ĐÊM SẮP TÀN, NGÀY GẦN ĐẾN (CN. I MV- A)
Cũng giống như một năm của trời đất có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; một năm Phụng vụ cũng có nhiều mùa khác nhau tương ứng với những biến cố trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Đức Giê-su Ki-tô. Nhân dịp mừng kính Chúa nhật I Mùa Vọng năm A, xin được dựa vào tài liệu của Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam tìm hiểu xem “Phụng vụ” là gì và Năm Phụng vụ có bao nhiêu mùa:
Ủy ban Phụng tự Giáo hội Việt Nam đã dịch từ La-tinh “Liturgia” là “Phụng vụ”, “Sacra Liturgia” là “Phụng vụ Thánh”. Theo từ nguyên, “Phụng” là dâng lên (người bề trên), tôn thờ (thần linh); “Vụ” là công việc. Phụng vụ ( 奉 務 ) là công việc thờ phụng (Việt Nam quen đọc là “thờ phượng”). Công đồng Va-ti-ca-nô II đã chỉ rõ: “Phụng vụ” là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giê-su Ki-tô, trong đó công cuộc thánh hoá con người được thực hiện nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ (“dấu chỉ khả giác” là những gì mà khả năng của con người có thể nhìn thấy, nhận ra trong cuộc sống). Như vậy, Phụng vụ Thánh (“Sacra Liturgia”) là toàn thể việc phụng thờ, ca tụng, tạ ơn và xin ơn Thiên Chúa mà Giáo hội, với tư cách là Hiền Thê của Chúa Ki-tô, hàng ngày cử hành qua kinh nguyện, nhất là cử hành Thánh lễ Tạ Ơn và các Bí tích nhân danh Chúa Ki-tô (in personna Christi) để xin ơn cứu chuộc của Chúa tiếp tục ban phát cho những ai thành tâm thiện chí muốn hưởng nhờ, để hy vọng được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau. Một năm Phụng vụ có 5 mùa:
I. Mùa Vọng: bắt đầu từ kinh chiều I của Chúa nhật I Mùa vọng và kết thúc trước kinh chiều I lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng diễn tả hai đặc điểm khác nhau và được chia thành hai giai đoạn để diễn tả đặc tính như: * Giai đoạn thứ nhất: từ đầu Mùa Vọng đến hết ngày 16 tháng 12. Đây là thời gian chuẩn bị để người tín hữu hướng lòng đến ngày Chúa Ki-tô sẽ trở lại lần thứ hai trong vinh quang. * Giai đoạn thứ hai: từ ngày 17 tháng 12 kéo dài trong một tuần lễ. Đây là thời gian để người Ki-tô hữu chuẩn bị trực tiếp mừng Đại lễ Giáng Sinh, để kính nhớ việc Con Thiên Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất, tại Bê-lem.
II. Mùa Giáng Sinh: bắt đầu từ kinh chiều I lễ Gíáng Sinh đến hết lễ Chúa Hiển Linh hoặc Chúa nhật sau ngày 6 tháng Giêng. Trong truyền thống Phụng vụ, sau lễ Phục Sinh, Giáo hội không cử hành mầu nhiệm nào khác ngoài mầu nhiệm Nhập Thể và việc tỏ mình của Con Thiên Chúa, từ Bê-lem đến sông Gio-đan. Lễ Giáng Sinh cũng có tuần Bát nhật như lễ Phục Sinh, nhưng không được mừng kính với cùng mức độ như tuần bát nhật Phục Sinh, vì: + Mỗi ngày trong tuần Bát nhật Phục Sinh được mừng như lễ trọng. + Mỗi ngày trong tuần Bát nhật Giáng Sinh không đồng đều, tức là có ngày thì cử hành lễ trọng, ngày thì cử hành lễ kính, ngày thì cử hành như lễ thường.
III. Mùa Chay: là thời gian để người Ki-tô hữu chuẩn bị tâm hồn (hoán cải và sám hối, thanh luyện và củng cố đức tin) để chuẩn bị đón mừng biến cố Vượt Qua. Riêng đối với những người dự tòng, thì đây là thời kỳ để họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Khai tâm Ki-tô giáo vào chính đêm lễ Phục Sinh. Thời gian của Mùa Chay kéo dài 40 ngày. Con số 40 liên hệ với các biến cố: – 40 năm dân Do-thái đi trong hoang địa tiến về miền đất hứa. – 40 ngày ông Mô-sê ở núi Xi-nai diện kiến Đức Chúa. – 40 ngày vua Đa-vít phải đối đầu với Gô-li-át. – 40 ngày Ê-li-a đã trải qua để đến Hô-rét. – 40 ngày Ngôn sứ Giô-na rao giảng kêu gọi dân Ni-ni-vê hãy sám hối (Lc 11, 29-32; Mt 12, 38-42). Như vậy, thời gian 40 ngày Mùa Chay chính là thời gian để người tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón nhận biến cố Vượt Qua cách ý nghĩa nhất.
IV. Mùa Phục Sinh: mừng Chúa chiến thắng tội lỗi và sự chết, sống lại hiển vinh. Mùa Phục Sinh bao gồm 50 ngày, bắt đầu từ Chúa nhật Phục Sinh và kết thúc vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. – Tuần lễ đầu tiên sau Chúa nhật Phục Sinh gọi là tuần Bát Nhật, long trọng cử hành như các lễ trọng kính Chúa. – Ý nghĩa của Mùa Phục Sinh là việc cử hành trong niềm hân hoan như một ngày lễ duy nhất, vì vậy các Chúa nhật trong mùa Phục Sinh không còn được gọi là Chúa nhật sau Phục Sinh như trước nữa, mà được thay bằng tên gọi Chúa nhật Phục Sinh với số thứ tự từ I đến VII.
V. Mùa Thường niên: chia thành hai phần: *Phần I là những tuần lễ nằm trong khoảng thời gian từ lễ Chúa Hiển Linh đến đầu Mùa Chay; *Phần II là những tuần lễ, sau lễ Hiện Xuống đến đầu Mùa Vọng. Mùa Thường niên là một tổng thể duy nhất, vì Giáo hội không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Ki-tô, nhưng lại tôn kính mầu nhiệm Chúa Ki-tô trong toàn bộ, tức là cho ta thấy Đức Ki-tô đang sống, hiện diện và hoạt động nơi Giáo hội, bằng việc Người dạy dỗ, thánh hoá, nuôi dưỡng, ở và đến trong thới gian cánh chung. Mùa thường niên là thời gian Giáo hội mời gọi con người đi trên con đường mà chính Đức Ki-tô đã vạch ra, để đem ơn cứu độ cho loài người.
Mùa đầu tiên của năm Phụng vụ tiếng La-tinh gọi là “Adventus” (có nghĩa là “Đến” với ngụ ý: "Mùa Chúa Ðến"). Ủy ban Phụng tự VN dịch là Mùa Vọng (Vọng 望 là từ Hán Việt có nhiều nghĩa: Nhìn ra xa hoặc nhìn lên cao; Ước mong, mong mỏi; Bái phỏng, kính thăm; Tiếp cận, gần đến; Chí nguyện, tâm nguyện; Danh dự, tiếng tăm; Hướng về, về phía). Với nghĩa đó, mùa Vọng bao hàm được đầy đủ ý nghĩa sâu xa đặc tính 2 giai đoạn như đã dẫn trên (xc. I. Mùa Vọng: - nt -) Như vậy, Mùa Vọng nhắc lại thời gian nhân loại trông đợi Chúa đến lần thứ nhất (4 tuần lễ tượng trưng cho 4.000 năm thời Cựu Ước trông đợi Chúa đến). Đồng thời với việc kỷ niệm thời gian trông đợi Chúa đến lần thứ nhất, ngày hôm nay Giáo hội còn muốn nhắc nhở mọi tín hữu hãy chuẩn bị sẵn sàng trong tỉnh thức để chờ đón ngày Chúa đến lần thứ hai.
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa không chỉ đến với con người bằng Giao ước trên núi Si-nai, mà còn luôn đến với Tổ phụ Ap-ra-ham, đến với các tiên tri, ngôn sứ…, để thông qua các vị này mà đến với con cái nơi trần thế. Bước sang Tân Ước, thì chính Đức Giê-su Thiên Chúa đã hiện dịên bằng xương bằng thịt trên trái đất và Người luôn luôn đến với mọi người, nhất là những người nghèo đói, cùng khổ, bệnh tật, lao tù… Đến khi Người hoàn tất công trình cứu độ nhân loại, được rước về trời, thì chính Người cũng truyền dạy: “Và này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Đó là chưa kể, hàng ngày hàng giờ, thậm chí từng giây từng phút, thông qua các thánh lễ Misa trên thế giới, Đức Ki-tô luôn hiện diện và sẵn sàng đi vào cung lòng mỗi người, nếu họ biết đón nhận. Nói cách khác, Đức Giê-su Con Thiên Chúa luôn đến với loài người và sẵn sàng ở trong cung lòng chật hẹp nhơ uế của mỗi người, ngoại trừ trường hợp con người xua đuổi, chối bỏ, xa lánh Người. Rõ ràng Đức Ki-tô Thiên Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến với nhân loại. Tất cả mọi người ngay lành, công chính, luôn biết sống và hành động theo Lời Chúa dạy, thì luôn có Chúa ở cùng, và đó chính là điều rất đáng vui mừng, hạnh phúc.
Như vậy thì phải hiểu như thế nào khi phải đón chờ ngày Chúa đến lần thứ hai và sẽ có những hiện tượng xảy ra báo trước ngày ấy: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển." (Lc 21, 25-27). Còn nữa, "Vậy, khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Đồ Ghê Tởm Khốc Hại mà ngôn sứ Đa-ni-en đã nói đến (người đọc hãy lo mà hiểu!), thì bấy giờ ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi, ai ở trên sân thượng thì đừng xuống lấy đồ đạc trong nhà, ai ở ngoài đồng, đừng trở lại phía sau lấy áo choàng của mình. Khốn cho những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Anh em hãy cầu xin cho khỏi phải chạy trốn vào mùa đông hay ngày sa-bát. Vì khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng, vì những người được tuyển chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn." (Mt 24, 15-22).
Ôi chao! Chỉ mới đọc (nghe) đoạn văn Kinh Thánh này thôi, cũng đã đủ toát mồ hôi lạnh, bủn rủn chân tay, hồn xiêu phách lạc; và cứ theo bản năng yếu đuối mỏng giòn của con người, thì chắc chẳng ai còn muốn vui mừng trông đợi ngày ấy nữa. Tuy nhiên, bình tâm lại mà suy niệm chín chắn, sẽ thấy Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô không thừa, chẳng những thế mà còn rất cần thiết để cảnh tỉnh con người, bởi vì: “Anh hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ.” (2Tm 3, 1-4); “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.” (2Tm, 4, 3-4).
Và đó mới chính là mấu chốt của vấn đề. Tại sao vậy? Vì những việc ấy (từ những thiên tai khủng khiếp đến những hậu quả khốc hại do tư tưởng và hành động của con người...) đã xảy ra trên trái đất này từ cuối thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI nó đã chuyển sang cao điểm. Chính vì thế, Đức Ki-tô mới dạy “hãy canh thức và sẵn sàng”. Canh thức không phải chỉ là thức suốt đêm này qua đêm khác như một người bị bệnh mất ngủ, mà là phải tỉnh táo, canh giữ, phòng vệ trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi. Nói cách khác là phải cảnh giác trước những hiện tượng thiên nhiên và nhất là những trò lừa bịp, ma mị của ma quỷ thông qua con người, phải tìm đến với Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và kiên quyết sống theo Lời Chúa dạy.
Vâng, nhất quyết "Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng." (Rm 13, 11-14).
Chưa hết đâu, đã đành là phải tỉnh thức, nhưng còn phải sẵn sàng chuẩn bị dầu đèn, sẵn sàng đem những nén bạc Chúa trao ra kinh doanh cho có hiệu quả để đầu tư vào kho báu Nước Trời, bằng cách làm theo lời dạy của thánh Gio-an Tẩy Giả, đó là "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy". Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? " Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 12-14). Vâng, quả thực là "Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa." (Lc 3, 8-9).
Thực sự chỉ có như vậy mới gọi là tỉnh thức và sẵn sàng đòn chờ ngày Chúa đến, ngày Con Người quang lâm: "Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia." (Mt 24, 30-31).
Mùa Vọng là mùa trông đợi, mùa chờ đón Tin Mừng Đấng Cứu Thế quang lâm lần thứ hai. Đã đành là Chúa đã đến, đang đến và luôn sẵn sàng ở lại trong cung lòng mỗi người hàng ngày hàng giờ, nhưng chỉ những người ngay lành, công chính mới thực sự được Chúa ở cùng "mọi ngày cho đến tận thế". Tuy nhiên, ngày Chúa quang lâm lần thứ hai thì chưa tới và có thể tới bất cứ lúc nào, tới vào lúc loài người bất ngờ nhất, và khi Người tới thì toàn thể nhân loại đều được diện kiến. Duy chỉ có điều – và là điều cần quan tâm nhất, cần lo lắng nhất – là vào ngày giờ ấy, ai sẽ được đứng ở bên phải và ai sẽ phải đứng ở bên trái Chúa. Chính vì thế, xin hãy biến 4 tuần lễ Mùa Vọng đón chờ ngày Chúa giáng trần trong năm Phụng vụ thành mùa vọng trong suốt cuộc đời trông đợi Chúa quang lâm vào ngày cánh chung vũ trụ.
Ngay từ bây giờ, có thể anh vừa mới sinh ra, có thể chị đang ở tuổi thanh niên, trung niên, có thể ông bà đang ở vòng bóng xế, và cũng có thể các cụ đang thèm ăn đất hơn thèm ăn cơm, chân trên lỗ chân dưới lỗ, xin tất cả "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ." (Lc 12, 35-37). Vâng, xin hãy thực sự sống cuộc đời trần thế cho Mùa Vọng Nước Trời mai hậu sẽ được đứng ở bên phải Chúa, ngẩng cao đầu diện kiến Thiên nhan Đấng Cứu Tinh. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét