Thay đổi cách sống để được vào Nước Trời

Suy Niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Năm – C

(Lc 16, 19-31)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng cách sống của những người giầu sang phú quý (Am 6, 1a), cụ thể là nhà phú hộ “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) tương phản với cách sống của của Lagiarô, vị hành khất nghèo nằm trước cửa nhà ông, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho” (Lc 16,20). Số phận của họ sẽ rõ ràng sau khi chết. Lời Chúa mời gọi chúng ta quan sát cách sống của những người trên để mà sống sau cho có cái kết hậu.

Những người giầu

Chúa Nhật tuần trước, tiên tri Amos đã nói đến những con người buôn bán muốn làm giàu bằng cách bóc lột người nghèo. Hôm nay, Amos nói đến hạng người có thế lực, mà người phú hộ trong bài Tin Mừng Luca là một tiêu biểu. Ông mô tả nếp sống của những người có thế giá, địa vị trong xã hội “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19); “Họ nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên Giáo Hộiế dài: ăn những chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ : người ta nghĩ mình như Đavid… dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình” (Am 6, 4-7).

Chúng ta biết rằng, chiên, cừu, bê là những vật thường được dùng đặt trên bàn thờ nơi đền thánh để dâng lễ; nay nằm trên bàn ăn của hạng giàu có. Họ đã biến phòng ăn của họ trở nên như đền thờ, nghêu ngao dạo nhạc như Ðavít. Chén lớn và dầu hảo hạng, dân Do thái dùng để xức vào các dịp lễ lớn tại Đền thờ, nay họ đùng chén và dầu này để uống và xức, quả là phạm thánh. Người Do thái không có vừa ăn vừa nằm thõng thượt. Chỉ có người Hy lạp với làm thế. Đây là hình ảnh ngoại lai. Thực tế, con người và đời sống đạo của những người trên là như thế đó. Chúa của họ bây giờ là "cái bụng" cũng như đối với những kẻ đang làm giàu: tiền mới là chúa tể. Họ chỉ biết ăn uống, chứ đâu có để mắt tới đồng bào, đồng loại, sống chết mặc bay.

Lagiarô

Nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói đây và người phú quý mà Amos mô tả, tương phản với anh Lagiarô nghèo.

Chi tiết “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực; nhưng không nói ông đã làm giầu cách bất lương : ông dùng của cải ông có. Lagiarô có nghĩa là (Thiên Chúa cứu giúp). Người nghèo là người đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; đến bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, thế mà cũng đến liếm các ung nhọt cho Lagiarô. Và điều này càng nói lên sự bất nhân của nhà phú hộ. Nếu có điều kiện ông sẽ chè chén, đó là việc làm của ông; nhưng ông không nhận ra anh Lagiarô nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được. Và Thiên Chúa toàn năng phán : “Khốn cho các người là những kẻ phú quý ở Sion... vì chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse” (Am 6, 1a).

Đời sống ích kỷ khiến người giầu chỉ chú ý đến mình, qui mọi sự về mình, bị mắc kẹt trong sự thờ ơ, trở thành tù nhân của nhà tù mạ vàng của chính mình, mù quáng trước nhu cầu của người đồng loại, và điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa từ nhân.

Sự kiện bất ngờ ập đến nhà phú hộ và anh Lagiarô nghèo là cả hai cùng chết, cùng chịu xét xử. Bản án thật nghiêm khắc : người nghèo vui mừng và đầy tràn hoan lạc, được đem vào lòng Abraham, vui mừng giữa triều thần thánh. Người Do Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần đưa lên trời dự tiệc, giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói "ngồi trong lòng Abraham" chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Còn nhà phú hộ được đem chôn vào lòng đất (x, Lc 16,22). Mỗi người bắt đầu cuộc sống của mình sau cái chết : người nghèo được tách khỏi thế gian này, anh được cất nhắc lên trời; người giầu khám phá ra sự hư không của một cuộc đời với những thú vui trần thế.

Thật đáng ngạc nhiên khi tình thế hoàn toàn bị đảo ngược sau khi chết, cuộc đối thoại giữa Abraham và người giầu khẳng định điều đó : nhà phú hộ đau khổ tột cùng, ông nài xin Lagiarô cho ông một chút nước để làm mát lưỡi. Thật không thể nào hiều nổi một ‘vực thẳm’ ngăn cách, khiến người ta không thể bắc cầu mà qua, hay làm được một cử chỉ nào với lòng thương xót. ‘Vực thẳm không thể qua được này’ đề cập đến sự cần thiết phải hoán cải ngay lập tức.

Thay đổi cách sống để được vào dự tiệc Nước Trời

Dụ ngôn kết thúc, như một lời nhắc nhở hữu ích về ảo tưởng của sự giầu sang. Cần phải đặt mình trong tương quan với tha nhân.

Nhà phú hộ xin với Cha Abraham, nếu không bớt được đau khổ cho ông thì ít ra cũng cảnh báo anh em ông khỏi rơi vào cảnh buồn tủi thế này. Câu trả lời của tổ phụ Abraham nại đến “Môisen và các tiên tri” sẽ thức tỉnh lương tâm họ : nhưng theo nhà phú hộ thì các chứng nhân Cựu Ước không đủ để thức tỉnh anh em ông về sự quyến rũ của thế gian này. Nên ông nài nỉ : “Nhưng nếu có ai đó trong kẻ chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải” (Lc 16,30). Lời khước từ của Abraham khép lại dụ ngôn ngay lập tức : “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,31).

Rõ ràng : nếu chúng ta từ chối nghe lời Thiên Chúa không ngừng sám hối ăn năn, cứ đóng kín lòng mình trong sự ích kỷ của cái tôi, không nghĩ đến người khác, chúng ta sẽ không thể gia nhập cộng đoàn huynh đệ đã được Đức Kitô Phục sinh khai mở.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ