Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

GĐPV : Giáo hoàng đeo Chiếc Nhẫn Ngư Phủ của chính thánh Phêrô phải không?

Giải đáp phụng vụ: Giáo hoàng đeo Chiếc Nhẫn Ngư Phủ của chính thánh Phêrô phải không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong một bài viết năm 2008 về "Thánh giá Rước kiệu của Giáo Hoàng”, cha đã đề cập đến chiếc Nhẫn Ngư Phủ. Khi con còn bé, con nhớ cha con đã nói với con rằng chiếc Nhẫn Ngư Phủ là chiếc nhẫn mà Thánh Phêrô đã từng mang, và đó là lý do tại sao nó được gọi là chiếc Nhẫn Ngư Phủ. Thưa cha, liệu chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Giáo Hoàng hiện nay thực sự thuộc về Thánh Phêrô chăng, hoặc là một chiếc nhẫn mới cho mỗi vị Giáo Hoàng mới? - R. W., Evansville, Indiana, Hoa Kỳ.


Đáp: Thật không may là thân phụ của độc giả này đã có thông tin sai lạc về sự tồn tại của bất kỳ chiếc nhẫn nào mà Thánh Phêrô đã mang.

Ngoài một số xương của thánh Phêrô, Tòa Thánh Rôma cho biết đã bảo tồn một đồ vật cụ thể liên quan đến vị Giáo Hoàng đầu tiên. Thí dụ, một chiếc ghế mà Ngài được cho là đã sử dụng, được lưu giữ ở "Bàn thờ có chiếc ghế" của Bernini trong hậu cung của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngoài ra, một số dây xich trong thời gian Ngài ở tù được lưu giữ tại nhà thờ thánh Phêrô Bị Xích Xiềng. Và ngục tối thật sự của Nhà tù Mamertine, nơi Ngài và thánh Phaolô bị giam giữ, bây giờ cũng là một nhà thờ. Một phần của chiếc bàn, mà trên đó Thánh Phêrô đã cử hành Thánh Lễ, được tìm thấy trong một nhà nguyện cạnh của nhà thờ thánh Pudenziana, một trong các địa điểm lâu đời nhất của phụng tự Kitô giáo ở Rôma (được xây dựng giữa năm 140 và năm 155 trên địa điểm của một nhà thờ). Phần còn lại của chiếc bàn được nhập chung vào bàn thờ của nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ chính tòa của Rôma.

Tuy nhiên, không có gì đề cập đến chiếc Nhẫn Ngư Phủ của thánh Phêrô cả.

Chiếc nhẫn của Đức Thánh Cha có thể nảy sinh cùng với việc các Giám mục thực hành việc đeo nhẫn nói chung. Có bằng chứng về việc Giám mục đeo nhẫn từ khoảng năm 610. Nó thường được kết hợp với chiếc gậy Giám mục như là biểu tượng của chức Giám mục, và thường được xem là tượng trưng cho cuộc đính hôn thần bí của một Giám mục với Giáo phận của ngài. Như vậy, qua nhiều thế kỷ, việc trao nhẫn cho một Giám mục mới được tấn phong trở thành một phần cố định của nghi thức tấn phong Giám Mục.

Có lẽ vì là biểu tượng hôn nhân, cũng như vì các lý do phụng vụ thực tế, tập tục thường là Giám mục đeo nhẫn ở ngón tay đeo nhẫn, tức ngón tay thứ tư. Bởi vì nhẫn thường được đeo trên găng tay giám mục, nó cũng là khá lớn, hoặc có hệ thống khóa để điều chỉnh nó cho vừa ngón tay.

Trong lịch sử, chiếc nhẫn Giám mục thường là một chiếc nhẫn vàng khá lớn, có cẩn đá thạch anh tím. Trong thời gian gần đây, chiếc nhẫn này có xu hướng là đơn giản, với một biểu tượng Kitô giáo được khắc trên chiếc nhẫn. Một số Giám mục chỉ sử dụng nó một lần, trong khi các vị khác giữ chiếc nhẫn tinh vi và phức tạp hơn, để sử dụng trong các cử hành phụng vụ trọng thể.

Các tân Hồng Y cũng nhận được chiếc nhẫn từ tay Đức Giáo Hoàng, và chính Giáo Hoàng quyết định thiết kế được sử dụng trong từng trường hợp.

Vì vậy, chiếc nhẫn của Giáo hoàng là cơ bản một chiếc nhẫn Giám mục, với các biểu tượng phản ánh sứ vụ đặc biệt của chức Giáo hoàng. Nó thường có một hình tượng Thánh Phêrô đang thả lưới, do đó có tên là "chiếc nhẫn Ngư Phủ", và có thêm danh hiệu của Giáo hoàng.

Một chiếc Nhẫn Ngư Phủ mới được thực hiện cho một vị Giáo hoàng mới. Trong một giai đoạn lịch sử bắt đầu từ khoảng năm 1250, chiếc Nhẫn Ngư Phủ được sử dụng để đóng dấu lên các tài liệu riêng của Giáo hoàng, và từ khoảng năm 1400 được đóng dấu lên các thư và đoản sắc của Giáo hoàng. Việc thực hành này đã ngưng từ năm 1842, nhưng là nguyên nhân của tập tục phá hủy chiếc Nhẫn Ngư Phủ, khi Giáo Hoàng qua đời, để ngăn chặn sự lạm dụng chiếc nhẫn. Tập tục phá hủy chiếc nhẫn này vẫn tồn tại, nhưng không còn được thực hiện với một cái búa; nói đúng hơn, chiếc nhẫn chỉ đơn giản được tẩy xóa hình ảnh, bằng cách người ta dùng cái đục khắc hình Thánh giá trên mặt chiếc nhẫn.

Mỗi Giáo hoàng sử dụng chiếc Nhẫn Ngư Phủ theo tiêu chuẩn riêng của mình. Hầu hết các Giáo hoàng đã không sử dụng nó hàng ngày. Một số vị, chẳng hạn Đức Thánh Cha Piô XII, không bao giờ đeo nhẫn sau khi kết thúc buổi lễ đăng quang của mình, và thói quen này đã được tuân giữ bởi các đấng kế vị Ngài, trong đó có Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các Giáo hoàng này, hoặc sử dụng một chiếc nhẫn thường ngày của vị tiền nhiệm, hoặc một chiếc nhẫn mà các ngài đã sử dụng khi còn là Giám mục.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chọn đeo chiếc Nhẫn Ngư Phủ của mình hàng ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ yếu trở lại với tập tục cũ là đeo một nhẫn cá nhân hàng ngày, mặc dù ngài sử dụng một chiếc nhẫn khác cho một số cử hành phụng vụ. Chiếc Nhẫn Ngư Phủ của ngài đã được thiết kế cho Đức Thánh Cha Phaolô VI sử dụng, nhưng đã không bao giờ được đúc bằng kim loại trước đó. (Zenit.org 3-1-2017)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét