CÁC DỤ NGÔN VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG TIN MỪNG LUCA
Dụ ngôn thường là những câu chuyện đơn giản và dễ nhớ, có hình ảnh gần gũi với đời thường, nhưng cũng mang nghĩa vĩ mô về chủ đề tôn giáo, luật lệ. Dụ ngôn thường có rất ít chi tiết trong chuyện. Nếu nhắc đến chi tiết thì mỗi chi tiết dù nhẹ nhàng, nhỏ đến đâu chúng đều có ý nghĩa riêng của nó. Dụ ngôn cũng không nhắc đến nơi chốn cố định, rõ ràng và thời gian. Chi tiết trong dụ ngôn rất thực với thực tế cuộc sống và hiện thực trong xã hội loài người vì thế dụ ngôn bất biến với thời gian và văn hoá. Có thể áp dụng dụ ngôn thích hợp cho cuộc sống trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh với phong tục tập quán khác nhau.
Cấu tạo của dụ ngôn thường có ba phần. Trước hết là khung cảnh của dụ ngôn. Sau đó là hành động hoặc tâm tình của nhân vật và thứ ba là kết quả ngạc nhiên, bất ngờ xảy đển ngoài sự tiên đoán, mong đợi của người đọc. Tâm tình của nhân vật trong dụ ngôn thường liên quan đến quyết định khó khăn, nhức nhối thuộc về đạo đức, nhân cách và công bằng xã hội. Nói tóm gọn là vấn đề tình yêu. Nhân vật trong dụ ngôn không hài lòng với cuộc sống hiện tại và tìm cách giải phóng mình khỏi những ràng buộc hiện tại.
Dụ ngôn là một phần quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu, thể hiện phong cách giảng đạo linh hoạt của Người đối với những người bình dân. Trong nền văn minh phương Tây, các dụ ngôn của Chúa Giêsu là chất liệu tạo nên các thuật ngữ thời hiện đại, ngay cả đối với những người không biết nhiều về Kinh Thánh, khiến cho chúng nằm trong số những câu chuyện nổi tiếng nhất trên thế giới.
Dụ ngôn trong Tin Mừng là xác định lập trường của người nghe chứ không phải các bài học, quanh quẩn tìm các nghĩa từ luân lý. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Nước Trời để đưa người nghe vào vị thế phải thấy tình trạng của họ, để định ra lập trường của mình. Mục đích chính của dụ ngôn hướng dẫn người nghe về mầu nhiệm nước trời. Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Chúa Giêsu dùng đủ mọi hình ảnh: từ người thu thuế đến biệt phái, quan quyền, cày ruộng, người quản lý bất lương, đứa con hoang đàng … là những hình ảnh thường nhật của xã hội Do Thái thời bấy giờ để minh họa. Đặc biệt trong Tin Mừng Luca, dụ ngôn diễn tả tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa với nhân loại và lòng xót thương, tha thứ vô biên của Người vượt khỏi sự mong đợi của con người.
Điều răn lớn (Lc 10, 25-28) và dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10, 29-37).
Một Luật Sĩ muốn thử Chúa Giêsu nên đã hỏi Người: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”. Chúa Giêsu không trả lời nhưng mời gọi ông ta tự tìm lấy câu trả lời cho bản thân, và ông đã trả lời cách hoàn hảo: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Nhưng người này muốn chứng tỏ là mình có lý nên lại đưa thêm câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” để bắt Chúa Giêsu phải đưa ra một luật rõ ràng giúp ông ta phân loại người khác theo nghĩa “thân cận” và “không thân cận”, người nào có thể trở thành thân cận và người nào không thể trở nên thân cận.
Và Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn, đưa ra cảnh tượng một vị tư tế, một thầy Lê-vi và một người Sa-ma-ri. Hai người đầu tiên là hai nhân vật có liên hệ đến việc thờ tự ở Đền Thờ; người thứ ba là một người Do Thái ngoại giáo, được coi là một dân ngoại, một người không có đạo và không sạch tội, là người Sa-ma-ri.
Nạn nhân trong dụ ngôn bị kẻ cướp lột sạch, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết dọc đường đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô. Thầy tư tế, rồi vị Lê-vi đi ngang qua đều nhìn thấy. Trong những hoàn cảnh tương tự, Luật quy định bổn phận là phải giúp nạn nhân, nhưng cả hai đã tránh sang một bên rồi tiếp tục cuộc hành trình. Họ đang lên Đền Thánh dâng lễ, nếu đụng chạm vào những việc như vậy họ sẽ bị ô uế và không thể tiến dâng lễ phẩm theo luật dạy!
Người Sa-ma-ri, được đánh giá như dân ngoại, hạng uế tạp, đối xử khác: ông chạnh lòng thương. đích thân chăm sóc người bị nạn, đặt lên lưng lừa chở đến nhà trọ, hôm sau lại đưa 2 quan tiền cho chủ quán trả công chăm sóc, lại còn hứa hẹn sẽ thanh toán thêm nếu thiếu khi quay về. Thật là một hành động đầy nhân ái và vô vị lợi.
Ở đây ta thấy có sự khác biệt: hai vị kia “thấy”, nhưng tâm hồn họ vẫn khép kín, lạnh lùng nhưng tâm hồn của người Sa-ma-ri thì lại hoà nhịp với tâm hồn của chính Thiên Chúa. Thực ra, “chạnh lòng thương” là một nét đặc trưng thiết yếu của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chạnh lòng thương chúng ta. Người đau khổ cùng với chúng ta. Người cảm được nỗi đau khổ của chúng ta. Lòng thương cảm có nghĩa là “chia sẻ với”. Từ này chỉ ra một điều gì đó bên trong chúng ta thôi thúc và rung cảm khi thấy bệnh tật, hoạn nạn của một người. Trong những cử chỉ và hành động của người Sa-ma-ri nhân hậu, chúng ta nhận ra hành động đầy lòng thương xót của Thiên Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ.
Dụ ngôn này cực kì ấn tượng với tất cả chúng ta, và cũng là một sự dấn thân! Chúa Giêsu lặp lại cho mỗi người chúng ta điều mà Người đã nói với vị Luật Sĩ: “Hãy đi và làm như vậy”. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để đi cùng một con đường của Người Sa-ma-ri nhân hậu, chính là hình tượng của Đức Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, tự biến Người trở thành tôi tớ của chúng ta, và do đó Người đã cứu chúng ta, để chúng ta cũng có thể yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta.
Cũng vì lòng thương xót mà Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ mỗi người chúng ta. Người không phớt lờ chúng ta, Người biết những nỗi sầu khổ của chúng ta. Người biết chúng ta đang cần sự trợ giúp và an ủi biết bao. Người đến gần chúng ta và không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Mỗi người trong chúng ta phải nhìn vào trong tâm hồn mình để xem liệu mình có niềm tin vào lòng thương cảm này của Thiên Chúa hay không. Dù chúng ta có từ chối, Người vẫn luôn kiên nhẫn đợi chờ và luôn ở bên chúng ta để chữa lành, chăm sóc.
Tất cả điều này dạy cho chúng ta rằng lòng thương cảm, tình yêu, không phải là một cảm giác mơ hồ, mà nó có nghĩa là quan tâm đến người khác bằng cả con người của mình. Nó có nghĩa là tự dấn thân, đảm nhận hết mọi bước cần thiết để “đến gần” với người khác, đến mức đồng hóa chính bản thân mình với “người ấy”.
Ở phần cuối của dụ ngôn, Chúa Giêsu quay trở về với câu hỏi của vị Luật Sĩ và hỏi ông: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” và ông ta đã trả lời minh bạch: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Ngay từ đầu của dụ ngôn, thầy tư tế và vị Lê-vi đúng ra phải là người thân cận của nạn nhân đang chờ chết nhưng ở cuối dụ ngôn thì chính Người Sa-ma-ri lại là người đến gần. Chúa Giêsu lật ngược cách nhìn: không cần phải phân loại người khác xem ai là người thân cận và ai thì không phải. Ta có thể trở nên thân cận với bất kì ai mà ta gặp trong thực tế nếu ta có lòng thương cảm trong tâm hồn và có khả năng để chịu đau khổ với người khác.
Dụ ngôn con chiên bị mất (Lc 15, 4-7)
Một chuyện hết sức thông thường, tự nhiên: khi có đàn chiên 100 con mà lạc mất một con, chắc chắn chủ đàn chiên sẽ phải đi tìm và đem nó trở về. Người chủ chiên trong dụ ngôn đã phải bỏ 99 con chiên kia nơi đồng hoang để rong ruổi tìm theo dấu vết con chiên bị lạc. Công việc tìm kiếm vất vả đã không làm cho chủ chiên bực mình khó chịu. Ngược lại khi tìm được con chiên lạc, người ấy mừng rỡ, quàng nó trên vai mình mà đem về. Ðiều này đã diễn tả tình thương chân thật, mặn mà của Thiên Chúa.
Nhưng chưa hết, về đến nhà chủ chiên còn gọi bạn bè, hàng xóm đến mà giãi bày: "Bà con hãy chia vui với tôi vì nay tôi đã tìm được con chiên lạc". Thái độ này trong thực tế hơi quá đáng. Có thể ai đó tìm thấy chiên lạc cũng khoe. Nhưng việc xin bà con hãy vui mừng quả là hơi quá. Tuy nhiên Ðức Giêsu đã cố ý dùng nét quá đáng này để làm chú ý đến điều Người muốn nói: "Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là 99 người công chính không cần ăn năn".
Mới nghe qua, ta sẽ nghĩ rằng chủ đàn chiên đó không phải là một mục tử khôn ngoan khi bỏ chín mươi chín con chiên trong đồng hoang mà đi tìm một con chiên lạc. Đồng thời anh ta cũng không thực tế chút nào khi mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui vì anh ta đã tìm thấy con chiên lạc.
Nhưng đó là cách Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu. Người không tính đến số lượng của sự vật, nhưng với Người, mỗi một vật đều rất quan trọng và đáng để cứu lấy. Ai nấy sẽ rất vui mừng khi một người tội lỗi trở về. Chúa Giêsu vui mừng đón nhận người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là lên án họ, bởi lẽ Người không đến để lên án nhưng là để cứu chuộc.
Vì thế, chúng ta có thể xác quyết rằng mỗi chúng ta đều đáng giá trước mặt Chúa Giêsu. Người sẽ không để chúng ta lầm đường lạc lối, nhưng bằng mọi giá, Người sẽ đưa chúng ta trở về. Thật vậy, từ cạnh sườn bị đâm thâu trên Thập giá, Chúa Giêsu đã tuôn đổ hồng ân của Người xuống cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, và nhờ Hy tế của Người mà chúng ta được trở về với Thiên Chúa.
Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất (Lc 15, 8-10)
Theo quan niệm Á Đông xưa và có lẽ thời Chúa Giêsu cũng thế: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", phụ nữ không được coi trọng nhưng họ lại được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa. Đồng tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hoàn cảnh chẳng may đưa tới. Người phụ nữ đã thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 đồng tiền khác. Khi tìm được, bà còn mời cả bạn bè, hàng xóm đến chung vui với bà.
Giá trị của những vật bị mất không đáng giá nhiều lắm. Một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên, một đồng bạc cũng không đáng để so với số còn lại. Nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc bị mất có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những con người vô danh, những tạo vật bé nhỏ trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Niềm vui tìm được những vật đã mất khiến cả hai đã phải chia sẻ, phải lan tỏa ra cho những người chung quanh. Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta là các tội nhân như thế. Cả triều thần Thiên Quốc, tượng trưng cho chính Thiên Chúa, sẽ nhảy mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vui mừng và sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Người. Cả 2 dụ ngôn đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32)
Dụ ngôn người Cha nhân từ cho chúng ta hiểu một số nét của một người cha luôn sẵn sàng tha thứ và hy vọng trong lúc tất cả là tuyệt vọng. Điều đánh động trước tiên, chính là lòng khoan dung của ông trước cái quyết định của đứa con trai út rời khỏi gia đình. Đây là hành động bất hiếu, bỏ nhà ra đi là cắt đứt mọi mối liên hệ thâm tình. Ông đã có thể phản đối, vì hắn vẫn còn nhỏ tuổi, một đứa trẻ mà lại đòi quyền sở hữu và sử dụng tài sản ngay khi cha còn sống. Ông có thể tìm một ông luật sư để không chia gia tài cho hắn, bao lâu ông còn đang sống.
Trái lại, ông tôn trọng tự do của hắn và đã để hắn ra đi trong lúc ông dự kiến được những rủi ro có thể xẩy tới cho hắn. Quả nhiên, hắn đã sử dụng tiền của do công lao vất vả của ông vào việc truy hoan trác táng. Hắn đã thất trung trong việc sử dụng của cải cha ban để làm vốn. Khi của cải thừa kế đem theo đã hết sạch, hắn đành phải đi chăn heo là nghề tội lỗi dân ngoại mới làm. Tất nhiên, ông chủ là dân ngoại và việc này hàm nghĩa là nó đã bị sa vào tay thủ lãnh tối tăm. Nó bị cắt đứt khỏi cộng đoàn dân Thiên Chúa. Hơn nữa nó lại còn ước ao được ăn trộm đồ ăn của heo, là những thứ cơm thừa canh cặn cho no bụng.
Nhưng sau đó nó đã tự tỉnh và nhìn lại chính mình. Trước hết vì cái đói và hồi tưởng lại nhà cha, so sánh tình trạng nông nỗi hiện nay của mình và địa vị tôi tớ ở nhà của cha. Nó đã ở với cha từ tấm bé mà không nhận ra ra hạnh phúc, lòng nhân ái của cha lan tỏa đến tận tôi tớ trong nhà. Tâm trạng hối cải của nó cũng chỉ ao được được ngang hàng với tôi tớ. Hối cải ở đây chưa trọn lành. Chỉ nhớ của cải nhà cha nhưng nó biết nó đã không còn gì. Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta: khi dựng nên chúng ta, Người đã ban cho chúng ta món quà lớn là sự tự do. Người để chúng ta tự do, kể cả tự do lầm lỗi. Trách nhiệm của chúng ta là xử dụng tốt sự tự do đó.
Nhưng sự xa cách với đứa con chỉ là thể chất; cha hắn luôn giữ hắn trong lòng. Với sự tin tưởng, ông hằng chờ đợi, ngóng trông ra đường với hy vọng được thấy hắn trở về. Và một ngày kia, ông thấy hắn từ xa, khoảng cách không làm đôi mắt già nua lầm lẫn. Nhận ra con, ông tất tả chạy lại - một thái độ không hợp với một ông già khả kính đạo mạo - ôm hắn trong vòng tay và hôn hắn. Trìu mến biết bao! Cái hôn chỉ sự đồng vai vế. Đứa con này đã làm bao điều không phải! Nhưng cha hắn đã đón hắn trở về như vậy.
Hơn thế nữa, ông đã cho nó lại địa vị làm con khi nó xưng thú tội chưa dứt, ra lệnh cho gia nhân đem áo đẹp nhất ra mặc cho hắn. Theo tục lệ phong tặng cho quý nhân vùng Tiểu Á, khi biệt đãi người nào, nhà vua thường ban cho áo quý. Ở đây, áo mới tượng trưng cho thời Cứu Độ. Đứa con khố rách áo ôm trở nên khách danh dự. Tiếp đến, người cha còn trao nhẫn và giày dép: trao nhẫn là dấu chỉ trao quyền chức, giày dép là dấu chỉ của người tự do. Nó lại có quyền làm con, không còn là thân phận nô lệ chân đất. Và trong nỗi vui mừng trước cuộc cải tử hồi sinh của người con “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”, ông đã đi bắt con bê đã vỗ béo chỉ dành cho ngày đại lễ để làm thịt mở tiệc ăn mừng. Trái với nếp nhà vẫn u tĩnh thâm nghiêm, đại lễ của gia đình được tổ chức vui vẻ, có đàn ca múa hát.
Khi người con cả - một người chí thú làm ăn (như những người Biệt Phái thường chăm chút giữ luật) - ngoài đồng về gần tới nhà nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa liền hỏi tên đầy tớ cớ sự. Tên này cũng không hiểu về hành động của ông chủ nên đã bộc bạch "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ”. Người con cả như được trút thêm dầu vào lửa đã nổi giận và không chịu vào nhà, từ chối không thông phần vào buổi tiệc của gia đình.
Dụ ngôn tiếp tục với sự nhân hậu khoan dung của người cha: ông đã hạ mình, đi ra để thuyết phục người con cả phải vui vẻ đón nhận em mình trở về và nhắc rằng anh ta luôn ở cùng ông và của ông cũng là của anh ta.
Hình ảnh người cha trong dụ ngôn cho thấy tấm lòng Thiên Chúa. Người là Cha nhân từ, Đấng thông qua Chúa Giêsu, yêu thương chúng ta vô bờ bến, luôn trông đợi sự hối cải của chúng ta mỗi khi chúng ta mắc phải lỗi lầm. Người luôn trông đợi chúng ta trở về khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể không cần Người và bỏ đi. Người luôn sẵn sàng mở rộng đôi tay cho dù chúng ta có lầm lỡ cách nào đi chăng nữa. Như người cha trong Tin Mừng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục coi chúng ta là con cái của Người khi chúng ta đi lạc và Người đến gặp chúng ta với lòng trìu mến khi chúng ta quay trở lại với Người.
Người cũng thuyết phục chúng ta với nhiều từ tâm khi chúng ta tưởng rằng chúng ta công chính. Những lỗi lầm chúng ta mắc phạm, dù chúng có to lớn đến đâu, cũng không làm rung chuyển được lòng chung thủy của tình yêu thương của Người. Trong bí tích hòa giải, chúng ta luôn có thể bước đi từ đầu. Người đón nhận chúng ta, trả lại cho chúng ta phẩm giá của chúng ta là con cái Người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn trỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Người.
Tập sống Tin Mừng Luca trong Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các bài giảng huấn của cha Linh hướng, nghiên cứu tài liệu và các chia sẻ của các bạn đồng môn … là dịp may hiếm có để bản thân mỗi người nhìn lại chính mình và nhận ra được một số điều bổ ích:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 118,1-29). Vâng, ngẫm lại trong suốt cuộc đời, đã bao nhiêu lần tôi đã quay lưng lại với Chúa dù biết bao ơn lành Chúa đã đổ xuống trên tôi. Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi và tha thứ tội lỗi cho tôi. Dụ ngôn “con chiên và đồng bạc bị mất” (Lc 15, 4-10) cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô cùng vô tận và Người vẫn không quản công lao khó nhọc để tìm kiếm dù tôi nhiều lần xa đàn, lạc trong tăm tối. Dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,11- 32) cho thấy Thiên Chúa chính là người cha nhân hậu, là Đấng giàu lòng thương xót. Người yêu thương tha thứ cho tôi và mặc cho tôi phẩm giá làm người.
Khi đã được thanh tẩy bằng nước qua Bí tích Rửa Tội, con người được giải thoát khỏi tội tổ tông nhưng hậu quả của tội lỗi vẫn làm mọi trật tự nơi vũ trụ, nơi con người bị xáo trộn. Và chính vì Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thiết lập ra Bí Tích Hòa Giải, một trong những bí tích vĩ đại về Lòng Thương Xót của Người. Nhưng bao nhiêu năm tôi đã thờ ơ, ngại ngùng và hẹn lần hẹn lữa để rồi khi buộc phải đi xưng tội hàng năm theo luật định, một số tội lỗi đã âm thầm rơi vào quên lãng.
Thánh Phaolô đã cảm nhận rất sâu sắc: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19). Con người không làm chủ được bản thân của mình. Lý trí báo cho tôi biết là điều ấy không đúng, không được làm, nhưng ý chí không còn vâng phục lý trí nữa mà sẵn sàng dấn thân vào điều xấu.
Trước mặt Thiên Chúa ai cũng giống ai, tất cả đều là tội nhân; nhưng khác một điều là người tội nhiều hay ít, kẻ tội này người tội kia. Khi càng lớn tuổi, chức càng cao, quan hệ rộng thì cạm bẫy kéo theo cũng nhiều bấy nhiêu và vì thế bản thân sẽ rất dễ dàng vướng vào tội lỗi. Từ đó dễ nhận ra càng làm lớn thì càng dễ gặp những thử thách cám dỗ và như vậy có khi tội càng nặng hơn!
Khi đã sống trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, bổn phận của chúng ta là phải biết đem lòng nhân từ đó của Người đến cho tha nhân, cho hàng xóm láng giềng của chúng ta. Nhưng nhiều lúc tôi đã lí luận rằng hiện nay thật giả khó lường. Tôi muốn giúp đỡ những người nghèo khó nhưng không biết ai đích thực nghèo khó, thôi thì đành giả lơ cho lương tâm khỏi cắn rứt. Bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, tôi đã nhắm mắt, tôi không muốn nhìn thực tại. Tôi không muốn can dự, không muốn dấn thân sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh em gần xa của tôi.
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là lấy chữ nhân, tức tôi người làm gốc. Cho đến nay, lời cổ nhân vẫn thường khuyên nhủ chúng ta phải “thương người như thể thương thân”. Thương thân là thương chính bản thân mình. Khi đói không cơm ăn, khi lạnh không có áo mặc, khi ốm đau không có thuốc uống và không ai chăm sóc… lúc đó ta mới cảm nhận được mình rất thương bản thân mình. Hơn thế nữa, chính khi thương xót, quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người chung quanh, ta sẽ thấy được lòng thương xót vô biên của thiên Chúa qua dung mạo của Chúa Giêsu.
Trong Thư kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung VN ngày 18/10/2016, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã kêu gọi Cộng đồng Dân Chúa tại VN và hải ngoại cùng chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào lâm nạn vượt qua khó khăn vì “Đây là cơ hội quý báu để chúng ta khám phá dung mạo của Chúa Giêsu nơi tha nhân theo tinh thần của ĐTC Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hơn bao giờ hết, Chúa Giêsu nơi người anh em cùng quẫn đang từng ngày từng giờ chờ đợi chúng ta đến cứu vớt.”
Họ còn là những người già yếu cô đơn và các bệnh nhân sống trong bệnh tật đau khổ, không người thân gần gũi. Hãy đến chăm sóc, an ủi và mang Lời Chúa đến với họ. Tạo cho họ có cơ hội được rước lễ hoặc tham dự Thánh lễ và kinh nguyện cộng đoàn. Họ có thể là những người đang bị giam cầm, là những người bị giới hạn sự tự do, đang chịu hình phạt vì những tội xúc phạm đến tôi người. Lòng từ bi thương xót của Chúa có thể biến đổi tâm hồn họ. Hãy hiệp thông cầu nguyện để họ cũng được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa mỗi khi họ nghĩ đến và cầu nguyện với Thiên Chúa.
Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, chúng ta cũng vẫn liên kết với những người đã qua đời với đức tin và đức ái mà họ đã để lại cho chúng ta. Trong tháng cuối của niên lịch phụng vụ, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh hồn khi tham dự Thánh Lễ, khi viếng nhà thờ, nghĩa trang …để khuôn mặt đầy lòng thương xót của Chúa Cha giải thoát mọi tàn dư tội lỗi họ đã phạm, và cánh tay nhân từ của Người ôm chặt lấy họ trong cõi phúc đời đời.
Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016 sắp qua đi nhưng lời mời gọi chúng ta trở về giao hòa với Thiên Chúa để làm mới lại cuộc đời vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta hãy luôn trở về với Thiên Chúa để nhận ra con người thật của mình, tôn vinh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để được yêu thương hướng dẫn, để rồi không còn buông thả theo những đam mê trần tục tầm thường.
Xin viện dẫn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để kết thúc đề tài: "Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, con người có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của lòng thương xót Chúa sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba. Người cũng cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể ‘nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ’".
Giuse Hoàng Xuân Hiểu
(Chương trình Tập Sống Tin Mừng Luca)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét