Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Về Sự Biện phân, Biện phân có nghĩa gì?
Vũ Văn An
Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư ngày 31 tháng 8, tại hội trường Phaolô VI, nhân buổi yết kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi đầu loạt bài giáo lý mới về biện phân. Trong bài đầu tiên hôm nay, ngài nói tới biện phân là gì. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới: chúng ta đã hoàn thành loạt bài giáo lý về tuổi già, bây giờ chúng ta bắt đầu một chu kỳ mới về chủ đề biện phân. Biện phân là một hành động quan trọng có liên quan đến mọi người, vì các chọn lựa là một phần thiết yếu của cuộc sống. Người ta chọn thức ăn, quần áo, khóa học, việc làm, mối liên hệ. Trong tất cả những điều này, một dự án cuộc sống được thể hiện, và ngay cả mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được cụ thể hóa.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến sự biện phân bằng những hình ảnh lấy từ cuộc sống đời thường; chẳng hạn, Người mô tả người đánh cá chọn những con cá tốt và loại bỏ những con cá xấu; hoặc thương gia biết cách xác định trong số rất nhiều viên ngọc trai, viên ngọc trai nào có giá trị lớn nhất. Hoặc người đang cày ruộng, tình cờ gặp một thứ hóa ra là của báu (x. Mt 13:44-48).
Dưới ánh sáng những thí dụ này, sự biện phân được trình bầy như một thao tác của trí hiểu, cũng là một thao tác của kỹ năng [tiếng Ý: ‘perizia’] và của cả ý chí nữa, để nắm bắt thời cơ: đây là những điều kiện để thực hiện một lựa chọn tốt. Cần có trí hiểu, kỹ năng và cả ý chí để thực hiện một lựa chọn tốt. Và cũng có một cái giá cần thiết để sự biện phân trở nên hữu hiệu. Để thực hiện nghề nghiệp của mình hết khả năng tốt nhất của mình, người đánh cá phải tính đến công việc khó khăn, những đêm dài trên biển, sau đó bỏ một số khỏi mẻ cá, chấp nhận thiệt hại vì lợi ích của những người mà mẻ cá dự định dành cho. Người buôn ngọc trai không ngần ngại chi tiêu mọi sự để mua được viên ngọc trai đó; và người tình cờ tìm được kho báu cũng vậy. [Đây là] những tình huống bất ngờ, không có kế hoạch, trong đó điều quan trọng là phải nhận ra tầm quan trọng và tính cấp bách của một quyết định phải được thực hiện.
Mọi người đều phải đưa ra các quyết định; không ai làm điều này cho chúng ta. Ở một điểm nào đó, người trưởng thành có thể thoải mái hỏi ý kiến; chúng ta có thể suy nghĩ, nhưng quyết định là của chúng ta. Chúng ta không thể nói, 'Tôi mất cái này, bởi vì chồng tôi quyết định, vợ tôi quyết định, anh tôi quyết định.' Không. Anh chị em phải quyết định, mỗi người chúng ta phải quyết định, và vì lý do này, điều quan trọng là phải biết cách biện phân, để quyết định tốt cần phải biết cách biện phân.
Tin Mừng gợi ý một khía cạnh quan trọng khác của sự biện phân: nó liên quan đến cảm xúc. Người tìm được kho báu không gặp khó khăn gì khi bán mọi thứ, vì niềm vui của người ấy hết sức lớn lao (x. Mt 13:44). Thuật ngữ được sử dụng bởi thánh sử Mátthêu chỉ một niềm vui rất đặc biệt, mà không một thực tại nào của con người có thể ban tặng được; và thực sự nó được lặp lại trong rất ít các đoạn Tin Mừng khác, tất cả đều đề cập đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đó là niềm vui của ba vua khi, sau một chặng đường dài gian khổ, họ được gặp lại ngôi sao (x. Mt 2:10); niềm vui, đó là niềm vui của những người phụ nữ trở về từ ngôi mộ trống sau khi nghe thiên thần báo tin Chúa sống lại (x. Mt 28:8). Đó là niềm vui của những người đã tìm được Chúa. Đưa ra một quyết định tốt, một quyết định đúng đắn, luôn dẫn anh chị em đến niềm vui cuối cùng đó; có lẽ suốt chặng đường đi anh chị em phải chịu một chút bấp bênh, suy nghĩ, tìm kiếm, nhưng cuối cùng quyết định đúng đắn đã chúc lành cho anh chị bằng niềm vui.
Trong sự phán xét sau cùng, Thiên Chúa sẽ thực thi sự biện phân - sự biện phân vĩ đại - đối với chúng ta. Hình ảnh người nông dân, người đánh cá và người buôn bán là những thí dụ về những gì xảy ra trong Vương quốc Thiên đàng, một Vương quốc tự biểu lộ qua những hành động bình thường của cuộc sống, đòi hỏi chúng ta phải có lập trường. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải có khả năng biện phân: những lựa chọn lớn lao có thể nảy sinh từ những hoàn cảnh thoạt nhìn có vẻ thứ yếu, nhưng hóa ra lại có ý nghĩa quyết định. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Anrê và Gioan với Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ bắt nguồn từ một câu hỏi đơn giản: 'Thưa thầy, thầy sống ở đâu?' - 'Hãy đến mà xem', Chúa Giêsu nói (xem Ga 1: 38-39). Một cuộc trao đổi rất ngắn ngủi nhưng lại là bước khởi đầu cho một sự thay đổi mà từng bước sẽ ghi dấu ấn trong cả cuộc đời của họ. Nhiều năm sau, Thánh sử sẽ tiếp tục ghi nhớ cuộc gặp gỡ đó, một cuộc gặp gỡ đã thay đổi ngài mãi mãi, và ngài thậm chí nhớ cả thời gian: ‘Lúc đó là khoảng bốn giờ đồng hồ vào buổi chiều’ (câu 39). Đó là giờ mà thời gian và vĩnh cửu gặp nhau trong cuộc đời ngài. Và trong một quyết định tốt, đúng đắn, có một cuộc gặp gỡ giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của chúng ta; có một cuộc gặp gỡ giữa con đường hiện tại và vĩnh cửu. Đưa ra một quyết định đúng đắn, sau một chặng đường biện phân, là thực hiện cuộc gặp gỡ này: thời gian với vĩnh cửu.
Vì vậy: kiến thức, kinh nghiệm, xúc cảm, ý chí: đó là một số yếu tố không thể thiếu của việc biện phân. Trong diễn trình các bài giáo lý này, chúng ta sẽ thấy những yếu tố khác, cũng quan trọng không kém.
Như tôi đã nói, sự biện phân liên quan đến việc chịu khó. Theo Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy cuộc sống mà chúng ta sẽ sống làm sẵn trước mắt chúng ta, được đóng gói sẵn. Không! Chúng ta phải quyết định nó mọi lúc, theo thực tại đang diễn ra. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đánh giá và lựa chọn: Người dựng nên chúng ta tự do và muốn chúng ta thực thi quyền tự do của mình. Do đó, biện phân có tính đòi hỏi.
Chúng ta thường có kinh nghiệm này: chọn thứ gì đó có vẻ tốt với chúng ta nhưng thực ra không tốt. Hoặc biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta nhưng ta lại không chọn nó. Không giống như động vật, con người có thể sai, có thể không muốn lựa chọn đúng - tự do, phải không? Và Kinh Thánh cho thấy điều này ngay từ những trang đầu tiên của nó. Thiên Chúa ban cho con người một chỉ thị chính xác: nếu ngươi muốn sống, nếu ngươi muốn tận hưởng cuộc sống, hãy nhớ rằng ngươi là một tạo vật, ngươi không phải là tiêu chuẩn của thiện và ác, và những lựa chọn ngươi đưa ra sẽ có hậu quả, cho ngươi, cho người khác và cho thế giới (x. St 2:16-17); ngươi có thể làm cho trái đất trở thành một khu vườn tráng lệ hoặc ngươi có thể biến nó thành một sa mạc chết chóc. Một lời dạy căn bản: không phải ngẫu nhiên mà đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thiên Chúa và con người. Đối thoại là: Chúa trao sứ mệnh, anh chị em phải làm điều này, điều nọ; và mỗi người, bước mà họ thực hiện, phải biện phân xem nên đưa ra quyết định nào. Biện phân là sự suy tư của khối óc, của trái tim, mà chúng ta phải làm trước khi đưa ra quyết định.
Biện phân có tính đòi hỏi nhưng không thể thiếu để sống. Nó đòi hỏi tôi phải biết bản thân mình, tôi phải biết điều gì tốt cho tôi ở đây và bây giờ. Trên hết, nó đòi hỏi một mối liên hệ hiếu thảo với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha và Người không để chúng ta một mình, Người luôn sẵn lòng khuyên nhủ chúng ta, khích lệ chúng ta, chào đón chúng ta. Nhưng Người không bao giờ áp đặt ý muốn của Người. Tại sao? Vì Người muốn được yêu thương chứ không bị sợ hãi. Và Thiên Chúa cũng muốn con cái, không phải nô lệ: con cái tự do. Và tình yêu chỉ có thể được sống trong tự do. Để học cách sống, người ta phải học cách yêu thương, và vì điều này, cần phải biện phân: tôi có thể làm gì bây giờ, khi đối diện với phương thức này? Hãy để nó là một dấu hiệu của tình yêu lớn hơn, của sự trưởng thành nhiều hơn trong tình yêu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta! Chúng ta hãy cầu khẩn Người mỗi ngày, đặc biệt là khi chúng ta có những lựa chọn để đưa ra.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét