Tại Đại sảnh Phaolô VI, nơi thường diễn ra các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Phanxicô, Đại hội Quốc tế Lần Thứ ba về Giáo lý đã diễn ra trong 3 ngày, 8-10 tháng 9, 2022.



Tưởng cũng nên nhắc lại, Đại hội Quốc tế về Giáo lý lần thứ nhất được tổ chức tại Phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục mới xây dựng tại cùng địa điểm với Đại sảnh Phaolô VI, kéo dài 4 ngày từ 8 tới 11 tháng 10, năm 2002 để đánh dấu 10 năm công bố Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo và 5 năm ngày ban hành Sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Giáo lý. Đại hội lần thứ hai được tổ chức tại Đại sảnh Phaolô VII trong 4 ngày từ ngày 20 tới ngày 23 tháng 9, 2013, nhân Năm Thánh về Đức tin.

Đại hội lần thứ ba, với sự tham dự của 1,400 nhà thần học thuộc 82 quốc gia, cũng được tổ chức tại Đại sảnh Phaolô VI, kéo dài trong 3 ngày từ 8 tới ngày 10, tháng 9, 2022. Chủ đề của Đại hội là “Giáo lý viên, chứng tá đời sống mới trong Chúa Kitô”. Đại hội được nghe các bài thuyết trình của một số nhân vật quan trọng, như Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, nói về “Viễn ảnh đồng nghị cho một nền giáo lý truyền giảng Tin Mừng. Ngày cuối cùng, lúc 11 giờ 45, đại hội đã được yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Nhân dịp này, theo CNA, Đức Thánh Cha đã khuyến khích các giáo lý viên truyền giảng kinh nghiệm sống đức tin. Ngài tỏ bầy niềm vui lớn khi được gặp họ và ca ngợi tính đa dạng quốc tế của họ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của các giáo lý viên trong Giáo hội, gọi họ là "dấu chỉ trách nhiệm của Giáo hội đối với rất nhiều người: trẻ em, thanh niên và người lớn muốn thực hiện một hành trình đức tin." Ngài giải thích rằng ngài đã thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên vì biết vai trò to lớn của nó trong cộng đồng Kitô hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chào đón tất cả mọi người tại buổi tiếp kiến này như là giáo lý viên, bao gồm các giám mục, linh mục và các thành viên thánh hiến trong số họ, vì tất cả đều là giáo lý viên. “Chúa kêu gọi tất cả chúng ta làm cho Tin Mừng của Người vang dội trong lòng mọi người”.

Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ rằng ngài thực sự thích buổi Tiếp kiến Chung hàng tuần của mình vào thứ Tư tại Vatican, vì đây là "thời gian đặc ân" để cùng nhau suy gẫm về Lời Chúa theo truyền thống của Giáo hội và tìm cách làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Không bao giờ mệt mỏi làm giáo lý viên

Đức Thánh Cha khuyến khích các giáo lý viên đừng bao giờ mệt mỏi với thừa tác vụ của mình, tránh dạy giáo lý kiểu 'thuyết giảng ở trường học', và cố gắng cung cấp một "kinh nghiệm sống đức tin mà mỗi người chúng ta muốn truyền lại cho các thế hệ mới."

Ngài thừa nhận vào thời điểm này, việc dạy giáo lý là một công việc đầy thách thức vì nó liên quan đến việc tìm ra những cách tốt nhất để truyền đạt đức tin cho các nhóm tuổi và tầng lớp xã hội khác nhau.

Ngài lưu ý, điều cốt yếu là cuộc gặp gỡ liên ngã giúp “mở rộng tâm hồn” để nghe Tin Mừng và chấp nhận lời mời để sống và lớn lên trong đời sống Kitô hữu. Đức Thánh Cha đã đề cập đến Sách Hướng dẫn Giáo lý mới được phát hành gần đây sẽ cung cấp những hướng dẫn hữu ích, đặc biệt về cách đổi mới việc dạy Giáo lý trong các giáo phận và giáo xứ.

Dạy Giáo Lý: Gặp gỡ và chào đón Chúa

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh mục đích của việc dạy giáo lý, mô tả nó như là một "giai đoạn đặc ân của việc phúc âm hóa", nơi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và cho phép Người lớn lên trong cuộc sống của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ chủ đề của Đại hội Quốc tế lần thứ ba này chính là “Giáo lý viên, chứng nhân của đời sống mới trong Chúa Kitô,” tập trung vào phần thứ ba của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Đặc biệt, ngài lưu ý những gì Sách Giáo lý nói về việc thực sự trở thành những chứng nhân cho cuộc sống mới này.

“Khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, dự phần vào các mầu nhiệm của Người và tuân giữ các điều răn của Người, thì chính Đấng Cứu Rỗi đến để yêu thương, trong chúng ta, Cha của Người và anh em của Người, Cha của chúng ta và anh em của chúng ta. Con người của Người, nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành quy tắc sống động và nội tâm của sinh hoạt chúng ta. (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2074)”

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta điều răn này là "các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con", Đức Giáo Hoàng nói thế, vì tình yêu đích thực đến từ Thiên Chúa và Chúa Giêsu được mạc khải qua mầu nhiệm Người hiện diện giữa chúng ta, lời Người rao giảng, phép lạ Người làm, và đặc biệt qua cái chết và sự phục sinh của Người.

“Tình yêu của Chúa Kitô vẫn là điều răn đích thực và duy nhất của sự sống mới, mà Kitô hữu, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, thực hiện mỗi ngày trong cuộc hành trình không bao giờ dừng lại của mình.”

Trở về nguồn yêu thương

Trong lời kết luận, Đức Thánh Cha nhắc nhở các giáo lý viên rằng họ được “kêu gọi làm cho con người của Chúa Giêsu Kitô trở thành hữu hình và đụng chạm được, Đấng yêu thương mỗi người trong anh em,”; Người hướng dẫn cuộc sống của chúng ta và giúp chúng ta phân định được các hành động đạo đức của chúng ta.

“Đừng bao giờ quay lưng lại với nguồn yêu thương này, vì đó là điều kiện để luôn được hạnh phúc và tràn đầy niềm vui bất chấp mọi sự. Đây là sự sống mới nảy nở trong chúng ta vào ngày Rửa tội và chúng ta có trách nhiệm chia sẻ với mọi người để nó lớn lên trong mỗi người và sinh hoa kết trái”.

Đức Giáo Hoàng đã ứng khẩu nói vắn tắt về các giáo lý viên từng đóng góp vào cuộc sống và hành trình đức tin của chính ngài. Đặc biệt, ngài tỏ lòng kính trọng đến Sơ Dolores lớn tuổi, người đã dạy dỗ ngài khi ngài còn nhỏ, và người mà ngài nhớ mãi đến hôm nay vì sự tận tụy, chăm sóc và ấn tượng của dì đã để lại cho ngài, giúp ngài trong đời sống đức tin. Ngài khuyến khích các giáo lý viên đừng bao giờ coi thường công việc tốt đẹp và ấn tượng mà họ có thể có trong thừa tác vụ của mình đối với người khác, như Sơ Dolores đã làm với ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành cho họ, ủy thác các giáo lý viên cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và tất cả các giáo lý viên tử đạo.

Nguyên văn Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tham dự viên của Đại hội Quốc tế Lần Thứ ba về Giáo lý

Các giáo lý viên thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Thật là một nguồn vui khi được gặp anh chị em vì tôi ý thức rõ sự dấn thân của anh chị em trong việc truyền tải đức tin. Như Đức Tổng Giám Mục Fisichella - người mà tôi cảm ơn vì buổi gặp gỡ này - đã nói, anh chị em xuất thân từ nhiều quốc gia khác nhau và là dấu hiệu cho thấy trách nhiệm của Giáo hội đối với nhiều người: trẻ em, thanh niên và người lớn yêu cầu được thực hiện hành trình đức tin của họ.

Tôi chào tất cả anh chị em như các giáo lý viên. Tôi cố ý gọi như vậy. Tôi thấy trong số anh chị em có một số giám mục, nhiều linh mục và những người thánh hiến: họ cũng là những giáo lý viên. Thật vậy, tôi phải nói rằng, họ là những giáo lý viên trước hết và quan trọng nhất, vì Chúa kêu gọi tất cả chúng ta làm cho Tin Mừng âm vang trong tâm hồn mỗi người. Thú thực với anh chị em, tôi rất thích buổi yết kiến sáng Thứ Tư, khi hàng tuần tôi gặp nhiều người đến tham dự buổi dạy giáo lý. Đây là một thời điểm diễm phúc, bởi vì, bằng việc suy gẫm Lời Chúa và truyền thống của Giáo Hội, chúng ta bước đi như là Dân Thiên Chúa, và chúng ta cũng được yêu cầu tìm ra những hình thức cần thiết để làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày.

Tôi khẩn khoản xin anh chị em: đừng bao giờ mệt mỏi làm giáo lý viên. Không phải là “giảng một bài học” về việc dạy giáo lý. Việc dạy giáo lý không thể giống như một giờ học ở trường, mà là một kinh nghiệm sống đức tin mà mỗi người chúng ta cảm thấy muốn truyền lại cho các thế hệ mới. Chắc chắn, chúng ta phải tìm ra những cách tốt nhất để bảo đảm việc truyền đạt đức tin phù hợp với lứa tuổi và việc chuẩn bị cho người ta lắng nghe chúng ta; thế nhưng cuộc gặp gỡ bản thân của chúng ta với mỗi người trong số họ là điều có tính quyết định. Chỉ có cuộc gặp gỡ liên ngã mới mở tấm lòng để đón nhận lời loan báo đầu tiên và ước muốn lớn lên trong đời sống Kitô hữu với sự năng động thích hợp mà việc dạy giáo lý cho phép. Sách Hướng dẫn dạy Giáo lý mới, đã được gửi đến các anh chị em trong những tháng gần đây, sẽ rất hữu ích để anh chị em hiểu cách tuân theo hành trình này và cách đổi mới việc dạy Giáo lý trong các giáo phận và giáo xứ.

Anh chị em đừng bao giờ quên mục đích của việc dạy giáo lý, vốn là một giai đoạn diễm phúc trong việc truyền bá phúc âm, đó là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và để Người lớn lên trong chúng ta. Và ở đây, chúng ta đi thẳng vào các điều chuyên biệt của Đại hội Quốc tế lần thứ ba của anh chị em, vốn nhằm xem xét phần thứ ba của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Có một đoạn trong Sách Giáo Lý mà tôi nghĩ là quan trọng cần cung cấp cho anh chị em liên quan đến việc anh chị em trở thành "Nhân Chứng của cuộc sống mới". Nó nói: “Khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, dự phần vào các mầu nhiệm của Người và tuân giữ các điều răn của Người, thì chính Đấng Cứu Rỗi đến để yêu thương, trong chúng ta, Cha của Người và anh em của Người, Cha của chúng ta và anh em của chúng ta. Con người của Người, nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành quy tắc sống động và nội tâm của sinh hoạt chúng ta” (2074).

Chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng điều răn của Người là thế này: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Tình yêu đích thực là tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa và được Chúa Giêsu mạc khải bằng mầu nhiệm sự hiện diện của Người giữa chúng ta, bằng lời rao giảng, phép lạ của Người và trên hết bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Tình yêu của Chúa Kitô vẫn là giới răn đích thực và duy nhất của sự sống mới, sự sống mà người Kitô hữu, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, biến thành của mình hàng ngày trong một hành trình không biết nghỉ ngơi.

Các giáo lý viên thân mến, anh chị em được yêu cầu phải làm cho con người của Chúa Giêsu Kitô trở nên hữu hình và chạm tới được, Đấng yêu thương từng người trong anh chị em, và do đó trở thành quy tắc của đời sống chúng ta và là tiêu chuẩn phán đoán các hành động đạo đức của chúng ta. Đừng bao giờ lạc khỏi nguồn yêu thương này, bởi vì nó là điều kiện để được hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, luôn luôn và bất chấp mọi điều. Đây là sự sống mới nảy sinh trong chúng ta vào ngày chịu Phép Rửa, và chúng ta có trách nhiệm chia sẻ với mọi người, để nó phát triển trong mọi người và sinh hoa kết trái.

Tôi chắc chắn rằng cuộc hành trình này sẽ dẫn dắt nhiều anh chị em khám phá trọn vẹn ơn gọi làm giáo lý viên, và do đó xin gia nhập thừa tác vụ giáo lý viên. Tôi thiết lập thừa tác vụ này vì biết rõ vai trò lớn lao của nó trong cộng đồng Kitô hữu. Anh chị em đừng sợ: nếu Chúa kêu gọi anh chị em đến với thừa tác vụ này, anh chị em hãy theo Người! Anh chị em sẽ là những người tham gia vào sứ mệnh của Chúa Giêsu là loan báo Tin Mừng của Người và dẫn nhập người khác vào mối liên hệ hiếu thảo với Thiên Chúa Cha.

Và tôi không muốn kết thúc - tôi cho là tốt và đúng - mà không nhớ đến các giáo lý viên của tôi. Có một nữ tu dẫn đầu một nhóm giáo lý viên; đôi khi dì dạy, đôi khi hai phụ nữ tốt cùng dạy, cả hai đều có tên là Alicia, tôi nhớ mãi. Và người nữ tu này đã đặt nền móng cho đời sống Kitô hữu của tôi, chuẩn bị cho tôi Rước lễ lần đầu, trong những năm từ 1943 đến 1944. Tôi không nghĩ có ai trong số anh chị em sinh ra vào thời điểm đó. Chúa cũng ban cho tôi một ân sủng rất lớn. Dì ấy đã rất cao tuổi, tôi là một sinh viên, đang du học ở Đức, và sau khi học xong tôi trở về Argentina, và một ngày sau dì qua đời. Tôi đã có thể đồng hành với dì ngày hôm đó. Và khi tôi ở đó, cầu nguyện trước quan tài của dì, tôi cảm tạ Chúa vì chứng tá của vị nữ tu đó, người đã dành gần như hoàn toàn cuộc đời dì cho việc dạy giáo lý, chuẩn bị cho trẻ em và thanh thiếu niên Rước Lễ Lần Đầu. Dì ấy có tên là Dolores. Tôi muốn nói điều này để làm chứng rằng một giáo lý viên tốt để lại dấu vết; không chỉ là dấu vết của những gì người đó gieo, mà còn là dấu vết của người đã gieo. Tôi hy vọng rằng những người trẻ của anh chị em, con cái anh chị em, người lớn tuổi của anh chị em, những người anh chị em đồng hành trong việc dạy giáo lý, sẽ luôn nhớ đến anh chị em trước mặt Chúa như một người đã gieo những điều tốt và đẹp trong lòng họ.

Tôi đồng hành với tất cả anh chị em bằng phép lành của tôi. Tôi giao phó anh chị em cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và các giáo lý viên tử đạo - có rất nhiều người trong số họ, điều này rất quan trọng - ngay trong thời đại của chúng ta, cũng có rất nhiều người trong số họ! Và tôi xin anh chị em, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
 
Vietcatholic News