THÁNH KINH 100 TUẦN: TUẦN 19: SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT, CHƯƠNG 12-26
SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
(chương 12-26)
(chương 12-26)
I. ĐỜI SỐNG HƠN NHÂN GIA ĐÌNH (Đnl 24,1-4)
Trong Tin Mừng Matthêu, khi được hỏi, “Người ta có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” Chúa Giêsu đã trả lời, “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,3-5). Nhưng người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu, “Tại sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” (Mt 19,7).
Đặt câu hỏi như thế là dựa vào Đnl 24,1-4: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì đáng ruồng bỏ, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.” Theo đó, người phụ nữ hoàn toàn ở thế thụ động, bị coi như một vật sở hữu của người đàn ông. Hơn nữa, người ta có thể giải thích lề luật theo ý muốn và sở thích ích kỷ của mình, chẳng hạn đã có những cách giải thích khác nhau về cụm từ “điều gì đáng ruồng bỏ” và “điều không đẹp lòng.”
Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt trên luật Môsê và đưa người ta trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa, “Vì các ông lòng chai dạ đá nên Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt 19,8). Về lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Tôi nói cho các ông biết: ngoại trừ nố dâm bôn, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9), nố dâm bôn ở đây (porneia) là hôn nhân bất hợp pháp (xem TOB). Theo Lev 18,6-18, (đối chiếu với Cv 15, 20,29) đó là hôn nhân giữa những người cùng chung huyết thống (họ máu, họ kết bạn).
II. NHữNG NGÀY LỄ LỚN (Đnl 16,16)
“Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh em phải đến trình diện Đức Chúa, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều” (Đnl 16,16).
Ở nguồn gốc, đây là những lễ hội nông nghiệp, rồi được tôn giáo hoá để tưởng nhớ những biến cố lớn trong lịch sử Dân Chúa. Lễ Bánh Không Men được cử hành vào mùa Xuân để tưởng nhớ cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Lễ Ngũ Tuần là lễ của các tuần lễ (Xh 34,22; Đnl 16,10), ở khoảng giữa lễ Vượt Qua và lễ Lều. Sau này được cử hành để tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Sinai.
Trong Kitô giáo, có những ngày lễ tương tự những ngày lễ của dân Israel như lễ Phục Sinh, lễ Hiện Xuống. Cách nào đó, những ngày lễ này tiếp nối những ngày lễ của dân Israel nhưng lại mang ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn.
Việc cử hành các ngày lễ trên đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của Dân Chúa, vừa tưởng niệm những kỳ công Chúa thực hiện trong lịch sử, vừa thúc đẩy tín hữu sống đức tin. Ngày nay, một số ngày lễ lớn của Kitô giáo đang có nguy cơ bị tục hoá, vd. lễ Giáng Sinh nhiều khi chỉ còn là cơ hội ăn chơi và mua sắm. Vì thế, Kitô hữu càng cần phải cử hành những ngày lễ tôn giáo cách ý thức hơn.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Nguồn: tgpsaigon.net
Tuần 20: Sách Đệ Nhị Luật, chương 27-34
III. TỔNG KẾT: CHỌN LỰA SỰ SỐNG (Đnl 30,15-20)
Trong diễn từ thứ ba của Môsê, sau khi đã ôn lại lịch sử của Dân Chúa, Môsê nói với dân, “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ...” (Đnl 30,15-20)
Lời này cho thấy viễn tượng bao trùm toàn bộ lề luật Thiên Chúa ban cho con người chính là sự sống. Lề luật Thiên Chúa ban là để cho con người được sống và hạnh phúc chứ không nhằm hủy diệt và giết chết như nhiều người ngày nay nghĩ tưởng. Chỉ có điều quy luật của sự sống là “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là quy luật tự nhiên của sự sống nhưng con người lại cho đó là nghịch lý. Họ chỉ muốn sự sống tức thời và cụ thể trước mắt chứ không chấp nhận quy luật của hi sinh và từ bỏ. Vì thế họ lao vào việc tìm thoả mãn những sở thích và đam mê của mình bằng mọi cách để rồi chỉ thấy sự sống đích thực nơi mình mỗi ngày mỗi nghèo nàn và trống vắng. Dân Israel đã phải học bài học này trong suốt hành trình sa mạc, và mỗi chúng ta cũng phải học bài học đó.
Chọn lựa căn bản của người Kitô hữu là chọn Chúa, cũng là chọn sự sống. Nhưng ta cần thể hiện chọn lựa căn bản đó xuyên qua những chọn lựa nhỏ bé và cụ thể hằng ngày. Và không thể quên quy luật của sự sống mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh bằng chính cuộc sống và cái chết của Ngài.
Tuần 21: Sách Gio-sua
Tuần 21: Sách Gio-sua
I. TỔNG QUÁT
Giôsua là trợ tá của Môsê và được chọn để kế tục sự nghiệp của Môsê lãnh đạo Dân Chúa. Trong tiếng Do thái, Giôsua có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” hay “Xin Thiên Chúa cứu.”
Vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, Giôsua đưa dân Israel tiến vào Đất Hứa. Sau khi vượt qua sông Giođan và chiếm đất Canaan, họ lấy Gilgal làm bản doanh và Sichem làm nơi thờ phượng. Giôsua đã triệu tập tất cả các chi tộc Israel tại Sichem và lập thoả thuận với họ.
Sách Giôsua như ta có ngày nay là sự thu thập những lời truyền khẩu về Miền Đất Hứa, và chỉ được hoàn thành sau thời lưu đày Babylon. Sách gồm ba phần chính:
- Chinh phục đất Canaan (chương 1 – 12)
- Phân chia đất (chương 13-21)
- Các chi tộc bên kia sông Giođan trở về và diễn từ cuối cùng của Giôsua (chương 22 – 24)
- Phân chia đất (chương 13-21)
- Các chi tộc bên kia sông Giođan trở về và diễn từ cuối cùng của Giôsua (chương 22 – 24)
Mục đích chính của sách là chứng minh sự trung tín của Thiên Chúa với lời Người đã hứa, đặc biệt là lời hứa sẽ ban cho dân miền đất chảy sữa và mật. Niềm tin vào sự trung tín của Thiên Chúa là điểm tựa cho Dân, để dù sống giữa cảnh lưu đày, họ vẫn một niềm tin tưởng vào sự hiện diện và chăm sóc của Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát họ và đưa họ về miền Đất Hứa.
Đồng thời, Dân Chúa phải ý thức rằng họ sẽ có thể sống mãi trong miền đất Thiên Chúa đã ban cho họ, với điều kiện là họ trung thành tuân giữ tất cả những điều Môsê đã truyền qua Lề Luật: “Anh em phải thật cương quyết tuân giữ và thực hành tất cả những gì ghi trong Sách Luật Môsê, không đi trệch bên phải bên trái” (23,6).
II. QUA SÔNG GIOĐAN (3,1 – 5,12)
1. Chuẩn bị (3,1-13)
Trình thuật này mô tả việc qua sông Giođan như một cuộc rước trọng thể trong phụng vụ. Mục đích là để cho thấy chính Thiên Chúa hằng sống là Chúa của toàn thể cõi đất đã đưa dân Israel vào Đất Hứa. Như thế, dân đang sống cảnh lưu đày vững tin vào quyền năng Chúa là Đấng sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.
2. Qua sông (3,14-17)
Trong cuộc rước trọng thể, dân đi theo các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước, và khi nước dừng lại thì dân đi qua sông. Rõ ràng trình thuật này muốn nhắc lại việc dân Israel qua Biển Đỏ; như thế làm nổi bật ý nghĩa: việc vào Đất Hứa chính là sự kết thúc hành động Thiên Chúa giải thoát Dân, đã được bắt đầu từ cuộc xuất hành. Xuất Hành trở thành điểm quy chiếu qua đó thấy được hành động giải thoát của Chúa.
3. Bia kỷ niệm (4,1-9)
Các tấm bia là sự nhắc nhớ cụ thể rằng “nước sông Giođan đã bị chặn lại trước Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa khi Hòm Bia qua sông Giođan.” Như thế, chính Chúa chứ không ai khác, đã đưa dân qua sông.
4. Hoàn tất việc qua sông (4,10-18)
Việc qua sông Giođan vừa khép lại một giai đoạn trong lịch sử Israel vừa mở ra một giai đoạn mới. Trình thuật này mô tả bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Trình thuật này được đóng khung bằng hai sự kiện mang tính phụng vụ: Giôsua dựng mười hai tảng đá lấy từ sông Giođan (4,20-24) và việc cử hành lễ Vượt Qua (5, 10-12).
III. DIỄN TỪ CUỐI CÙNG CỦA GIOSUA (chương 23 & 24)
Biết rằng ngày ra đi của mình đã gần kề, Giôsua triệu tập dân lại để nhắc nhở họ về mọi điều đã xảy ra, đồng thời khuyến khích họ trung thành với giao ước. Ông cũng khuyến cáo dân về những hậu quả khôn lường nếu họ bất trung và chống lại Chúa.
IV. Liên quan đến Tân Ước
1. Giôsua, hình bóng của Chúa Kitô, Đấng đưa dân vào Nước Thiên Chúa.
2. Việc qua sông Giođan là hình bóng của bí tích Thánh Tẩy.
3. Đất Hứa là hình bóng của Vương quốc Thiên Chúa.
ĐGM. Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Nguồn: tgpsaigon.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét