Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

GĐPV : Lời Nguyện Tín hữu được kết thúc như thế nào?

Giải đáp phụng vụ: Lời Nguyện Tín hữu được kết thúc như thế nào?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi có ấn tượng rằng linh mục 'có thể' thêm một lời cầu nguyện vào lúc kết thúc Lời Nguyện Tín hữu, nhưng chữ đỏ không bắt buộc phải làm như vậy. Trong giáo xứ của tôi, sau khi thầy phó tế kết thúc Lời nguyện, cha xứ chỉ đọc thêm "Oremus" (chúng ta hãy cầu nguyện). Thưa cha, như thế đã là đầy đủ cho Lời nguyện tín hữu chưa? – C. C., Washington, DC, Hoa Kỳ
.

Đáp: Chủ đề này đã được giải quyết khá tốt trong Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, Số 69-71, vốn nói như sau:

"69. Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa, sau khi tiếp nhận trong đức tin, đáp lại Lời Chúa và thực thi chức tư tế do phép rửa của mình mà cầu cho hết mọi người. Lời nguyện này thường nên thực hiện trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự, để họ cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp đủ thứ khó khăn, cho hết mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ.

“70. Thứ tự những ý nguyện thường là:

a. Cho các nhu cầu của Hội Thánh;

b. Cho các người trong chính quyền và cho toàn thế giới được an bình;

c. Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;

d. Cho cộng đoàn địa phương.

Nhưng trong một buổi lễ cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm Sức, Hôn Phối, An Táng, thì thứ tự ý nguyện có thể dành ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.

“71. Chính vị chủ tế điều khiển việc cầu nguyện từ ghế. Ngài vắn tắt mời tín hữu cầu nguyện và đọc lời nguyện để kết thúc. Các ý nguyện nêu ra cần phải chừng mực, được soạn thảo với sự tự do khôn ngoan và ngắn gọn, diễn tả lời nguyện của toàn thể cộng đoàn.

Thầy phó tế, hoặc một ca viên, hay độc viên hay một giáo dân khác xướng các ý nguyện từ giảng đài hay một nơi nào khác xứng hợp.

Còn toàn thể cộng đoàn đứng biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng những lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Từ những gì được nói trong số 71, rõ ràng là linh mục cần kết thúc Lời Nguyện Tín hữu với một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện này được đọc, với linh mục giang tay ra, cũng như khi ngài đọc các kinh nguyện khác mà ngài chủ trì.

Một trường hợp đặc biệt, mà Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma không nói rõ ràng, phát sinh khi Giờ Kinh Sáng hoặc Giờ Kinh Chiều của các Giờ Kinh Phụng Vụ được kết hợp với Thánh lễ vào một ngày trong tuần. Trong những dịp như vậy, được phép thay thế Lời nguyện Tín hữu với các lời cầu trong Kinh Sáng và Kinh Chiều (xem số 94 của Văn kiện trình bày và qui định Các Giờ Kinh Phụng vụ).

Khi Giờ Kinh được đọc riêng riêng biệt, các lời cầu được đọc trước lời nguyện kết thúc, vốn thường trùng với Lời nguyện đầu lễ của Thánh Lễ trong ngày. Khi được sử dụng trong Thánh lễ, Lời nguyện này đã được công bố trước các bài đọc, và vì vậy linh mục nên công bố một lời cầu nguyện thích hợp khác, hoặc kết thúc với một công thức chung đơn giản, chẳng hạn "Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con".

Vấn đề thường không phát sinh vào ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng, bởi vì, trong khi Giờ Kinh có thể được kết hợp vào Thánh lễ, Lời nguyện tín hữu có thể không được thay thế bởi các lời cầu của Giờ Kinh.

Hỏi: Xin cha nói rõ hơn về các khía cạnh của Lời Nguyện Tín hữu.
Đáp: Trước khi trả lời, tôi cần nêu ra rằng, mặc dù hình thức Lời nguyện này có nguồn gốc rất xa xưa, hình thức hiện tại của nó là khá mới trong thực hành phụng vụ, và do đó không có qui chế truyền thống liên quan đến thực hành của nó.

Như một hệ quả, một số tập tục hơi khác nhau đã phát sinh, và thật là không dễ để nói tập tục này là đúng hơn so với tập tục khác.

Ngoài các qui định được trích dẫn trong câu trả lời ở trên, chúng ta có thể nói rằng một qui tắc ngón tay cái (qui tắc kinh nghiệm) là rằng các lời cầu nên được hướng dẫn bởi cảm thức chung, phải rõ ràng và ngắn gọn, diễn đạt bằng từ ngữ tổng quát, và không nên có quá nhiều lời cầu.

Hỏi: Một số độc giả hỏi liệu các tín hữu được mời đưa ra lời cầu bộc phát từ hàng ghế của mình chăng.

Đáp: Trong khi không có qui định cấm điều này, tôi nghĩ rằng đây là một thực hành được dành tốt nhất cho một nhóm nhỏ, vì họ đã có kinh nghiệm cần thiết để đưa ra các lời cầu thích hợp. Các nhóm nhỏ như vậy có thể là những người thường xuyên tham dự Thánh Lễ hàng ngày, các cộng đồng tu sĩ, và và các nhóm cầu nguyện.

Nhưng điều này nên tránh cách khôn ngoan tại một Thánh Lễ Chúa Nhật ở giáo xứ, vì số lượng lời cầu có thể dễ dàng tăng cao, hoặc nội dung lời cầu có thể là quá cá nhân, bị xuyên tạc bằng lời nói hoặc có tính chính trị. Thậm chí chúng có thể tạo ra không ít phiền toái, nếu một số người cùng có xu hướng thống trị các lời cầu "tự phát" từ tuần này đến tuần khác.

Hỏi: Một số độc giả khác hỏi về thói quen đọc kinh Kính Mừng trong Lời nguyện tín hữu.

Đáp: Trong khi sự thực hành này là không phổ quát, nó dường như có nguồn gốc từ sự thực hành phụng vụ của các nước nói tiếng Anh, từ trước Công Đồng Chung Vatican II. Một độc giả cho biết rằng hiện có một tài liệu cản trở sự thực hành này, nhưng tôi không thể tìm thấy tài liệu ấy. Tôi chỉ nói rằng, do chưa có một sự can thiệp có thẩm quyền, việc thực hành này có thể tiếp tục ở những nơi mà nó đã quen thực hiện.

Các phản bác cho việc sử dụng Kinh Kính Mừng thường được dựa trên nguyên tắc rằng, các lời nguyện phụng vụ là thực tế luôn hướng về Chúa Cha, và rất ít dịp hướng về Chúa Con.

Tuy nhiên, khi kinh Kính Mừng được sử dụng trong Lời Nguyện Tín hữu, Đức Bà không được cầu xin trực tiếp, nhưng thường được kêu cầu như một Đấng trung gian, để Ngài dâng lời cầu của chúng ta lên Chúa Cha, trong bối cảnh của sự hiệp thông các thánh.

Sự kêu cầu này chắc chắn là không cần thiết từ quan điểm phụng vụ, và tốt hơn không đưa nó vào nơi nó không tồn tại. Tuy nhiên, tôi không tin rằng sự thực hành này cần phải được cấm đoán, ở nơi nó đã được thành lập.

Cuối cùng một linh mục Ireland hỏi liệu chủ tế có thể có lời cầu đặc biệt chăng, chẳng hạn cho linh hồn mà Thánh lễ đang cầu nguyện cho, và chính ngài đọc chứ không phải thầy phó tế hoặc một người khác đọc. Tôi sẽ nói rằng điều này có thể được thực hiện vì lý do mục vụ tốt, cũng như linh mục cũng có thể đưa ra một lời cầu đặc biệt, mà ngài tin là có trong tâm trí ngài vào thời điểm đó. (Zenit.org 18-10 và 1-11-2005)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét