ân hận sâu xa vì chúng. Người Luthêrô đã tiến đến chỗ nhận ra với một cảm thức hối tiếc sâu xa cuộc đàn áp các người chủ trương tái thánh tẩy (anabaptist) bởi các nhà cầm quyền Luthêrô và thực tế này là Martin Luther và Philip Melanchthon đã dùng thần học hỗ trợ cuộc bách hại này. Họ ân hận vì các cuộc tấn công bạo lực của Luther chống lại các nông dân trong cuộc Chiến Tranh Nông Dân. Ý thức các mặt tối của Luther và của Phong Trào Cải Cách đã khơi lên một thái độ phê phán và tự phê phán nơi các nhà thần học Luthêrô đối với Luther và Cuộc Cải Cách ở Wittenberg. Mặc dù họ đồng ý một phần các lời chỉ trích của Luther chống lại ngôi vị giáo hoàng, nhưng người Luthêrô ngày nay bác bỏ việc Luther đồng hóa Đức Giáo Hoàng với Kitô Giả (Antichrist).
Cầu nguyện cho sự hiệp nhất
230. Vì Chúa Giêsu Kitô trước khi qua đời đã cầu nguyện với Chúa Cha "để chúng có thể là một", điều rõ ràng là việc chia rẽ thân thể Chúa Kitô là trái ngược với ý muốn của Chúa. Nó cũng mâu thuẫn với lời khuyên minh nhiên của thánh tông đồ mà chúng ta nghe thấy trong thư Êphêsô 4: 3-6: "Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người". Sự chia rẽ thân thể Chúa Kitô là trái ngược với ý muốn của Thiên Chúa.
Đánh giá quá khứ
231. Khi người Công Giáo và người Luthêrô cùng nhau tưởng nhớ các cuộc tranh cãi thần học và các biến cố của thế kỷ thứ mười sáu theo viễn ảnh này, họ phải xem xét các hoàn cảnh của thế kỷ thứ mười sáu. Người Luthêrô và người Công Giáo không thể bị qui lỗi vì mọi sự đã xẩy ra vì một số biến cố trong thế kỷ thứ mười sáu nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong thế kỷ thứ mười sáu, các xác tín thần học và nền chính trị quyền lực thường xuyên được đan xen với nhau. Nhiều chính trị gia thường sử dụng các ý tưởng thần học chân chính để đạt được các mục đích của họ, trong khi nhiều nhà thần học cổ vũ các phán đoán thần học của họ bằng các phương tiện chính trị. Trong đấu trường phức tạp gồm nhiều nhân tố này, thật khó có thể gán trách nhiệm đối với các hệ quả của các hành động chuyên biệt cho các con người cá thể và gọi họ là các bên có tội.
232. Các cuộc chia rẽ trong thế kỷ mười sáu đã bắt nguồn từ các cách hiểu khác nhau về sự thật của đức tin Kitô giáo và đặc biệt trở nên tranh cãi vì sự cứu rỗi được xem là bị đe dọa. Cả ở hai phía, đều có những người có các xác tín thần học mà họ không thể nào từ bỏ. Người ta không nên đổ lỗi cho một ai đó đã theo lương tâm của họ khi lương tâm này được hình thành bởi Lời Chúa và đã đạt được các phán đoán của nó sau cuộc nghị thảo nghiêm túc với nhiều người khác.
233. Các nhà thần học đã trình bày ra sao các xác tín thần học của họ trong cuộc tranh đấu giành công luận lại là một chuyện khác. Trong thế kỷ mười sáu, người Công Giáo và người Luthêrô không những thường xuyên hiểu lầm mà còn phóng đại và biếm họa các đối thủ của họ, làm họ trở thành lố bịch. Họ nhiều lần vi phạm điều răn thứ tám, vốn ngăn cấm việc làm chứng gian hại người lân cận. Ngay cả khi đối thủ đôi khi có công bằng với nhau về phương diện tri thức, nhưng sự sẵn sàng của họ trong việc lắng nghe người khác và coi trọng các quan tâm của những người này vẫn chưa đủ. Những người chủ trương tranh cãi muốn bác bỏ và thắng các đối thủ của họ, nên thường cố tình làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột hơn là tìm kiếm các giải pháp bằng cách tìm kiếm những gì họ chủ trương chung với nhau. Các định kiến và hiểu lầm đóng một vai trò to lớn trong việc lên đặc điểm cho phía bên kia. Các chống đối nhau đã được xây dựng và truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Ở đây cả hai phía đều có đủ lý do để hối tiếc và than khóc cách thức họ đã tiến hành các cuộc tranh luận của họ. Cả người Luthêrô lẫn người Công Giáo đều có lỗi cần phải được công khai xưng thú trong cuộc tưởng nhớ các biến cố của 500 năm trước.
Các xưng thú tội lỗi của người Công Giáo chống lại sự hợp nhất
234. Trong thông điệp của mình gửi cho nghị viện hoàng gia ở Nuremberg ngày 25 Tháng 11 năm 1522, Đức Giáo Hoàng Hadrian VI đã phàn nàn về những lạm dụng và vi phạm, tội lỗi và sai sót mà giáo quyền đã vấp phạm xưa nay. Sau này, trong thế kỷ vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng Vatican II, đã xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của các "anh em" ly khai ở phương Đông. Cử chỉ này của Đức Giáo Hoàng đã tìm được lời phát biểu tại chính Công đồng, nhất là trong Sắc lệnh về Đại Kết (85) và trong Tuyên bố về mối Liên hệ của Giáo Hội với các Tôn giáo không phải là Kitô Giáo (Nostra Aetate) (86).
235. Tương tự như thế, trong bài giảng Mùa Chay "Ngày Tha thứ", Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng thừa nhận lỗi lầm và dâng lời cầu nguyện xin tha thứ như một phần của việc cử hành Năm Thánh 2000 (87). Ngài là người đầu tiên không chỉ đơn giản lặp lại sự hối tiếc của vị tiền nhiệm Phaolô VI và các nghị phụ công đồng liên quan tới các kỷ niệm đau đớn, nhưng thực sự còn làm một điều gì đó nữa về nó. Ngài cũng liên hệ lời xin tha thứ với chức vụ của Giám Mục Rôma. Trong thông điệp Ut Unum Sint, ngài đề cập đến chuyến viếng thăm của ngài tại Hội đồng Các Giáo Hội Thế giới ở Genève vào ngày 12 tháng 6 năm 1984, nơi ngài thừa nhận rằng "Xác tín Công Giáo cho rằng trong thừa tác vụ của giám mục Rôma, Giáo Hội, vì lòng trung thành với truyền thống tông đồ và đức tin của các Giáo Phụ, đã giữ gìn dấu hiệu hữu hình và là người bảo đảm cho sự đoàn kết, xác tín này đã tạo nên một sự khó khăn đối với hầu hết các Kitô hữu khác, những người có ký ức bị ghi dấu bởi nhiều hoài niệm đau đớn". Rồi ngài nói thêm: "vì mức độ chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với các hoài niệm này, tôi tham gia với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI để cầu xin sự tha thứ"(88).
Các xưng thú tội lỗi của người Luthêrô chống lại sự hợp nhất
236. Tại đại hội lần thứ năm ở Evian năm 1970, để đáp lại bài thuyết trình gây xúc động sâu sắc của Đức Hồng Y Jan Willebrands, Liên Minh Luthêrô Thế Giới tuyên bố "rằng chúng tôi, các Kitô hữu và cộng đoàn Luthêrô, sẵn sàng thừa nhận rằng phán quyết của các nhà cải cách đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma và nền thần học của nó không phải là hoàn toàn không có các bóp méo có tính bút chiến, mà một phần vẫn được duy trì mãi cho đến ngày nay. Chúng tôi thực sự hối lỗi vì hành vi phạm tội và sự hiểu lầm mà những yếu tố bút chiến này đã gây ra cho anh em Công Giáo Rôma của chúng tôi. Chúng tôi ghi nhớ với lòng biết ơn các tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với công đồng Vatican II, trong đó ngài truyền đạt lời cầu xin tha thứ của ngài vì bất cứ hành vi phạm tội nào gây ra bởi Giáo Hội Công Giáo Rôma. Nhân dịp chúng ta cùng với mọi Kitô hữu cầu xin sự tha thứ trong lời cầu nguyện mà Chúa chúng ta đã dạy chúng ta, chúng ta hãy cố gắng có được thứ ngôn ngữ rõ ràng, trung thực, và bác ái trong mọi cuộc trò chuyện của chúng ta"(89).
237. Người Luthêrô cũng thú nhận các lỗi lầm của mình đối với các truyền thống Kitô giáo khác. Tại đại hội thứ mười một ở Stuttgart năm 2010, Liên Minh Luthêrô Thế giới tuyên bố rằng người Luthêrô "tràn đầy cảm thức hối tiếc và đau đớn sâu xa đối với cuộc đàn áp người tái tẩy (anabaptist) của người Luthêrô và đặc biệt đối với thực tế này là các nhà cải cách Luthêrô về phương diện thần học, đã hỗ trợ cuộc khủng bố này. Do đó, Liên Minh Luthêrô Thế Giới... muốn công khai bày tỏ sự hối tiếc và nỗi buồn sâu xa của mình. Tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu Kitô đã hòa giải thế giới với chính Người, chúng tôi cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của anh chị em Mennonite, vì những thiệt hại mà các bậc tiền bối của chúng tôi trong thế kỷ thứ mười sáu đã phạm với người tái tẩy, vì đã quên hoặc làm ngơ cuộc bách hại này trong các thế kỷ từ đó đến nay, và vì mọi cách mô tả không phù hợp, gây hiểu lầm và gây tổn thương về người tái tẩy và Mennonites của các tác giả Luthêrô, trong cả hai hình thức bình dân lẫn bác học, cho đến tận ngày nay"(90).
Kỳ sau: Chương VI: Năm Mệnh Lệnh Đại Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét