Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

GĐPV : Việc lưu giữ Bánh Thánh trong Nhà Tạm được qui định thế nào?

Giải đáp phụng vụ: Việc lưu giữ Bánh Thánh trong Nhà Tạm được qui định thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con là thành viên của một cộng đoàn tu sĩ, và con có câu hỏi liên quan đến việc lưu giữ Bánh Thánh. Chúng con đang thảo luận về các tình huống mà trong đó, mặc dù có các hướng dẫn hiện nay, vị chủ tế Thánh Lễ Chúa Nhật chỉ truyền phép một Bánh Thánh cho chính ngài, và sau đó ngài đến lấy Bánh Thánh đã được truyền phép sẵn từ Nhà tạm để cho các người khác rước lễ. Chúng con nhận thấy các hướng dẫn nói rằng các tín hữu thường chỉ nên rước Bánh Thánh đã được truyền phép, trong chính thánh lễ mà họ tham dự. Tuy nhiên, một người nào đó đã giải thích rằng điều này có nghĩa là các Bánh thánh nên được rước lễ hết trong Thánh lễ, mà các Bánh thánh ấy đã được truyền phép, nghĩa là - ngoài Bánh thánh lớn được dành cho chầu phép lành - không Bánh thánh nào được lưu giữ ở Nhà tạm của chúng con nữa. Câu hỏi nảy nảy sinh do một số người muốn lưu giữ Bánh thánh cho các người bị ốm sẽ cần chẳng hạn… Một số người còn gợi ý trong các trường hợp này rằng chúng con nên đến các giáo xứ địa phương để xin Bánh thánh, nhưng một số người khác thấy không có lý do gì trên nguyên tắc chúng con không thể lưu giữ ít nhất một vài Bánh thánh trong nhà tạm của chúng con (để khỏi làm phiền cha xứ lân cận, đôi khi vào thời gian không tiện cho ngài). Thưa cha, liệu câu hỏi này có đi vào trong câu trả lời trước đây của cha chăng, vốn nói rằng nên lưu giữ một số Bánh thánh vừa phải, để đảm bảo rằng không ai không được Rước Chúa? - S. P., Nairobi, Kenya.


Đáp: Trước tiên, tôi phải nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở trong bối cảnh của một cộng đoàn tu sĩ, trong đó số lượng người Rước lễ là tương đối ổn định. Đây không phải là trường hợp của một giáo xứ, mà ở đó trong bất cứ trường hợp nào, Bánh thánh luôn nên được lưu giữ cho các bệnh nhân.

Không có qui chế nào nói rằng mọi Bánh thánh phải được Rước lễ hết. Thay vào đó, có một tùy chọn, vốn phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Do đó, Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói:

"163. Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu thánh hiến còn lại ngay tại bàn thờ; còn bánh thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Sự lựa chọn, hoặc Bánh thánh được tiêu thụ hết, hoặc lưu giữ, là tùy vào các yếu tố, chẳng hạn số Bánh thánh còn dư quá nhiều, và sự cần thiết của việc lưu giữ. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi Thánh Lễ được cử hành tại một nơi không có khả năng lưu giữ Bánh thánh, thì việc Rước hết các Bánh thánh là sự lựa chọn tốt nhất.

‘Nghi thức Rước lễ và Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ’ liệt kê mục đích của việc lưu giữ Bánh thánh. Xin mời đọc:

"5. Lý do chính và ban đầu cho việc lưu giữ Bánh thánh ngoài Thánh lễ là việc cho bệnh nhân của ăn đàng. Lý do thứ hai là việc cho Rước lễ và tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Đấng hiện diện trong bí tích. Việc lưu giữ Bánh thánh cho người bệnh dẫn đến việc thực hành đáng khen của việc tôn thở lương thực trời cao trong các nhà thờ. Việc tôn thờ này dựa trên một cơ sở xác thực và vững chắc, đặc biệt là bởi vì đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa sẽ dẫn dẫn đến cách tự nhiên sự biểu lộ công khai và bề ngoài của đức tin nảy.

"6. Trong việc cử hành Thánh Lễ, cách thức chính yếu, mà trong đó Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, dần dần trở nên rõ ràng. Trước hết, Ngài hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu, tụ tập lại với nhau nhân danh Ngài; kế đó, Ngài hiện diện trong lời Ngài, khi Kinh Thánh được đọc lên trong Nhà Thờ, và được giải thích; sau đó trong con người của chủ tế; cuối cùng và trên hết, trong Bí tích Thánh Thể. Theo một cách thức hoàn toàn độc đáo, Chúa Kitô toàn bộ và toàn vẹn, cả Chúa và người, là hiện diện chủ yếu và thường xuyên trong bí tích. Sự hiện diện này của Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu 'được gọi là thật sự, không loại trừ các loại khác của sự hiện diện, nếu như chúng không có thật, nhưng vì đó là sự hiện diện thật sự tuyệt vời nhất'.

"Do đó, để bày tỏ dấu chỉ của bí tích Thánh Thể, và hài hòa hơn với bản chất của việc cử hành, nên tại bàn thờ sẽ diễn ra Thánh lễ, nếu có thể được, không nên lưu giữ Bánh Thánh trong Nhà tạm từ đầu Thánh Lễ. Sự hiện diện Thánh thể của Chúa Kitô là hoa trái của việc truyền phép và nên diễn ra như vậy.

"7. Các Bánh thánh phải được thường xuyên thay mới và lưu giữ trong một Bình thánh, hoặc bình đựng khác, với một số lượng vừa đủ cho việc Rước lễ của các bệnh nhân và các người khác ngoài Thánh Lễ.

“8. Các mục tử nên lo liệu sao cho nhà thờ và nhà nguyện, nơi mà theo luật, Bánh thánh được lưu giữ, mở cửa mỗi ngày ít nhất trong vài giờ, vào một thời điểm thuận tiện, để các tín hữu có thể dễ dàng cầu nguyện trước Thánh Thể".

Cần phải chú ý rằng, đoạn thứ hai của số 6 trên đây phản ánh tình hình năm 1973, khi mà thường có một Nhà tạm trên bàn thờ cử hành Thánh lễ. Tình trạng này là không còn phổ biến, và Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) bác bỏ sự thực hành ấy trong số 315: "Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ" (Bản dịch, như trên).

Tuy nhiên, Qui chế dự báo khả năng của một Nhà tạm trong cung thánh, và chỉ ra cách thức tiến hành trong các trường hợp như vậy:

"274. Bái gối, nghĩa là gối phải nghiêng đụng đất, là cử chỉ thờ phượng, do đó dành cho Thánh Thể và Thánh Giá từ khi được tôn kính trọng thể trong phụng vụ thứ Sáu Thánh tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, cho đến bắt đầu Vọng Phục Sinh.

“Trong Thánh Lễ có ba lần bái gối, đó là sau khi nâng bánh thánh, sau khi nâng chén thánh và trước lúc hiệp lễ. Trong Thánh Lễ đồng tế có vài điều đặc biệt phải giữ về điểm này (x. Các số 210-251).

“Nếu nhà tạm có Thánh Thể được đặt trong cung thánh, thì vị tư tế, phó tế và các người giúp khác phải bái gối, khi đi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không bái gối trong lúc cử hành Thánh Lễ.

“Ngoài ra, mọi người bái gối khi đi ngang trước Thánh Thể, trừ phi khi đi kiệu.

“Những người mang thánh giá hay đèn thì thay vì bái gối, họ cúi đầu" (Bản dịch, như trên).

Vì vậy, trở lại câu hỏi ban đầu của chúng ta, và xem xét sự việc rằng lý do chính của việc lưu giữ Bánh thánh là dành cho việc ban của ăn đàng, tôi sẽ nói rằng một cộng đoàn tu sĩ nên khôn ngoan và thận trọng lưu giữ một số Bánh thánh, ngoài Bánh thánh lớn dành cho việc chầu Thánh Thể. Số lượng các Bánh thánh là tùy vào tình hình cụ thể của cộng đoàn.

Như độc giả của chúng tôi đã đề cập, điều này sẽ là cần thiết nếu các linh mục của cộng đoàn được kêu gọi để ban của ăn đàng cho bệnh nhân. Cũng có thể xảy ra rằng một thành viên của cộng đồng không thể tham dự Thánh Lễ do bệnh tật, hoặc có thể cần ăn đàng và các bí tích khác của Giáo Hội trong thời gian ngắn.

Cũng có thể xảy ra rằng một yêu cầu chính đáng để Rước lễ ngoài Thánh Lễ có thể được thực hiện, ngay cả bởi các người không bị bệnh.

Bánh thánh như vậy, theo Luật phụng vụ, nên được thay mới cứ 15 ngày một lần, hoặc khoảng ngày như thế.

Chắc chắn các tín hữu ưa thích cách rõ ràng, vì lý do dấu chỉ, để rước các Bánh thánh được truyền phép trong cùng một Thánh lễ mà họ tham dự. Tuy nhiên, một ngoại lệ thỉnh thoảng cho luật tổng quát này là thay Bánh thánh mới sẽ không làm suy yếu sự thực hành phụng vụ tổng thể tốt.

Trong trường hợp rất đặc biệt, có thể có một cộng đoàn tu sĩ toàn là linh mục, mà không có các tín hữu tham dự Thánh lễ. Trong trường hợp này, một trong các linh mục sẽ rước hết số Bánh thánh cũ, và thay bằng Bánh thánh mới, nhưng chỉ sau khi ngài đã rước lễ dưới hai hình trong Thánh Lễ. (Zenit.org 10-1-2017)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét