Trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

MARTIN LUTHER, Ở nơi những cội nguồn của nền thần học thệ phản.

MARTIN LUTHER, Ở nơi những cội nguồn của nền thần học thệ phản.



Ở thế kỷ XVI, trong bối cảnh quay cuồng của một thế giới đang ở giữa cơn lốc của những thay đổi, LUTHER mở ra cho thần học những chân trời mới. LUTHER rút ra từ Kinh Thánh một diễn từ đức tin mà trong Công đồng Trente Giáo hội đã phủ nhận, nhưng lại trở nên nguyên lý điều hành chủ lực của khuynh hướng thệ phản.

Một thầy dòng bị Tin mừng chiếm đoạt.
LUTHER, sinh tại Eisleben (Saxe) năm 1483. Trong con người của LUTHER có cả một sự kết hợp của lòng đạo đức theo lối Sùng đạo tân thời thời đó (dưới ảnh hưởng tác phẩm GƯƠNG CHÚA YÊSU), của truyền thống thần học của AUGUS- TIN, của lòng mê hoặc đối với Thánh Kinh, của cái thế hệ trẻ có khuynh hướng nhân bản thời đó - và của một tính khí thích đấu tranh.
Là tu sĩ thuộc dòng thánh AUGUSTIN ở tuổi 22, LUTHER cảm thấu nỗi lo lắng về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, mặc dù đã cố gắng giữ luật dòng từng li từng tí. Là nhà thần học bẩm sinh, LUTHER lao đầu vào học tập và nghiên cứu Thánh Kinh và tìm gặp ở thánh PHAOLÔ cái mà thần học kinh viện, thứ thần học mà LUTHER ghét cay ghét đắng đã giấu tăm giấu tích không nói gì cho ông ta biết: đó là dữ kiện Tin mừng cứu độ được Thiên Chúa ban nhưng không cho người tin vào Đức YÊSU KITÔ.
Ơn cứu độ, chẳng phải đấy là điều ưu tiên số một đó sao? Nếu Kinh Thánh nói điều chủ yếu, thì  ích gì lại đi tìm tòi ở nơi ARISTOTE và những người chú giải bình luận về ông ta. Chỉ đức tin thôi đã đủ, khỏi cần gì cái ách nặng nề của những thực hành đạo đức vô cùng vô tận chẳng phân biệt đâu là cái chính đâu là cái phụ tuỳ. Ơn cứu độ chúng ta, đó chính là Đức YÊSU KITÔ, và chỉ một mình Ngài mà thôi.

Cải cách Giáo hội:
Đối với nhiều người, những ý tưởng của LUTHER trở thành là những điều hiển nhiên. Những luận đề của LUTHER về ân xá (31 Octobre 1517) làm cho LUTHER trở nên nổi tiếng, vì đã làm lung lay Giáo hội như một vụ Watergate, nói theo ngôn ngữ thời nay. Quyền bính giáo hoàng Rôma không còn đáng tin được nữa. Trong những trước tác cải cách (Écrits réformateurs) của mình, LUTHER tuyên bố chẳng có sự khác biệt nào giữa các linh mục và giáo dân, và tất cả mọi Kitô-hữu đều có thể hiểu thông Kinh Thánh và rằng Giáo hội khắp nơi phải tự quản lấy mình không cần gì phải viện tới Rôma. LUTHER giữ lại 2 bí tích trong số 7 bí tích, đó là bí tích Thanh tẩy và bí tích Thánh Thể, và trả lại tự do của người Kitô-hữu cho tất cả mọi người.
Năm 1521, LUTHER phản cung ngay trước mặt hoàng đế CHARLES QUINT. LUTHER đã bị dứt phép thông công. Trên đà đó, LUTHER kình chống lại những lời khấn của dòng (ơn kêu gọi hoàn hảo nhất là làm tốt nghề nghiệp của mình), chống lại Thánh lễ Misa (công cụ các linh mục dùng để thống trị giáo dân), chống lại ý chí tự do (tội lỗi ngăn cản con người tự do đi đến với Thiên Chúa). Cuộc nổi loạn của nông dân viện cớ ông ta (1525) cắt ngang chuyện đó. LUTHER chọn phía bảo trì trật tự và giải pháp trấn áp. LUTHER thành lập gia đình với một nữ tu xuất, công bố những hướng dẫn giáo lý và một bản dịch Kinh Thánh tiếng Đức. LUTHER sáng tác những bản thánh ca, rao giảng và giảng dạy không biết mệt, truyền chức cho các mục sư. Cho đến cuối đời, LUTHER vẫn tiếp tục đứng lớp giảng dạy Kinh Thánh tại đại học Wittenberg.
Khi LUTHER mất, ngày 18 tháng 2 năm 1546, Công đồng Trente vừa mới khai mạc. Quyền lực giáo hoàng nắm lại trong tay Giáo hội, và lại tiếp tục dẫn dắt Giáo hội công giáo đi theo con đường truyền thống. Nhưng, một trào lưu Kitô-giáo mới đã khai sinh, xây dựng trên uy quyền tối cao là Lời của Thiên Chúa.

Nền thần học thệ phản:
Từ “phái thệ phản” (protestantisme) bao hàm một thực tại rất khác nhau, chứ không phải duy chỉ quy về những ý tưởng của LUTHER mà thôi đâu. Nhưng, LUTHER là người ở nơi cội nguồn của những luận đề lớn xác định tính cách của nền thần học thệ phản.
Luận đề chính là luận đề về vị trí độc nhất của Lời Thiên Chúa, được Kinh Thánh chứng thực và được biểu lộ nơi Đức YÊSU KITÔ. Đó chính là Tin mừng mà Giáo hội loan báo cho thế giới.
Niềm tin vào Đức KITÔ: “Ngài là Đức KITÔ, Con của Thiên Chúa hằng sống”, phát sinh do lời rao giảng. Niềm tin đó tạo thành Giáo hội: ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp lại với nhau nhân danh Ta... Giáo hội chỉ hiện hữu về Tin mừng.
Đối với niềm tin của người thệ phản, nền tảng nầy không có gì còn phải bàn cãi. Niềm tin nầy loại ra khỏi Giáo hội tất cả những gì không thuộc về điểm chính yếu đó của sứ điệp và có nguy cơ che lấp hoặc làm lệch lạc đi ý nghĩa của sứ điệp đó. LUTHER đã gạt xuống hàng thứ yếu, sau Lời, thừa tác vụ, hàng giáo sĩ, bắt đầu từ giáo hoàng. LUTHER chỉ lưu giữ những bí tích rõ ràng được Tân ước chứng thực. LUTHER gạt bỏ sự sùng kính Đức Trinh Nữ và các thánh nhằm làm nổi bật thêm lên Đức KITÔ. LUTHER không muốn Thánh lễ Misa là một hy tế nếu như điều đó có nghĩa vị linh mục dẫm chân lên vai trò mà chỉ Đức KITÔ mới có. Người tín hữu chỉ liên can đến một mình Đức KITÔ mà thôi, ngoài ra không liên can gì với ai và với bất kỳ điều gì khác nữa.
Mỗi người được mời gọi tìm kiếm, trong Kinh Thánh, Lời của Thiên Chúa, dưới tác động của Chúa Thánh Linh, Đấng hướng dẫn Giáo hội. Chẳng có quyền giáo huấn nào trói buộc lương tâm. LUTHER đặt trọn niềm tin cậy vào Lời Thiên Chúa. Trong Giáo hội, Lời Thiên Chúa là nguyên lý của tự do và phê phán. Khuynh hướng thệ phản tự do đã lạm dụng tự do, còn khuynh hướng duy căn (fondamentalisme) thì lại không dám chấp nhận phê phán, chỉ biết tìm cách trốn tránh, ẩn náu trong lối hiểu Kinh Thánh từ chương.
Tư tưởng của LUTHER mang trong mình mầm mống của thái độ duy đạo đức (piétisme) và sự phân cách giữa cái thánh thiêng và cái trần tục, đó chính là những nét đã ghi đậm dấu ấn của mình trên những giai đoạn lịch sử lâu dài của trào lưu thệ phản. Ngày nay, hoàn toàn chú tâm tiếp tục nỗ lực chú giải rộng rãi của mình, nền thần học cải cách đang tập đương đầu, nhân danh Tin mừng, với tất cả mọi vấn đề gai góc của thế giới hiện đại. Tinh thần đại kết, nẩy sinh trong môi trường thệ phản xuất phát từ những lương tâm ý thức được tình trạng chia rẽ gây gương mù gương xấu giữa những người Kitô-hữu, chính là sự thức tỉnh của một ý nghĩa về Giáo hội mà LUTHER đã chẳng mấy lưu tâm và đánh dấu sự khai mào cho một thời kỳ hoàn toàn mới mẻ.
Daniel OLIVIER

X      X
X

Thần Khí thánh thiện và Giáo hội
Tôi tin rằng, trên trái đất nầy, có một đoàn thể nhỏ thánh thiện, một cộng đồng thánh, chỉ gồm toàn những người thánh thiện dưới quyền của một thủ lĩnh duy nhất là Đức KITÔ, được kêu gọi và được quy tụ bởi Thần Khí thánh thiện, có cùng một niềm tin, cùng những tâm tình và cùng một tư tưởng, nhận lãnh nhiều ân huệ khác nhau, nhưng hiệp nhất với nhau trong tình yêu, không phe nhóm cũng không chia rẽ. Tôi, cả tôi cũng vậy, là thành phần và là chi thể của chính cộng đồng nầy; tôi thông phần tất cả những tài sản mà cộng đồng nầy sở hữu và cả tôi cũng vậy, tôi được hưởng những tài sản đó; tôi đã được dẫn đưa vào đó và đã được nhập nhân vào đó bởi Thần Khí thánh thiện qua trung gian của Lời Thiên Chúa mà tôi đã nghe và vẫn còn tiếp tục nghe, đó là điều kiện tiên khởi để gia nhập cộng đồng đó. Bởi vì, trước kia, trước khi đạt đến tình trạng đó, chúng tôi hoàn toàn thuộc về ma quỷ, chẳng biết tí gì về Thiên Chúa cũng như về Đức KITÔ. Như vậy, Thần Khí thánh thiện sẽ ở lại mãi, cho đến ngày cuối cùng, nơi cộng đồng thánh thiện hay cộng đồng Kitô-hữu nầy, cộng đồng mà qua đó Ngài đến kiếm tìm chúng tôi; và Ngài dùng cộng đồng đó để rao giảng và để in khắc vào tâm trí Lời mà nhờ đó Ngài thực hiện và tăng cường sự thánh hoá, đến nỗi ngày nầy qua ngày khác, cộng đồng đó tăng trưởng thêm lên và được củng cố trong niềm tin và trong những hoa quả của niềm tin đó, những cái do chính Ngài sản sinh ra.
Tiếp đến,  chúng tôi tin rằng trong cộng đồng Kitô-hữu có sự tha tội, được thực hiện qua trung gian các bí tích thánh và hành động xá giải và, ngoài ra, qua trung gian nhiều lời an ủi nơi toàn bộ sách Tin mừng. Do đó, để thay thế những cái đó, ở đây, người ta nên rao giảng về chủ đề các bí tích và, tắt một lời, toàn bộ Tin mừng và tất cả mọi tác vụ của cộng đồng Kitô- hữu. Cần phải thực hành những điều đó không ngơi nghỉ. Vì, mặc dù ân sủng của Thiên Chúa đã được Đức KITÔ thủ đắc, tuy vậy, chúng ta không bao giờ không mang trong mình tội lỗi, lý do chính là cái xác thịt mà chúng ta vẫn còn quàng nơi cổ của mình. Chính vì thế, trong cộng đồng Kitô-hữu, tất cả đều được quy hướng về mục đích nầy: từng ngày, một cách tinh ròng và đơn giản, người ta phải tìm kiếm ở đấy sự tha tội bằng phương tiện Lời và các dấu chỉ, để an ủi và nâng cao ý thức của mình, bao lâu chúng ta vẫn còn sống ở trần gian nầy. Như vậy, Thần Khí thánh thiện tác động đến nỗi, dù chúng ta vẫn còn tội lỗi, tuy nhiên, tội lỗi không thể làm hại được chúng ta vì chúng ta đang ở trong cộng đồng Kitô-hữu, nơi có ơn tha tội, dưới hai hình thức nầy: Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta tha thứ cho nhau, chúng ta chịu đựng lẫn nhau và chúng ta tương trợ cho nhau. Nhưng, bên ngoài cộng đồng Kitô- hữu, nơi không có Tin mừng, thì cũng không có luôn ơn tha thứ, cũng vậy, không có luôn tình trạng thánh thiện. Bởi thế, tất cả những ai mưu toan tìm kiếm và hòng hưởng sự thánh thiện không phải bởi Tin mừng và sự tha thứ tội lỗi, nhưng là bởi những việc làm của mình, họ đều tự loại trừ mình ra và tự tách mình ra khỏi cộng đồng đó.
(Martin LUTHER, Oeuvres, t. 7, 1962, pp. 97 - 98, Grand catéchisme, 1529, explication de la troisième partie du Je crois en Dieu.)

X       X
X


Tài liệu tham khảo:
·      Martin LUTHER, Oeuvres, 13 vol. Parus, Genève, Labor  et Fides 1957 et s.
·        Georges CASALIS, Luther et l’Églige confessante, Paris, Seuil, 1970, et Protestantisme, Paris, Encyclopédie Larousse, 1976.
·        Pierre CHAUNU, Le temps des Réformes, Paris Fayard, 1975.
·      Jean DELUMEAU, Naissance et affirmation de la Réforme, Paris, PUF, 1973, 3e  éd.
·      Lucien FEBVRE, Un destin: Martin Luther, Paris, PUF, 1968, 4e  éd.
·      Émile G. LEONARD, Histoire générale du protestantisme, t. 1. Paris, PUF, 1961.
·      Joseph LORTZ, La Réforme de Luther, 3 vol., Paris, Cerf, 1970 – 1971.
·      Marc LIENHARD, Luther témoin de Jésus Christ. Les étapes et les thèmes de la christologie du Réformateur, Paris, Cerf, 1973.
·      Daniel OLIVIER, Le procès de Luther 1517 - 1521, Paris, Fayard, 1971.
               //             , “Luther et la Réforme” dans 2000 ans de christianisme, t. 5, Paris, 1976.
            //                      , La foi de Luther, Paris, Beauchesne, 1978.
·         Henri STROHL, Luther jusqu’en 1520, Paris, PUF, 1962, 2e éd.
·        Jared WICKS, art. “Luther”, dans Dictionnaire de Spiri-  tualité, Paris, Beauchesne, 1976.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét