Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

Giới thiệu đất nước và Giáo Hội Công Giáo Indonesia

  Giới thiệu đất nước và Giáo Hội Công Giáo Indonesia


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.

Tổng quan

Indonesia, tên gọi chính thức là Cộng hòa Indonesia (tiếng Indonesia: Republik Indonesia), cũng thường được gọi là Nam Dương, là một đảo quốc liên lục địa, nằm giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Indonesia được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo” vì lãnh thổ của nước này bao gồm 13.487 hòn đảo với dân số ước tính đạt hơn 279 triệu người, theo thống kê năm 2022, xếp thứ 4 thế giới và đứng thứ 3 Á Châu.

Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên khác với Malaysia và Brunei, trong Hiến pháp Indonesia không đề cập tới tôn giáo này là quốc giáo (do vậy không thể coi Indonesia là một quốc gia Hồi giáo giống như các nước Tây Á, Trung Đông, Bắc Phi, Malaysia hay Brunei,...). Indonesia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và Tổng thống do dân bầu. Indonesia có biên giới trên đất liền với Papua New Guinea ở đảo New Guinea, Đông Timor ở đảo Timor và Malaysia ở đảo Borneo, ngoài ra vùng biển giáp các nước Singapore, Việt Nam, Philippines, Úc, và lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Thủ đô hiện tại là Jakarta và đây cũng đồng thời là tỉnh lớn nhất, tuy nhiên do sự quá tải dân số đang gây sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng, chính phủ Indonesia đã quyết định dời đô về Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Tên của thủ đô mới là Nusantara, có nghĩa là 'quần đảo' trong tiếng Indonesia.

Lịch sử cận đại

Lịch sử Indonesia là dải thời gian rất dài, bắt đầu từ thời Cổ đại khoảng 1.7 triệu năm trước dựa trên phát hiện về Homo erectus Java. Các giai đoạn lịch sử của Indonesia có thể chia thành 5 kỷ:

Thời đại tiền thực dân: Sự xuất hiện của các vương quốc theo đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi tại đảo Java và Sumatra. Các quốc gia này phát triển dựa trên thương mại, buôn bán hàng hải.

Thời đại thuộc địa: Chịu sự kiểm soát của người Âu Châu, đặc biệt là người Hòa Lan với sự kiểm soát của Công ty Đông Ấn Hòa Lan, họ đã chiếm vùng đất này để kiểm soát con đường gia vị, hương liệu. Khoảng 3,5 thế kỷ là thuộc địa, bắt đầu từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chiếm Indonesia trong tay Hòa Lan năm 1942. Sau khi bị quả bom Nagasaki 9 tháng 8 năm 1945, họ định đem ông Sukarno là lãnh tụ các phe nhóm yêu nước của Indonesia đi an trí ở Sài Gòn để tránh cuộc tổng khởi nghĩa. Một nhóm thanh niên trẻ bắt cóc được ông Sukarno khỏi tay người Nhật. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, hai ông Sukarno và Hatta tuyên bố Indonesia độc lập

Thời đại mới dành độc lập: Cột mốc là Tuyên bố độc lập của người Indonesia (1945) đến sự sụp đổ của chính quyền Sukarno (1966).

Thời đại trật tự mới: 32 năm dưới sự thống trị của Suharto (1966-1998).

Thời đại cải tổ: Bắt đầu từ sự sụp đổ của Suharto đến hiện tại.

Chính trị

Indonesia là một nước cộng hòa theo tổng thống chế. Với tư cách một quốc gia đơn nhất, quyền lực tập trung trong tay chính phủ trung ương. Sau cuộc từ chức của Tổng thống Suharto năm 1998, chính trị Indonesia và các cơ cấu chính phủ đã trải qua những cuộc cải cách lớn. Bốn sửa đổi đã được tiến hành với Hiến pháp Indonesia năm 1945 sắp xếp lại các nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tổng thống Indonesia là lãnh đạo quốc gia, tổng tư lệnh quân đội Indonesia, và là người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, lập chính sách cùng quan hệ đối ngoại. Tổng thống chỉ định một hội đồng bộ trưởng, các thành viên của hội đồng không buộc phải là các thành viên được bầu của nghị viện. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 là cuộc bầu cử đầu tiên dân chúng được trực tiếp bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Tổng thống có thể phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Tổng thống hiện nay là Ông Joko Widodo.

Cơ quan đại diện cao nhất ở cấp quốc gia là Hội nghị Hiệp thương Nhân dân (MPR). Các chức năng chính của cơ quan này là hỗ trợ và sửa đổi hiến pháp, chứng nhận tổng thống nhậm chức, chính thức hoá các khuôn khổ của chính sách quốc gia. Cơ quan này có quyền buộc tội tổng thống. MPR gồm hai viện; Hội đồng Đại diện Nhân dân (DPR), với 550 thành viên, và Hội đồng Đại diện Khu vực (DPD), với 128 thành viên. DPR thông qua các luật và giám sát nhánh hành pháp; các thành viên thuộc các đảng chính trị được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo đại diện tỷ lệ. Những cải cách từ năm 1998 đã làm tăng đáng kể vai trò của DPR trong việc điều hành quốc gia. DPD hiện là một cơ quan mới chịu trách nhiệm quản lý khu vực.

Đa số các tranh chấp dân sự đều được đưa ra trước Tòa Nhà nước; các vụ phúc thẩm được xử tại Tòa Cao cấp. Tòa án Tối cao là tòa cao cấp nhất của nhà nước, và đưa ra phán quyết cuối cùng về các vụ phúc thẩm sau khi đã xem xét lại vụ việc. Các tòa khác gồm Tòa Thương mại, xử các vụ phá sản và mất khả năng thanh toán, một Tòa án Hành chính Quốc gia xử các vụ về luật hành chính chống lại chính phủ; một Tòa án Hiến pháp xử các vụ về tính hợp pháp của pháp luật, các cuộc bầu cử, giải tán các đảng chính trị, và phạm vi quyền lực của các định chế nhà nước; và một Tòa án Tôn giáo để xử các vụ án tôn giáo riêng biệt.

Giáo Hội Công Giáo tại Indonesia

Công Giáo ở Indonesia bắt đầu khi người Bồ Đào Nha đến tìm kiếm Quần đảo Gia vị vào thế kỷ 16. Hiện nay, tỉnh East Nusa Tenggara và Nam Papua ở Indonesia là những nơi duy nhất mà Công Giáo là tôn giáo chiếm ưu thế trong dân số, với khoảng 55% và 50% dân số. Ngoài ra còn có một số lượng lớn người Công Giáo ở Bắc Sumatra, Tây Kalimantan, Nam Papua, Nam Sulawesi, Maluku và Trung Java, đặc biệt là ở và xung quanh Muntilan.

Công Giáo là một trong sáu tôn giáo được công nhận tại Indonesia, các tôn giáo khác là Hồi giáo, Tin lành, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Theo số liệu chính thức, người Công Giáo chiếm 3,12 phần trăm dân số vào năm 2018. Do đó, số lượng người Công Giáo là hơn 8,3 triệu người. Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi, nhưng Công Giáo là tôn giáo chiếm ưu thế ở một số khu vực nhất định của đất nước.

Giáo hội được tổ chức thành một giáo phận quân đội, 10 tổng giáo phận và 28 giáo phận. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Indonesia hiện do Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin từ Giáo phận Bandung lãnh đạo. Có một số hội dòng Công Giáo đang hoạt động trong nước bao gồm Dòng Tên, Hội Truyền giáo Thánh Tâm và Hội Truyền giáo Ngôi Lời Thiên Chúa.

Theo Niên Giám Tòa Thánh, dân số Công Giáo Indonesia là 8.204.000 người (chiếm 3,12% trong tổng số 272.683.000 người) sinh hoạt trong 1.472 giáo xứ, 8.610 cứ điểm truyền giáo (69 cứ điểm có linh mục thường trú, 8.541 cứ điểm không có linh mục thường trú), và 383 trung tâm khác

Giáo Hội tại Indonesia có 47 giám mục, trong đó 34 vị coi sóc các giáo phận và tổng giáo phận, 13 Giám Mục hiệu tòa, 5.773 linh mục, bao gồm 2.413 linh mục triều và 3.360 linh mục dòng. Giáo Hội tại đây cũng có 9 phó tế vĩnh viễn

Giáo Hội tại indonesia co có 11.373 tu sĩ gồm 1.713 nam tu sĩ và 9.660 nữ tu, 23 thành viên các tu hội đời, 3.958 đại chủng sinh, 14.626 nhà truyền giáo, và 27.576 giáo lý viên.

Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, người Ý, sinh ngày 29 tháng 9 năm 1960. Ngài giữ chức Sứ thần Tòa thánh tại Indonesia kể từ năm 2017.

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2024-09-02

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét