Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC
Hôn nhân vốn dĩ là một điều thiện hảo quý giá do ân sủng của Thiên Chúa ban tặng, bởi có hôn nhân mới có gia đình, có gia đình mới có xã hội. Giai đoạn chuẩn bị hôn nhân là thời kỳ mang một tầm mức vô cùng quan trong, và vì thế nên “Giáo Hội đặc biệt ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên con đường hôn nhân và gia đình, ngõ hầu mở ra cho họ những chân trời mới bằng cách giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ cho sự sống.” (Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 1). Để người trẻ ý thức tầm mức quan trọng của bước chuẩn bị đó, dựa trên bản “Gợi ý Mục vụ năm 2017”, kẻ viết bài này đã chia sẻ 2 đề tài: “NGƯỜI TRẺ VỚI ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN” (tháng 12/2016) và “HÀNH TRÌNH CHUẨN BỊ HÔN NHÂN: ĐÍNH HÔN” (tháng 01/2017). Bước sang tháng 2/2017, xin được chia sẻ đề tài: “Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU VÀ TÍNH DỤC”.
I. Khái niệm về Tính dục:
1- Quan điểm triết học về Tính dục: Tình dục ( 情 欲 ) là khái niệm phản ánh quan hệ tính giao nam nữ. Cụ thể, tình dục ở loài người là năng lực giới tính, thể chất, tâm lý và sinh dục, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của nam giới và nữ giới. Tính dục ( 性 欲 ) là một khái niệm có nội hàm rộng hơn, vừa phản ánh mối quan hệ giới tính giữa 2 cá thể khác giới (trong đại đa số trường hợp) vừa chứa đựng những yếu tố tạo nên phần hữu hình (thể xác) và cả phần vô hình (tinh thần) của một con người. Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia thì khái niệm tính dục bao hàm:
* Nhận thức và cảm xúc về cơ thể mình và cơ thể người khác.
* Tính chất tâm lý bên trong và hành vi ứng xử bên ngoài.
* Cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu gần gũi về tình cảm với một ai đó.
* Cảm giác hấp dẫn tình dục với người khác.
* Các tiếp xúc tình dục: từ động chạm cơ thể đến giao hợp.
Các cẩm nang về tình dục đã có từ thời cổ đại, tuy nhiên chuyên ngành nghiên cứu “Tình dục học” được coi là mới xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX.
2- Quan điểm Ki-tô giáo về tính dục: Quan điểm Ki-tô giáo xác nhận thân xác và tính dục là công trình của Đấng Tạo Hóa, nó là quà tặng lớn lao đặt để trong thân xác con người khả năng sinh sản, cho con người tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tính dục như một thứ tinh thần nhập thể trong con người. Cần phân biệt “Tính dục” và “Tình dục”: Phạm vi “Tình dục” (情 欲) chỉ giới hạn trong tình yêu (eros) nam nữ (sự ham muốn chiếm đoạt thân xác); còn “Tính dục” (性 欲) thì phạm trù bao quát hơn, đó là tình bác ái (agape) là thành phần căn bản của cá tính, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với kẻ khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản. Tính dục tự nó có bản chất hướng đến tương quan liên vị hay hiệp thông nhân vị. Tính dục của con người là một điều thiện hảo được tặng ban từ Đấng Tạo Hóa. Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu vợ chồng, giúp vợ chồng thông hiệp với nhau, đem lại cho nhau niềm hoan lạc chính đáng và trao ban một sự sống khác.
II. Ý nghĩa sâu xa của Tình yêu và Tính dục:
Điểm then chốt phát sinh tính dục chính là Tình yêu. Chân lý “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8) làm nên đích điểm của tất cả những gì đã được mạc khải. Việc tạo dựng biểu lộ thẩm quyền toàn năng của Thiên Chúa Hóa Công đã được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan và được thúc đẩy bởi tình yêu vô lượng. Công việc cứu chuộc còn hùng hồn bày tỏ một biểu chứng sâu vững hơn nữa. Chỉ có tình yêu toàn năng mới có thể rút được sự lành từ sự dữ, sự sống mới từ tội lỗi và sự chết. Tình yêu là một thuộc tính căn bản của Thiên Chúa. Tất cả những gì Thiên Chúa làm là yêu thương, công bình và ngay thẳng. Đó là biểu mẫu hoàn hảo tuyệt đối của chân lý tình yêu bất biến.
Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est” (số 10) đã lý giải: “Tình yêu giữa một người nam và một người nữ, thứ tình không bị an bài trước và cũng chẳng bị bắt buộc, nhưng cách nào đó tự xảy đến trên con người, được gọi là eros (tình ái) trong tiếng Hy Lạp cổ. Chúng ta đã thấy rằng eros của Thiên Chúa dành cho loài người cũng hoàn toàn là agape. Điều này không chỉ vì tình yêu này được trao ban một cách rất hào phóng, nhưng không, nhưng còn vì đó là một tình yêu tha thứ. Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và là nguồn mạch của mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. Eros vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với agape.”
Trong ý nghĩa sâu xa đó, Thánh Phao-lô đã dạy: “Để tránh hiểm hoạ dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh. Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt.” (1Cr 7, 2-9). Và cũng chính vì thế, nên có thể xác quyết: Tình yêu và Tính dục có ý nghĩa thật sâu xa và giá trị vô cùng cao quý.
IV. Giá trị đích thực của Tình yêu và Tính dục:
Với mục đích giúp cho vấn đề thêm sáng tỏ, xin dựa vào tài liệu “Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người” (số 10-13) của Hội đồng Tư vấn Giáo hoàng (ban hành ngày 8/12/1996) để tìm hiểu:
1- Tình yêu và tính dục là công trình sáng tạo: Có thể nói công trình sáng tạo của Thiên Chúa (tạo dựng vũ trụ và vạn vật) được thực hiện là nhằm mục đích phục vụ con người (“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." – St 1, 28-30). Nói cách khác, công trình sáng tạo của Thiên Chúa thể hiện sinh động nhất Tình Yêu của Người, và vì thế nên “chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4, 16).
Quả thật khi tạo dựng nhân tính của con người có nam có nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa đã ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông (hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau). Do đó, Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của con người. Tình yêu cũng bao gồm cả thân xác con người và thân xác được dự phần vào tình yêu của tinh thần. Cũng bởi con người là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn biểu lộ trong một thân xác và một thân xác được sinh động do một tinh thần bất tử, nên nó được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể duy nhất tính của nó. Nhãn quan Ki-tô giáo nhìn nhận có hai cách thế chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương của nhân vị trong sự trọn vẹn của nó: đó là hôn nhân và trinh khiết. Cả hai cách thế đều là sự cụ thể hoá sự thật sâu xa về con người, “hữu thể theo hình ảnh của Thiên Chúa”.
2- Tình yêu và tính dục là hành vi nhân linh: Thánh Tô-ma A-qui-nô phân biệt “hành động của con người” và “hành vi nhân linh”. Chỉ có hành vi nhân linh mới được lượng giá về mặt luân lý, nghĩa là nó tốt hay xấu, vì con người thực hiện những hành vi đó cách tự do và ý thức. Vậy, tính chất luân lý của một hành vi nhân linh hệ tại điều gì? Giáo huấn luân lý của Ki-tô giáo phân biệt 3 yếu tố: một là chính hành động, hai là mục đích hay ý hướng của hành động, ba là những hoàn cảnh chung quanh hành động (GL/HTCG, số 1749-1750). Đó là 3 yếu tố cấu thành hành vi nhân linh trong tình yêu và tính dục, như Tông huấn về Gia đình “Familiaris consortio” (số 11) khẳng định:
“Bởi thế, tính dục mà nhờ đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau bằng những hành vi riêng biệt và chỉ dành riêng cho đôi bạn, tính dục ấy không phải là một điều thuần tuý sinh lý, nhưng có liên hệ đến nhân vị trong mức thâm sâu nhất mà nhân vị ấy có được. Tính dục ấy chỉ được thực hiện một cách nhân bản đích thực, nếu nó là một thành phần làm nên tình yêu, trong đó người nam và người nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết. Sự trao hiến hoàn toàn theo thể xác sẽ giả dối nếu nó không phải là dấu chỉ và kết quả của sự trao hiến cả ngôi vị, trong đó toàn thể ngôi vị đều hiện diện, cả trong chiều kích trần tục của nó. Nếu người ta dành lại bất cứ điều gì, hoặc dành cho mình quyền có thể quyết định khác đi sau này, thì như thế không còn là một sự trao hiến hoàn toàn nữa.”
Con người được mời gọi để yêu và để tự hiến trong sự thống nhất hồn xác. Phái nam và phái nữ là những hồng ân bổ sung cho nhau. Từ thực tế này, tính dục con người là phần căn bản của khả năng cụ thể để yêu mà Thiên Chúa đã đặt để trong người nam cũng như người nữ. Tính dục là thành phần căn bản của cá tính, nó là một cách thức hiện hữu, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với kẻ khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản. Khả năng yêu thương được xem như là tự hiến “nhập thể” trong nền tảng hôn nhân của thân xác. Thân xác con người với giới tính nam nữ, nếu được nhìn từ mầu nhiệm sáng tạo, không những là nguồn của sung mãn và sinh sản như trong trật tự của toàn thể tự nhiên, nhưng được chứa chất “ngay tự ban đầu” đặc tính “phu thê”. Mọi hình thức tình yêu đều mang dấu ấn phái tính nam nữ.
Như thế, Tính dục của con người là một điều thiện hảo, vì đó là một phần của quà tặng sáng tạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người để được sống và hiện hữu như người nam hay người nữ, trong một sự hiện hữu duy nhất với những khả năng vô tận trong việc phát triển tinh thần và luân lý: “Ðời sống con người được đón nhận như một quà tặng, để tới phiên mình tiếp tục được trao ban” (La vie humaine est un don reçu pour être à son tour donné).” Có thể nói, quà tặng giúp cho thấy được tính chất đặc thù của sự hiện hữu cá nhân, hay rõ hơn, bản chất của chính cá nhân. Khi Ðức Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18) là Người xác nhận con người “đơn độc” không thể nào thể hiện trọn vẹn được bản chất của mình. Con người chỉ thực sự sống đúng bản chất khi sống “với kẻ khác”, và rõ hơn là sống “cho kẻ khác”. Khi con người bộc lộ và tự ban tặng mình cho kẻ khác, tình yêu vợ chồng mang lấy hình thức tự hiến trọn vẹn đặc thù cho bậc sống này.
Kể cả ơn gọi sống đời tận hiến cho Chúa, “một hình thức vượt trổi để dễ dàng tận hiến cho Chúa bằng tình yêu trọn vẹn không chia sẻ”, để có thể phục vụ Người trong Hội Thánh cách tốt nhất, ơn gọi này cũng nhận được ý nghĩa của mình trong sự tự hiến được ân sủng của Chúa đỡ nâng. Trong mọi hoàn cảnh và bậc sống, việc tận hiến này còn kỳ diệu hơn nữa nhờ hoạt động của ân sủng cứu độ, nhờ ân sủng này mà chúng ta “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1, 4) và được kêu gọi để sống hiệp thông tình yêu siêu nhiên với Thiên Chúa và mọi người. Rõ ràng “Con người là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn biểu lộ trong một thân xác và là một thân xác được sinh động do một tinh thần bất tử, nên nó được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể tính thống nhất của nó. Tình yêu thương cũng bao gồm cả thân xác con người và thân xác được dự phần vào tình yêu thương của tinh thần.” (T/H “Familiaris Consortio”, số 11).
Chính nhờ điểm then chốt đó trong giá trị đích thực của tình yêu và tính dục trong hôn nhân, nên có thể nói vấn đề mang hai chiều kích tương giao đồng thuận chủ yếu trong một chân lý bất biến như đã trình bày ở trên: 1- “Tình yêu và tính dục” là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là hồng ân ban tặng cách nhưng không cho con người; và vì thế nên: 2- “Tình yêu và tính dục” là hành vi nhân linh của con người – một hành vi sáng tạo của con người (sinh sản con cái) cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa (tạo dựng loài người).
Kết luận:
Tóm lại, “Ý nghĩa và giá trị của tình yêu và tính dục” trong hôn nhân Ki-tô giáo là sợi dây liên kết thánh thiện vì chính ích lợi của lứa đôi, của con cái, của xã hội và hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi thành viên. “Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, do đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Nên tình vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm hồn một phẩm giá đặc biệt, và khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu đôi bạn. Bởi một ơn huệ đặc biệt của ơn sủng và của tình thương, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến.” (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 49).
Người Ki-tô hữu cần ý thức vấn đề: Chẳng ai là chủ nhân ông tuyệt đối trong giới tính của mình. Khi tương giao tính dục được thực hiện, nó là một hành vi có tính cộng đồng dù chưa đi vào hay nằm ngoài định chế pháp luật của nhà nước về hôn nhân. Khác với mọi tạo thành khác, tính dục vừa là công trình của sáng tạo vừa có khả năng sáng tạo. Chính tại điểm này mà đời sống hôn nhân ngay từ nguyên thủy đã mang dáng dấp thần tính thiêng liêng. Mọi thụ tạo hướng đến ơn cứu độ đã được hoàn thành trong cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, vì vậy, khả năng sáng tạo của tính dục sẽ làm cho con người được thăng hoa khi kết hợp với Nguồn Ơn Cứu Độ.
Rõ ràng “Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý chí, nhưng thống trị con người trọn vẹn” (Tđ “Deus Caritas Est”, số 3). Chính vì thế “các Ki-tô hữu có bổn phận phải loan báo cách vui tươi và xác tín, "Tin Mừng" về gia đình, vì một cách tuyệt đối, gia đình đang còn và mãi mãi vẫn còn cần nghe và cần hiểu ngày càng sâu sắc hơn, những lời đích thực mạc khải cho gia đình biết chân tính của nó, những tiềm năng và tầm quan trọng sứ mạng gia đình trong xã hội loài người và trong Hội Thánh Thiên Chúa.” (T/H “Familiaris Consortio”, số 86). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét