Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về đất nước và Giáo Hội tại Singapore

Tổng Quan.

Singapore hay còn gọi là Tân Gia Ba là một đảo quốc và thành quốc có chủ quyền tại khu vực Đông Nam Á, nằm ngoài khơi về mũi phía nam của bán đảo Mã Lai và cách xích đạo 137 km về phía bắc. Lãnh thổ Singapore bao gồm có một đảo chính hình thoi và khoảng 60 đảo nhỏ hơn. Singapore tách biệt với bán đảo Malaysia qua eo biển Johor ở phía bắc cũng như tách biệt với quần đảo Riau của Indonesia qua eo biển Singapore ở phía nam. Singapore là quốc gia có mức độ đô thị hóa rất cao, chỉ còn lại số lượng ít thảm thực vật nguyên sinh. Lãnh thổ của Singapore hiện đang liên tục được mở rộng thông qua các hoạt động cải tạo và lấn biển.

Tên gọi tiếng Anh “Singapore” bắt nguồn từ tiếng Mã Lai Singapura, nghĩa là “thành phố Sư tử”. Tuy nhiên, người ta tin rằng sư tử chưa từng sống trên đảo, và loài thú mà Sang Nila Utama là người thành lập và định danh cho Singapore cổ đại nhìn thấy có lẽ là một con hổ.

Lịch sử cận đại

Sau thế chiến thứ nhất, chính phủ Anh Quốc dành nguồn lực đáng kể để xây dựng một căn cứ hải quân tại Singapore, một sự ngăn chặn đối với tham vọng ngày càng tăng của Đế quốc Nhật Bản. Singapore được nước Anh coi là tài sản thương mại quan trọng nhất tại Á Châu, và từ thập niên 1920 nó cũng là căn cứ hải quân chủ lực bảo vệ quyền lợi của nước Anh ở vùng Đông Nam Á và là lá chắn phòng ngự cho Úc và New Zealand. Để bảo vệ thành phố giá trị này, nhiều doanh trại được xây dựng để làm căn cứ đồn trú cho hàng vạn binh sỹ Anh. Căn cứ hải quân Anh ở đây được hoàn thành vào năm 1939, có đủ dự trữ nhiên liệu để hỗ trợ cho toàn bộ hải quân Anh Quốc trong sáu tháng. Thủ tướng Winston Churchill ca ngợi Singapore có giá trị như là “eo biển Gibraltar của phương Đông”.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Singapore là mục tiêu mà Đế quốc Nhật Bản rất thèm muốn. Quân đội Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Malaya thuộc Anh, đỉnh điểm là trận Singapore. Người Anh chiến bại, và đầu hàng vào ngày 15 tháng 2 năm 1942, gần 90.000 quân Anh đóng ở đây bị bắt làm tù binh. Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill gọi đây là “thảm họa tệ nhất và sự đầu hàng lớn nhất trong lịch sử Anh Quốc”. Số người Hoa bị thảm sát sau khi Singapore thất thủ ước tính từ 5.000 đến 25.000 người. Người Anh tái chiếm đảo vào tháng 9 năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng.

Trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 1959, Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng vang dội. Singapore trở thành một nhà nước tự trị nội bộ bên trong Thịnh vượng chung và Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của quốc gia.

Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển vào cuối thế kỷ XX. Năm 1990, Ngô Tác Đống kế nhiệm chức thủ tướng, đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, sự lan tràn của SARS năm 2003 cũng như những đe dọa khủng bố từ Jemaah Islamiah, hậu 11 tháng 9 và các vụ đánh bom ở Bali. Năm 2004, con trai cả của Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long trở thành thủ tướng thứ ba.. Mặc dù nền kinh tế có sự tăng trưởng đặc biệt, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã phải nhận kết quả bầu cử tệ nhất trong lịch sử tại cuộc bầu cử năm 2011, khi họ chỉ giành được 60% số phiếu bầu. Vào ngày 23 tháng 3 năm 2015, Lý Quang Diệu qua đời.

Chính trị

Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Freedom House xếp hạng Singapore là “tự do một phần” trong báo cáo Freedom in the World của họ, và The Economist xếp hạng Singapore là một “chế độ hỗn hợp”, hạng thứ ba trong số bốn hạng, trong “Chỉ số dân chủ” của họ. Tổ chức Minh bạch Quốc tế liên tục xếp Singapore vào hạng các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới.

Kể từ chính phủ tự trị năm 1959, Singapore chỉ có ba Thủ tướng Chính phủ.

Quyền hành pháp thuộc về Nội các Singapore, do Thủ tướng lãnh đạo, và ở một mức độ thấp hơn rất nhiều là Tổng thống. Tổng thống được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu, và có quyền phủ quyết đối với một tập hợp cụ thể các quyết định hành pháp, như sử dụng dự trữ quốc gia và bổ nhiệm các thẩm phán, song vai trò phần lớn mang tính lễ nghi.

Tổng thống Singapore hiện nay là ông Tharman Shanmugaratnam. Thủ tướng là Lawrence Wong.

Quốc hội Singapore đóng vai trò là nhánh lập pháp của chính phủ. Các thành viên của Quốc hội gồm có các thành viên đắc cử, phi tuyển khu và được chỉ định. Các thành viên đắc cử được bầu vào Quốc hội trên cơ sở “đa số ghế” và đại diện cho các khu vực bầu cử có một hoặc nhóm đại diện. Đảng Hành động Nhân dân giành quyền kiểm soát quốc hội với đa số lớn trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959. Hệ thống tư pháp của Singapore dựa trên thông luật Anh, song có các khác biệt địa phương đáng kể. Việc bồi thẩm đoàn xử án bị bãi bỏ vào năm 1970, các phán quyết tư pháp sẽ hoàn toàn nằm trong tay các thẩm phán được chỉ định.

Giáo Hội Công Giáo tại Singapore

Công Giáo ở Singapore có nguồn gốc từ sự hiện diện của Bồ Đào Nha ở Á Châu. Người ta tin rằng vị linh mục Công Giáo đầu tiên đã đặt chân đến Singapore vào năm 1821, hai năm sau cuộc đổ bộ của Stamford Raffles, để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đang phát triển, chủ yếu bao gồm những người thực dân Anh và một số người Trung Quốc; tuy nhiên, có khả năng đã có những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha hoạt động từ Malacca ở Singapore trong thời kỳ Bồ Đào Nha, 1511–1641, trước cuộc chinh phục của Anh.

Được công nhận là người sáng lập Giáo Hội Công Giáo tại đây, Cha Jean-Marie Beurel nổi tiếng vì đã khởi xướng việc xây dựng một số nhà thờ Công Giáo, chẳng hạn như Nhà thờ chính tòa Chúa Chiên Lành và thành lập các trường Truyền giáo đầu tiên tại Singapore. Trong số các trường Truyền giáo đầu tiên, Tu viện Chúa Hài Đồng, được thành lập vào năm 1854, được các Nữ tu Chúa Hài Đồng chăm sóc. Các tổ chức này phục vụ cho sinh viên thuộc mọi tín ngưỡng và xuất thân và nhiều người không theo Công Giáo sau đó đã cải đạo.

Việc cải đạo sang Công Giáo trong cộng đồng người Hoa vào thế kỷ 19 đã bị các cộng đồng người Hoa nhập cư ở Singapore chống báng. Nhiều người Hoa cải đạo sang Công Giáo, phần lớn là những chủ đồn điền giàu có, thường xuyên bị các băng đảng có tổ chức là người Hoa và tầng lớp lao động quấy rối. Những băng đảng này chủ yếu nằm ở khu vực Upper Serangoon và Hougang, nơi có Nhà thờ Sinh Nhật Đức Mẹ tọa lạc tại nơi theo truyền thống là trung tâm nói tiếng Triều Châu.

Trong Thế chiến II, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương ở Singapore, nhiều người Công Giáo gốc Á-Âu và Trung Quốc đã bị trục xuất đến Bahau, còn được gọi là “Làng Fuji” vào thời điểm đó, để tự cung tự cấp thực phẩm.

Vào ngày 29 tháng 5 năm 2022, Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rằng Tổng giám mục Singapore William Goh được bổ nhiệm làm Hồng Y vào tháng 8 năm đó, khiến ngài trở thành Hồng Y người Singapore bản địa đầu tiên trong lịch sử.

Singapore có 170.000 người Công Giáo, chiếm 3,1% trong tổng số 5.454.000 dân.

Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 29 giáo xứ, 3 trung tâm khác.

Giáo Hội tại đây có 3 giám mục, trong đó có 2 Giám Mục hiệu tòa, 158 linh mục bao gồm 76 linh mục triều và 82 linh mục Dòng, và 2 phó tế vĩnh viễn.

Giáo Hội Singapore cũng có 196 tu sĩ bao gồm 34 nam tu sĩ không có chức linh mục và 162 nữ tu, 1 thành viên Tu Hội Đời, 27 đại chủng sinh, và 1.880 giáo lý viên.

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2024-09-10