Trang

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 48 VÀ 49.

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 48 VÀ 49.
Tuần 48: Sách Êzêkiel (chương 13-24)

I. CÁC TIÊN TRI GIẢ (13,1-23)

1. Tổng quát

Chương 13 được chia thành hai phần đối xứng nhau: lên án các tiên tri nam (câu 2-16) và các nữ tiên tri (câu 17-23). Một số học giả cho rằng trong Thánh Kinh Cựu Ước, danh hiệu tiên tri chỉ được dành cho một số ít phụ nữ (Miriam trong Xh 15,21; Deborah trong Tp 4,4; vợ của Isaia trong Is 8,3). Vì thế các nữ tiên tri ở đây thực ra là những phù thủy vì họ sử dụng pháp thuật (x. 1Sam 28,7 tt). Nhưng những học giả khác lại cho thấy sự giống nhau giữa các tiên tri giả này, dù là nam hay nữ, cho nên có thể gọi tất cả họ là phù thủy hoặc tiên tri.

2. Nhận diện các tiên tri giả

Tiên tri giả là những người chỉ nói theo ý riêng của mình (13,2. 17). Tiên tri giả là những người công bố những thị kiến hão huyền và lời sấm dối trá mà lại dám mạo nhận là lời sấm của Chúa: “Ta sẽ ra tay trừng phạt hạng tiên tri thấy thị kiến hão huyền và nói lời sấm dối trá” (13, 6-9. 23). Tiên tri giả là những người nói tiên tri để tìm tư lợi cho mình, đồng thời phỉnh gạt dân chúng: “Các ngươi đã xúc phạm đến Ta … chỉ vì những nắm lúa mạch, những mẩu bánh, đến nỗi các ngươi giết chết những người đáng lẽ không phải chết, và cho sống những người không đáng sống” (13,19).

3. Cảnh giác trước các tiên tri giả

Thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ của ngài, cũng là nhắn nhủ các Kitô hữu ở mọi thời đại, “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ làm cho họ vui tai. Họ sẽ ngoảnh đi không nghe lời chân lý nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, hãy làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2Tm 4,3-5). 

II. TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN (14,12-23, 18,1-32)

1. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình

Tiên tri Ezechiel tuyên bố rằng ngay cả những nhân vật nổi tiếng đạo đức trong quá khứ như Noah, Daniel và Job cũng không thể ngăn nổi cơn giận của Chúa đối với dân tội lỗi. Sự công chính cứu thoát cá nhân người công chính chứ không thể cứu người khác: “Chúng cũng chẳng cứu nổi con trai con gái mình, chỉ mình chúng được cứu thoát vì đã sống công minh chính trực” (14,20). Không thể chỉ cậy dựa vào những việc lành trong quá khứ để an tâm trong lối sống tội lỗi hiện tại: “Nếu kẻ công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm, nó làm thế mà được sống sao?” (18,24). Phải sống công chính ngay trong hiện tại, phải trở về với Chúa mỗi ngày: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi nó đã phạm mà tuân giữ lề luật của Ta…chắc chắn nó sẽ sống chứ không phải chết” (18,21).

2. Sống tinh thần trách nhiệm trước mặt Chúa

Thiên Chúa không vui thích vì con người phải chết (18,23.32), đồng thời không ai có thể trách cứ Thiên Chúa về án xử công minh của Người (14,23). Không thể dựa vào câu ngạn ngữ “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” để đổ lỗi cho người khác và trốn tránh trách nhiệm của mình (18,2-4). Điều quan trọng là chu toàn trách nhiệm của mình và sống ngay thẳng trước mặt Chúa: “Hãy trở lại và hãy sống” (18,32).

III. NGƯỜI VỢ BẤT TRUNG (16,1-63)

1. Ngôn ngữ ẩn dụ và lịch sử Israel

Ezekiel được coi là một trong những bậc thầy về việc sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, nghĩa là kể chuyện rồi áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại. Tài năng đó được thể hiện cụ thể trong chương 16 và các chương khác (15,17,19,23,31,34).

– Câu 1-14 mô tả Giêrusalem như một đứa trẻ mồ côi, được sinh ra từ dân Amorites và Hittites, nhưng lại bị ném ra bên ngoài, không ai chăm sóc. Chính Chúa đã chăm sóc đứa trẻ đó thành một thiếu nữ xinh đẹp. Rồi Chúa quay lại và lập giao ước với Giêrusalem. Giêrusalem trở thành thiếu nữ nổi tiếng vì nhan sắc, vì phẩm giá cao quý và những ân huệ tuyệt vời.

– Câu 15-34 lại mô tả Giêruslaem trở thành sa đoạ vì chính nhan sắc mỹ miều của nó: hoang dâm với mọi khách qua đường, đàng điếm trên các tế đàn, biến con cái mình thành của lễ dâng các ngẫu tượng, hoang dâm với Ai Cập, Assyria, Babylonia đến nỗi “người đàng điếm không phải là kẻ chạy theo ngươi mà là chính ngươi. Người trả tiền là ngươi chứ không phải chúng” (16,34).

– Câu 35-43 loan báo án phạt mà Giêrusalem phải chịu: bị lột trần và xử phạt như đối với những kẻ sát nhân và ngoại tình (câu 37-38, x. Dnl 22,22; Lev 20,10). Giêrusalem sẽ bị xử phạt trước mặt các phụ nữ khác (các dân khác). Rồi cơn giận của Chúa sẽ nguôi ngoai (câu 42).

– Câu 44-58 so sánh Giêrusalem với các chị em là Samaria và Sodoma. Giêrusalem là phụ nữ tội lỗi nhất và bị trừng phạt nặng nề.

– Phần kết (câu 59-63) lại mở ra một viễn tượng lạ lùng: Thiên Chúa khôi phục mọi sự cho Giêrusalem, nhắc nhớ giao ước cũ, và tuyên bố sẽ thiết lập giao ước vĩnh cửu

2. Nhìn lại giao ước yêu thương với Thiên Chúa

Giao ước này được thiết lập từ tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, tình thương vượt trên mọi yếu hèn, phản trắc và sa ngã của ta. Hãy sống Đạo như một giao ước tình yêu và không ngừng làm mới lại giao ước đó mỗi ngày.
 
Tuần 49: Sách Êzêkiel (chương 25-36)

I. TIÊN TRI, NGƯỜI CANH GÁC (33,1-9; 3,17-21)

Tiên tri có nhiệm vụ trung chuyển Lời Chúa cho dân, bảo vệ dân, canh giữ dân, lôi kéo kẻ gian ác khỏi đường tội lỗi và khích lệ người công chính trên đường công chính. Thiên Chúa đòi hỏi tiên tri phải loan báo cho kẻ gian ác biết án xử của Thiên Chúa; nếu không, không những kẻ gian ác bị trừng phạt nhưng chính tiên tri cũng bị trừng phạt: “Nếu người canh gác thấy gươm đến mà không thổi kèn, khiến dân không được báo, và gươm đến làm cho người nào phải thiệt mạng, thì kẻ ấy chết vì tội lỗi của mình, nhưng máu người ấy, Ta sẽ đòi người canh phải trả” (33,6).

Nhiệm vụ của người canh gác đòi hỏi phải tỉnh thức và cảnh giác để có thể nhận ra những âm mưu và nguy hiểm đang đe doạ dân trong thành. Về mặt thiêng liêng, hình ảnh này gợi về sứ điệp Tin Mừng: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36), tỉnh thức trước những cám dỗ tinh vi của ma quỷ, tỉnh thức trước tiếng gọi thầm kín của Chúa, tỉnh thức cho mình và cho những người Chúa đã trao phó cho ta.

Tỉnh thức giữa lúc mọi người đang ngủ là điều không dễ, nhất là khi phải tỉnh thức thường xuyên. Vì thế cần cầu nguyện. Nguồn sức mạnh của tỉnh thức là tình yêu, như người mẹ tỉnh thức trước tiếng khóc của đứa con. Tình yêu đó là đức Ái mục tử mà cha mẹ phải có đối với con cái, linh mục phải có đối với cộng đoàn đã được trao phó cho mình.

II. DỤ NGÔN VỀ CÁC MỤC TỬ (34,1-16)

Các mục tử trong quá khứ đã không chu toàn nhiệm vụ đối với đoàn chiên, nhất là những con chiên bệnh tật, bị thương tích, lạc đường… (câu 2-6) Vì thế Thiên Chúa sẽ trừng phạt các mục tử và giải thoát đoàn chiên: “Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (34,10).

Chính Chúa sẽ đảm nhận trách nhiệm mục tử: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc đoàn chiên của Ta và thân hành kiểm điểm” (34,11). Chúa sẽ là mục tử tốt lành, chăm sóc đoàn chiên, quy tụ chiên tản mác, kiếm tìm chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát.

Người Kitô hữu đọc đoạn văn này không thể không nhớ đến Ga 10,1-18, ở đó Chúa Giêsu khẳng định, “Tôi chính là Mục tử nhân lành.” Đặc điểm của vị mục tử nhân lành là Ngài biết chiên và hi sinh cho đoàn chiên: “Tôi biết chiên của Tôi và chiên Tôi biết Tôi, như Chúa Cha biết Tôi và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hi sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Đây cũng là điều mọi Kitô hữu phải quan tâm suy nghĩ vì đã được chia sẻ chức năng mục tử của Chúa Kitô qua bí tích Thánh Tẩy.

III. TÁCH BIỆT ĐOÀN CHIÊN (34,17-31)

Ở đây, chủ đề được chuyển từ việc lên án các mục tử không chăm sóc đoàn chiên sang những con chiên lạm dụng quyền lợi của mình. Những con chiên khỏe mạnh, béo tốt nhưng chỉ biết nghĩ đến mình và gây thiệt hại cho những con chiên gầy gò đau yếu. Chúng sẽ bị xét xử: “Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên” (34,22). Những lời này giúp các Kitô hữu ý thức về đời sống trong cộng đoàn Giáo Hội, không chỉ là mối tương quan giữa giáo dân và chủ chăn, nhưng còn là mối tương quan giữa giáo dân với nhau. Làm sao để xây dựng một tương quan huynh đệ, liên đới, chia sẻ và đồng cảm với nhau; đó là một trong những đòi hỏi mục vụ hàng đầu phải quan tâm tới.

Các câu 23-24 chuyển sang một chủ đề mới là loan báo vị mục tử mới, một hoàng tử mêsia. Đavít sẽ là mục tử/hoàng tử được hứa ban và Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng: “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đavít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng, chính nó sẽ là mục tử của chúng… Đavít, tôi tớ của Ta, sẽ là ông hoàng ở giữa chúng” (34,23).

Sang đến câu 25-27, không còn hình ảnh mục tử nữa; thay vào đó Ezekiel nói đến giao ước bình an giữa Thiên Chúa và dân Người: “Ta sẽ thiết lập với chúng một giao ước bình an” (34,25). Chính Chúa sẽ đem bình an và thịnh vượng đến cho Dân Người.

Vị hoàng tử bình an và mục tử lý tưởng mà Ezekiel loan báo chính là Chúa Giêsu, Thiên Chúa xuống thế làm người, và ở giữa loài người. Ngài đến để đem bình an cho nhân loại, thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu bằng máu Ngài đổ ra trên thập giá.

 
ĐGM. Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét