Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Con Người bị nộp trong tay người đời – CN 25 TN B – Học Viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt

 


 CON NGƯỜI BỊ NỘP TRONG TAY NGƯỜI ĐỜI

Chúa Nhật XXV Thường Niên B

 (Mc 9, 30-37)

Câu Hỏi Gợi Ý


1. Kiểu nói “bị nộp trong tay người đời” có chi đáng lưu ý. Nó thay đổi viễn tượng của lời loan báo như thế nào?

2. Chúa Giêsu có trả lời thẳng vấn đề tranh luận của các môn đồ không (cc.33-35)? Cuộc tranh luận của các ông là duy âm của những vấn đề nào?

3. Đâu là ý nghĩa của cử chỉ Chúa Giêsu bồng em bé (c.36) xét như độc lập với cuộc tranh luận (cc.33-35) và với lời chú giải cử chỉ (c.37)?

4. Lời Chúa Giêsu chú giải cử chỉ của mình (c.37) bao hàm mấy giáo huấn?

5. Mc đặt lời loan báo Khổ nạn và cuộc tranh luận trên đường, rồi đặt trong nhà lời giáo huấn về việc đón tiếp và phục vụ . Việc ấy có ý nghĩa chi?

Đoạn văn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm lời loan báo thứ hai về cuộc Khổ nạn và phần đầu của một diễn từ tạp lục kéo dài cho đến Mc 9,50. Đoạn gom góp các lời nói của Chúa Giêsu cách giả tạo này, chắc hẳn có trước khi Mc biên soạn, được thấy lại nơi “diễn từ về cộng đoàn” của Mt (18) trong lúc Lc hoàn toàn phân tán nó. Mc đã cố gắng duy nhất hóa nó bằng cách chen vào một vài chi tiết đặc biệt. Chẳng hạn chúng ta nhận thấy bút pháp của Mc nơi các câu 30 sự bí mật), 3 (việc dạy dỗ), 32 (tính đần độn và sợ hãi của các môn đồ), 33 (nhà đối chòi với đường), 34 (tranh luận). Sau khi đã chú giải các yếu tố khác biệt nhau của đoạn văn, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của đoạn tom góp đó và quan niệm thần học mà nó diễn tả.

I. LỜI LOAN BÁO THỨ HAI VÈ CUỘC KHỔ NẠN


Những lời loan báo về cuộc Khổ nạn đặt ra hai vấn đề quan trọng: vấn đề xác thực tính của chúng (phải chăng Chúa Giêsu đã nói những lời đó hay người ta đã gán cho Người về sau), và về vấn đề ý nghĩa Người đã mặc trước cho cái chết thoáng thấy của Người [Sách Bài đọc cho ta nghe lời loan báo thứ nhất cả 3 năm ABC; thành thử lời này có cơ hội được chú giải dồi dào theo ba bản văn Nhất lãm. Ngược lại, lời loan báo thứ hai chỉ được đọc trong năm B theo Mc, còn lời thứ ba thì hoàn toàn bị loại bỏ. Vì những lý do đó, chúng tôi bắt buộc phải đề cập sơ sơ các bản văn không được sách bài đọc dùng đến}

Thế mà lời loan báo thứ hai nằm trong một vị thế đặc biệt đối với hai vấn đề trên. Chắc hẳn đây là lời loan báo sơ khai nhất, vắn gọn nhất và cũng kém rõ ràng nhất (so sánh Mc 8,31 ; 9,31; 10,32-34):

Mt 17,22: Con Người sắp bị nộp trong tay người đời và họ sẽ giết Người và ngày thứ ba


Mc 9,31: Con người sắp bị nộp trong tay người đời và họ sẽ giết Người và ngày thứ ba

Lc 9,44: Con Người sắp bị nộp trong tay người đời và họ sẽ giết Người và ngày thứ ba

Người ta còn nhận thấy lời loan báo thứ hai có đặc điểm riêng là kiểu nói: “bị nộp trong tay người đời”; kiểu nói này cũng xuất hiện trong lời loan báo về sự bội phản (Mc 14,21) và trong cuộc vây bắt (Mc 14,41) {Luca bỏ câu “bị nộp…” trong cuộc vây bắt (22,46) mà đem vào trình thuật các phụ nữ viếng mộ: 24,7]. Tuy nhiên, công thức mà chúng ta gặp ở đây xem ra đáng lưu ý nhất vì có những điểm: thì hiện tại để chỉ tương lai gần, cách chơi chữ “Con Người / người đời” và nhất là ngữ điệu thụ động để chỉ hành động của Thiên Chúa. Tất cả đều nói lên nguồn gốc Aram của cái lời mạnh mẽ và bí ẩn ấy, một lời đúng là trong cách nói của Chúa Giêsu. Thành thử ta có thể xem nó như là xác thực.

Nhưng khi nói lên câu đó, Chúa Giêsu đã muốn mặc cho cái chết của Người ý nghĩa nào? Việc nghiên cứu chữ “bị nộp” có thể giải đáp câu hỏi.

Từ ngữ “bị nộp” này xuất hiện trong vài bản văn Phaolô (Rm 4,25; 8,32; Ep 5,2) và khiến ta liên tưởng đến công thức Thánh Thể (x. Lc 22,19; 1Cr 11,24). Tuy nhiên, ngược với Mc 9,31, các bản văn đây luôn luôn có tiếng xác định “vì chúng tôi”, “vì tội lỗi chúng tôi” là tiếng ám chỉ chương 53 của Isaia khá rõ rệt cùng hướng tư tưởng về khía cạnh hy tế và cứu chuộc của cái chết Chúa Giêsu.

Nhưng thành ngữ “bị nộp trong tay” không xa lạ gì với Kinh Thánh. Người ta gặp nó chẳng hạn như trong đoạn nói về vụ án Giêrêmia (26,24). Và nếu vị ngôn sứ đã thoát chết, thì trình thuật về vụ án của ông xem ra vẫn không kém được dùng, đặc biệt nơi Mc, như đường canh cho trình thuật Khổ nạn của Chúa Giêsu. Thành ngữ này còn xuất hiện trong các thánh vịnh của “người công chính đau khổ” kêu cầu “được giải thoát khỏi bàn tay kẻ tàn bạo, vô nghì” (Tv 71,4; 140,5) và cuối cùng trong Đanien 7,25, nơi người ta thấy, các thánh của Đấng Tối Cao “bị nộp vào tay” Antiôkô êpiphanê vua bách hại, nhưng “sẽ chiếm được vương quốc” (Đn 7,22), cái vương quốc được trao ban cho nhân vật bí mật là Con Người (Đn 7,14).

Người ta bàn cãi về lai lịch của Con Người không ngớt (cá nhân đặc thù hay biểu tượng tập thể?). Nhưng dù sao đi nữa, thì đây vẫn là nguồn gốc trực tiếp của công thức Tin Mừng của lời loan báo thứ hai; tuy nhiên Chúa Giêsu kết hợp trong Người số phận tập thể của chư thánh Đấng Tối cao và đàng khác, Người lần lượt lãnh lấy, trong cuộc sống riêng tư, hai khía cạnh xem ra tách biệt là bách hại và vương quyền. Ở đây, Người xuất hiện như vị tử đạo tuyệt hảo, phải chịu khổ đau trước khi Vương triều đến.

Như vậy, câu “Con Người bị nộp trong tay” mặc khải cho ta một khía cạnh vô cùng quý giá của cuộc Khổ nạn và cái chết Chúa Giêsu: cuộc Khổ nạn này đúc kết và hoàn tất trọn hảo nỗi đau khổ của những người công chính, sự bách hại các ngôn sứ đã trải qua và cái chết của các vị tử đạo; việc sử dụng động từ “nộp” nhiều nơi trong các trình thuật Khổ nạn có lẽ đã muốn gợi lên điều này trước tiên, đây là hạn từ chuyên môn của sự phản bội: Giuđa “nộp” Chúa Giêsu cho các thượng tế (Mc 14,10); đến lượt các thượng tế “nộp” Người cho Philatô (15,1.10); cuối cùng Philatô “nộp” Người cho bọn lính (15,15). Chúa Giêsu lần lượt bị trao cho quyền năng của mọi tà lực; Người thật đã “bị nộp trong tay”, theo tự nghĩa “bị nhồi”: “Chúng đã làm cho Người những gì chúng muốn” (Như Chúa Giêsu đã nói về Elia – Gioan Tẩy giả để cho thấy ông thực sự là Tiền hô ở chỗ nào; vì thế mà Mc mới đem hạn từ của cuộc Khổ nạn áp dụng cho ông: “Sau khi Gioan đã bị nộp”(1,14). Tất cả những điều này đều được đề cập cách chi tiết trong lời loan báo thứ ba: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế … và họ sẽ nộp Người cho dân ngoại”; nét cuối cùng đây tạo nên sự ô nhục lần nhất: một người Do thái bị các người Do thái nộp cho dân ngoại, một sứ giả Thiên Chúa bị các tư tế nộp cho lương dân! (Người ta thấy nét này lại được đề cập đầu tiên trong các diễn từ sách Cv 2,23; 3,13, và nó là đặc điểm của lời loan báo thứ 3 trong Luca).


 Nhưng xem ra lời loan báo thứ hai đề ra một viễn tượng khác. Trong viễn tượng thứ nhất, như công thức của lời loan báo về sự bội phản chỉ rõ (Mc 14,21): “Khốn thay kẻ làm cho Con Người bị nộp”, người ta còn đứng trong bình diện các sáng kiến và trách nhiệm của loài người. xem Ga 19,11: kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn”, mặc dầu trong Tin Mừng thứ 4, tất cả mọi sáng kiến ấy đều được Satan xúi giục. Ta có thể nhận xét rằng Gioan có một cách thức sử dụng độc đáo động từ “nộp trước tiên 8 lần cho Giuđa từ ch.6 đến ch.18, rồi cho nhiều nhân vật trong 18,30-36 và 19-16]. Thế mà chúng ta đã bảo: ngữ điệu thụ động của lời loan báo thứ hai là một cách ám chỉ hoạt động của thiên Chúa; thành ra phải hiểu như sau: “Thiên Chúa sắp nộp Con người cho người đời”, và có thể, việc đối chiếu “Con Người / người đời” mới hoàn toàn nổi bật. Đây là một khẳng định làm ta ngạc nhiên, và đảo lộn mọi viễn tượng, vì chẳng còn vấn đề sự ác đang tác động và chiến thắng, nhưng là ý định của Thiên Chúa đang thực hiện qua các mâu thuẫn. Thiên Chúa không bị đánh úp và càng không bị thất bại. “Con Người bị nộp” từ đây chẳng còn là một ô nhục, một cớ vấp phạm nữa, nhưng là chính mầu nhiệm của Thiên Chúa chiến thắng nhờ những phương thế lạ lùng, chính lúc mà sự dữ xem ra được hơn: “Ngài đã không tha cho chính Con của Ngài, nhưng đã phó nộp Người vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32); “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài” (Ga 3, 16).

“Ý định của Giavê sẽ nhờ Người mà nên trọn”, Isaia đã nói thế (53,10) về người tôi tớ bị nộp (bởi Thiên Chúa?) “vì tội lỗi chúng ta”, chứ không phải “vào tay kẻ tội lỗi”. Nhưng với điều kiện là đừng quan niệm cách quá hệ thống cái chết như một hy tế đền tội, thì người la mới có thể thấy hai viễn tượng đó kết hợp lại với nhau.

Để kết thúc, chúng ta có thể phác họa một câu trả lời cho hai câu hỏi mà ngay từ đầu đã được đặt: Chúa Giêsu, đứng trước diễn tiến các biến cố, đã dễ dàng đoán trước cái chết dữ dội của Người; nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là ý nghĩa mà Người gán cho cái chết đó. Thế mà tất cả cho chúng ta thấy: dưới ánh sáng và theo gương các tiền nhân của lịch sử thánh, Chúa Giêsu đã ý thức sống cuộc Tử nạn này như biến cố trung tâm của chương trình cứu rỗi.

II. CÁC CẢNH TIẾP THEO VÀ LỜI CHÚ GIẢI VỀ CHÚNG


Tiếp theo lời loan báo Khổ nạn là hai cảnh nhỏ tương phản nhau, mỗi cảnh diễn tiến trong hai thì: chính sự kiện và một câu nói của Chúa Giêsu; trước tiên là cuộc tranh luận giữa các môn đồ về kẻ lớn nhất và câu Chúa Giêsu đáp trả. Về người đầu hết / cuối hết; đoạn đến cử chỉ Chúa Giêsu bồng một em bé và lời nói (về việc đón tiếp) chú giải cử chỉ này.

Phải công nhận là có một rời rạc trong sự kế tiếp các yếu tố khác nhau đó. Nơi c.33, Chúa Giêsu ở trong nhà với các môn đồ; rồi nơi c.35, Người ngồi xuống, gọi nhóm Mười hai và ngỏ lời với họ. Gọi những kẻ đã có mặt sẵn đó, những kẻ đang cùng trò chuyện, rồi lại phân biệt các môn đồ với nhóm Mười hai: xem như thể có hai nhập đề cho lời Chúa Giêsu nói.

Các môn đồ tranh luận về kẻ lớn nhất; câu giải đáp của Chúa Giêsu không lấy lại chữ này, nhưng nói về kẻ đầu hết và cuối hết.

Cảnh bồng em bé đáng lý ra phải minh họa cho giáo huấn vừa được ban; thế mà lời nói kế tiếp không còn ám chỉ chủ đề người lớn hơn, chủ đề kẻ đầu hết / cuối hết hay chủ đề tôi tớ nữa, nhưng nói đến việc đón tiếp.

Ngoài ra, lời nói nầy về việc đón tiếp các trẻ nhỏ, ở số nhiều, giả thiết có một nhóm trẻ và trông phù hợp hơn với giai thoại kể ở 10,13-16, vì ở đây Chúa Giêsu chỉ bồng một em nhỏ thôi (tình cờ đứng đó hay trong nhà ?).

Phải thêm rằng qua hai từ ngữ “vì danh Ta”, “một trong các trẻ nhỏ này”, lời nói về việc đón tiếp liên hệ hẳn với đoạn đi sau (cc.38-39 “nhân danh Ta”; c.42 “một trong những trẻ nhỏ này”) [Hãy để ý: nơi c.37, từ ngữ được dùng là paidion: trẻ nhỏ, trong khi nơi c.42, đó lại là mikros, một tiếng không đặc biệt chỉ trẻ em]. Trong Mc, người ta có cảm tưởng: giai thoại đứa trẻ là khởi đầu cho một loạt bản văn hơn là kết luận của việc tranh tụng. Thứ tự được Mt và Lc chọn xem ra thỏa đáng hơn:

1. Tranh luận (Lc) hay câu hỏi (Mt);

2. Đứa bé;

3. Lời Cilúa Giêsu đáp trả trực tiếp vấn đề.

Tuy nhiên hai thánh sử này đặt khác nhau lời nói về việc tiếp đón: Luca đặt trước câu trả lời về kẻ lớn nhất, và Mt đặt sau. Những khác biệt này khiến ta nhận thấy là khó giải thích cảnh tượng đứa trẻ, một cảnh xem ra đã được sửa đổi nhiều lần. [Vì vậy cha Boistnard đã thử tái dựng một bản văn nguyên thủy như sau: “Họ đã đến Capharnaum, và các môn đồ tới gần Chúa Giêsu mà nói: Ai là kẻ lớn nhất? Bồng lấy một đứa bé Người đặt nó giữa họ và bảo: Kẻ nhỏ nhất chính là kẻ lớn nhất”, Benoit-boismard, Synopoe des qua tre évangiles en francais, 1l, paris, 1972, tr.264. Nhưng ta cũng có thể nhìn sự việc cách khác và xem bản văn Mc như một tập hợp giả tạo song nguyên thủy và bản văn Lc hay Mt như một nỗ lực duy nhất hóa các yếu tố. Trong chiều hướng này, x. Legasse, Jésus ét l’enfant, Paris, 1969, tr.17-36). Thành thử tốt hơn nên xem các yếu tố của bản văn Mc như những tiểu đơn vị độc lập, đồng thời ý thức rằng có lẽ chúng là kết quả của một cuộc tiến hóa phức tạp.

1. Cuộc tranh luận giữa các môn đồ và câu trả lời của Chúa Giêsu.


Mc trình bày một cách rất độc đáo cuộc tranh luận về ngôi thứ. Điều đó không có nghĩa là ông đã dựng nên sự kiện. Chắc hẳn Mt đã bỏ hay đúng hơn biến cuộc tranh luận này thành một câu hỏi chung chung về kẻ lớn nhất trong Vương quốc, (Mt 18,1), và loại ra chuyện các môn đồ; nhưng ông đã cần có câu hỏi này để soi sáng đề tài được bàn đến trong chương 18 của ông; và ta dễ tưởng tượng rằng ông đã loại bỏ cảnh tượng cụ thể. Luca, trong bản văn song song (9,46-47) có vẻ giảm tầm quan trọng của giai thoại khi bảo đây chỉ là “một cuộc tranh luận bên trong mà Chúa Giêsu đoán biết (x.TOB, Le Nouveau Testament, tr.226, chú thích c. Về hai câu này TOB dịch rất đúng: “Một câu hỏi đã xảy đến trong trí họ”. Chúa Giêsu biết được câu hỏi họ đã tự đặt ra”); thật ra đoạn song song đích thực với Mc được tìm thấy nơi khác: nó nằm trong khung cảnh bữa tiệc cuối cùng (Lc 22,24) và được gọi dưới cái tên (duy nhất trong Tân ước) là “tranh chấp”, và vì thế nó mang một tầm mức mới mẻ.

Cuộc tranh luận xem ai lớn nhất có lẽ là dư âm của nhiều vấn đề trong cộng đoàn sơ khai về chức tước các sứ đồ (x Ga 21; Cv: những đoạn về Phêrô và Gioan; 1Cr 1-4) hay của một xu hướng tìm kiếm danh dự và phẩm chức nơi một vài người lãnh đạo, hay hơn nữa là dư âm của nhiều tranh luận hoặc lạm dụng xảy ra trong việc cử hành Thánh Thể: điều mà Lc hình như nhắm đến khi đặt cuộc tranh luận của các môn đồ chính giữa trung tâm bữa Tiệc ly như Giacôbê 2, 1-4 là chứng nhân của một thái độ phân biệt ngôi thứ trong các buổi cử hành phụng vụ). Xã hội cổ thời và đặc biệt xã hội Do thái tỏ ra khá băn khoăn về đẳng cấp và không có gì đáng ngạc nhiên khi Giáo Hội sơ khai đã vấp phải nhiều khó khăn phát sinh tôi một quan niệm về sự vật và từ những phong tục mà Tin Mừng thẳng thắn đả kích. Nhưng cũng có thể là vấn đề đã được đặt ra (một cách khác) trong nhóm các môn đồ trước ngày phục sinh. Điều này được xác nhận qua giai thoại (khá gần đó.) về lời cầu xin của hai con Giêbêđê (Mc 10,35-40) mà truyền thống chắc đã không thể dựng đứng, cũng như vô số lời khác nhau của Chúa Giêsu về sự cần thiết phải khiêm nhường và phục vụ (x. Lc 9,48b; Mc 10,43.44; Mt 20,26-27; 23,11; Lc 22,26).

Thánh ngôn mà Mc trình bày ở 9,35 nổi bật hơn hết. Nó không trả lời thẳng câu hỏi vì không đối chiếu “lớn/ nhỏ” như thấy trong Lc 9,48 và Mt l8,4; những lời khác đưa ra sự đối chiếu kém sít sao: “lớn / tôi tớ” (Mt 20,26; 23, 11 ; Mc 10,43) hay “cầm đầu / nô lệ” (Mt 20,27; Mc 10,44) hay “lần hơn / trẻ hơn” (Lc 22,26). Duy chỉ Mc 9,35 trình bày sự đối nghịch căn bản “đầu hết / cuối hết”, sự đối nghịch diễn tả đúng việc đảo lộn các giá trị mà Chúa Giêsu thực hiện và việc thay đổi thái độ mà Người’ đòi hỏi. Chắc chắn đó là một lời đích thực của Chúa Giêsu, được đưa vào ở đấy (và được móc thêm chữ “tôi tớ mọi người”) để cúp ngang vĩnh viễn mọi ao ước chỗ nhất: sự lớn lao đích thực hệ tại trở nên tôi tớ, và muốn trở nên tôi tớ phải là kẻ rốt cùng. [Ta có thể đối chiếu lời đang nói với một lời khác tương tự ở số nhiều mà lần này diễn tả một sự kiện chứ không còn diễn tả một lời khuyên; Do xuất hiện dưới hai hình thức đảo ngược, hình thức đầu tiên (Mc 10,21; Mt 19,30) nói đến sự đảo lộn vị thế đối với kẻ giàu người nghèo do việc Thiên chúa xét xử; hình thức thứ hai (Lc 13,30; Mt 20,16) được áp dụng cho vấn đề lương dân thế chỗ tuyển dân trong Vương quốc. Vài tác giả nghĩ rằng chính Mc đã soạn 9,35 từ các câu song song trên đây].

2. Cử chỉ của Chúa Giêsu và lời chú giải.


Trong sự trình bày hiện thời của Mc, giai thoại về đứa trẻ được đặt giữa các môn đồ không minh họa cuộc đối thoại đi trước. Hai lời nói (về việc tiếp đón) vốn chú giải giai thoại một cách bất ngờ xác nhận sự thiếu liên lạc giữa giai thoại với mạch văn; cử chỉ của Chúa Giêsu ở đây đã là đối tượng của nhiều lối giải thích, và phải tự hỏi đâu là ý nghĩa của cử chỉ này, xét như độc lập với cuộc tranh luận và với lời chú giải theo sau.

Trước hết, tự nhiên người ta muốn đem giai thoại vắn này đặt gần một cảnh dài hơn (10,13-16) mô tả môn đồ la rầy các trẻ nhỏ hoặc những kẻ đem chúng đến với Chúa Giêsu xin lưu ý: trong giai thoại thứ hai này, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng được tiếp theo bằng một câu nói về việc đón tiếp mà đối tượng khác hẳn; cũng nên lưu ý là trong cả hai trường hợp, Mc đều nói Chúa Giêsu “bồng ẵm” các em bé}. Hiển nhiên, sự lưu tâm của Chúa Giêsu đối với các trẻ nhỏ là một nét khá đặc biệt của thái độ Người, một thái độ đã làm cho các môn đồ ngạc nhiên và có lẽ đã khiến kẻ đương thời khó chịu. Thật vậy, trẻ nhỏ không mấy có chỗ đứng trong xã hội bấy giờ; chúng chẳng phải là kiểu mẫu về sự vô tội hay đơn sơ đâu, nhưng chính là điển hình của cái không quan trọng, không đáng kể, vì thế chẳng cần lưu ý. Việc Chúa Giêsu quan tâm đến các trẻ nhỏ có thể đem đối chiếu với thái độ của Người đối với hạng thu thuế và gái đĩ: thái độ đó mặc khải một điều về Thiên Chúa. Điều đó là: Vương Quốc được trao ban cách nhưng không cho tất cả những gì bị bỏ rơi, khinh bỉ, mà không để ý đến nhân đức công lao; và lời mời dự tiệc được dành cho kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, cho hết những ai không có gì trả lại (Lc 14,13-14.21). Đó là ý nghĩa sơ nguyên của cử chỉ Chúa Giêsu (x. Mc 14,10), độc lập với mọi lời chú giải.

Nhưng từ đó phát xuất một giáo huấn được ngụ ý qua câu nói đầu tiên về việc đón tiếp (c.37a). Câu nói này bao hàm vừa lời mời gọi tiếp đón trẻ nhỏ, vừa lời xác quyết sự đồng nhất giữa đứa trẻ được tiếp đón và Chúa Giêsu. “Tiếp đón một trong những trẻ nhỏ này” chắc phải được hiểu không như một thái độ thuần tâm lý, bên trong, nhưng một cách cụ thể (theo nghĩa thông thường trong Tân ước của động từ déchosthai: tiếp đãi nồng hậu) là tiếp đón chúng, thu nhận chúng; có nghĩa là tiếp đón những đứa trẻ khó nghèo, mồ côi hay bị bỏ rơi. Lo lắng cho những trẻ nhỏ này là một công việc bác ái được Lề luật rất khuyến khích và được thực hành trong Do thái giáo. Chúa Giêsu lấy lại công việc nhưng thêm vào một yếu tố mới rất quan trọng: “Chính Ta mà họ tiếp đón”. Như thế, trong Mc 9,37a đã phác họa giáo huấn được ban ra trong cảnh phán xét sau cùng (Mt 25): Chúa Giêsu đồng hóa với trẻ nhỏ, với kẻ nghèo, vì thái độ của Người đối với họ hoàn tất cách toàn hảo việc mặc khải về Thiên Chúa như Đấng bênh vực người nghèo khó và “Cha kẻ mồ côi (Tv 68,6). Thành thử việc đưa lời nói trên vào chỗ này tạo nên một lời giải thích mới về cử chỉ của Chúa Giêsu vậy.

Sau đó, người ta còn thêm một lối giải thích thứ ba nữa. Câu 37b cũng bàn đến việc đón tiếp, nhưng bây giờ là một chuyện khác hoàn toàn. Câu “Ai đón tiếp Ta là đón tiếp Đấng đã sai Ta” tự nhiên gợi lại văn mạch diễn từ truyền giáo (Mt 10, 40) mà trong đó nó đi sau câu chú giải “Ai tiếp đón các ngươi là tiếp đón Ta”, hay gợi nhớ lúc 10,16 (“Ai nghe các ngươi là nghe Ta, ai thảy bỏ các ngươi là thảy bỏ Ta, ai thảy bỏ Ta là thảy bỏ Đấng sai Ta”) và nhất là Ga 13,20 (“Ai tiếp nhận kẻ Ta sai đến là tiếp nhận Ta, ai tiếp nhận Ta là tiếp nhận Đấng đã sai ta”). Tất cả những chỉ thị truyền giáo này đều được nói cho các môn đồ. Vậy một câu như thế xen vào làm gì trong giai thoại nói về các trẻ nhỏ? Nếu tách riêng, câu 37b không còn chỉ các trẻ nhỏ được; phải chăng nó chỉ các “kẻ nhỏ” mà người ta không nên gây cớ vấp phạm (x. 42) nghĩa là những tín hữu yếu đuối trong đức tin, mỏng dòn, cần được bản vệ hơn và vì thế có thể gọi là “trẻ nhỏ”? (x. Mt 18). Tuy nhiên, ta không thể quên công thức truyền giáo: chính những thừa sai cuối cùng được gọi như những kẻ nhỏ, hay đúng hơn và phải công nhận là lạ lùng, như những trẻ nhỏ; cho nên đây chính là vấn đề đón tiếp nhà thừa sai. Các bản văn Phaolô cho thấy động từ déchesthai cũng được dùng trong văn mạch truyền giáo: 2Cr 7,15; Gl 4,14; Cl 4,10]. Việc chuyển vị thật là ý nghĩa: đến một lúc nào đó, người ta không còn áp dụng trực tiếp cho giai thoại các trẻ nhỏ nữa; ngược lại, người ta đứng trước một hoàn cảnh truyền giáo gây nhiều tận tâm: một giáo huấn mới phát xuất từ việc đối chiếu trẻ nhỏ – nhà truyền giáo. “Trẻ nhỏ trở nên biểu tượng và được dùng để chỉ, trong thực tế những sứ giả khiêm nhu của Tin Mừng, những người mà Cứu Chúa không những ủy thác cho lòng bác ái của các kẻ cho họ lưu trú, nhưng còn tán dương khi đề cao phẩm giá và quyền lợi của họ, quyền được lắng nghe như các ngôn sứ của ơn cứu rỗi thiên sai. Tình cảnh thiếu thốn của những người này, và có lẽ một khuynh hướng khinh dể nào đó đối với họ, có thể đã là lý do cho một lời nhắc nhở đặc biệt như thế trong giáo lý của cộng đoàn sơ khai” (Legasse, sđd, tr.102-103. Tất cả đoạn của chúng tôi đây lệ thuộc nhiều vào tác phẩm này. Cũng xin xem các trang 326-336. Có một điểm đáng lưu ý là sự tiến triển nhận thấy trong thánh ngôn của Mc hình như cũng có trong Mt 25, nơi c.40: các anh em hèn mọn nhất này của Ta”. Xem Légasse, tr.85-100)

III. ĐƯỜNG CỦA CON NGUỜI, ĐƯỜNG MÔN ĐỒ PHẢI THEO


1. Bản gom góp mà chúng ta vừa nghiên cứu các yếu tố trên đây xem ra giả tạo: bất quy tắc trên phương diện văn chương, thiếu mối dây liên lạc trên bình diện lịch sử. Bản văn này, vốn móc nối nhiều sự kiện và câu nói với lời loan báo cuộc Khổ nạn, chắc phải có trước Mc: cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều có; hơn nữa kiểu móc nối ý nghĩa này luôn theo sau mỗi lời loan báo cuộc Khổ nạn:

– Lời loan báo Khổ nạn,

– Cảnh các môn đồ không hiểu (Phêrô không chấp nhận các đau khổ của Đấng Messia, tranh luận về việc Giacôbê và Gioan xin ngồi chỗ nhất).

– Giáo huấn của Chúa Giêsu về điều kiện của môn đồ (được liên kết cách này hay cách khác với cuộc Khổ nạn).

Loại gom góp này, ba lần được lặp lại, không thể là kết quả của tình cờ nhưng của một chủ ý đã có từ trong truyền thống; chủ ý này dễ dàng đoán ra: khi sự nghịch lý của của Thập giá được mặc khải thì con người xa lạ với ý định của Thiên Chúa tức khắc phản đối; thế nhưng y vẫn được mời gọi đi vào một thế giới mới đòi hỏi một thái độ hoàn toàn khác hẳn; và chính cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô vừa đòi hỏi vừa làm cho thái độ mới đó có thể có được.

2. Khi đem vào trong tác phẩm mình bảng gom góp đã được tổ chức đó, Mc sử dụng nó một cách khá độc đáo theo ý định mà ông đeo đuổi trong cuốn Tin Mừng của ông.


Trước hết, có bầu khí nặng nề chung quanh lời loan báo Khổ nạn, gây nên cho việc đề cập đến ý muốn ẩn mình của Chúa Giêsu, do sự đần độn của các môn đồ và việc các ông sợ không dám hỏi. Bầu khí này cũng bao bọc quanh cuộc tranh luận của các ông: câu Chúa Giêsu tra vấn về chuyện dọc đàng và như thế liên kết cách chặt chẽ lời loan báo với cuộc tranh luận, đã tạo nên một cảnh hồi hộp mà sự lặng thinh của các môn đồ càng làm tăng thêm. Sau cùng, việc đối chiếu đường và nhà, hai nơi tương ứng với hai hoạt động khác nhau, hai giáo huấn khác nhau (dọc đường Chúa Giêsu đi và nói về mình; trong nhà Người ngồi và dạy dỗ các môn đồ) mới làm dịu lại bầu khí.

Như thế, nơi Mc, lời loan báo thứ hai về cuộc Khổ nạn với những gì theo sau, đánh dấu một giai đoạn của một hành trình vừa có tính cách địa lý, vừa có tính cách thiêng liêng. Thật vậy, chủ đề con đường đã xuất hiện trong 8,22 khi xảy ra việc tuyên xưng ở Caisaria và lần loan báo đầu hết, để rồi được lặp lại trong hai lần loan báo còn lại (9,30-34 và 10,32) và kết thúc với việc chết ra lành người mù ở Giêricô mà chủ đề đóng khung (10,46-52): đầu tiên Bartimê (người mù Giêricô) “ngồi bên vệ đường” và lúc cuối “theo Chúa Giêsu trên đường” dẫn đến Giêrusalem. Chỉ duy Mc đã đặt ba lần loan báo Khổ nạn “trên đường đi”, trong khung cảnh một cuộc hành trình dẫn Chúa Giêsu với các môn đồ từ Caisaria của Philipphê ở cực bắc, xuống Galilê, đến Giêrusalem ngang qua Giêricô. Chắc hẳn ông muốn dạy: từ việc tuyên tín của Phêrô, kết điểm của phần nhất cuốn sách và là mặc khải còn mơ hồ và khiếm khuyết về tư cách Messia của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện cách đích thực ý định của Thiên Chúa và mặc khải dứt khoát bản phân cùng công việc của Người, bằng cách dấn thân trên một con đường mới sẽ đưa Người đến cái chết. Con đường ấy của Con người, đường khổ nạn, luôn là một nghịch lý nhiệm mầu chỉ được mặc khải trong bí mật thôi nhưng vẫn khó hiểu và gây bối rối. Tuy nhiên, chính trên con đường này mà Chúa Giêsu muốn kéo các bạn hữu của người đi; trong lần loan báo thứ ba, ta sẽ thấy Người đi trước một mình, có các môn đồ theo sau đầy sợ hãi; chính Người sẽ hỏi đầu tiên (như thường thấy trong Mc), nhưng họ im lặng. Rõ ràng là họ khổ sở đi theo Người trên đường ấy và do đó không phải ngẫu nhiên mà cuộc tranh luận xảy ra ở dọc đường: con đường tạo nên sân khấu cho cuộc hành trình của Chúa Giêsu tiến dâng số phận, và cũng tạo nên khoảng cách giữa người với các môn đồ Người. Thành ra các bạn đường của Chúa Giêsu phải trải qua một cuộc khai tâm khó khăn mới trở thành môn đồ đích thực. Chủ đề nhà, riêng của Mc, cũng gắn liền với cùng một kiểu phối trí hình ảnh ấy. Thường thường, nhà này không tìm thấy ở đâu, nhưng nó đóng một vai trò rõ rệt: Chúa Giêsu đem vào cho nhóm môn đồ mà mới đây Người đã gầy dựng, đã tách riêng ra để tạo nên gia đình mới của người (3,31-35); đó là nơi chuyện trò thân mật, giải thích riêng tư (7,17; 9,28; 10,10. x 4,10.34) xa hẳn đám đông và địch thủ. Nhưng lần này, nghi nhà được xác định rõ: đó là nhà ở Capharnaum: phải chăng Mc còn nghĩ đến nhà của Simon (1,21-29; 2,1)? Nếu thế thì toàn thể diễn từ này (phát sinh do câu hỏi mà các môn đồ nhãn giới trần tục đặt ra và bắt đầu với lời dạy về kẻ đầu hết.Cuối cùng kết thúc bằng một câu bí nhiệm: hãy có muối nơi các ngươi và hãy sống hòa thuận với nhau) muốn dạy cho chúng ta hiểu: môn đồ được khai tâm để sống thái độ tôi tớ trong và nhờ cộng đoàn: trong cộng đoàn, người môn đồ sẽ học cách thay thế mối ưu tư chiếm chỗ nhất là cái luôn chia rẽ và gây chống đối, bằng việc kiếm tìm chỗ rốt hết, là phương thế duy nhất để tạo khắp nơi an bình; và như vậy, người môn đồ ấy mới có thể thực sự theo Chúa Giêsu trên đường đi Giêrusalem. Jean Brière, Assemblées du Seigneur 56, tr. 42-52.


Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG


1.Ngày nay ai dám nghiêm trang tuyên bố rằng mình chỉ có một tham vọng là sống một đời sống thánh thiện, phù hợp với thánh ý Thiên Chúa với bất cứ giá nào. Mọi người sẽ cười vào mặt, sẽ cho là điên và rồi thương hại kẻ đó. Muốn hướng đời ta vào sự hiền lành, nhưng không, tha thứ, khiêm tốn, lưu tâm đến tha nhân và thánh ý Chúa, chính là dấn thân đi ngược dòng, chính là trở nên khiêu khích và sẽ bị chống đối từ phía những người mà thái độ này là một lời tố cáo họ. Hiện tượng này không chỉ xảy ra vào thời đại ta: ở  Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu, ở Alexandria vào thế kỷ I trước Chúa Giêsu cũng đã như vậy. Và trong Hội Thánh, sẽ luôn có hiện tượng này. Nhưng đó lại là chính từ, đôi khi rất anh hùng, mà mỗi tín hữu chân chính phải có. Cần phải sống cái thế giới mới trước khi rao giảng nó. Cần phải sống nó để thế giới mới trở thành thực tại, với bất cứ giá nào.


2. Chúa Giêsu được sai đến để tái tạo vũ trụ như ngày đầu tiên từ tay Thiên Chúa. Người đến không phải để thay đổi các cơ cấu xã hội đương thời, nhưng để chiến thắng trên một bình diện sâu xa và nội tâm hơn. Người đến để chỉ cho ta con đường giải thoát khỏi những ham muốn, vị kỷ, ghen tương. Con đường đó chính là con đường thập giá, con đường đi ngược chiều với chuyển động tự nhiên của ta. Tất cả chúng ta dầu muốn làm lớn, không chỉ làm lớn, mà còn lớn hơn, lớn hơn xứ nọ, lớn hơn người kia … Bằng một giọng vừa dịu dàng nhưng cương quyết, Chúa Giêsu nói: Nếu ai muốn làm lớn, hãy làm người nhỏ nhất. Để được vậy, cần phải có một tâm hồn thanh thoát, vô vị lợi. Ta thường có khuynh hướng đón tiếp, thân cận với những ai có thể giúp ích cho ta tiến lên địa vị xã hội. Chúa Giêsu lại nói: Hãy đón tiếp các trẻ em. Đón tiếp trẻ em là một việc làm vô vị lợi, vì thường chúng chẳng đem lại lợi ích cho ta. Chúa Giêsu nói đó là con đường giải thoát nội tâm và là con đường xây dựng một thế giới mới phải hợp với chương trình của Chúa.


3. Chúng ta không luôn luôn thấy rõ đức tin sẽ dẫn ta đến chỗ nào, nhưng chúng ta vẫn đi theo, không dám hỏi Chúa hoặc cố gắng đào sâu; đó là thái độ của các môn đồ khi Chúa nói với họ những lời khó nghe, khó chấp nhận. Đối với chúng ta ngày hôm nay, có nhiều biến cố trong đời ta hoặc đời kẻ khác mà ta lấy khó hiểu, khó chấp nhận … Ta không thấy Thiên Chúa muốn dẫn ta đi đâu, đâu là những nẻo đường mà Ngài đang muốn ta phải trải vượt. Đời sống Kitô hữu là thế: có lúc là một đại lộ thẳng tắp với đèn báo hiệu dọc đường, nhưng thường là một ngõ hẹp quanh co mà ta không biết sẽ dẫn tới chỗ nào cả. Nhưng dù có bao nhiêu chướng ngại khó khăn, ta vẫn được bảo đảm rằng có một con đường và con đường đó dẫn đến một cùng đích: “Ta là đường đi”.


4. Tụ họp lại để cùng dâng lễ, ta hãy để cộng đoàn và Lời Chúa chất vấn về cái làm nên cuộc sống của ta. Bởi vì đế việc dâng Thánh lễ có ý nghĩa đích thực, ta phải khởi hành từ đời sống của ta. Trước khi đặt một dấu chỉ hữu hình giữa các môn đồ, Chúa Giêsu đã chất vấn và mời gọi họ hãy vượt thắng mình, hãy hồi tâm trở lại: “Đang khi đi đường, các ngươi đã tranh luận gì với nhau thế?”. Ở giữa cộng đoàn, ta cũng được mời gọi nhìn lại cuộc đời ta với những cái tốt và không tốt, và rồi Lời Chúa sẽ làm sáng tỏ cuộc đời ta. Bao giờ mối dây mật thiết này không có giữa cuộc đời ta và việc dâng lễ, Thánh Thể sẽ mất tất cả ý nghĩa của nó.


5. Chúng ta phải vượt qua các phản ứng nhân loại, các tranh chấp của ta, để đón nhận Chúa vào cuộc đời ta, và đón nhận anh em ta nhân danh Người, như người ta đón nhận một trẻ nhỏ. Chính lúc chúng ta để mình bị Lời Thiên Chúa chất vấn, chúng ta mới có thể đón nhận dấu chỉ của Chúa ban cho ta: đối với các môn đồ, đó là một đứa trẻ; đối với chúng ta hôm nay, đó là chiếc bánh được bẻ ra. Để đón nhận các dấu chỉ của vương quốc Thiên Chúa hôm nay, cần có một sự hồi tâm, một cuộc đoạn tuyệt. Chúng ta được kêu mời tự chất vấn về cách thức chúng ta đón nhận kẻ khác, với tất cả bản tính của họ, với những mối ưu tất, công việc, sáng kiến, ý tưởng của họ. Tất cả những điều ấy thật là cụ thể và tầm thường… nhưng chính giữa cái tầm thường ấy mà Chúa tỏ mình ra cho ta chính trong mức độ ta niềm nở với tha nhân mà ta có thể thực sự tiếp đón Chúa.


Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét