Trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

THÁNH THOMAS D’AQUIN (1225 – 1274) Vị “tiến sĩ chung” của Giáo hội.

THÁNH THOMAS D’AQUIN (1225 – 1274) Vị “tiến sĩ chung” của Giáo hội.



Nếu thần học của thánh THOMAS đã có được một tầm ảnh hưởng rộng rãi trên toàn thể Giáo hội, trước tiên, chính là bởi vì tự nó đã có được một cái vốn liếng sẵn có trong bản thân, nhưng cũng còn là nhờ các Đức giáo chủ đã nhúng tay can thiệp để tôn phong nó lên như là một cơ sở tham chiếu có tính chất chuẩn mẫu. Chính cái số phận có thể nói là có một không hai đó của một hệ thống tư tưởng, chỉ cái đó thôi, cũng đã đáng cho người ta quan tâm dừng lại tìm hiểu.

Một cuộc đời chuyên tâm dạy dỗ:
Sinh ra trên đất nước Italia, trong một gia đình quý tộc, từ lúc mới được 5 tuổi, THOMAS đã được vào tu viện Mont-Cassin. Phải chăng là để THOMAS một ngày nào đó lên nắm địa vị hàng đầu ở tu viện nầy? Nếu đó quả thực là chủ ý của gia đình, thì THOMAS đã chọn một con đường khác. Vào lúc 18 tuổi, THOMAS vào dòng Đaminh, lúc bấy giờ vừa mới được thành lập. Người ta gửi THOMAS đi Paris (1245). Ở đó, THOMAS theo học các giảng khoá do ALBERT LE GRANT giảng dạy. THOMAS nghiên cứu ARISTOTE, một triết gia vừa mới được phương Tây tìm thấy lại qua trung gian những người Ả rập và từ ít lâu nay đã được đưa vào vùng đất của người Kitô-giáo. Khi thầy mình được thuyên chuyển qua Cologne, THOMAS đi luôn theo thầy, và ở đó THOMAS hoàn tất công việc học tập thần học của mình (1248 - 1252).
Chẳng mấy chốc, học trò trở thành giáo sư. Ở Châu Âu thế kỷ 13 những ranh giới ảnh hưởng thần học được vượt qua dễ dàng nhờ có sự đồng nhất ngôn ngữ, tiếng Latinh. THOMAS sẽ phải trải qua cuộc đời của mình ở những đại học ở Paris (1252), rồi ở Rôma và ở Bologne (1259 - 1268). THOMAS được gọi trở về lại Paris năm 1268 để cáng đáng trách nhiệm của dòng là nghiên cứu Thánh YACÔBÊ. Nguyên nhân của việc ngài trở về Paris lần nầy cũng còn do cuộc phản công kích đang được phát động do việc giảng dạy về ARISTOTE gây ra. Để có thể chống lại cuộc phản công kích nầy, người ta không thể nào không nghĩ  tới THOMAS.
THOMAS sẽ chống đỡ bênh vực cho triết học của ARISTOTE một cách thông minh suốt trong những ngày tháng sống tại Paris lần nầy. THOMAS thực hiện những nỗ lực thích nghi cần thiết, nhưng đạt đến chỗ dung hoà được nó với Kitô- giáo. Đối với THOMAS, điều quan trọng không phải là bản thân ARISTOTE như là ARISTOTE, mà ARISTOTE như là một triết gia, nghĩa là trong tư cách là phát ngôn viên của một chân lý cơ bản về con người và từ đó người ta có thể rút tỉa ra được những cái có lợi cho nỗ lực tìm hiểu về đức tin. Điều quan trọng đối với THOMAS không phải là lặp lại ARISTOTE cho bằng uốn nắn triết học của ARISTOTE vào khuôn khổ chính thống của tư tưởng Kitô-giáo.
Từ năm 1272, THOMAS lại một lần nữa trở về sống tại Italia (Naples), ở đấy THOMAS có trách nhiệm tổ chức những khoá học cho những thầy dòng trẻ trong dòng Đaminh của ngài. THOMAS qua đời năm 1274 đang lúc trên đường đi tham dự công đồng Lyon, một Công đồng có sứ mạng củng cố một sự hiệp nhất giữa phương Đông và phương Tây. Năm 1277, nhiều đề luận của THOMAS đạt đến con số 219 mệnh đề bị Étienne TEMPIER, giám mục Paris, kết án, đó là dấu chỉ hiển nhiên chứng tỏ rằng thần học của THOMAS lúc bấy giờ vẫn bị coi như là một thứ thần học cách tân, nếu không muốn nói là đáng ngờ, dưới con mắt của những người đồng bối. Làm thế nào mà nó đã có thể trở thành được như là biểu tượng thành công và tình trạng quân bình thần học, đến nỗi tất cả mọi khuynh hướng thủ cựu sau nầy đều sẽ nại vào đó để chống lại những tư tưởng mới?

Một công trình như là một tổng hợp:
THOMAS có vẻ như là một “người chuyên nghiệp về thần học”. Ngài áp dụng những phương pháp hiện hành, nhưng đồng thời cũng biết biến hoá những phương pháp đó. Những tác phẩm của THOMAS phản ánh cung cách giảng dạy của ngài. Chúng gồm 3 thứ:
-   Les commentaires (Chú giải bình luận): Cung cách giảng dạy cơ bản là đọc (lectio), đọc “chung”, nhanh hoặc được đào sâu, những đoạn văn nằm trong chương trình, trước tiên là những bản văn Kinh Thánh, rồi đến các tác phẩm mà thẩm quyền của chúng đã được công nhận (DENYS, BOÈCE, PIERRE LOMBARD) hoặc vừa mới được đưa vào chương trình (ARISTOTE). Chú giải bình luận là công tác hàng ngày của vị giáo sư nầy. Tác phẩm của THOMAS gồm toàn một loạt các công trình chú giải bình luận.
-   Les questions (những vấn nạn): Công việc chú giải bình luận sẽ làm cộm lên rất nhanh những vấn nạn mà sẽ trở thành đối tượng cho một quá trình học hỏi chuyên loại khác. Dù đó là những vấn nạn “đang được tranh luận” mà bản thân vị giáo sư tự coi như là một trong những vấn đề hóc búa (chân lý, linh hồn, sự dữ, vv…), hoặc dù đó là những vấn nạn đột xuất trong đó ngài trả lời cách tự do cho những câu hỏi do sinh viên nêu lên, bao giờ cũng thế, THOMAS luôn luôn tỏ ra là một nhà biện chứng đáng gờm, kiên cường và đầy linh hoạt.
-    Les sommes (Tổng luận): Đây mới là những khái luận thực sự, trong đó các vấn đề được đề cập tới một cách theo hệ thống. THOMAS đã viết một Tổng luận “somme contre les Gentils”, “Tổng luận chống lại những người Ngoại giáo” (1258 - 1260), dành cho một cộng đồng Kitô-hữu cần phải kiên vững tư tưởng của mình khi phải đối đầu với những luồng tư tưởng mới, và một “Tổng luận thần học”, “somme théologique” (bắt đầu năm 1267 nhưng vẫn chưa hoàn thành), một loại bách khoa toàn thư mà sinh viên cần phải có để giúp dễ nhớ và trở thành văn bản nền tảng cho tất cả mọi giáo sư thần học. Tổng luận nầy nhằm cung cấp toàn bộ hiểu biết về một quá trình đi theo quỹ đạo từ Thiên Chúa - Uyên nguyên (Dieu-Principe) đến Thiên Chúa - Cùng đích (Dieu-Fin) của tất cả mọi sự.

Một dòng tư tưởng sẵn sàng tiếp thu cái mới:
Ở thế kỷ XIII, Thánh THOMAS đã đưa thần học vào một khúc quanh. THOMAS mở toang cửa để đưa thần học tiếp xúc với cái mới bằng cách “rửa tội” ARISTOTE. Trong khi một vài người như Siger de BRABANT (1235 - 1284) vịn vào ARIS- TOTE để từ chối niềm tin, thì THOMAS lại dựa vào ARISTOTE để củng cố nó. Đứng trên cùng một mảnh đất với địch thủ, THOMAS đi vào cuộc đấu. Hai nguyên tắc vẫn điều hành tư tưởng của THOMAS:
1/   THOMAS thừa nhận những yêu sách mới bằng cách công nhận tính chất độc lập tương đối của trật tự nhân văn. Trong khi dưới ảnh hưởng của AUGUSTIN và của phái dòng tu (monachisme), tư tưởng Kitô-giáo hướng hẳn hiện sinh quay về hạnh phúc vĩnh cửu, khinh chê thực tại trần thế, THOMAS trả lại cho trật tự thụ tạo quyền tồn tại của mình. Để làm Thiên Chúa được vinh danh hơn, không cần gì phải miệt thị thụ tạo: “lấy cắp đi một điều gì ở nơi tình trạng hoàn hảo của biến cố tạo thành, tức là lấy cắp đi tính chất hoàn hảo của chính sức mạnh tạo thành”, ngài nói như vậy. Một châm ngôn tóm tắt tư tưởng của THOMAS, châm ngôn mà đã làm nên tháp đài tư tưởng của cộng đồng Kitô-hữu: “Ân sủng không loại trừ bản tính, nhưng làm cho bản tính được viên thành”. Tính chất độc lập nầy của thế giới được THOMAS diễn tả trong từ “nguyên nhân tự tại” (“cause en soi”) (trong triết học hiện đại, từ nầy chỉ dành cho Thiên Chúa).
Ở đây, người ta cảm thấy rõ tính chất khác biệt giữa AUGUSTIN và THOMAS. AUGUSTIN thì nhấn mạnh tính chất yếu đuối và khốn khổ của con người không có khả năng quản lý thực sự hiện sinh của mình, bị kết án đi vào con đường lầm lạc do tội tổ tông truyền. THOMAS lấy lại giá trị cho những khả năng tự nhiên của con người: lý trí không phải là cái la bàn đã hoàn toàn hư hỏng. Cứ tin cậy vào nó, con người hẳn đạt đến chỗ dẫn đưa mình đi theo đúng hướng trong thực tại con người (khoa học, chính trị, luân lý), con người còn có thể được nâng lên tới chỗ nhận thức được Thiên Chúa.
2/   THOMAS còn đi xa hơn, tới chỗ thừa nhận những quyền hạn của lý trí trong chính nội thân của đức tin. Nếu nguyên tắc trên kia đáp ứng cho những đòi hỏi của một thế giới tục hoá, thì nguyên tắc mới nầy đáp ứng cho một yêu cầu của đức tin: “Nếu chúng ta giải quyết những vấn đề của đức tin chỉ bằng con đường quyền lực, đã hẳn, là chúng ta sẽ vẫn có được chân lý, nhưng trong một cái đầu rỗng tuyếch!”. “Khuynh hướng duy lý” nầy đã làm cho Thánh BONAVENTURE đâm hoảng, vì BONAVENTURE vẫn từ chối không pha nước lã lý trí vào với rượu là Lời của Thiên Chúa. “Lúc bấy giờ, không hẳn rượu bị pha nhạt bởi nước, THOMAS vặn lại, nhưng, nước sẽ được biến thành rượu, như trong tiệc cưới Cana”. Có điểm nầy THOMAS gần gũi với AUGUSTIN: lý trí phải làm sáng tỏ tính chất mạch lạc của đức tin.
Tuy vậy, người ta sẽ lầm nếu tin rằng vòm đỉnh của cái đại thánh đường tư tưởng đó là ARISTOTE. Thánh THOMAS cơ bản là làm công tác của nhà thần học, nhằm đưa toàn bộ công trình tìm kiếm của mình phục vụ cho Lời của Thiên Chúa. Sinh hoạt của lý trí chỉ tạo nên như một phân khúc (séquence) giữa Lời Thiên Chúa, Lời vẫn hằng cung cấp cho lý trí những “nguyên lý” của mình, và nỗ lực rao giảng, cùng đích của sinh hoạt suy tư nầy. Nhà thần học sử dụng một lãnh vực mà ông nhận được từ nơi Thiên Chúa và ông ta sử dụng nó để mưu ích cho con người.
Được phong thánh năm 1323, được công nhận như là vị “tiến sĩ của Giáo hội” từ thế kỷ XVI, tước hiệu “tiến sĩ chung và phổ quát của Giáo hội” sẽ được Đức giáo chủ PIÔ XI chính thức tuyên phong năm 1923. THOMAS vẫn còn là một đầu mối bất hoà giữa những người Kitô-hữu với nhau, người thì cho tư tưởng của THOMAS không thể nào còn có thể vượt qua được nữa và rằng mọi lệch hướng đi ra khỏi quỹ đạo của nó đều có nguy cơ dẫn đến tà thuyết, người khác thì lại đang quyết liệt tìm cách tống khứ nó đi với bất cứ giá nào, vì cứ ngồi ỳ trên một giòng tư tưởng, dù là chính thống, có nghĩa là thôi không còn tư tưởng nữa. Đọc lại THOMAS từ một góc độ khác chắc chắn là điều có thể được, sẽ khách quan hơn, và đó cũng là điều mà tư tưởng nầy đòi hỏi.
Cần phải đặt giòng tư tưởng nầy lại vào đúng trong thời đại mà nó đã phát sinh ra. Thánh THOMAS là người đã chăm chú nghe theo truyền thống, nhưng đồng thời cũng biết lắng nghe những vấn đề của thời đại của mình. Tư tưởng của THOMAS xem ra ngày nay vẫn còn có thể làm cho người ta cảm thấy an tâm. Nó sở dĩ có sức thuyết phục là vì khả năng tổng hợp như là một hệ thống của nó. Người ta đã so sánh nó với một ngôi đại thánh đường kiểu “gothique”: cân đối, hài hoà, chừng mực. Nhưng ở bên trong cái bề ngoài có vẻ trầm mặc đó, ẩn dấu một ý đồ đổi mới: đó là ý đồ suy tư niềm tin trong một môi trường trí thức đang có nhiều biến chuyển. Cần phải nhớ lại những biến động của thế kỷ XIII mới có thể hiểu hết được tính chất táo bạo của giòng tư tưởng của Thánh THOMAS.
Nếu chúng ta lại trở về với Thánh THOMAS, chắc chắn không hẳn chỉ để lặp lại theo một khuôn khổ sao mòn một công trình soạn tác mang dấu tích thời đại của ngài cho bằng là để cùng với ngài lại tiếp tục khám phá ra độ dày và thẩm quyền tồn tại của trật tự nhân văn; chính là để giữ lại những trực giác của ngài và rồi nương theo cái đà nỗ lực đó chúng ta tiếp tục suy tư trong thời đại của chúng ta.
Marcel NEUSCH
X       X
X

Người ta có lẽ sẽ lầm to nếu như chỉ đóng khung Thánh THOMAS trong khuôn khổ trường lớp mà thôi. Nếu những khảo luận của THOMAS chứng tỏ ngài là một đầu óc tổng hợp nắm vững hoàn toàn những kỹ thuật trường lớp, thì vẫn có những trang sách khác hé mở cho chúng ta thấy khá rõ cuộc sống nội tâm của ngài, một cuộc sống không kém phần dữ dội và đầy nhiệt tình. Hai đoạn văn sau đây sẽ bộc lộ cho chúng ta thấy được khía cạnh nầy trong đời sống của ngài.

Chiêm niệm chân lý
Sự chiêm niệm được coi như hoàn hảo khi chính người chiêm niệm thấy mình được dẫn đi và được nâng lên cao đến tận cái thực tại rất cao sâu mà người đó chiêm niệm. Nếu người đó cứ vẫn ngồi lỳ ở đáy sâu thực tại, thì, cho dẫu cái nhìn của người đó có thể hướng tới cao xa bao nhiêu đi nữa, sự chiêm niệm đó sẽ vẫn còn khuyết điểm, chưa đạt. Phải làm gì để hành động chiêm niệm đó đạt đến chỗ viên thành hoàn hảo của nó? Người đó phải đi lên, phải đạt tới cái đích mà đối với người đó chính là thực tại mà mình đang chiêm niệm, bằng cách phải bám sát, và phải tự đồng hoá mình với chân lý được chiêm niệm, với cả con tim và với cả khối óc (...).
(“Prologue de l’exposé sur saint Jean”, dans L’homme chrétienParis, Cerf, 1965, p. 133).

Lời kinh dưới chân thập giá
Chớ chi tất cả mọi niềm vui đều khiến tôi mệt mỏi, nếu thiếu vắng Ngài; và chớ chi tôi không ước mong gì hơn là chính Ngài. Chớ chi mọi công việc, lạy Chúa, đều khiến tôi thích thú, nếu nó được thực hiện vì Ngài, và chớ chi mọi nghỉ ngơi không thể nào chịu nổi, nếu vắng bóng Ngài. Xin cho tôi năng hướng trái tim về Ngài và, khi yếu đuối, biết đánh giá đúng khuyết điểm của mình với niềm đau khổ, với một quyết tâm chắc chắn phải sửa sai.
Lạy Chúa, Thiên Chúa của tôi, xin cho tôi biết vâng phục và đừng cãi lại, biết sống nghèo và đừng bội ước, biết sống khiết tịnh và đừng huỷ hoại, biết nhẫn nại và đừng phản kháng, biết khiêm tốn thực tình và đừng giả bộ, biết vui thú mà không phung phí, biết u buồn mà không chán nản, biết kiên định mà không cứng ngắc, biết hoạt bát mà không nông nổi, biết e dè mà không thối chí, biết chân thành mà không với thái độ nước đôi, biết làm điều tốt mà không huyênh hoang tự đắc, biết chấp nhận người khác mà không với thái độ tự cao, biết xây dựng lời và gương sáng mà không giả hình làm bộ.
Lạy Chúa, Thiên Chúa, xin ban cho tôi một trái tim thức tỉnh, để không một tư tưởng tò mò nào có thể kéo tôi xa Ngài; một trái tim cao thượng, để không một tình cảm đê tiện nào có thể hạ thấp mình; một trái tim ngay thẳng, để không một ý đồ mập mờ nào có thể làm cho mình ra xiên xẹo; một trái tim cứng rắn, để không một kẻ thù nào có thể bóp nát tan; một trái tim tự do, để không một đam mê mãnh liệt nào có thể khuất phục.
Lạy Chúa, Thiên Chúa của tôi, xin thương ban cho tôi một trí khôn nhận biết Ngài, một thái độ nóng lòng vội vã kiếm tìm Ngài, một sự khôn ngoan tìm gặp được Ngài, một thái độ bền tâm chờ đợi Ngài với niềm tin cậy và một niềm tin tưởng rằng cuối cùng sẽ chiếm hữu được Ngài. Xin ban cho tôi biết đau thương nỗi đau thương của Ngài trong cuộc sống khổ hạnh nầy, biết sử dụng, trên cuộc hành trình đời sống nầy, những ân huệ, ân sủng Ngài ban cho, biết vui hưởng những niềm vui của Ngài, nhất là vinh quang bất diệt nơi quê hương Ngài. Ôi, lạy Ngài, vị Thiên Chúa hằng sống hằng trị đời đời. AMEN.
(Prières de Saint Thomas d’Aquin, traduites et présentées par le R.P. SERTILLANGES, Paris, A l’Art catholique, 1920, pp. 83 - 85).

Tài liệu tham khảo:

Tư tưởng của Thánh THOMAS dịch ra tiếng Pháp không phải là chuyện dễ dàng. Người ta có thể tham khảo loại sách xuất bản song ngữ Latinh-Pháp của cuốn “Somme théo- logique” (Tổng luận thần học), nơi nhà xuất bản của tập san Revue des jeunes, gồm 61 tập, Paris, Desclée et Cie, 1925 - 1972. Người ta cũng có thể cảm thấy lý thú khi tìm đọc những bản văn của Thánh THOMAS trong tập “THOMAS, L’être et l’esprit!, Paris, PUF, 1971. Hoặc trực tiếp ích lợi hơn, saint THOMAS d’AQUIN, L’homme chrétien, Paris, Cerf, 1965.
Bắt đầu tìm hiểu tư tưởng ngài, nên đọc:
·        Marie-Dominique CHENU, Introduction à l’étude de saint Thomas d’Aquin, Paris, Vrin, 1954, 2e éd. Đây là một cuốn nhập môn xuất sắc để tiếp xúc với Thánh THOMAS, với các loại văn chương mà ngài sử dụng và với bối cảnh trường lớp của thời đó. Không có một hướng dẫn như thế, người ta dễ có nguy cơ sa vào những nghịch nghĩa khi đọc những tác phẩm của THOMAS.
·        Maria-Dominique CHENU, Saint Thomas d’Aquin et la théologie, Paris, Seuil, 1960, coll. “Les Maitres spirituels”, n0 17. Tác phẩm đọc không mấy khó khăn.
·        Étienne GILSON, le thomisme. Introduction à la philosophie de saint Thomas d’Aquin, Paris Vrin, 1965, 6e éd, coll. “Études de philosophie médiévale”.
     Muốn tìm hiểu phong trào hiện đại hoá tư tưởng của THOMAS hiện nay, nên tìm đọc các tác phẩm của Étienne GILSON, và của Jacques MARITAIN, chưa kể các tác giả nước ngoài.
Tác giả: Bruno CHENU – Marcel NEUSCH Chuyển ngữ Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét