Trang

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Thuyết Tiến Hóa Và Việc Giải Nghĩa Kinh Thánh

Thuyết Tiến Hóa Và Việc Giải Nghĩa Kinh Thánh

    Phùng Văn Hóa

Trong cơn khủng hoảng hiện nay có một thực tế đó là con người vẫn có nhu cầu tôn giáo dưới đủ mọi loại hình thức nhưng lại không tin Thiên Chúa hiện hữu “Người ta muốn có một thứ tôn giáo nào đó huyền bí hay là gì đó. Nhưng lại không chấp nhận một Thiên Chúa cá thể có thể nói với tôi, biết tôi và đã dạy tôi một số điều, cũng như có thể đòi hỏi tôi, uốn sửa con người tôi. Nghĩa là người ta muốn giữ cảm thức tôn giáo nhưng lại không muốn đặt mình vào một Thượng Đế nào đó. Xem thế ngày nay chúng ta đang gặp khủng hoảng về Thiên Chúa chứ không phải khủng hoảng về tôn giáo, bởi vì tôn giáo vẫn còn đang mọc lên như nấm” (Nguồn Simonhoa – ĐTC Benedicto XVI – Chúa thì được, giáo hội thì không).
Khủng hoảng về Thiên Chúa, đó là sự thật và sự thật ấy cần phải được nhận ra nếu không chúng ta vẫn cứ mãi an tâm với một thứ tôn giáo nghèo nàn không sức sống. Tuy nhiên trước bất cứ khủng hoảng nào, để giải quyết thì không thể không tìm ra nguyên nhân gây ra cho nó. Cuộc khủng hoảng Thiên Chúa không chỉ mới bắt đầu trong khoảng vài mươi năm nhưng có thể nói đã diễn ra triền miên trong suốt gần hai mươi thế kỷ. Nên nhớ tính đến nay Giáo Hội đã có hai mươi Công Đồng được triệu tập, trong đó chỉ trừ CĐ Vatican II là không có mục đích để chống lạc giáo. Thế nhưng chính với Công Đồng này mà Giáo Hội đã bước vào cơn khủng hoảng không lối thoát là nạn tục hóa.
Tục hóa tức Giải Thiêng (désacralisation) mà đã giải thiêng thì làm gì còn nhận ra Thiên Chúa như một nhân vị có thể nói với tôi, biết tôi? Thiên Chúa như một nhân vị, đó chính là Đấng Cha mà duy chỉ Đức Kitô mới nhận biết và muốn mạc khải cho con người “Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” (Lc 10, 22). Lời Chúa là lời hằng sống, một khi Chúa đã khẳng định như thế thì chúng ta phải tin cách chắc chắn rằng chỉ Ngài mới có thể dẫn đưa ta đến với Đấng Cha ấy thôi. Đang khi đó Thần học lại đã gạt bỏ mạc khải về Cha để thay vào đó là Đấng Tạo Hóa mà trong thực chất chỉ là một thứ quan niệm duy lý về Thiên Chúa chứ không phải thực tại như Ngài là.
Toàn bộ mục đích Thần học là để chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng sự giải nghĩa. Bởi đó cho nên Kinh Viện Học (Scholastique) mới có câu định nghĩa thế này “Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (La philosophie est la science des choses par leurs causes supremes). Thần học tự nhận mình là khoa học và khoa học ấy căn cứ vào Sách Sáng Thế để giải nghĩa căn nguyên phát sinh vạn vật là Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên lập luận này đã bị phi bác một cách rất ư… khoa học bởi Thuyết Tiến Hóa do Darwin (1809 -1882) khởi xướng.
I. THUYẾT TIẾN HÓA VÀ PHẢN ỨNG CỦA THẦN HỌC
Thật ra Thuyết Tiến Hóa đã có trước cả Darwin với những tên tuổi như Lamark, Weismann và De vries… Thế nhưng nói đến Tiến Hóa thì hầu như người ta chỉ biết đến Darwin nhất là sau khi ông cho xuất bản hai cuốn Nguồn gốc các loài (1859) và Nguồn gốc con người và sự đào thải sinh dục (1871). Với một quan điểm hoàn toàn đối nghịch với giáo lý của Giáo Hội như thế, người ta cũng không lạ gì những cuộc chống đối đưa đến các vụ xét xử tại tòa cách công khai và quyết liệt. Vụ án xử John Scopes còn gọi là vụ án con khỉ (Monkey Trial) năm 1925. Vụ xử Susan Epperson tại bang Arkansas năm 1966. Đặc biệt tại Mỹ với đa số phái Tin Lành, luật cấm Thuyết Tiến Hóa đã kéo dài hơn 40 năm tại Tennesse và việc giảng dạy về Tiến Hóa bị cấm trong năm tiểu bang khác cho đến khi Tòa Án Tối Cao phán quyết lệnh cấm ấy là vi hiến trong năm 1965 (Nguồn Thuyết Tiến Hóa phản ánh mục đích của TC, một quan điểm mới về Darwin, Thiên Chúa và sáng tạo).
Có nhiều nguyên nhân đưa đến phản ứng chống lại Thuyết Tiến Hóa nhưng sâu xa nhất vẫn là vì nó đã đụng chạm đến sự tin tưởng bấy lâu của con người về Đấng Tạo Dựng. Tự nhiên ai cũng biết được rằng con người hay vật gì cũng phải được sinh ra hay làm ra mới có. Con cái là do cha mẹ sinh ra còn cha mẹ thì do ông bà, ông bà lại do tổ tiên sinh ra v.v… Còn hễ có vật gì thì cũng chẳng phải tự nhiên mà phải do ai đó chế tạo. Bất cứ cái gì cũng có nguyên nhân, vậy từ đó suy ra đã có vũ trụ trăng sao, núi non sông biển… ắt phải có đấng sinh ra chúng? Tuy nhiên cũng chính do nơi cái việc SINH này mà Thần học đã phải đối mặt với những vấn nạn không thể giải đáp của Thuyết tiến Hóa.
Thần học trong bấy lâu nay vẫn theo thuyết Định Chủng để giải nghĩa rằng ngay từ khởi thủy Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng, đất nước cỏ cây hạt giống… và cả con người có nam có nữ là ông Adong và bà Eva. Giải nghĩa việc Thiên Chúa sinh nên muôn loài muôn vật muôn loài như thế không thể được cả khoa thiên văn cũng như vật lý chấp nhận. Vũ trụ xuất hiện là do vụ nổ Big Bang, còn nó có mặt từ ít ra đã cả mười tỷ năm chứ không phải mới vài chục ngàn năm. “Năm 1774 trong quyển Lịch Sử Vạn Vật, Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 (bảy mươi ngàn) năm thế mà đã bị coi là một sự xúc phạm lớn lao và tác phẩm đã bị cấm đoán. Khi Darwin chết, người ta vẫn còn dạy rằng vũ trụ được tạo dựng 4963 năm trước kỷ nguyên và cuốn Tự điển Larousse xuất bản năm 1882 ghi rằng đó là niên kỷ duy nhất được chấp nhận trong các trường” (Bs Nguyễn văn Thọ Lecomte du Nouy và học thuyết viễn đích).
Qua đây chúng ta thấy quan niệm Đấng Tạo Hóa không thể dung hợp được với Thuyết Tiến Hóa, một đàng Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật trong đó bao gồm con người ngay từ nguyên thủy, một đàng là do tiến hóa và sự tiến hóa ấy trải qua hàng tỷ năm từ vô cơ tới hữu cơ, từ loài vật tới loài người và linh trưởng là loài trung gian giữa động vật và con người? Trước những phi bác đầy tính thuyết phục của Thuyết Tiến Hóa, thần học chẳng còn cách nào khác là phải xoay chiều để đưa ra nhận định rằng: “Sáng tạo và tiến hóa là hai khía cạnh không thể tách rời nhau trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Moltmann sẽ cho ta thấy hai chiều kích này: Quan niệm Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo bằng ý niệm về sáng tạo trong thần khí cho phép chúng ta hiểu sáng tạo và tiến hóa không còn là hai khái niệm xung khắc để diễn tả hiện thực nữa vì chúng ta có thể kết hợp chúng thành một mối để bổ túc cho nhau: có một cuộc sáng tạo tiến hóa, bởi vì tiến hóa không tự giải thích được từ chính mình. Có một cuộc tiến hóa của thế giới thọ tạo, bởi vì cuộc sáng thế hướng về mục đích là Vương Quốc vinh quang và vì thế vượt quá chính mình trong thời gian. Khái niệm tiến hóa được hiểu như một khái niệm căn bản diễn tả Thần khí sáng tạo của Thiên Chúa hoạt động như thế nào trong thế giới” (Nguồn Vietcatholic – FX Trần Kim Ngọc O.P -22/10/2010 – Thuyết tiến Hóa trong thần học Kitô giáo).
Tiến hóa sở dĩ không tự giải thích được từ chính mình bởi lẽ theo thần học thì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo vũ trụ vạn vật. Nếu Thiên Chúa không sáng tạo thì lấy đâu ra vật gì để tiến hóa? Ở đây vẫn là một mâu thuẫn không thể dung hợp, một đàng với Tiến hóa thì không thể có Thiên Chúa, một đàng với Thần học thì không thể có tiến hóa nếu không có Thiên Chúa!!! Để giải quyết mâu thuẫn này thần học đưa ra giải pháp cuối cùng là thay thế Đấng Tạo Hóa bằng Đức Kitô: “Teihard de Chardin (1881 – 1955) nối kết quá trình tiến hóa với một Kito học tầm cỡ vũ trụ. Trong viễn tượng đó Đức Kito hoạt động như Đấng ban sinh khí cho muôn vật muôn loài về một mối. Quá trình tiến hóa đạt tới điểm hoàn tất trong Đức Kito được hiểu như điểm hội tụ Omega” (Nguồn FX Trần Kim Ngọc O.P đã dẫn).
Thay thế Đấng Sáng Tạo bởi Đức Kito như là điểm hội tụ Omega, đây là hậu quả tất yếu của việc giải nghĩa Sách Sáng Thế theo nghĩa mặt chữ (sens litteral). Với nghĩa này thì người ta sẽ không bao giờ có thể thoát ra khỏi quan niệm Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa ngoại tại. Đang khi đó nội dung Kinh Thánh nói chung và Sách Sáng Thế nói riêng lại chứa đựng Đấng Thiên Chúa Cứu Độ là Đấng luôn kêu gọi con người trở về để Ngài có thể nói với tôi, dạy dỗ tôi cũng như có thể đòi hỏi và uốn sửa con người tôi.
II. ĐỨC KITÔ VỚI CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ
Sách Sáng Thế xưa nay vẫn đưiợc hiểu như là sách nói về sự sáng tạo thế giới vật chất và đó cũng chính là nguyên nhân đưa đến tranh cãi giữ thần học và Thuyết Tiên Hóa. Sự tranh cãi ấy hoàn toàn bất lợi cho thần học ở chỗ một đàng tự nhận là khoa học hiểu biết về Thiên Chúa, một đàng thì lại tỏ ra chẳng có gì là khoa học ngay trong những lập luận của mình. Sự xoay chiều của thần học công nhận cuộc sáng tạo tiến hóa đưa đến việc khai tử Thiên Chúa (Théologie de la mort de dieu) là một dẫn chứng xác thực cho thấy không thể hiểu Sáng Thế theo nghĩa Sáng tạo vật chất (vật giới) nhưng phải là tâm linh (Tâm giới).
Sự sáng tạo tâm linh ấy thể hiện ngay ở việc Thiên Chúa tạo dựng con người nên giống Hình Ảnh Ngài (St 2, 26). Là Hình Ảnh tức cũng là con cái Thiên Chúa ngay từ tạo thiên lập địa. Thế nhưng do nơi tội nguyên tổ mà phẩm vị Con Thiên Chúa cực cao cực quý ấy đã bị mất đi tưởng chừng không bao giờ có thể lấy lại “Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông Vườn địa Đàng (Eden) các thần chê ru bin với gươm lưỡi sáng lòa để trấn giữ con đường đi đến cây sự sống” (St 3, 24).
Bị đuổi khỏi Địa Đàng và tưởng như đã không có ngày trở lại với “Cây Sự Sống”. Thế nhưng bởi lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, Ngài vẫn cho loài người một cơ hội đó là lời hứa ban Đấng Cứu Thế khi Ngài đưa ra lời trách phạt rắn Satan: “Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” (St 3, 15).
Trình thuật kinh Thánh này không nói gì đến Đấng Cứu Thế nhưng đó lại là lời hứa bởi vì Đấng Cứu Thế chỉ được sinh ra bằng cuộc giao tranh dữ dội giữa Người Nữ tức Đức Nữ Trinh Maria và rắn xảo quyệt Satan qua tiếng Xin Vâng: “này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Sau hai tiếng Xin Vâng diệu kỳ đó Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc muôn dân. Tính chất cứu chuộc ấy cần phải được hiểu như là chuộc lại một cái gì trước đó đã mất và cái đã mất ấy chẳng phải điều chi khác mà chính là phẩm vị Con Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm cho khuất lấp.
Chỉ bị tội nguyên tổ làm cho khuất lấp chứ phẩm vị Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người dù là bậc Thánh nhân hay kẻ tội đồ cũng chẳng hề mất. Mặc dù là con nhưng nếu không nhận biết Thiên Chúa là Cha thì cũng kể như không, hư hèn vẫn cứ mãi mãi hư hèn. Chỉ trong Đức Giêsu Kitô mà con người mới có thể nhận ra phẩm giá Con Thiên Chúa của mình: “Lại vì anh em đã là Con nên Thiên Chúa đã sai Con của Ngài vào lòng chúng ta kêu lên rằng Aba Chga. Dường ấy ngươi không phải là tôi mọi bèn là con và nếu là con thì cũng là kẻ thừa tự bởi Thiên Chúa vậy” (Gl 4, 6-7) Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội hết thảy chúng ta đều có ơn gọi làm Con Chúa. Thế nhưng ơn gọi này cần phải được thực hiện bằng cách hết lòng trở về với Đấng Chúa là Cha ở nơi mình. Một khi đã nhận biết Thiên Chúa là Cha thì phải trở về với Ngài, bởi có người con nào khi đã nhận biết mà lại không muốn trở về với người cha đang ngóng đợi con mình? Mặc dầu vậy không ai có thể trở về nếu không đi theo con đường Giêsu: “Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Đức Kitô là đường và đường này là đường vô phân biệt. Khi yêu thương thì không có sự phân biệt người thân, kẻ thù. Khi làm phúc bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Khi cầu nguyện thì phải vào phòng đóng cửa (giác quan) lại mà cầu và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi (Mt 6, 1-6).

Đường vô phân biệt cũng chính là đường bỏ mình theo Chúa: “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” (Mt 16, 24 -25). Muốn cứu lại mất, bỏ đi lại được, đây là nghịch lý của Đạo Chúa và nghịch lý này cũng chính là cuộc giao tranh đã được tiên báo từ nguyên thủy giữa Nữ Trinh Maria và rắn Satan. Chúng ta chỉ có thể thắng trong cuộc giao tranh này nếu có Đức Maria làm Mẹ. Quả thật Đức Maria là Mẹ của tất cả tín hữu chúng ta từ khi Ngài nhận lời phó chúc nơi Chúa Giêsu nhận môn đệ Gioan làm con: “Thưa Bà, này là con Bà, rồi Ngài nói với Gioan đây là Mẹ con. Kể từ giờ đó môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26 -27). Chúng ta nếu thực là môn đệ tức những kẻ quyết lòng theo Chúa thì cũng phải như Gioan, rước Đức Mẹ về nhà tâm hồn mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét