Đức Hồng Y Pell: Đứng vững với Lời Thiên Chúa
Vũ Văn An
Trước các ngả nghiêng về luân lý và tín lý ngày càng trầm trọng thêm hiện nay, Đức Hồng Y George Pell, nguyên chủ tịch Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh, lên tiếng trên tạp chí First Things, khuyên nên đứng vững với Lời Thiên Chúa:
Cách đây khá lâu, trong những ngày còn ở chủng viện, một người bạn linh mục trẻ của tôi đã tham dự một bài giảng dẫn nhập vào Sách Khải huyền và Kinh thánh. Giảng viên nói với cả lớp rằng có khoảng cách đáng kể giữa thông điệp, sứ điệp và giáo huấn thực sự của Thiên Chúa và các văn bản chúng ta có trong Cựu ước và Tân ước. Vị giảng viên không nói, như bề trên tổng quyền Dòng Tên, rằng chúng ta không biết Chúa Giêsu Kitô đã dạy gì vì lúc đó chưa có máy ghi âm, không có điện thoại để ghi lại khoảnh khắc ấy. Nhưng quả bà ấy đi theo hướng đó.
Bạn tôi ngây ngô hỏi Công đồng Vatican II có nói gì về chủ đề này không. Vị giảng viên, tự tin vào chuyên môn của mình, giải thích rằng có. Tài liệu được gọi là gì? Nhanh như chớp, câu trả lời đến ngay: “Dei Verbum,” Lời Thiên Chúa. Chỉ khi bà dừng lại để mỉm cười và tận hưởng sự đóng góp của mình, giảng viên mới nhận ra rằng bà đã sai lầm. Kinh thánh là lời của Thiên Chúa dành cho chúng ta, được viết bằng các hình thức và phong cách khác nhau và ở các thời đại khác nhau bởi các tác giả loài người. Mặc dù chúng không được tổng lãnh thiên thần Gabriel đọc từng chữ, như người Hồi giáo cho rằng Kinh Qur'an được như thế, chúng vẫn là Lời của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Hai chủ đề chính gây căng thẳng một cách sáng tạo trong bốn kỳ họp của Công đồng Vatican II ở Rôma (1962–65) là “aggiornamento”, hoặc cập nhật mọi điều, và “ressourcement”, hoặc trở lại các nguồn để lấy linh hứng. Tất nhiên, cả hai thuật ngữ đều bao hàm khá nhiều khía cạnh. Chúng ta đọc các dấu chỉ thời đại để đưa Giáo hội đến chỗ được cập nhật. Nhưng như nhà thần học Tin lành người Thụy Sĩ Karl Barth đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: cập nhật là gì? Sự thật được tìm thấy vào thời kỳ nào và ở những chỗ nào?
Đối với người Công Giáo, nguồn là gì? Tương phản với những người Thệ phản, người Công Giáo minh nhiên nại tới cả Kinh thánh lẫn Truyền thống, như đã được Công đồng Trent dạy bảo. Dei Verbum, hay Hiến chế tín lý về Mạc khải Thiên Chúa, được khai triển trong bốn phiên họp, là một trong những đóng góp tốt nhất của Công đồng, giải quyết nhiều căng thẳng trí thức trong Giáo hội và về phương diện đại kết. Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là sáng tạo của con người, cũng không phải là kẻ áp bức, nhưng tự mạc khải chính mình Người và sứ điệp cứu rỗi của Người qua Chúa Giêsu Kitô, “Đấng trung gian và tóm kết toàn thể mạc khải.”
Thánh kinh và Thánh truyền gắn kết với nhau, phát xuất từ cùng một nguồn cội thần linh, và hướng tới cùng một mục đích. Thánh truyền lưu truyền Lời Thiên Chúa, được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần giao phó cho các tông đồ. “Truyền thống thánh thiêng và Sách thánh tạo nên một kho thánh thiêng duy nhất của Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum, 7–8). Những quan điểm này đã được tái khẳng định gần như nhất trí trong Thượng Hội Đồng Rôma về Lời Chúa năm 2008.
Trong những thời kỳ hậu công đồng này, giống như các giáo hội và giáo phái khác ở phương Tây, Giáo Hội Công Giáo phải đối đầu với một điều mới mẻ trong lịch sử của mình. Giáo Hội sống ở một số quốc gia nơi nhiều người, đôi khi là đa số, sống phi tôn giáo, dù không phản tôn giáo. Những người ngoại giáo thời La Mã cổ xưa không phải là phi tôn giáo - hầu hết là mê tín, tin vào nhiều loại thần thánh. Tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô và các cộng đồng Kitô giáo của họ đều đau buồn vì sự vô tín của phương Tây, nhưng thường bị chia rẽ một cách cay đắng và nền tảng về cách tốt nhất để xoay chuyển tình thế này.
Vấn đề trên có thể được phát biểu nhiều cách. Có phải những lời dạy của Chúa Kitô — và nhất là các ý tưởng Công Giáo về sự hy sinh và tình dục, về nhu cầu cầu nguyện và ăn năn — chỉ là lỗi thời, bị thay thế giống như niềm tin rằng mặt trời quay quanh trái đất không? Có phải thuyết tiến hóa và hàng triệu năm của loài khủng long đã đánh bật thần thoại Do thái-Kitô giáo ra khỏi vị trí của nó không? Mọi người có bị bắt buộc phải tin với Comte rằng thời đại của tôn giáo đã qua đi, rằng không còn có thể giữ cho Kitô giáo được cập nhật nữa?
Tất nhiên, những người có đức tin sẽ bác bỏ những hình thức vô tín ngưỡng triệt để này và đương đầu với tình hình bằng những hạn từ nhiều sắc thái hơn. Thế giới hiện đại đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo và mù chữ, giảm đói và tăng tuổi thọ. Không thể phủ nhận những tiến bộ ngoạn mục của khoa học, kỹ thuật và y học. Trong những lĩnh vực này, chúng ta chắc chắn biết nhiều hơn tổ tiên chúng ta, mặc dù có quá nhiều người trẻ của chúng ta mong manh và khốn khổ, bị xiềng xích bởi thói quen theo nhiều cách không hay ho khác nhau. Thí dụ, tỷ lệ tự tử của thanh niên ở Úc quá cao. Tại sao lại có sự tương phản giữa sự tiến bộ và sự gia tăng đau khổ?
Trong khi chúng ta tiếp tục tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa đầy yêu thương của chúng ta và tiếp tục chiêm ngưỡng những lời dạy tuyệt vời của Chúa Giêsu, Con của Đức Maria, Đấng đã bị đóng đinh bởi người La Mã và các nhà chức trách tôn giáo Do Thái gần hai nghìn năm trước, há chúng ta lại không nhận ra tốt hơn bao giờ hết rằng trong khi Chúa Giêsu là một thiên tài và một nhà tiên tri, Người cũng là một con người với những giới hạn về tuổi tác, văn hóa và tôn giáo của Người hay sao? Do đó, Kitô hữu có được phép, cùng với những vị giáo phẩm cao cấp nói tiếng Đức, bác bỏ các giáo huấn căn bản của Kitô giáo về tình dục vì họ tin rằng những lời giáo huấn đó không còn phù hợp với kiến thức khoa học hiện đại không? Hơn thế nữa, các Kitô hữu có bị khoa học hiện đại buộc phải bác bỏ các giáo huấn đó và các giáo huấn Kitô giáo tương tự như vậy không?
Hai sự phát triển gần đây đáng chú ý. Tại cuộc họp gần đây của Con đường Đồng nghị Đức, gần hai phần ba số giám mục Đức dường như đã đi hơi xa một chút theo hướng bác bỏ, và Bộ Giáo lý Đức tin đã không bình luận gì. Bây giờ các giám mục Bỉ cũng đang di chuyển cùng một hướng. Những lực lượng này, những lực lượng muốn phá hủy tính độc hữu của hôn nhân dị tính, giáo huấn luân lý Do thái – Kitô giáo cổ xưa ấy, và hợp pháp hóa hoạt động tình dục đồng tính, đang làm việc để truyền bá chất độc của họ.
Tân Ước vạch rõ bổn phận của Người Kế vị Thánh Phêrô, con người đá tảng, nền đá (Mt. 16:18), là củng cố đức tin của anh em mình — nhất là khi một số người đang suy yếu (Lc. 22:32). Hiện đang cần có hành động dứt khoát từ Bộ Giáo lý Đức tin, để ngăn chặn tình trạng xấu thêm và sửa chữa sai lầm.
Lời tuyên bố của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich rằng ngài không còn muốn thay đổi học thuyết của Giáo hội đáng được hoan nghênh, và Đức Hồng Y Reinhard Marx cũng đã phần nào đi theo hướng này. Đây là những bước phát triển tốt; nhưng phần lớn các giám mục Đức thì sao?
Ai có sự thật trong cuộc tranh chấp này? Ý kiến khai sáng của phương Tây và những người Công Giáo Đức có thiện cảm với nó, hay giáo huấn Kitô giáo truyền thống, vốn được đa số áp đảo những người thờ phượng Công Giáo ủng hộ? Kitô hữu quyết định như thế nào? Đâu là các tiêu chuẩn? Ban đầu chúng ta có thể quay trở lại với Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc Bộ Giáo luật, nhưng việc quay trở lại với thuật ngữ và các giáo huấn của Công đồng Vatican II cũng rất hữu ích.
Đâu là chữ cuối cùng cần được khám phá? Câu trả lời phụ thuộc vào các sự thật đang được thảo luận, vì Giáo hội không có tài chuyên môn đặc thù nào để quyết định sự thật của khoa học, lịch sử, hay kinh tế học. Tuy nhiên, với huấn quyền Công Giáo, cả Cựu ước lẫn Tân ước đều dạy rằng mạc khải có thẩm quyền về luân lý cũng như đức tin. Do đó, các chân lý luân lý phải được công nhận và thừa nhận trong truyền thống tông đồ.
Giáo huấn Công Giáo cho rằng giáo hoàng, các giám mục và tất cả các tín hữu là những người phục vụ và bảo vệ truyền thống tông đồ, không có quyền bác bỏ hoặc bóp méo các yếu tố thiết yếu, đặc biệt khi truyền thống đang được khai triển và giải thích. Điều đang tranh cãi khi chúng ta bác bỏ giáo huấn luân lý căn bản về tình dục (chẳng hạn) không phải là một đoạn trong Sách Giáo lý Công Giáo, hoặc giáo luật của Giáo hội, hoặc thậm chí là một sắc lệnh công đồng. Chính Lời Thiên Chúa, vốn được trao phó cho các tông đồ, đang bị bác bỏ. Chúng ta không biết rõ hơn Thiên Chúa.
Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa, như thấy trong Kinh Thánh, được chấp nhận như Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phục tùng và tuân theo. Chúng ta đứng vững dưới Lời Thiên Chúa.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét