Trang

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Karl Barth, Hoà giải và Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Karl Barth, Hoà giải và Thiên Chúa Ba Ngôi

 
  •  
  •  


KARL BARTH, 
HOÀ GIẢI VÀ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Peter Goodwin Heltzel
và Christian T. Collins Winn

WHĐ (19.9.2022) - Đối với nhà thần học người Thuỵ Sỹ, Karl Barth (1886-1968), sự tái khám phá về học thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế kỷ XX đã trở thành nguồn liệu chung để đóng góp. Thật vậy, trong số những nhà thần học nổi tiếng, Karl Barth vẫn là một khuôn mặt vĩ đại qua việc phục hưng nền thần học Ba Ngôi thời hiện đại. Với tác phẩm đồ sộ Kirchliche Dogmatik (Tín lý học Hội Thánh), được xuất bản trong mười bốn tập từ năm 1932 đến 1967, Barth đã phát triển và diễn giải luận cương của mình, trong đó học thuyết về Ba Ngôi là nền tảng cho thiên khảo luận thần học Kitô Giáo. Trong tập đầu tiên, ông cho rằng:

“Học thuyết Ba Ngôi cơ bản là học thuyết khác biệt của Kitô Giáo về Thiên Chúa xét như là Kitô Giáo, và vì thế, quan niệm của Kitô Giáo về mạc khải xét như là Kitô Giáo cũng khác biệt, trong sự tương phản với mọi học thuyết khác có thể về Thiên Chúa và những quan niệm về mạc khải.”[1]

Những lời này đã gây tranh luận về cố gắng của Barth cho việc đưa học thuyết Ba Ngôi trở lại trung tâm điểm của thần học Kitô Giáo. Quả thật, theo lời chỉ dẫn của mình, Barth đã đặt học thuyết Ba Ngôi ngay ở phần đầu của cuốn Kirchliche Dogmatik, khi cho rằng nó thiết tạo sự năng động nội tại của diễn luận về Thiên Chúa cho nhân loại và như thế nó đóng vai trò như là nguyên lý nền tảng của khảo luận Kitô Giáo.

Biết bao giấy mực đã được đổ ra trên sự đóng góp của Barth; tuy nhiên, cho đến nay, rất ít nhà chú giải đã chú ý tới vấn nạn: học thuyết Ba Ngôi theo mạc khải của Barth sớm được phát triển và trưởng thành như thế nào trong bộ sách Kirchliche Dogmatik.[2] Một cách không thể nghi ngờ, Bruce McCormack là nhà chú giải quan trọng nhất đã đặt lại vấn đề này, nhờ những cố gắng chú giải và phê bình của mình, ông đã tạo ra một số tranh luận giữa các nhà chú giải về Barth.[3] Trong khi bàn luận vắn tắt luận chiến qua chú giải của McCormack về Barth, chúng tôi sẽ không cố gắng để phê bình những quan điểm nổi bật trong tranh luận. Đúng hơn, quan tâm của chúng tôi chính là xem xét thần học Ba Ngôi của Barth được phát triển xa hơn nữa như thế nào trong học thuyết của ông về hoà giải.

Trong những tập đầu tiên của cuốn Kirchliche Dogmatik (đặc biệt phần I/I), Barth đã phát triển học thuyết Ba Ngôi trong tương quan với học thuyết về mạc khải; ông cố gắng làm sáng tỏ việc nhân loại đạt tới sự hiểu biết về Thiên Chúa như thế nào qua Ngôi Lời của Thiên Chúa. Barth cho rằng, Thiên Chúa ngỏ với con người qua đời sống, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô như đã được minh chứng trong Sách Thánh. Mạc khải thuộc Ba Ngôi trong hình thức lẫn nội dung. Quả thật, quan tâm hàng đầu của ông mang tính nhận thức thần luận (theo-epistemic) (nhờ sự kết hợp của việc hoà giải và mạc khải ngay ở giai đoạn đầu tiên này cho thấy một sự liên hệ với sự biến đổi chất thể xác thực) – tức là để nói rằng, nó được tập chú vào vấn nạn: làm sao chúng ta nhận biết Thiên Chúa? Dẫu không để lại đằng sau quan tâm liên quan đến nhận thức thần luận này, về sau thần học của Barth trình bày nhiều hơn những đặc nét của mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi qua muôn hình vạn trạng thuộc không gian – thời gian của lịch sử nhân loại. Quan tâm của Barth liên quan đến hoạt động Ba Ngôi của Thiên Chúa trong biến cố lịch sử được bày tỏ một cách đặc biệt trong “theologumenon (học thuyết thần học) Đức Giêsu là Đấng chiến thắng” qua tranh luận của ông về sự hoà giải.[4] “Chúa Giêsu là Đấng chiến thắng” đóng vai trò như một sự phức hợp thần học vốn liên kết với biến cố hoà giải được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô, sự bày tỏ minh nhiên về biến cố ấy trong sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô và việc tuôn đổi Thánh Thần; đồng thời, dù bị đánh dấu bởi đau khổ và bất trắc, lịch sử nhân loại và Hội Thánh vẫn được mời gọi, cũng như được phú ban quyền hy vọng vào sự bày tỏ lâm thời và chung cuộc của Nước Thiên Chúa trên trái đất.

Khi suy tư học thuyết của Barth về Ba Ngôi, bấy giờ vấn đề không phải là làm sao lịch sử cuộc đời Đức Giêsu được nhìn như là sự hoàn tất lịch sử của hữu thể vĩnh cửu của Thiên Chúa, một sự quan tâm đang đón nhận một số lượng lớn của sự chú ý tại thời điểm hiện tại, nhưng đúng hơn là làm sao nhân loại đi tới để tham dự vào thảm kịch của Đức Giêsu trong lời hứa của Thánh Thần. Nhờ việc hướng chú ý của chúng ta tới thần học của Barth và đạo đức về hoà giải, chúng ta quan tâm đến việc phục hồi một cách đọc “mang tính chính trị” về Barth, khi dựa trên những nghiên cứu đầu tiên của Friedrich-Wilhelm Marquardt, George Hunsinger, và Timothy Gorringe.[5] Đạo đức xã hội là một sự quan tâm sống động qua chức vị của Barth như là “mục sư đỏ của Sefenwil.”[6]

Như thế một vấn nạn tiềm tàng phát sinh từ lối tiếp cận của chúng ta là: Bằng cách thức nào mà học thuyết Ba Ngôi của Barth đặt nền móng cho chính kiến cấp tiến của ông? Khi học thuyết Ba Ngôi của Barth được giải thích nhờ học thuyết hoà giải, một chân trời cánh chung học được mở ra mà nhờ đó, chúng ta có thể đào sâu sự hiểu biết của mình về hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi trong và cho thế giới qua tấn bi hài kịch lịch sử. Nói tóm lại, những áp dụng mở rộng nhất học thuyết của Barth về Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ đưa tới sự diễn tả đầy đủ nhất trong học thuyết hoà giải, nơi sự chiến thắng của Đức Kitô được bày tỏ qua một sự diễn tả bằng dụ ngôn nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong những dấu chỉ của Nước Chúa.

I. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ MẠC KHẢI

II. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ CHỌN LỰA

III. “ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG CHIẾN THẮNG”: MỘT NỀN THẦN HỌC BA NGÔI VỀ LỊCH SỬ

IV. THUỘC VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI

KẾT LUẬN


I. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ MẠC KHẢI

Mặc dầu thần học ban đầu của Barth không loại bỏ những giả định thuộc Ba Ngôi, nó ở trong hai tập đầu tiên của cuốn the Church Dogmatics mà Barth cống hiến điều được coi là sự trình bày mạch lạc nhất của ông về học thuyết Ba Ngôi. Theo Barth, “chúng ta đến với học thuyết Ba Ngôi không phải bởi cách thức nào khác nhưng bởi cách thức của một sự phân tích về khái niệm mạc khải.”[7] Lúc bấy giờ, học thuyết Ba Ngôi là một cố gắng cho cả phân tích lẫn biên soạn chân lý từ Kinh Thánh mà “Thiên Chúa mạc khải chính mình như là Chúa.” Vì vậy, như một sự miêu tả trung thành về chủ quyền riêng và đặc biệt của Thiên Chúa đã mạc khải trong Kinh Thánh,[8] học thuyết về Ba Ngôi vừa là một sự suy luận mang tính nhận thức luận vừa mang tính hữu thể về “sự kéo dài của Basilea tou Theou  (Nước Thiên Chúa) về chủ quyền Thiên Chúa.”[9] Mạc khải về chủ quyền Thiên Chúa được đồng hoá đặc biệt với Chúa Giêsu Kitô.

Luận điểm của Barth bắt đầu với quan tâm thuộc nhận thức thần luận về điều vốn có nghĩa là Thiên Chúa mạc khải chính mình như là Chúa (Lord). Đối với Barth, điều quan trọng đặc biệt cần nhấn mạnh chính là điều chúng ta gặp gỡ, hoặc được gặp gỡ bởi, trong mạc khải không gì khác hơn là chính Thiên Chúa, rằng không có vị Thiên Chúa ẩn sau lưng của Thiên Chúa hiện thân trong Đức Kitô. Barth định nghĩa mạc khải như là “tự vén mở bức màn, được phổ biến cho con người, về Thiên Chúa, Đấng theo bản tính không thể được mạc khải cho con người... sự tự mạc khải mình có nghĩa là Thiên Chúa thực hiện điều mà tự con người không thể làm theo bất kỳ nghĩa nào hoặc theo bất kỳ cách thức nào: “Người tự làm cho chính mình hiện diện, nhận biết và ý nghĩa đối với họ như là Thiên Chúa.”[10]

Bởi vì đó là Thiên Chúa, Đấng mạc khải chính mình, và bởi vì Thiên Chúa mạc khải chính mình như là Chúa, Barth cho rằng chủ quyền (lordship) đặc trưng hoá không chỉ nội dung mạc khải, nhưng cả mọi biến cố của nó. Chủ quyền vốn đặc trưng hoá hình thức và nội dung mạc khải, là tính chủ thể không thể chuyển nhượng (subjectivity).[11] Vì mạc khải là nhờ ân sủng mà thôi, nó phải được đặt nền tảng trong chính hoạt động của Thiên Chúa – Thiên Chúa thực sự và thực chất hiện diện trong mạc khải và như thế Thiên Chúa là Đấng mạc khải, Thiên Chúa là Đấng được mạc khải, và Thiên Chúa là kết quả của mạc khải ấy. Hay nói theo ngôn ngữ của Barth, “Thiên Chúa vừa trong sự hiệp nhất nguyên vẹn vừa trong sự phân biệt nguyên vẹn là Đấng Mạc khải, sự Mạc khải, và là Nội dung Mạc khải (Revealer, Revelation, and Revealedness).”[12] Không phải có ba khoảnh khắc đứng đằng sau vị Thiên Chúa thực, một vị thứ tư ẩn dấu. Đúng hơn, ba “khoảnh khắc” là Thiên Chúa như “Người là trong chính Người,” trong hoạt động của đời sống thần linh, vì những phân biệt được bắt rễ trong yếu tính hoặc hữu thể của Thiên Chúa.[13] Như thế, Barth kết hợp biến cố mạc khải và học thuyết Ba Ngôi bằng việc liên kết ba hình thức của mạc khải với ba ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha là Đấng Mạc khải, Chúa Con là sự Mạc khải, và Chúa Thánh Thần là Nội dung Mạc khải.[14]

Quan niệm bộ ba này về Thiên Chúa được hiểu như là Đấng Mạc khải, sự Mạc khải và Nội dung Mạc khải phản chiếu những quan niệm của các Giáo Phụ trong đó, mạc khải được hiểu như là phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.[15] Mỗi ngôi vị của Ba Ngôi đóng một vai trò tích cực trong tiến trình mạc khải tình yêu nhân lành của Thiên Chúa cho toàn thể thụ tạo tốt lành. Barth viết:

“Và trong chính biến cố này, Thiên Chúa là Đấng Người là. Thiên Chúa là Người, Đấng ở trong biến cố này, là chủ thể, công bố và đối tượng (subject, predicate and object); Đấng Mạc khải, hành vi mạc khải, và Đấng được mạc khải; Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là Chúa (Lord) hoạt động trong biến cố này. Chúng ta nói “hoạt động” trong biến cố này, và bởi thế, Người hoạt động vì ơn cứu độ chúng ta và vì vinh quang Người, nhưng trong mọi trường hợp hoạt động... Để tới chiều sâu thẳm nhất của nó, thần tính của Thiên Chúa hệ tại ở trong sự kiện đó là một biến cố - không phải mọi biến cố, không phải các biến cố chung chung, nhưng là chính biến cố của hành động Người, trong đó chúng ta có sự chia sẻ với mạc khải Thiên Chúa.”[16]

Như được đề cập ở trên, sứ điệp lớn lao đối với Barth là việc áp dụng mà biến cố mạc khải chứa đựng cho sự hiểu biết chúng ta về hữu thể nội tại của chính Thiên Chúa. Nếu “chính” Thiên Chúa đã thực sự đến nói trong biến cố mạc khải, như vậy ta phải nói, lúc bây giờ Thiên Chúa Đấng phân biệt “chính mình” để nói “chính mình” không phải là Đấng nào khác hơn chính là Thiên Chúa, như Người là trong Chính Mình,” ngoại trừ và có trước biến cố mạc khải. Như thế, Ba Ngôi nhiệm cục là Ba Ngôi nội tại, với sự cho biết trước rằng đây là trường hợp duy nhất nhờ ân sủng (by the grace) của Thiên Chúa chứ không phải vì sự tất yếu (not by necessity).[17]

Để chia sẻ và diễn tả tình trạng của đời sống nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi, Barth sử dụng những quan niệm của các Giáo Phụ “homoousia” và “perichòrèsis.” Barth quả quyết rằng “Chúa Con và Thánh Thần thuộc một bản thể với Chúa Cha.”[18] Cách tương tự, sự cư ngụ hỗ tương được biểu thị bởi học thuyết perichòrèsis đặc trưng hoá bản tính của các tương quan thần linh, và vì thế, cả đời sống thần linh.[19] Thiên Chúa là một sự hiệp thông của tình yêu, trong đó, Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần hiện hữu trong những tương quan tương tại hỗ tương của Người. Như thế, hữu thể Thiên Chúa mang tính tương quan theo bản tính, và perichòrèsis trở thành ký hiệu cho “sự hiệp nhất và phân biệt biện chứng” của Thiên Chúa duy nhất, Đấng hiệp thông thân mật là Ba Ngôi không thể giản lược.[20]

“Hình thức hiện hữu” (Seinsweise) là thành ngữ được ưa thích của Barth để dịch từ hypostasis, hạn từ được dùng để mô tả ba “ngôi vị” của Thiên Chúa Ba Ngôi.[21] Vì việc sử dụng của ông trong diễn luận về “những hình thức hiện hữu,” một số nhà chú giải đã tố cáo cách sai lầm về Hình Thái thuyết của Barth (modalism).[22] Tuy nhiên, những phê bình thường thất bại để cho rằng Barth đã trưng dụng ngữ pháp của truyền thống thần học cổ xưa của Đông Phương vốn bắt nguồn trong thần học các Giáo Phụ Capađôcian (như Basiliô, Gregoriô thành Nazianzus, và Gregoriô thành Nyssa).[23] Barth cho rằng “hình thức hiện hữu” là một sự miêu tả chính xác hơn cho “những ngôi vị” của Ba Ngôi, bởi vì nó làm sáng tỏ sự duy nhất của hành vi thần linh giữa ba “hình thức hiện hữu,” trong khi đó tránh được một cách ngẫu nhiên sự thái quá được thai nghén và những nguy hiểm của những nhà thần học hiện sinh đã dùng ngôn ngữ ngôi vị  tính.[24] Khi thấy trước những cáo buộc về Hình Thái thuyết, Barth cho rằng ba hypostaseis liên kết nội tại với ousia thần linh, vì vậy “những hình thức hiện hữu” trong Thiên Chúa Ba Ngôi không là những “mặt nạ” của Hình Thái thuyết đang che đậy tính duy nhất nguyên thuỷ, nhưng đúng hơn là ba hypostases phân biệt mà tất cả cùng nhau là một sự hiệp thông năng động xuyên suốt sự vĩnh cửu.[25]

Thật đẹp đẽ để nói rằng trong khi mỗi một trong ba “hình thức hiện hữu” là đồng bình đẳng, mà trung tâm điểm rõ ràng là thuộc về Kitô học. Khi gìn giữ những xác tín của Barth về trung tâm của sứ điệp Tân Ước và sự nhấn mạnh của ông về nhu cầu đối với thần học phải là một dạng của Nachdenken (suy nghĩ kỹ càng) về chứng tá Kinh Thánh, lòng tự hào về nơi được ban cho mạc khải Thiên Chúa, vốn được đồng hoá với ngôi vị thứ hai của Ba Ngôi. Đồng thời, nó là sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi được diễn tả trong cuộc đời của Đức Giêsu thành Nadarét và được hoà giải nhờ Chúa Thánh Thần.[26] Như thế, nhờ lòng tự hào về nơi được ban cho ngôi thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi theo nhận thức luận, là thực tại sống động mà nó gặp gỡ, biến đổi và nhờ đó đưa nhân loại chúng ta vào đời sống mới trong biến cố mạc khải không gì khác hơn là Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng sống trong sự hiệp thông vĩnh cửu.[27]

Chủ quyền của Thiên Chúa được mạc khải nhờ hành vi năng động của Thiên Chúa (“biến cố của hành động Người”) trong lịch sử như là một sự thần giao tình yêu. Thiên Chúa được mạc khải như là Đức Chúa yêu thương, Đấng tìm kiếm và sáng tạo tình bằng hữu một cách sống động với nhân loại và mọi thụ tạo.[28] Thiên Chúa là:

“Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và vì thế sống động trong hữu thể duy nhất của Người với, vì và trong nhau. Sự duy nhất nguyên vẹn của hữu thể Người, sự hiểu biết và ý muốn đồng thời là một hành vi của sự cân nhắc, quyết định và gặp gỡ. Người không hiện hữu trong sự đơn độc nhưng trong tình thân giao. Vì thế, điều Người tìm kiếm và sáng tạo giữa Người và chúng ta quả thật không gì cả nhưng là điều mà Người muốn và hoàn tất, vì thế ở trong chính Người.”[29]

Đặc điểm thần linh của tình yêu hiến mình được diễn tả trong hữu thể duy nhất - ba ngôi của Thiên Chúa rằng hữu thể “với, cho và trong nhau” cả trong Ba Ngôi nội tại và trong nhiệm cục cứu độ.[30] Trong mạc khải, Thiên Chúa được bày tỏ như là Đấng yêu thương trong tự do và như Đấng yêu thương và tự do sáng tạo sự hiệp thông giữa nhân loại như là sự phản chiếu tình yêu tự hiến của sự hiệp thông Ba Ngôi.

Vì đây là Thiên Chúa, Đấng tỏ mình trong mạc khải, sự hoà giải là yếu tố cấu thành thiết yếu của mạc khải. Nói cách khác, vì được cắm rễ trong sự hiệp thông hoà hợp của Thiên Chúa, hoà giải vừa là nội dung (chẳng hạn như đời sống, cái chết, và sống lại của Chúa Giêsu) vừa là hiệu quả của biến cố mạc khải (như là sự tuôn đổ Thánh Thần, trên Hội Thánh và sau đó trên toàn thể thế giới). Nhờ phối kết mạc khải và hoà giải trong cách thức này, Barth bảo vệ biến cố mạc khải từ việc được hiểu đơn giản như là sự truyền đạt trung lập về một sự hiểu biết mà nó có thể bị lưu giữ một cách lạnh lùng hay bị thao túng (manipulated) theo ý thức hệ. Ông cũng tránh vấn nạn “làm sao” và “cách nào” mà sự hoà giải của Thiên Chúa được thực hiện trong từng cá nhân, vì không có lỗ hổng giữa sự tiếp nhận mạc khải và biến cố hoà giải trong chiều kích chủ vị của nó. Hơn nữa, bộ đôi mạc khải và hoà giải cũng được đưa vào trong cấu trúc của Barth về Thiên Chúa Ba Ngôi, mà nó thực sự là trừu tượng trong cuốn Church Dogmatics, I/I, khỏi bị hiểu lầm. Tức là, biến cố hoà giải được bày tỏ trong đời sống của Đức Giêsu Nadarét  ngôi thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi trong hành vi “khẳng định mình, self-affirmation” của Người. Điều được mạc khải trong Đức Giêsu, qua lịch sử của cuộc sống và đau khổ, không phải là một phương diện của đặc tính thần linh, nhưng chính là trái tim của Thiên Chúa.[31] Tranh luận trừu tượng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi nhanh chóng bị thay thế bởi những tranh luận lâu dài về Kitô học, Thánh Linh học và Hội Thánh học trong tập I/2. Nhưng Barth nhấn mạnh rằng thần học Kitô Giáo không nên bận tâm với thần tính một cách chung chung, hãy đón nhận việc đào sâu hơn và tính triệt để trong tranh luận của ông về học thuyết chọn lựa.

II. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ CHỌN LỰA

Sự canh tân của học thuyết chọn lựa ở trong cuốn Church Dogmatics, II/2 được nhiều người xem như là một trong những đóng góp triệt để và đáng kể nhất cho thần học Kitô Giáo do Karl Barth thực hiện.[32] Đối với Barth, Đức Giêsu vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của sự chọn lựa thần linh. Nghĩa là, Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa chọn vừa nhân loại chọn. Công thức đơn giản này có những áp dụng nghiêm túc, và gần đây đã làm phát sinh một cuộc tranh luận nóng bỏng với những nghiên cứu về Barth liên quan đến việc làm sao những ứng dụng này ảnh hưởng hay không trên sự hiểu biết của ông về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sự dấn thân của Barth cho học thuyết quy Kitô (Christocentric) về mạc khải dẫn ông tới đồng hoá Thiên Chúa chọn với Đức Giêsu Kitô, khi tuyên bố rằng “Đức Giêsu Kitô là vị Thiên Chúa chọn. Chúng ta phải bắt đầu với luận đề này vì nhờ nội dung của nó mà có phẩm chất và phẩm giá của một nguyên lý nền tảng, và vì luận điểm khác, rằng Đức Giêsu là con người được chọn, có thể được hiểu chỉ trong ánh sáng của nó.”[33] Vì chúng ta biết Thiên Chúa chỉ qua ngôi vị của Đức Giêsu Kitô, thật là kỳ lạ để đòi hỏi một vị Thiên Chúa “ẩn sau lưng của Chúa Giêsu” mà chúng ta quy cho Người quyết định vĩnh cửu về sự chọn lựa. Thiên Chúa, Đấng chọn lựa từ đời đời không phải là vị Deus absconditus (Thiên Chúa ẩn dấu), nhưng là vị Thiên Chúa đã mạc khải trong Đức Giêsu Kitô.

Khi Con Thiên Chúa là chủ thể, Đấng làm sống động ngôi vị Đức Giêsu Kitô, và vì Con Thiên Chúa hoàn toàn là Thiên Chúa, vì thế Người tham dự hoàn toàn vào ý định ngàn đời thần linh của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, có thể nói rằng Đức Giêsu Kitô là chủ thể của chọn lựa – Thiên Chúa trong “hình thức thứ hai của hiện hữu” xác định và được xác định là “pro nobis.” Nói cách khác, như ngôi hai của Ba Ngôi, Con Thiên Chúa xác định chính Thiên Chúa, để không chỉ là sự hiệp thông Ba Ngôi vĩnh cửu, nhưng còn với và vì nhân loại.

Để diễn tả ý nghĩa của ngôn ngữ về “sự tự xác định thần linh,” sẽ rất hữu ích để nói rằng Barth đã hoàn toàn dấn thân cho một sự hoán vị của điều được nhận biết như là hoạt động luận (actualism) thuộc hữu thể, một quan niệm về “hữu thể” hoặc “yếu tính” trong đó “một hữu thể đặc biệt được thiết lập, thực hiện, và nhận biết chỉ như vậy trong chính hành vi của nó. Bấy giờ, quy chiếu về hữu thể Thiên Chúa, “lời, biến cố, hoặc hành vi là mục đích, và không thể bị vượt qua hoặc thoả hiệp. Để tới nơi sâu thẳm nhất của nó, thần tính Thiên Chúa cốt ở trong sự kiện nó là một biến cố.”[34] Nghĩa là, hữu thể Thiên Chúa là và được nhận biết chỉ trong hành vi tự xác định của chính Thiên Chúa. Để làm sáng tỏ hơn, sự thực hiện của hữu thể Thiên Chúa đối với Barth không phải ở trong những sự kiểm soát của “hữu thể” được hiểu theo nghĩa hẹp của từ này. Đúng hơn, vì Thiên Chúa là tự do, hành vi trong đó hữu thể của Thiên Chúa được xác định là chính Thiên Chúa và không phải là gì khác. Nói cách khác, Thiên Chúa là Chúa trên hữu thể của chính Thiên Chúa.[35]

Để rút ra sợi chỉ sau điểm nhấn theo Kitô học và Ba Ngôi, Barth liền lưu ý rằng Thiên Chúa xác định là Thiên Chúa trong một sự diễn tả rất đặc biệt. Tức là, Thiên Chúa xác định chính mình trong một cách thức đặc thù và không có cách nào khác: “Actus purus (hành vi thuần tuý) không đủ cho một sự miêu tả về Thiên Chúa. Phải được thêm vào đó ít nhất “et singularis.” Hữu thể Người, không phải là thực tại chung chung và được hiểu theo nghĩa hẹp của từ này, nhưng trong mạc khải của Người và trong sự vĩnh cửu, nó là một hành động đặc biệt với một nội dung rõ ràng.[36] Để chắc chắn, “hành vi rất đặc biệt với nội dung rõ ràng” mà Barth đang đề cập đến là hành vi Ba Ngôi trong bản tính. “Nhưng hành vi của Thiên Chúa là tình yêu của Thiên Chúa... “Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa yêu”[37] và tình yêu, vốn là bản tính của Thiên Chúa, là tình yêu của Cha, Con, và Thánh Thần, những tương quan rất năng động và tương tại trong nhau của họ cấu thành hữu thể cụ thể của Thiên Chúa.[38] Như vậy, đời sống Ba Ngôi của Thiên Chúa như là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là quyết định vĩnh cửu và tự nhất quán của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong ánh sáng canh tân của Barth về học thuyết chọn lựa, hữu thể học thần linh, sự chọn lựa và học thuyết mạc khải giờ đây được phối kết, như vậy quyết định của Thiên Chúa là Thiên Chúa, được hiểu là trùng hợp với quyết định của Thiên Chúa “pro nobis.” Nghĩa là, Thiên Chúa xác định thần tính trong quyết định vĩnh cửu của chọn lựa. Hay nói cách khác, vì Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa chọn lựa, không chỉ Thiên Chúa là chủ thể của chọn lựa, nhưng Thiên Chúa còn là đối tượng đầu tiên của chọn lựa. Thiên Chúa xác định điều gì đó về thần tính trong quyết định vĩnh cửu của chọn lựa.[39]

Nhưng Thiên Chúa xác định thần tính theo cách thức nào và chừng mực nào trong quyết định vĩnh cửu của chọn lựa? Phải chăng đây là một quyết định dứt khoát và vì thế cấu thành hữu thể Ba Ngôi Thiên Chúa, hay có phải là một quyết định xác định hữu thể Ba Ngôi trước đó? Nếu ở điều trước, học thuyết về Thiên Chúa không che khuất như thế nào đối với học thuyết của hoà giải? Nếu ở điều sau, chúng ta phải nói như thế nào về một vị Thiên Chúa, Đấng có trước Thiên Chúa mà chúng ta biết trong sự chọn lựa ân sủng của Đức Giêsu Kitô? Có một số vấn nạn làm tăng thêm sự tranh luận nảy lửa về vấn đề làm sao để giải thích sự hiểu biết của Barth về sự tự xác định thần linh và sự canh tân học thuyết chọn lựa. Cuối cùng, những vấn nạn xoay quanh việc có hay không phạm vi của chọn lựa phải được tìm thấy trong Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại hay phạm vi của Ba Ngôi phải được tìm thấy trong quyết định chọn lựa của Thiên Chúa. Hay, nói một cách vắn gọn hơn, hữu thể Ba Ngôi của Thiên Chúa được cấu thành hoặc được chứng thực trong quyết định vĩnh cửu để chọn lựa chăng?

Hai lối tiếp cận khác biệt đối với vấn đề này đã xuất hiện với những cố gắng khiêm tốn cho việc nối lại sự chia rẽ. Bruce McCormack cho rằng sự tự xác định của Thiên Chúa để trở thành hành vi Ba Ngôi và thần linh về việc chọn lựa nhân loại phải được coi như là một và là chính hành vi ấy.[40] Nghĩa là, quyết định thần linh trong đó Thiên Chúa tạo thành chính hữu thể của Thiên Chúa (ví dụ, quyết định trong đó Thiên Chúa một cách đời đời tự hiện hữu như là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) là một và cũng chính là hành vi mà trong đó Thiên Chúa xác định là “Thiên Chúa ở với chúng ta.”[41]

Ngược lại, Paul Molnar cho rằng sự chọn lựa này xác nhận sự tiền hữu của sự hiệp thông vĩnh cửu Ba Ngôi của tình yêu.[42] Rất nhiều trong số những tranh luận này xoay quanh tương quan của hữu thể và ý muốn trong Thiên Chúa, tình trạng của điều được gọi là Logos asarkos (ví dụ, sự tiền hữu “Logos không có nhục thể”), và vai trò của Ba Ngôi nội tại trong thần học của Barth. Trong khi tranh luận này theo một mức độ có liên hệ với cách thức trong đó kinh nghiệm về sự đa dạng thuộc không gian – thời gian của thế giới có thể tác động hay không hữu thể thần linh, chúng ta muốn mô tả xa hơn những sự phát triển trong tưởng Ba Ngôi ngoại tại của Barth, mà nó sẽ giúp cho việc định hướng lại tranh luận này.

Thay vì suy tư học thuyết của Barth về Ba Ngôi qua lăng kính của sự chọn lựa thần linh, chúng tôi đề nghị suy tư học thuyết của Barth về Ba Ngôi qua những lăng kính của lịch sử và đạo đức xã hội. Khi suy tư về học thuyết của Barth về Ba Ngôi, vấn nạn chính không phải là làm sao cuộc đời của Chúa Giêsu được nhìn như là sự thành toàn lịch sử của hữu thể vĩnh cửu Thiên Chúa, nhưng đúng hơn làm sao nhân loại tham dự vào sự hoà giải của thế giới trong lịch sử tiếp tục của Đức Giêsu, Đấng Chiến Thắng, nhờ lời hứa của Chúa Thánh Thần bày tỏ trong cuộc chiến đấu của Hội Thánh cho công lý.

III. “ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG CHIẾN THẮNG”: MỘT NỀN THẦN HỌC BA NGÔI VỀ LỊCH SỬ

Trong tập đầu tiên của bộ Church Dogmatics, Barth đồng hoá Nước Thiên Chúa với chủ quyền của Thiên Chúa bày tỏ trong Đức Giêsu Kitô,[43] một sự đồng hoá cho thấy nền tảng cho sự trình bày của ông về học thuyết Ba Ngôi. Trong bối cảnh hoà giải, Barth đi theo hướng ngược lại, từ chủ quyền rồi trở lại với sự bày tỏ cụ thể về chủ quyền trong đời sống của Đức Giêsu và sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu Kitô ở ngay trung tâm. Tuy nhiên, theo học thuyết về hoà giải, Barth bao gồm chiều kích được thêm của lịch sử tiếp diễn để chủ quyền Ba Ngôi của Thiên Chúa – được đồng hoá trực tiếp với sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh, Nước Thiên Chúa được bày tỏ của Thiên Chúa – được đồng hoá một cách gián tiếp với “những dụ ngôn về Nước Trời” được củng cố theo hướng Thánh Linh học. Điều này tìm thấy điểm kết tinh của nó trong sự phát triển của Barth về công trình ngôn sứ của Đức Kitô, và cách đặc biệt hơn về sự tranh luận của ông về Đức Kitô là Đấng Chiến Thắng, một lý do được rút ra từ những trước tác của Blumhardts – trưởng lão Johann Christoph 1805-1880) và Christoph Friedrich con ông (1842-1919).[44]

Theo sự dành riêng mới mẻ của Barth vì lý do này, “Đức Kitô là Đấng chiến thắng” mang nhiều ý nghĩa. Nó quy chiếu tới hiệu quả cuộc đời Đức Giêsu như đã sống và được kể lại trong Tin Mừng với tất cả tính bi kịch của nó. Nó trình bày chiến thắng của Đức Giêsu trên giới hạn của sự chết nhờ sự phục sinh của Người, nó vừa chú ý vào sự soi sáng của đời sống Người cũng như tới sự công bố trong lịch sử. Nó cũng mô tả lịch sử đang tiếp diễn, mà bây giờ nó sống trong ánh sáng của Đức Giêsu phục sinh và Thánh Thần Hiện Xuống. Cuối cùng, nó quy chiếu tới tận cùng về điều mà toàn thể vũ trụ đang hướng tới: sự biến đổi của mọi sự. Như thế, “Đức Giêsu là Đấng chiến thắng” tóm tắt ý định của Thiên Chúa và vì thế, là một sự mô tả súc tích về quyết định dứt khoát của Thiên Chúa về chọn lựa cũng như công bố hay mạc khải về quyết định này.[45] Quyết định ấy không phải là một quyết định trừu tượng, nhưng đúng hơn, là một sự xác định siêu thời gian vốn được diễn tả trong cuộc đời chiến đấu của Đức Giêsu, Đấng chiến thắng.

Trong khẩu hiệu “Đức Giêsu là Đấng chiến thắng,” thảm kịch thần học được biểu thị trong từ “là” vốn liên kết “đời sống với ánh sáng, giao ước với Lời Chúa, sự hoà giải với mạc khải, Đức Giêsu Kitô Linh Mục tối cao và Vua với Đức Giêsu Kitô Ngôn Sứ.”[46] Công trình ngôn sứ của Đức Kitô soi sáng ý nghĩa của cuộc đời và cái chết của Người: Đức Giêsu chịu đau khổ để nhân loại được chữa lành; Đức Giêsu diễn tả “sự yếu đuối” của sức mạnh thần linh vốn mạc khải sức mạnh ít hơn của “các quyền thần và vương thần;” nhờ cuộc sống tự hiến mình và cái chết, tất cả tạo thành tìm thấy sự sống vĩnh cửu.[47]

Đối với Barth, bối cảnh lịch sử mà “Đức Giêsu là Đấng chiến thắng” trước hết đã được thốt ra, soi sáng cho năng động mà câu này muốn biểu thị.[48] Trong ngôi làng nhỏ bé của Mottlingen, trưởng lão Blumhardt gắn bó với điều mà ông đã đến để nhìn như là một trường hợp của quỷ ám.[49] Trường hợp liên quan đến Gottliebin và Katharina Dittus, hai chị em, người sau trong số họ là người bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng hơn. Sau hai năm... quyền lực ma quỷ được trừ khỏi vào ngày 28 tháng 11 năm 1843. Tại đỉnh điểm của biến cố này, tiếng kêu “Đức Giêsu là Đấng chiến thắng” được vang lên từ môi miệng của Katharina:

“Không phải như một tiếng nói của chị cô, nhưng như một tiếng kêu của thất vọng – Blumhardt nói tới một tiếng thét “mà hầu như là không thể hiểu được trên môi miệng con người” – mà quyền lực ma quỷ phát ra nhờ môi miệng cô, tại chính khi đối thủ mạnh hơn ép buộc nó, để có sự điều khiển trên Gottliebin – hữu thể quyền lực này được miêu tả cẩn thận bởi Blumhart như là.... “một thiên sứ của Satan.”[50]

Tiếng kêu “Giêsu là Đấng chiến thắng” là tiếng kêu của sức mạnh ma quỷ, rú lên để đối diện với sức mạnh lớn hơn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là một sự tuyên xưng rằng nó xảy ra ở cuối của một cuộc chiến đấu chính nghĩa, trong đó sức mạnh chữa lành thần linh của Đức Giêsu chiếu giải tới cộng đoàn nhờ một hành vi riêng của sự chữa lành cá nhân và sự giải phóng, nhưng một cách hoàn vũ, nó cho thấy hoạt động ân sủng Ba Ngôi của Thiên Chúa trong lịch sử.

Dẫu Barth đã chú ý đến nhiều giải thích về biến cố này, ông đặc biệt được đánh động nhờ khám phá của Blumhardt về chủ quyền của Đức Giêsu Kitô và hiệp hội của ông về chủ quyền này với Nước Trời. Barth viết:

“Hoặc ông đã không gặp với bất cứ điều gì mới – ngoại trừ điều mới của Tân Ước – tại cơn khủng hoảng của cuộc chiến. Sự kiện đó vẫn cho rằng chân lý được nhận biết này là hơn nhiều đối với ông so với sự xác nhận của xác tín hiện hữu hoặc sự thành công của một sự mạo hiểm mục vụ của ông nhờ sức mạnh của xác tín ông. Nó đến như một điều mới mẻ và theo cách thế không chờ đợi, khi ông nghe tuyên bố đơn giản này: “Đức Giêsu là Đấng chiến thắng” ở lúc đầu của sự chữa lành vết thương, qua sự minh chứng sức mạnh của Đức Giêsu.”[51]

Thành ngữ “điều mới mẻ của Tân Ước” quy chiếu tới lịch sử cụ thể của Đức Giêsu Kitô, sự diễn tả chủ quyền của Thiên Chúa được bày tỏ trong lịch sử. Trong tuyên xưng về sức mạnh của ma quỷ “Đức Giêsu là Đấng chiến thắng,” Blumhardt đã kinh nghiệm sức mạnh đức tin, chữa lành của Thiên Chúa được diễn tả một cách dứt khoát trong Đức Giêsu, nhưng hiện diện bây giờ giữa cuộc chiến liên quan đến các chị Dittus.[52] Điều làm nên sự can thiệp của “Ba Ngôi” này chính là nhờ sự cư ngự của Đức Kitô được hướng dẫn bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Barth cho rằng Blumhardt đã chú giải biến cố này như một sự tuôn đổ mới mẻ của Thần Khí Chúa, “nhờ sự chuyển cầu mới mẻ với sự mong đợi không thể dập tắt và niềm hy vọng vững vàng (indestructible), sẽ là sự tuyên bố mới về chủ quyền và sự tuôn đổ mới của Chúa Thánh Thần trên mọi thân xác (điều mà Blumhardt đã thấy sự khởi đầu trong biến cố này và việc phát ra tiếng kêu này).”[53] Đối với Blumhardt, tình tiết này gần gũi với lễ Hiện Xuống. Trong sự hoà hợp với Blumhardt, Barth cho rằng tiếng kêu của Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng trong lịch sử tiếp diễn được hiểu dưới ngọn cờ “lời hứa của Thần Khí,” khi mạc khải rằng công trình của Thiên Chúa về sự tái tạo, vốn cung cấp khuôn mẫu cho lịch sử tiếp diễn, là Ba Ngôi trong bản tính.[54]

Trong những suy tư của ông về lời hứa của Chúa Thánh Thần,[55] Barth giải thích Thần Khí như một cộng sự đồng bình đẳng trong việc thi hành công trình ngôn sứ của Đức Giêsu Kitô – một công trình hoà giải trong và vì thế giới. Ở phần này, ông trình bày ý tưởng của mình về ba hình thức parousia: sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, sự tuôn đổ Thánh Thần, và sự trở lại lần thứ hai của Đức Giêsu Kitô,[56] khi dội lại ba hình thức của thư Hípri 13,8: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” Vì giữa thời hạn trong ba hình thái thời gian tính, đó là Chúa Thánh Thần, Đấng nối kết sự phục sinh riêng biệt của Đức Giêsu Nadarét với sự phục sinh hoàn vũ của mọi thân xác vào ngày khánh tận.[57] Điều đó là nhờ sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần mà các Kitô hữu thực sự tham dự vào parousia tại đây và lúc này. Chúa Thánh Thần đưa tác vụ của Đức Giêsu như ngôn sứ, Đầu của Hội Thánh, sống động trong hiện tại nhờ năng lực thánh hoá và hoạt động của nó, điều mà Barth gọi là “những quà tặng và ánh sáng cũng như quyền năng của Chúa Thánh Thần.”[58] Sự hiện diện tiếp diễn của Đức Giêsu, Đấng chiến thắng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần không gì khác hơn là ngôi vị và sự hiện diện của Đấng chịu đóng đinh và phục sinh, nhờ sự hạ mình của Người như là Con Thiên Chúa và sự tôn vinh như là Con Người.[59] Nhờ Thánh Thần Hiện Xuống được tuôn đổ trên mọi thân xác, Đức Kitô, cũng thế, trong logic tự huỷ, nhập thể theo thư Philipphê chương 2 được tuôn đổ nhiều lần. Đức Kitô “đau khổ ở Giếtsêmani và Golgotha” là hình thức duy nhất mà Đức Kitô chiến thắng đảm nhận và vì thế, chiến thắng của Đức Giêsu là chiến thắng của Đấng chịu đóng đinh.

IV. THUỘC VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Mạc khải của chủ quyền Thiên Chúa (chẳng hạn như Nước Thiên Chúa) bày tỏ trong con người Đức Giêsu, bây giờ hiện diện trong lịch sử tiếp diễn, như là sự hiện diện thần khí của “Đức Giêsu Chiến thắng.” Như thế, lịch sử tiếp diễn được xác định và được ban cho nội dung của nó, dưới dấu ấn về công trình Ba Ngôi của “Đức Giêsu Chiến Thắng.” Tuy nhiên, điều này không ngăn ngừa hành vi nhân loại. Đúng hơn, trong “thời gian giữa những thời gian” Đức Giêsu đang sống và Thần Khí của Người gợi lên từ nhân loại “những dụ ngôn về Nước Trời.”

“Những dụ ngôn Nước Trời” là những bức thư sống động nhân bản cho một dạng Nước Trời, Đức Giêsu Kitô. Khi triều đại công chính của Thiên Chúa về tình yêu và công lý giải thoát thế giới khỏi tội lỗi và sự dữ, chúng ta nếm hưởng chiến thắng của Đức Giêsu trong chiều kích cận thế mạt. “Đức Giêsu Chiến Thắng” như là dấu chỉ chiến thắng của Thiên Chúa được nối dài tới lịch sử không chỉ nhờ sự hiện diện thuộc thần khí của Đấng Phục Sinh, nhưng còn nhờ sự gợi lên những bức thư mang tính dụ ngôn trong lịch sử nhân loại giống như việc trừ quỷ của Blumhardt.

Việc trừ quỷ của Blumhardt là một khoảnh khắc mà triều đại của Thiên Chúa và sự siêu việt Ba Ngôi mở ra trong không gian nội tại của lịch sử nhân loại, nhưng không phải để loại bỏ hoạt động nhân loại. Đúng hơn, nó gợi lên lời cầu nguyện, hành vi công chính của cộng đoàn con người tin tưởng. Barth khá rõ ràng trong khi cho rằng Blumhardt có một vai trò để đảm nhận trong cuộc chiến mà ông đã dấn thân, và nhờ sự mở rộng mọi người hay cộng đoàn cũng làm như thế khi sống trong “thời gian giữa những thời gian.”[60] Nó ở trong những khoảnh khắc của lời cầu nguyện trung thành và hành vi công chính mà chúng ta nhìn thấy một sự bày tỏ của Totus Christus[61] - Đức Kitô toàn thể đang ân cần ôm lấy và hoà giải toàn thể tạo thành, bởi vì hành vi Thiên Chúa không loại trừ, nhưng bao gồm hành vi nhân linh tin tưởng.

Nhờ Chúa Con và Thần Khí mà Thiên Chúa hoà giải tạo thành trong uy quyền Ba Ngôi, và như thế đặc điểm của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa cho thế giới và ước ao của Thiên Chúa để nhìn thấy triều đại của công lý này bày tỏ “dưới đất cũng như trên trời” không ngừng trở nên rõ ràng. Theo một nghĩa rất thực, nó ở trong sự mỏng giòn con người và đau khổ mà nhân loại phải đối diện với nhân tính viên mãn của Đức Giêsu. Dẫu Barth cẩn trọng không đưa ra bất cứ bảo đảm nào, tuy nhiên, nó ở giữa bi thảm, đau đớn, khổ hình, và thất vọng mà tiếng kêu cầu Thiên Chúa trở thành một khoảnh khắc tham dự vào Nước Thiên Chúa. Vì như được trình bày trong câu chuyện của Blumhardt, tiếng kêu “Đức Giêsu Chiến Thắng” đồng thời là tiếng kêu tự hạ của ưng thuận, dấu chỉ kéo dài để chữa lành, và là tiếng kêu chiến thắng.

Như thế, “Đức Giêsu Chiến Thắng” nhắc nhở chúng ta về chiều sâu thẳm của tiếng kêu thất vọng, tiếng rên xiết của tạo vật, và tiếng kêu để Chúa Kitô đến. Nó cũng là một sự tái khẳng định rằng Đức Kitô là và sẽ chiến thắng trên những sức mạnh của bóng tối, và là một sự tổng hợp để nối kết trong cuộc chiến. Chiến thắng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu và sự tham dự của chúng ta trong cuộc chiến này được in dấu bởi lời hứa của Thần Khí. Chiến thắng của Đức Giêsu là chiến thắng của Chúa Thánh Thần. Hãy bỏ những thứ khác ra ngoài, nó ở trong và nhờ Thánh Thần mà ngôi vị và công trình của Đức Kitô hiện diện với chúng ta tại đây và lúc này, cả hai hoà giải và mời gọi chúng ta tham dự vào công trình hoà giải của Thiên Chúa. Nhân loại đợi chờ và vội vã, với lời cầu “xin cho Nước Cha trị đến!” như là lời cầu nguyện tinh tuyền – cũng được hiểu bởi Barth như là hành vi xã hội cụ thể - mà nó phải được nguyện cầu từ vương quốc tâm hồn, tức là “sự nhiệt thành và can đảm.”[62] Hành động của Thiên Chúa trong Đức Kitô mời gọi điều gì đó trong chúng ta; ân sủng thần linh phát sinh một sự đáp trả cụ thể của con người. Trong tất cả điều này, Thánh Thần bày tỏ thần tính của Người nhờ việc ban sức mạnh cho mọi Kitô hữu để diễn tả tình yêu và công lý của Thiên Chúa qua chứng tá khiêm tốn nhưng quan trọng cho triều đại công chính của Thiên Chúa trên trái đất. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Con và nhờ sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần, sự viên mãn vĩnh cửu của mạc khải Ba Ngôi Thiên Chúa được bày tỏ cho toàn thể tạo thành.

KẾT LUẬN

Như vậy, để hiểu học thuyết của Barth về Thiên Chúa Ba Ngôi cách đầy đủ, chúng ta phải hiểu những cách thế mà trong đó ba ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi làm việc cùng nhau trong nhiệm cục cứu độ về sự hoà giải. Những tranh luận gần đây về Thiên Chúa Ba Ngôi và sự chọn lựa trong thần học của Barth đã đặt sự chú ý mới về hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi trong nhiều hình thức thuộc không gian – thời gian của lịch sử. “Sự trở lại lịch sử” giúp chúng ta nhìn thấy bằng cặp mắt mới con đường, trong đó, Barth “đã lịch sử hoá” học thuyết về Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều trường phái gần đây đã tập trung về những cách thế mà trong đó, sự chọn lựa làm ảnh hưởng bản tính thần linh. Trong phần này, chúng ta đã cố gắng ngừng tranh luận về Ba Ngôi và chọn lựa, và tập trung vào tranh luận về Ba Ngôi, lịch sử và đạo đức.

Từ thư gửi các tín hữu Rôma tới học thuyết về sự hoà giải, thần học của Barth đã được liên kết một cách chặt chẽ với đạo đức và hướng tới một thứ đạo đức thuộc Ba Ngôi về sự hoà giải. Khi nó được nhìn như là “học thuyết Ba Ngôi thuộc hoà giải,” một chân trời mới được mở ra để cùng nhau lôi kéo những mạch chìa khoá trong tư tưởng của Barth, bao gồm Thiên Chúa Ba Ngôi, chiến thắng của Đức Giêsu, lời hứa của Chúa Thánh Thần, và Nước Thiên Chúa. Học thuyết của Barth về Thiên Chúa Ba Ngôi ngoại tại đưa tới sự diễn tả đầy đủ nhất trong học thuyết về hoà giải, nơi chiến thắng của Đức Kitô được bày tỏ trong sự diễn tả mang tính dụ ngôn nhờ những dấu chỉ được củng cố bởi Thánh Thần về Nước Thiên Chúa.

Barth mang đến một đóng góp lớn lao cho sự phục hưng Ba Ngôi trong thế kỷ XX, nhờ suy tư của ông về hoạt động ân sủng của Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ. Nhờ thần học của ông trưởng thành, bi kịch được kể của Ba Ngôi ngoại tại của hành động hoà giải không ngừng trở thành sáng tỏ. Những hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử cứu độ đã chiếu toả ánh sáng trên hữu thể của Thiên Chúa, một sự hiệp thông tình yêu vốn thực sự cho và với thế giới. Chiến thắng của Đức Giêsu, được mạc khải trong sự phục sinh, và quyền năng của Chúa Thánh Thần, được mở ra trong việc tuôn đổ trên mọi thân xác con người, trở thành mô hình cho học thuyết trưởng thành này về Thiên Chúa Ba Ngôi ngoại tại. Chiến thắng của Đức Giêsu và việc tuôn đổ Thánh Thần tại lễ Hiện Xuống trở thành hai cách thức nhờ đó Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu thần linh dồi dào để hoà giải và cứu chuộc nhân loại cùng toàn thể thụ tạo. Trong hai hành động thần linh ấy, nhân loại được bao gồm vì Đức Kitô đang sống và Thần Khí của lễ Hiện xuống làm phát sinh sự đáp trả đích thực và trung thành của con người, được diễn tả trong lời cầu nguyện và hành vi công chính.

Học thuyết Ba Ngôi của Barth đã triển khai trong học thuyết về sự hoà giải là suy tư Ba Ngôi bậc nhất. Nó không chỉ cung cấp một chân trời mới cho sự kết hợp tạo thành, hoà giải và cánh chung luận đối với thần học Kitô Giáo, nhưng đồng thời nó cũng thúc đẩy cho việc tuyên xưng và bày tỏ một nền đạo đức xã hội có tính ngôn sứ, trong một thời đại của “những quyền lực phi chủ quyền.”

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Dịch từ cuốn The Cambridge Companion To, (Peter C. Phan edited by), The Trinity, Cambridge University Press 2011, 173-191.



[1] Karl Barth, Kirchliche Dogmatik, Evangelischer Verlag, Zurich 1932-1967); trans. G. W. Bromiley as Church Dogmatics, 4 vols., T. & T. Clark, Edinburgh 1936-1969, I/I, 301.

[2] Một số trong những nghiên cứu ý nghĩa nhất về thần học của Barth như được tìm thấy trong những tập đầu tiên của bộ Church Dogmatics bao gồm: Colin E. Gunton, Becoming and Being: The Doctrine of God in Charles Hartshorne and Karl Barth, Oxford University Press, 1978; Rowan Williams, “Barth on the Triune God,” in S. W. Sykes, ed. Karl Barth: Studies of his Theological Method, Clarendon Press, Oxford 1979, 147-193; Eberhard Jungel, God’s Being is in Becoming: The Trinitarian Being of God in the Theology of Karl Barth, Eerdmans, Grand Rapids, MI 2001; Alan Torrance, “The Trinity,” in John Webster, ed., The Cambridge Companion to Karl Barth, Cambridge University Press, 2000, 72-91.

[3] Chú giải của McCormack liên quan tới tương quan giữa công thức mới của học thuyết của Barth về sự chọn lựa – được biên soạn chỉ sau công trình đồ sộ của ông về Ba Ngôi và học thuyết về Ba Ngôi. Những hoa trái đầu tiên của công trình chú giải của McCormack xuất hiện trong tiểu luận “Grace and Being: The Role of God’s Gracious Election in Karl Barth’s Theological Ontology,” in Webster, ed., The Cambridge Companion to Karl Barth, 92-110.

[4] X. Karl Barth, Church Dogmatics IV/3.1,165-274.

[5] Friedrich-Wihelm Marquardt, Theologie und Sozialismus: Das Beispiel Karl Barths, Chr. Kaiser Verlag, Munich 1985; George Hungsinger, ed., Karl Barth and Radical Politics, Westminster, Philadelphia 1976; Timothy Gorringe, Karl Barth: Against Hegemony, Oxford University Press, New York 1999.

[6] Để có một dẫn nhập vắn gọn vào tác vụ ngôn sứ của Barth, với một sự nhạy bén với những cách thức mà trong đó một cái nhìn theo chủ nghĩa xã hội triệt để đã thúc đẩy những dấn thân công khai của ông, xem Frank Jehle, Ever against the Stream: The Politics of Karl Barth, 1906-1968, Eerdmans, Grand Rapids, MI 2002.

[7] Church Dogmatics, I/2, 35).

[8] “Học thuyết về Ba Ngôi không phải tự nó là một bản văn của mạc khải, nhưng chỉ là một sự chú giải về nó” (Karl Barth, Church Dogmatics IV/3.1,165-274.

[9] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 306

[10] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 315.

[11] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 381.

[12] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 295.

[13] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 382-383.

[14] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 296 tt.

[15] Để tìm hiểu những ảnh hưởng của các Giáo Phụ trên thần học của Barth, xem T. F. Torrance, “Karl Barth and Patristic Theology,” in John Thompson, ed., Theology beyond Christendom: Essays on the Centenary of the Birth of Karl Barth May 10, 1986, Pickwick, Allison Park, PA 1986, 215-239.

[16] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 262-633.

[17] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 172-173.

[18] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 393.

[19] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 370-371.

[20] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 369.

[21] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 358-368.

[22] Chẳng hạn, William Hill gọi Barth là một “người theo Hình Thái thuyết Ba Ngôi”: Ba Ngôi bởi vì không có bốn yếu tính thần linh kết hợp thành ba và Hình Thái thuyết bởi vì có chủ vị thần linh. Xem William J. Hill, The Three-Personed God: The Trinity as a Mystery of Salvation, Catholic University of America, Washington, DC 1982, 113-124.

[23] Xem Jüngel, God’s Being is in Becoming, 37.

[24] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 349 ff.; II/I, 287-297).

[25] Xem Iain Taylor, “In Defence of Karl Barth’s Doctrine of the Trinity,” International Journal of Systematic Theology, 5: I (March 2003), 33-46.

[26] Karl Barth, Church Dogmatics, I/2,33-35.

[27] Để tìm hiểu một tranh luận hữu ích về điều này, xem Alan J. Torrance, “The Trinity,” 81-83.

[28] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 139 ff.

[29] Karl Barth, Church Dogmatics, II/I, 275.

[30] Karl Barth, Church Dogmatics, II/I, 275.

[31] “Tình yêu của Thiên Chúa không phải là một phẩm chất trừu tượng của tình yêu Thiên Chúa; nó là một hành động: Thiên Chúa đã mang vào trái tim nỗi khốn cùng của chúng ta. Trong Đức Giêsu Kitô, Người tuyên bố lòng thương xót Người cho chúng ta và đặt lòng thương xót phải hoạt động, và không có lòng thương xót dành cho chúng ta ngoài Đức Giêsu Kitô... Người là lòng thương xót của Thiên Chúa, Người là tình yêu của Thiên Chúa, Người là trái tim mở rộng của Thiên Chúa.” Karl Barth, The Faith of the Church: A Commentary on the Apostoles’ Creed According to Calvin’s Catechism, Meridian, New York 1959, 37-38.

[32] “Tôi tin tưởng rằng đóng góp lớn nhất của Karl Barth cho sự phát triển của giáo huấn Hội Thánh sẽ được tìm thấy trong học thuyết của ông về chọn lựa.” McCormack, “Grace and Being,” 92.

[33] Karl Barth, Church Dogmatics, II/II, 103.

[34] Karl Barth, Church Dogmatics, II/I, 263.

[35] Như Eberhard Jungel nói rằng: “Hữu thể của Thiên Chúa trong hành động được hiểu theo nghĩa Thiên Chúa là quyết định của Người.” Id., God’s Being is in Becoming, 83.

[36] Karl Barth, Church Dogmatics, II/I, 264, 272.

[37] Karl Barth, Church Dogmatics, II/I, 283.

[38] Karl Barth, Church Dogmatics, II/I, 297.

[39] Xem Karl Barth, Church Dogmatics, II/2,9-10.

[40] Bruce McCormack, “Seek God where He may be found”: A response to Edwin Chr. Van Driel,” Scottish Journal of Theology, 60 (2007), 62-79.

[41] Đối với McCormack, hành vi vĩnh cửu của Thiên Chúa về việc tự xác định là Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần và hành vi vĩnh cửu của Thiên Chúa về việc tự xác định mình là “Thiên Chúa vì chúng ta” là một và cũng là chính hành động ấy. Như thế, Ba Ngôi Thiên Chúa là một chức năng của sự chọn lựa thần linh. Dẫu sự chọn lựa không có trước Ba Ngôi Thiên Chúa theo thời gian, nó có trước xét về lôgic, vì nó là hành vi đời đời của Thiên Chúa về việc xác định chính mình để là Thiên Chúa vì chúng ta mà nó làm nên Thiên Chúa như là Ba Ngôi. Chọn lựa là một quyết định vĩnh cửu, được mạc khải cho nhân loại trong mạc khải của Đức Giêsu Kitô, mà nó là mạc khải của sự chọn lựa và Thiên Chúa được chọn. Nó ở trong ánh sáng của điều mà McCormack được thúc đẩy để quả quyết rằng nhân loại không thể biết về một Thiên Chúa trước đó, hoặc về một Đấng khác hơn là Đấng đã được mạc khải trong quyết định này. Vì thế, không có Ngôi Lời hằng hữu trong trừu tượng (không có Logos asarkos), nhưng chỉ có Logos bày tỏ cách vĩnh cửu trong sự nhập thể của Đức Giêsu (ví dụ, Logos ensarkos).

[42] X. Paul Molnar, Divine Freedom and the Doctrine of the Immanent Trinity: In Dialogue with Karl Barth and Contemporary Theology, T. & T. Clark Edimburgh 2005.

[43] Karl Barth, Church Dogmatics, I/I, 306.

[44] Xem Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I,169-171. Có thể xem Christian T. Collins Winn, “Jesus is Victor!” The Significance of the Blumhardts for the Theology of Karl Barth, Pickwick, Eugene, OR 2008.

[45] Adam Eitel chứng minh làm sao Barth bắt đầu học thuyết của ông về sự hoà giải nhờ đưa ra sự nối kết giữa Ba Ngôi và sự phục sinh. Xem bài nghiên cứu của ông: “The resurrection of Jesus Christ.”

[46] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I,165.

[47] Barth giải thích chức năng ngôn sứ của Đức Giêsu như là một câu chuyện kể đầy bi kịch: “Cũng theo hình thức thứ ba này, nhờ một học thuyết về Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, Lời và Đấng Mạc khải, như là một học thuyết về chức năng ngôn sứ của Người, Kitô học là một sự tường thuật về lịch sử Người, và đặc biệt về sự chiếu toả ánh sáng Người, sự tuyên bố đích thực về giao ước, sự mạc khải của hoà giải, hành vi của Ngôn Sứ Đức Giêsu Kitô... nó là một thảm kịch mà chỉ có thể được đi theo, hoặc đúng hơn, được kinh nghiệm và kể lại” (Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 166.

[48] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I,168-171.

[49] Để tìm hiểu cuộc tranh luận về những biến cố này, xem Collins Winn, “Jesus is Victor!,” 83-91.

[50] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I,169.

[51] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I,170.

[52] Karl Barth, The Christian Life: Church Dogmatics IV/4, Lecture Fragments, trans. G. W. Bromiley, Eerdmans, Grand Rapids, MI 1981, 263.

[53] Church Dogmatics, IV/3.I,170.

[54] Id., Church Dogmatics, IV/3.I,191,193.

[55] X. Paul Molnar, Divine Freedom and the Doctrine of the Immanent Trinity: In Dialogue with Karl Barth and Contemporary Theology, T. & T. Clark, Edinburgh 2005.

[56] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 296.

[57] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 359.

[58] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 353.

[59] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 339.

[60] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 176.

[61] Karl Barth, Church Dogmatics, IV/3.I, 216.

[62] Karl Barth, The Christian Life: Church Dogmatics IV/4, Lecture Fragments, trans. G. W. Bromiley, Eerdmans, Grand Rapids, MI 1981, 263.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/karl-barth-hoa-giai-va-thien-chua-ba-ngoi-46518

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét