Trang

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

4 Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, Kỷ Niệm 500 Năm Phong Trào Cải Cách(4)

Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, Kỷ Niệm 500 Năm Phong Trào Cải Cách(4)


Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương IV

Chủ đề cơ bản của thần học Martin Luther dưới ánh sáng các cuộc đối thoại Luthêrô-Công Giáo Rôma

91. Từ thế kỷ mười sáu, các xác tín cơ bản của cả Martin Luther lẫn nền thần học Luthêrô đã là một vấn đề tranh cãi giữa người Công Giáo và người Luthêrô rồi. Các cuộc đối thoại đại kết và nghiên cứu học thuật đã phân tích các cuộc tranh cãi này và đã cố gắng vượt qua chúng bằng cách nhận diện các thuật ngữ khác nhau, các cách cấu trúc tư tưởng khác nhau, và các mối quan tâm khác nhau không nhất thiết loại trừ lẫn nhau.

92. Trong chương này, người Công Giáo và người Luthêrô cùng nhau trình bầy một số khẳng định thần học chính được Martin Luther khai triển. Việc mô tả chung này không có nghĩa người Công Giáo đồng ý với mọi điều Martin Luther nói như được trình bày ở đây. Nhu cầu liên tục đối thoại đại kết và hiểu biết lẫn nhau vẫn còn đó. Tuy nhiên, trong hành trình đại kết, chúng ta đã đạt tới giai đoạn cho phép ta cùng đưa ra trình thuật chung này.

93. Điều quan trọng là phân biệt giữa nền thần học của Luther và nền thần học Luthêrô, và trên hết, giữa nền thần học của Luther và học lý của các Giáo Hội Luthêrô như đã được phát biểu trong các tác phẩm có tính tuyên tín của họ. Học lý này là điểm tham chiếu chính cho các cuộc đối thoại đại kết. Tuy nhiên, vì việc kỷ niệm ngày 31 tháng mười năm 1517, điều thích hợp ở đây là tập trung vào nền thần học của Luther.

Cấu trúc của chương này

94. Chương này chỉ tập trung vào bốn chủ đề trong nền thần học của Luther: công chính hóa, bí tích Thánh Thể, thừa tác vụ, và Thánh Kinh và truyền thống. Vì tầm quan trọng của chúng trong đời sống Giáo Hội, và vì các tranh cãi chúng tạo ra cho nhiều thế kỷ, chúng đã được bàn thảo sâu rộng trong các cuộc đối thoại Công Giáo-Luthêrô. Phần trình bày sau đây là kết quả của các cuộc đối thoại này.

95. Việc thảo luận về từng chủ đề sẽ diễn tiến trong ba bước. Quan điểm của Luther về mỗi một chủ đề trong bốn chủ đề thần học sẽ được trình bày đầu tiên, theo sau là một mô tả ngắn các quan tâm của Công Giáo liên quan đến chủ đề này. Một bản tóm tắt sau đó sẽ cho thấy nền thần học của Luther đã được đem vào cuộc đàm đạo ra sao với tín lý Công Giáo trong cuộc đối thoại đại kết. Phần này nêu bật những gì đã được cùng nhau khẳng định và nhận diện các khác biệt còn tồn đọng.

96. Một chủ đề quan trọng để thảo luận thêm là làm thế nào chúng ta có thể đào sâu sự hội tụ của chúng ta đối với những vấn đề chúng ta vẫn còn nhấn mạnh cách khác nhau, nhất là liên quan tới học lý về Giáo Hội.

97. Điều quan trọng là lưu ý rằng không phải mọi phát biểu đối thoại giữa người Luthêrô và người Công Giáo đều có cùng một trọng lượng đồng thuận như nhau, cũng không phải mọi phát biểu này đều đã được người Công Giáo và người Luthêrô tiếp nhận bằng nhau. Mức thế giá cao nhất nằm ở Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa, có chữ ký của đại diện Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Augsburg, Đức, ngày 31 Tháng Mười năm 1999 và được Hội đồng Methodist Thế Giới thừa nhận năm 2006. Các cơ chế bảo trợ đã nhận được nhiều phúc trình khác của ủy ban đối thoại quốc tế và quốc gia, nhưng các phúc trình này có mức độ khác nhau trong tác động của chúng đối với nền thần học và đời sống các cộng đồng Công Giáo và Luthêrô. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội hiện nay đang chia sẻ trách nhiệm liên tục đánh giá và tiếp nhận thành tựu của cuộc đối thoại đại kết.

Di sản trung cổ của Martin Luther

98. Martin Luther quan tâm sâu xa tới giai đoạn cuối thời Trung Cổ. Có thể nói, cùng một lúc, ông vừa tiếp nhận nó, vừa tách xa nó một cách có phê phán, vừa đang vượt qua các nền thần học của nó. Năm 1505, ông trở thành một tu sĩ của dòng ẩn sĩ Thánh Augustinô ở Erfurt và, năm 1512, là giáo sư thần học ở Wittenberg. Trong chức vụ này, ông chủ yếu tập trung công trình thần học của ông vào việc giải thích Kinh Thánh. Việc nhấn mạnh Kinh Thánh này là hoàn toàn phù hợp với các qui luật mà Dòng Ẩn Sĩ Thánh Augustinô mong muốn các tu sĩ thực hiện, tức là nghiên cứu và suy gẫm Kinh Thánh không chỉ vì lợi ích bản thân riêng của mình, mà còn vì lợi ích thiêng liêng của nhiều người khác. Các giáo phụ, đặc biệt là (Thánh) Augustinô, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và lên khuôn cuối cùng cho nền thần học Luther. "Nền thần học của chúng tôi và Thánh Augustinô đang thực hiện sự tiến bộ" (32), ông viết như thế năm 1517, và trong "Cuộc Tranh Luận Heidelberg" (1518), ông gọi Thánh Augustinô là "người giải thích trung thành nhất" (33) về tông đồ Phaolô. Do đó, Luther bắt rễ rất sâu trong truyền thống giáo phụ.

Nền thần học đơn tu và huyền nhiệm

99. Dù Luther có một thái độ hết sức phê phán đối với các nhà thần học kinh viện, nhưng trong tư cách một ẩn sĩ Dòng Thánh Augustinô trong hai mươi năm, ông đã sống, đã suy nghĩ, và đã trước tác thần học trong truyền thống thần học đơn tu. Một trong các nhà thần học đơn tu gây ảnh hưởng nhiều nhất là Thánh Bernard thành Clairvaux, người được Luther đánh giá cao. Cách Luther giải thích Sách Thánh như là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cho thấy nhiều song hành rõ rệt với cách giải thích Sách Thánh của Thánh Bernard.

100. Luther cũng bắt rễ sâu trong truyền thống huyền nhiệm của cuối thời kỳ trung cổ. Ông tìm được sự giúp đỡ nơi, và cảm thấy được thấu hiểu bởi, các bài giảng bằng tiếng Đức của John Tauler (d. 1361). Ngoài ra, chính Luther đã cho công bố bản văn huyền nhiệm, Theologia deutsch ( "Thần Học Đức", 1518), đã được một tác giả vô danh viết. Bản văn này trở nên phổ biến và nổi tiếng nhờ việc công bố của Luther.

101. Trong suốt toàn bộ cuộc sống của ông, Luther đã rất biết ơn vị bề trên của dòng mình, John thành Staupitz, và nền thần học qui Kitô của vị này, một nền thần học an ủi Luther trong lúc buồn phiền. Staupitz là người đại diện của nền huyền nhiệm phu thê (nuptial mysticism). Luther nhiều lần thừa nhận ảnh hưởng hữu ích của ông, cho rằng, "Staupitz khởi đầu học lý này" (34) và ca ngợi ông là người "đầu tiên làm cha tôi trong học lý này, và đã hạ sinh [tôi] trong Chúa Kitô" (35). Cuối thời Trung Cổ, một nền thần học đã được khai triển cho người giáo dân. Nền thần học này (Frömmigskeitstheologie) suy tư về đời sống Kitô hữu bằng những ngôn từ thực tế và hướng về việc thực hành lòng đạo đức. Luther được kích thích bởi nền thần học này và đã viết nhiều khảo luận cho hàng ngũ giáo dân. Ông đã tiếp nhận nhiều chủ đề y hệt như thế, nhưng đã đem đến cho chúng cách giải quyết riêng biệt của mình.

Công chính hóa

Lối hiểu của Luther về công chính hóa

102. Chính lúc suy tư về bí tích thống hối, nhất là liên quan tới đoạn Tin Mừng Mátthêu 16:18, Luther đã có được một trong những trực giác cải cách nền tảng. Theo nền giáo dục đặc trưng cuối thời trung cổ của ông, ông được đào tạo để hiểu rằng Thiên Chúa tha thứ cho người biết sám hối ăn năn tội lỗi của mình bằng cách thực hiện một hành vi chứng tỏ họ yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, và theo giao ước của Người (pactum), Thiên Chúa sẽ đáp trả bằng cách ban ơn thánh và sự tha thứ của Người trở lại (facienti quod est in se deus non denegat gratiam) (36), đến nỗi vị linh mục chỉ có thể tuyên bố rằng Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho hối nhân. Luther kết luận rằng Matthew 16 nói ngược hẳn lại, tức là vị linh mục tuyên bố hối nhân công chính, và qua hành vi nhân danh Thiên Chúa này, hối nhân thực sự trở thành công chính.

Lời Thiên Chúa như một hứa hẹn

103. Luther hiểu lời Thiên Chúa như những lời tạo nên những gì chúng nói và như có tính chất của một lời hứa (promissio). Lời hứa như thế đã được nói ra tại một nơi và trong một lúc đặc thù, bởi một người đặc thù, và ngỏ với một người đặc thù. Lời hứa của Thiên Chúa hướng về đức tin của một con người. Đức tin, ngược lại, nắm vững điều được hứa như đã được hứa với bản thân người tín hữu. Luther nhấn mạnh rằng đức tin như thế chỉ là một đáp trả thích đáng đối với lời hứa của Thiên Chúa. Con người nhân trần được kêu gọi đừng tự nhìn mình mà chỉ nhìn vào lời hứa của Thiên Chúa và hoàn toàn tín thác vào lời hứa này. Vì đức tin đặt chúng ta trên cơ sở lời hứa của Chúa Kitô, nên nó ban cho tín hữu sự chắc chắn trọn vẹn được cứu rỗi. Không tín thác vào lời này sẽ biến Thiên Chúa thành một kẻ nói dối hay một người mà lời nói, cuối cùng, không được ai tin cậy. Như thế, theo quan điểm của Luther, không tin là tội lỗi lớn nhất chống lại Thiên Chúa.

104. Ngoài việc lên cơ cấu cho tính năng động giữa Thiên Chúa và hối nhân trong bí tích sám hối, mối liên hệ của lời hứa và sự tín thác cũng lên khuôn cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người trong việc loan báo Lời Chúa. Thiên Chúa muốn đối xử với con người bằng cách ban cho họ các lời hứa – các bí tích cũng là những lời hứa như vậy - các lời hứa này biểu lộ ý muốn cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ. Mặt khác, con người nhân trần phải đối xử với Thiên Chúa chỉ bằng cách tín thác vào các lời hứa của Người. Đức tin hoàn toàn tùy thuộc vào các lời hứa của Thiên Chúa; nó không thể tạo ra các đối tượng để con người đặt niềm tín thác của họ vào đó.

105. Tuy nhiên, tín thác vào lời hứa của Thiên Chúa không phải là một vấn đề do con người quyết định; đúng hơn, Chúa Thánh Thần mặc khải tính đáng tin của lời hứa này và do đó tạo ra đức tin nơi một con người. Lời hứa của Thiên Chúa và niềm tin của con người vào lời hứa đó thuộc về nhau. Cả hai khía cạnh cần được nhấn mạnh, "tính khách quan" của lời hứa và "tính chủ quan" của đức tin. Theo Luther, các thực tại thần linh được Thiên Chúa mặc khải không phải chỉ là các tín liệu mà trí tuệ phải đồng ý; mặc khải của Thiên Chúa cũng luôn theo đuổi một mục đích cứu rỗi nhằm vào đức tin và ơn cứu độ của tín hữu, những người tiếp nhận các lời hứa mà Thiên Chúa ban "cho bạn" như là các lời Người dành "cho tôi" hoặc "cho chúng ta" (pro me, pro nobis).

106. Sáng kiến riêng của Thiên Chúa thiết lập ra mối liên hệ cứu rỗi cho con người; do đó, sự cứu rỗi, nhờ ơn thánh, sẽ xảy ra. Việc ban ơn thánh chỉ có thể được lãnh nhận, và vì việc ban tặng này được lời hứa của Thiên Chúa làm môi giới, nên nó chỉ có thể được lãnh nhận bởi đức tin mà thôi, chứ không phải bởi việc làm. Sự cứu rỗi xẩy ra nhờ một mình ơn thánh mà thôi. Tuy nhiên, Luther liên tục nhấn mạnh rằng người được công chính hóa sẽ làm các việc tốt lành trong Chúa Thánh Thần.

Nhờ một mình Chúa Kitô

107. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người được đặt tâm điểm ở, bắt nguồn từ, và nhập thể nơi Chúa Giêsu Kitô. Như thế, "nhờ một mình ơn thánh" luôn phải được giải thích là "nhờ một mình Chúa Kitô". Luther mô tả mối liên hệ của những con người nhân trần với Chúa Kitô bằng cách sử dụng hình ảnh hôn nhân thiêng liêng. Linh hồn là cô dâu; Chúa Kitô là chú rể; đức tin là nhẫn cưới. Theo luật hôn nhân, các tài sản của chú rể (sự công chính) trở thành tài sản của cô dâu, và các tài sản của cô dâu (tội lỗi) trở thành tài sản của chú rể. Sự “trao đổi hân hoan" này chính là sự tha tội và ơn cứu rỗi.

108. Hình ảnh trên cho thấy một điều gì đó ở bên ngoài, tức sự công chính của Chúa Kitô, đã trở nên một điều gì đó ở bên trong. Nó trở thành tài sản của linh hồn, nhưng chỉ trong sự hợp nhất với Chúa Kitô qua việc tín thác vào các lời hứa của Người, chứ không phải trong sự tách biệt với Người. Luther nhấn mạnh rằng sự công chính của chúng ta là hoàn toàn ở bên ngoài bởi vì nó là sự công chính của Chúa Kitô, nhưng nó phải trở nên hoàn toàn ở bên trong nhờ đức tin vào Chúa Kitô. Chỉ khi nào cả hai bên cùng được nhấn mạnh như nhau, thì thực tại cứu rỗi mới được hiểu đúng. Luther quả quyết rằng "Chính trong đức tin mà Chúa Kitô hiện diện" (37). Chúa Kitô là "cho chúng ta" (pro nobis) và ở trong chúng ta (in nobis), và chúng tôi ở trong Chúa Kitô (in Christo).

Sự quan trọng của lề luật

109. Luther cũng nhận thức rõ thực tại của con người, liên quan tới lề luật trong ý nghĩa thần học hay tâm linh của nó, theo viễn tượng của điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta. Chúa Giêsu diễn tả ý của Thiên Chúa qua câu "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22:37). Điều này có nghĩa: các điều răn của Thiên Chúa chỉ được chu toàn bằng việc hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa. Điều này không những bao gồm ý chí và các hành động tương ứng ở bên ngoài, mà còn là mọi khía cạnh của linh hồn và của trái tim con người như cảm xúc, khát mong, và phấn đấu của con người, nghĩa là, các khía cạnh và động thái của linh hồn không thuộc quyền kiểm soát của ý chí hoặc chỉ gián tiếp và một phần thuộc quyền kiểm soát của ý chí, thông qua các nhân đức.

110. Trong các lĩnh vực luật lệ và đạo đức, có một quy tắc cũ, hiển nhiên đối với trực giác; qui luật này qui định rằng không ai bị buộc phải làm nhiều hơn họ có thể làm được (ultra posse nemo obligatur). Do đó, thời Trung cổ, nhiều nhà thần học đã tin chắc rằng điều răn phải yêu mến Thiên Chúa này phải được giới hạn vào ý chí. Theo lối hiểu này, điều răn yêu mến Thiên Chúa không đòi hỏi mọi động thái của linh hồn phải hướng về và dành riêng cho Thiên Chúa. Đúng hơn, chỉ cần ý chí yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự là đủ (diligere Deum super omnia).

111. Tuy nhiên, Luther lập luận rằng có sự hiểu biết lề luật có tính luật pháp và luân lý một đàng, và sự hiểu biết có tính thần học về nó đàng khác không phải là một điều như nhau. Thiên Chúa đã không thích ứng các điều răn của Người theo các điều kiện của con người sa ngã. Thay vào đó, hiểu theo nghĩa thần học, giới răn yêu thương Thiên Chúa cho thấy thân phận và nỗi khốn cùng của con người. Như Luther viết trong "Cuộc Tranh Luận chống lại Thần Học Kinh Viện", "về phương diện thiêng liêng, người nào không tức giận hay ham muốn là người không giết, không làm điều ác, không trở nên tức giận" (38). Về phương diện này, lề luật của Thiên Chúa không chủ yếu được chu toàn bằng các hành động hay hành vi bên ngoài, hay ý chí nhưng bằng sự cống hiến tận tình trọn vẹn con người cho ý muốn của Thiên Chúa.

Tham dự vào sự công chính của Chúa Kitô

112. Lập trường của Luther cho rằng Thiên Chúa đòi hỏi sự cống hiến hết mình để chu toàn lề luật của Thiên Chúa đã giải thích lý do tại sao Luther hết sức nhấn mạnh điều này: chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự công chính của Chúa Kitô. Chúa Kitô là người duy nhất hoàn toàn chu toàn ý muốn của Thiên Chúa, và mọi con người nhân trần khác chỉ có thể trở nên công chính theo nghĩa hẹp, tức nghĩa thần học, nếu chúng ta tham dự vào sự công chính của Chúa Kitô. Như thế, sự công chính của chúng ta là ở bên ngoài theo nghĩa nó là sự công chính của Chúa Kitô, nhưng nó phải trở thành sự công chính của chúng ta, nghĩa là sự công chính bên trong, nhờ đức tin vào lời hứa của Chúa Kitô. Chỉ nhờ tham dự vào việc Chúa Kitô cống hiến hết mình cho Thiên Chúa, chúng ta mới có thể trở nên hoàn toàn công chính.

113. Vì Tin Mừng hứa với chúng ta, "Đây là Chúa Kitô và Thánh Linh của Người", nên việc tham dự vào sự công chính của Chúa Kitô không bao giờ được thể hiện mà không nằm dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới chúng ta. Vì vậy, trở nên công chính và được canh tân là hai điều liên kết với nhau một cách mật thiết và không thể tách rời nhau. Luther không chỉ trích các nhà thần học đồng nghiệp của ông như Gabriel Biel đã quá nhấn mạnh tới sức biến đổi của ơn thánh; trái lại, ông phản đối họ đã không nhấn mạnh đủ để coi nó như là nền tảng của bất cứ sự thay đổi thực sự nào nơi tín hữu.

Lề Luật và Tin Mừng

114. Theo Luther, sự đổi mới trên sẽ không bao giờ được chu toàn bao lâu chúng ta còn đang sống. Do đó, một mô hình giải thích khác về sự cứu rỗi của con người, lấy từ Thánh Tông Đồ Phaolô, đã trở thành quan trọng đối với Luther. Trong Thư Rôma 4: 3, Thánh Phaolô nói tới Ápraham trong Sáng Thế 15: 6 ("Ápraham đã tin vào Thiên Chúa, và vì thế đã được kể là công chính") và kết luận: "người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4: 5).

115. Đoạn văn này trích từ Thư Rôma kết hợp hình ảnh pháp lý về một ai đó tại phòng xử được tuyên bố là công chính. Nếu Thiên Chúa tuyên bố một ai đó là người công chính, thì điều này thay đổi thân phận của họ và tạo ra một thực tại mới. Phán xét của Thiên Chúa không còn nằm ở "bên ngoài" con người nữa. Luther thường sử dụng mô hình Phaolô này để nhấn mạnh rằng toàn thể con người được Chúa chấp nhận và cứu độ, mặc dù quá trình đổi mới bên trong của người được công chính hóa thành một người hoàn toàn được dành riêng cho Thiên Chúa sẽ không kết thúc ở cuộc sống trần thế này.

116. Là các tín hữu đang trong quá trình được Chúa Thánh Thần đổi mới, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn chu toàn điều răn của Thiên Chúa đòi ta phải yêu mến Người hết lòng và không đáp ứng được đòi hỏi của Thiên Chúa. Như vậy lề luật sẽ buộc tội chúng ta và coi chúng ta là các tội nhân. Đối với lề luật, hiểu theo nghĩa thần học, chúng ta tin rằng chúng ta vẫn còn là các tội nhân. Nhưng, đối với tin mừng vốn hứa với chúng ta: "Đây là sự công chính của Chúa Kitô", chúng ta là người chính trực và được công chính hóa vì chúng ta tin vào lời hứa của tin mừng. Đây là lối hiểu của Luther về người tín hữu Kitô Giáo, là người cùng một lúc vừa được công chính hóa vừa vẫn là một người tội lỗi (simul iustus et peccator).

117. Điều này không mâu thuẫn vì chúng ta phải phân biệt hai mối liên hệ của người tin vào Lời Thiên Chúa: mối liên hệ với Lời Thiên Chúa như là lề luật của Thiên Chúa bao lâu nó phán xét kẻ có tội, và mối liên hệ với Lời Chúa như Tin Mừng của Thiên Chúa bao lâu Chúa Kitô còn cứu chuộc. Đối với mối liên hệ đầu tiên, chúng ta đều là những kẻ có tội; đối với các mối liên hệ thứ hai, chúng ta là người chính trực và và được công chính hóa. Mối liên hệ sau là mối liên hệ trổi vượt. Điều này có nghĩa: Chúa Kitô làm ta can dự vào diễn trình đổi mới liên tục khi chúng ta tín thác vào lời hứa của Người rằng chúng ta được cứu rỗi đời đời.

118. Đây là lý do tại sao Luther nhấn mạnh đến thế sự tự do của người Kitô hữu: sự tự do được Thiên Chúa chấp nhận nhờ ơn thánh mà thôi và nhờ đức tin vào những lời hứa của Chúa Kitô, sự tự do thoát khỏi việc buộc tội của lề luật nhờ sự tha tội, và sự tự do phục vụ tha nhân một cách tự phát không cần tìm kiếm công trạng trong khi làm như thế. Người được công chính hóa, lẽ tất nhiên, bắt buộc phải chu toàn các điều răn của Thiên Chúa, và sẽ làm như vậy theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Như Luther đã tuyên bố trong Sách Giáo Lý Nhỏ: "Chúng ta phải kính sợ và yêu mến Thiên Chúa, để chúng ta ...", sau đó, là các giải thích của ông về Mười Điều Răn (39).
Kỳ sau: Chương IV (tiếp theo): Các quan tâm của Công Giáo về công chính hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét