Đơn giản hóa từ vựng thiêng liêng của chúng ta
Ronald Rolheiser, 2011-05-29
Lúc gần sinh nhật 75 tuổi, Morris West viết một tập các bài tự sự với nhan đề Một cái nhìn từ sườn núi. Trong phần mở đầu quyển sách, ông nói ở tuổi 75, bạn chỉ cần giữ lại một từ duy nhất trong từ vựng thiêng liêng của mình, lòng biết ơn, và đạt đến sự trưởng thành ở chính cái lúc lòng biết ơn bắt đầu đuối đi và đốt cháy vết thương trong cuộc đời bạn. Và ông miêu tả điều đó như thế này: Cuộc đời đã phục vụ cho tôi như cách nó phục vụ cho mọi người, đôi khi tốt đẹp đôi khi tệ hại, nhưng tôi đã học được cách biết ơn những món quà của nó, biết ơn tình yêu đã khởi sự cuộc đời đó và các tình yêu khác mà tôi đã được ban cho một cách hào phóng.
Tôi đồng ý với West, dù cần phải nói thêm rằng hoa trái của sự trưởng thành là lòng tha thứ. Cũng như khói đi với lửa, tha thứ đi kèm với lòng biết ơn. Lòng biết ơn rốt cuộc là trụ đỡ, là bình nạp nhiên liệu cho mọi đức hạnh chân chính, là nền tảng thật sự của thần thánh, là cội nguồn của chính tình yêu. Và hoa trái chính của nó là lòng tha thứ. Khi chúng ta biết ơn, chúng ta dễ dàng tìm được sức mạnh để tha thứ hơn.
Tuy nhiên vì lòng biết ơn được xem là một đức tính thì lòng tha thứ cũng là một đức tính về mặt tôn giáo và đạo đức. Như thế, khi về già, chúng ta có thể rút ngắn từ vựng thiêng liêng vào còn ba chữ: Tha thứ, tha thứ, tha thứ! Già và chết với quả tim tha thứ là có tinh thần đạo đức tối thượng. Chúng ta không thể nào bị ru ngủ về vấn đề này. Mọi tín điều và đạo đức trong sáng của trần gian này chẳng làm gì được cho chúng ta nếu quả tim chúng ta còn cay đắng và không thể tha thứ.
Chẳng hạn, chúng ta thấy điều này trong hình dáng buồn rầu người anh của đứa con hoang đàng. Anh đứng cạnh cha, phản đối mình chưa bao giờ đi hoang, chưa bao giờ bất trung, đã ở với gia đình và làm mọi việc nhà. Nhưng, đây chính là vấn đề, anh lại đứng bên ngoài ngôi nhà của cha, không cách nào vui vẻ bước vào, ăn mừng, tiệc tùng, khiêu vũ. Anh làm mọi việc đúng đắn, nhưng với quả tim chua chát nên anh không bước vào ngôi nhà của cha, cũng giống như các chuyến đi lang thang phóng đãng của người em trai đưa nó ra khỏi ngôi nhà của cha. Lòng trung thành về đạo đức và tôn giáo, nếu không bắt rễ sâu xa từ lòng biết ơn và tha thứ, thì còn lâu mới đủ. Những điều này, cũng như tloi và sự bất trung, làm cho chúng ta ở bên ngoài ngôi nhà của cha. Chúa Giê-su đã kiên quyết dạy chúng ta qua kinh Lạy Cha, một điều kiện không thể nhân nhượng để được lên thiên đàng là sự tha thứ, đặc biệt là tha thứ cho những ai đã làm tổn thương chúng ta.
Nhưng đấu tranh để tha thứ không phải là chuyện dễ dàng và không bao giờ bị coi là chuyện nhỏ nhặt hay rao giảng một cách hời hợt. Tôi ngờ rằng, đấu tranh để tha thứ là cuộc chiến đấu vĩ đại nhất của chúng ta về mặt tâm lý, luân lý và tôn giáo. Tha thứ không hề dễ dàng. Phần lớn mọi điều trong thâm tâm ta đều chống đối điều này. Khi đã bị đối xử tệ, khi phải chịu bất công, khi một ai đó hay một chuyện gì đó đã đối xử với chúng ta không công bằng, thì cả ngàn cơ chế thực thể và tâm lý trong ta bắt đầu câm bặt, đóng sầm lại, tê cứng, tự vệ, thét gào phản đối, giận dữ và phẫn nộ. Sự tha thứ không phải là điều chúng ta đơn giản muốn mà được và làm được. Như Pascal từng nói, trái tim có những lý lẽ của nó. Nó cũng có những nhịp điệu riêng, nỗi sợ hãi riêng, những điểm cay đắng lạnh lẽo của nó, và nó cần được bảo bọc bản thân nó khỏi bất kỳ điều gì đã từng làm nó tổn thương.
Hơn nữa, tất cả chúng ta đều từng bị tổn thương. Không ai lớn lên với một trái tim hoàn toàn lành lặn. Theo những cách nho nhỏ hay chấn động lớn, tất cả chúng ta đều từng bị đối xử không công bằng, bị xâm phạm, bị làm tổn thương, bị bỏ quên, không được vinh danh đúng mực, bị gạt qua một bên cách bất công. Tất cả chúng ta đều mang trong mình vết thương, và cùng với những vết thương đó, chúng ta mang theo những nỗi tức giận nhất định, sự chua chát nhất định, và ở một mảng nào đó chúng ta chưa tha thứ.
Sức mạnh của quyển sách lớn nhất của Henri Nouwen, Người con hoang đàng trở về, chính là đưa ra những góc lạnh lẽo ẩn trong trái tim chúng ta và cuộc chiến đấu vĩ đại cần có để đem hơi ấm và sự tha thứ đến những nơi đó. Rất nhiều những điều nhẹ nhàng hay nặng nề trong lòng chúng ta, hầu như tất cả sắc thái cảm xúc của chúng ta được quyết định một cách vô thức bởi lòng tha thứ hoặc không tha thứ từ bên trong chúng ta. Tha thứ là bí quyết sâu xa để có được niềm vui. Đó cũng là mệnh lệnh tối thượng.
Andrew Greeley, khi viết một bài phê bình về quyển sách Những tro tàn của Angela của Frank McCourt, đã ca ngợi McCourt là xuất sắc, nhưng lại thách thức ông đã không tha thứ với những lời như sau về vấn đề này: Đương nhiên, cuộc đời của bạn đã không công bằng. Cha bạn là kẻ nát rượu, mẹ bạn không bảo vệ bạn khỏi các tác động tiêu cực của điều đó, bạn lớn lên trong cảnh nghèo kiết xác, chịu đựng một loạt những bất công nho nhỏ trong hệ thống xã hội của Ai-len, trong nhà thờ Ai-len, trong hệ thống giáo dục của Ai-len, và cả thời tiết của Ai-len! Vì vậy, hãy để tôi có vài lời khuyên cho bạn: Trước khi bạn chết, hãy tha thứ. Hãy tha thứ cha bạn đã là kẻ nát rượu, hãy tha thứ mẹ bạn đã không bảo vệ bạn, hãy tha thứ nhà thờ đã hắt hủi bạn theo bất kỳ cách nào đó, hay tha thứ Ai-len vì gió mưa, nghèo đói, các giáo viên xoàng mà nước này gây ra cho bạn, hãy tự tha thứ cho mình vì những thất bại trong chính đời mình, và rồi hãy tha thứ cho Chúa vì đời bất công…, để bạn không chết trong giận dữ và cay đắng bởi vì đó thật sự là mệnh lệnh luân lý tối thượng.
Thật đúng đắn và đầy khó khăn!
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2017/12/18/don-gian-hoa-tuvung-thieng-lieng-cua-chung-ta/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét