“Phanxicô, một mình chống tất cả”: phỏng vấn ký giả Thụy Sĩ Arnaud Bédat
lesuisseromain.hautetfort.com, 2017-02-03
Arnaud Bédat, sau quyển sách đầu tiên “Phanxicô, người Argentina”, bây giờ ông có quyển sách thứ nhì “Phanxicô, một mình chống tất cả”, trước hết xin ông cho biết thông tin về quyển sách đầu tiên. Có một liên hệ nào giữa hai quyển sách này không?
“Phanxicô, người Argentina” là quyển sách thuộc loại “phim hành trình” đi qua các con đường ở Buenos Aires, nơi độc giả có thể thấy các nơi chốn mang dấu vết của Jorge Mario Bergoglio, của những gặp gỡ với bạn bè, với các người thân cận của Đức Giáo hoàng. Đó là một quyển sách có tính chất rất Argentina, mang màu sắc, hương vị Argentina, một loại phóng sự dài 200 trang trên vết chân của một người không giống ai. Vatican là chuyện phụ.
Quyển sách mới này thì khác hẳn: dĩ nhiên độc giả sẽ thấy một vài nhân vật trong “Phanxicô, người Argentina”, những các chứng từ được đặt lại theo bối cảnh, được bổ túc bởi nhiều chứng tá khác. Nhưng nhất là, quyển sách này đề cập đến bốn năm đầu tiên ở Rôma mà quyển sách kia không nói đến, những năm với các mánh khóe, âm mưu đủ loại. Tôi thường nói đùa, đây là quyển sách “Da Vinci Giáo hoàng” của tôi. Dĩ nhiên chỉ là câu nói đùa, theo tính cách rất bergoglien, chắc chắn sẽ làm cho ngài vui vì ngài rất thích các câu nói đùa. Dĩ nhiên câu chuyện của tôi không phải là câu chuyện tưởng tượng, không tiểu thuyết hóa, tất cả những gì tôi kể là thật và đã được kiểm chứng.
Đây là quyển sách của một ký giả ở tại chỗ, đi tìm tất cả thông tin tại nguồn, chất vấn, tìm tòi, làm cho chúng ăn khớp lại… Đây không phải là quyển sách thứ một trăm viết về Đức Giáo hoàng, nhưng là quyển sách có các nguồn gốc đặc biệt, qua hàng chục người đối thoại, một vài người chưa bao giờ lên tiếng, các tài liệu chưa từng công bố hoặc rất ít được biết, như một vài bài giảng ở Argentina…
Vì sao ông chọn tên quyển sách là “Phanxicô, một mình chống tất cả”. Điều tra một Giáo hoàng đang gặp nguy hiểm”? Đa số thông tin truyền thông đều tích cực đối với Đức Giáo hoàng. Với sự mến chuộng quá đặc biệt và truyền thông quá ngoại thường này, làm sao có thể hình dung ngài đang gặp hiểm nguy?
Đương nhiên trước hết phải hiểu cụm từ “một mình chống tất cả”. Nhưng với các kẻ thù rất thiện chiến. Độc giả sẽ thấy đa số này trong Giáo triều La Mã (nhưng cũng có những người rất đáng kể, phải chính xác nói như vậy!), mà Đức Phanxicô chưa hiểu cách làm việc khi ngài mới đến Rôma.
Những đấu tranh quyền lực, ảnh hưởng, giữa những người bảo thủ canh giữ giáo điều, không thật sự cởi mở với “một Giáo hội cho tất cả”, và các nhà cải cách, cởi mở hơn, sẵn sàng theo Đức Giáo hoàng không mệt mỏi trong các cuộc chiến, chiến đấu chống nạn nghèo khổ trên thế giới, chống bất công – nhưng họ lại là số rất ít, có khi lại chơi trò hai mặt. Đức Phanxicô nhìn thế giới dưới cặp mắt của một người Argentina, chuyện hiển nhiên này không phải lúc nào cũng được thấy rõ. Bạn không thể nào hiểu Đức Phanxicô nếu bạn không nắm rõ quá trình của ngài ở Buenos Aires và cũng không hiểu tất cả các sự kiện ngài đã đương đầu và cách nào ngài đã vượt qua.
Đó là một con người luôn chiến đấu. Quá trình của ngài giải thích cho công việc hiện tại và mang lại chỉ dẫn để hiểu tương lai. Ngài không thay đổi khi đến Rôma, chính ngài đã nói như vậy. Và quyển sách của tôi nói đến các đe dọa, rất nhiều, đang đè nặng trên ngài. Không phải chỉ bên trong nội bộ Vatican nhưng dĩ nhiên cả ở bên ngoài. Tôi nhắc lại, ngài đã thoát được vụ tấn công ở Phi Luật Tân, vụ này được khám phá chỉ vài giờ trước khi ngài đến đó…
Ông đã đi cùng máy bay với Đức Giáo hoàng. Ông cũng là ký giả Thụy Sĩ gần nhất của Đức Phanxicô, ông biết gia đình ngài, bạn bè ngài ở Argentina. Ông mô tả con người của ngài như thế nào?
Đó là một con người cực kỳ hấp dẫn. Với một sức lôi cuốn lạ lùng, có một chiều sâu đích thực, một tỏa sáng tuyệt đẹp nơi ánh nhìn, một sự đơn giản không chút màu mè. Tôi hiểu tôi được may mắn có thể đến được gần ngài, nhất là trong các chuyến tông du, dĩ nhiên là tôi không thân mật với ngài, nhưng tôi cũng đã rất hạnh phúc khi ngài nhận ra tôi! Ông biết đó, ngài chính thật là con người của ngài.
Phanxicô toát ra Lòng thương xót trong tất cả tầm rộng lớn của Lòng thương xót. Ngài cho thấy một lòng tốt vô biên, sự dịu dàng và lòng tha thứ. Có thể nào ngài tỏ ra cương nghị trong các quyết định của ngài, thậm chí là khắt khe trong cách quản trị của ngài không?
Ngài có thể rất cương nghị, giải quyết nhanh chóng, cách chức ai mà không nể nang như ngài đã làm với ông Daniel Anrig, chỉ huy trưởng Đội cận vệ Thụy Sĩ vào cuối năm 2014. Ngài cũng là nhà lãnh đạo, người ra lệnh, người đứng đầu một hãng xưởng, canh chừng xem công việc có thực hiện tốt không. Trên bình diện thế giới, đứng trước các nhà lãnh đạo quốc gia, nếu cần, ngài không ngần ngại mạnh dạn lên tiếng. Ngài có thể nói rõ sự việc trong các câu chuyện riêng tư thân mật. Ngoài công chúng, đôi khi ngài cũng tỏ ra bực bội nhưng phải quan sát kỹ mới thấy.
Ông viết phóng sự về các thành tích của bác sĩ phi hành gia Bertrand Piccard, ông này nói có “một bàn tay vô hình”, đương nhiên là tích cực, đã quan phòng hướng dẫn ông trong chuyến đi vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu. Đàng sau các ống kính, các đèn chiếu, các điện thoại thông minh, đâu là các chống đối ngăn Đức Phanxicô đạt đến mục đích của mình? Phanxicô có thật sự một mình? Ẩn đàng sau tất cả những chuyện này là ai?
Đó là một giáo hoàng làm phiền, tôi dùng lại tựa đề quyển sách của nữ đồng nghiệp tài giỏi Virginie Riva của tôi ở Europe 1, bà cũng xuất bản một quyển sách và rất nên đọc! Vậy, đây là giáo hoàng gây oán giận, thù hận, ganh tị kinh khủng. Khi bạn làm phiền, thì người ta sẽ tìm cách gièm pha, vu khống, dí chìm bạn, gạt bạn ra bên lề, cách này cách khác làm cho bạn biến mất. Và đó là đúng những gì đang xảy ra với ngài.
Người ta không ngần ngại loan truyền các điều vu khống tệ nhất, loan tin đồn, dựng đứng những chuyện để làm hại ngài. Các kẻ thù không bao giờ ngưng canh gác…
Thẳng thắn mà nói, không có gì ông có thể biết trước được cho những chuyện sẽ xảy ra ở Vatican. Ông Greg Burke, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh hiện nay đã nói thẳng, Đức Giáo hoàng này có thể thay đổi đời sống của chúng ta. Trong tận tâm hồn ông, cái gì đã làm cho ông mở cuộc điều tra này?
Đúng vậy, ngài cũng đã thay đổi đời tôi một chút! Dù sao cũng trong vài năm. Đúng vậy, ông có lý, không có gì tôi có thể nói trước được. Tất cả bắt đầu vào ngày 13 tháng 3-2013 ở Quảng trường Thánh Phêrô, sau khi ngài xuất hiện ở ban-công. Chiều hôm đó, tờ báo Thụy Sĩ L’Illustré của tôi cử tôi đi Buenos Aires. Và sau đó, tôi bị con siêu vi trùng này xâm nhập… Các tình bạn thân tình được thắt chặt ở Buenos Aires. Nhất là với bà Maria Elena, em ruột của ngài, một người đàn bà nhỏ nhắn mà tôi rất quý mến và có một tình dịu dàng vô cùng. Và rồi giáo hoàng này quá lôi cuốn, không thể nào bỏ được. Ngài làm cho chúng ta ngạc nhiên mỗi ngày!
Không có sô-cô-la Thụy Sĩ, nhưng có sô-cô-la Argentina, tác giả Arnaud Bédat thú nhận: “Ngài nhận ra tôi ngay lập tức. Làm sao nói nhỉ, câu chuyện như thử đi ra ngoài thời gian… Vì sao ngài cười nắc nẻ như thế? Tôi tặng ngài sô-cô-la mua ở tiệm sô-cô-la ngài yêu thích ở Argentina. Ngài thấy tờ giấy của tiệm, ngài hiểu ngay lập tức và cười nắc nẻ. Có vẻ như ngài vui suốt cả chuyến bay…”
Câu hỏi cuối: chúng tôi chúc gì cho quyển sách của ông và cho ông?
Là quyển sách gặp được độc giả của nó. Và cho tác giả thì quyển sách được đọc và được nhiều người yêu thích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét