Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

LỜI TUYÊN XƯNG CỦA PHÊRÔ VÀ LẦN LOAN BÁO ĐẦU TIÊN VỀ CUỘC KHỔ NẠN - CN 24 TN B

 LỜI TUYÊN XƯNG CỦA PHÊRÔ VÀ LẦN LOAN BÁO ĐẦU TIÊN VỀ CUỘC KHỔ NẠN

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

(Mc 8,27-35)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Đoạn văn hôm nay là bản lề của hai phần cuốn sách Mc. Điều ấy có nghĩa là gì?

2. Thử tìm sự song song giữa Mc 8,27-29 với 8,22-26.

3. Tại sao Chúa Giêsu gọi Phêrô là Satan ở câu 33?

4. Các thánh ngôn (logia) (cc.34-35) đưa ra mấy điều kiện để theo Chúa Giêsu? Hoàn cảnh nào đã khiến Mc ghi lại chúng?

Lời tuyên xưng của Phêrô, lần loan báo đầu tiên về cuộc khổ nạn và các thánh ngôn (logia) về những điều kiện phải đáp ứng để theo Chúa Giêsu thuộc cả ba truyền thống Nhất lãm.

Các quan điểm có tính cách phụng vụ hơn là chú giải đã giải hạn đoạn văn đọc trong ngày hôm nay ở câu 35 – điều mà chúng ta không cần lưu ý trong lúc này. Bản văn song song của Luca (9,18-27), ngắn hơn một chút, rõ ràng là lệ thuộc Mc. Bản văn của Mt (16,13-28) đang được bàn cãi. Một vài tác giả nghĩ rằng câu trả lời dài nhất của Chúa Giêsu cho lời tuyên xưng của Phêrô (Mt 16,17-19) từ nguyên thủy đã thuộc về văn mạch của trình thuật chúng ta. Công thức phúc thật (Simon, ngươi thật có phúc…) và lời hứa quyền tối thượng (ngươi là đá ) có lẽ đã được Mt thêm vào trình thuật của Mc mặc dầu nguồn liệu của bản văn là thế nào đi nữa (x. O.Cullmann, Saint Pielre, Disciple, Apôtre, Martyr, Neuchâtel 1952, tr 154-166).

Thành thử ở đây ta không cần chú ý đến bản văn của Mátthêô.

 1. VĂN MẠCH

Đoạn văn 8,27-35 chiếm một vị trí trung tâm trong Tin Mừng Mc. Nó được dùng làm bản lề cho hai phần chính cuốn sách. Trong phần đầu (1,14-8,26), Chúa Giêsu tự mặc khải như là một kẻ khác thường và huyền bí qua nhiều phép lạ và lời nói đầy quyền uy. Đám đông kinh ngạc và các môn đồ không hiểu; họ luôn tự hỏi: “ông này là ai mà làm được những việc như thế?” (x. Mc 4,41; 1,27; 2,7; 6,2). Tuy nhiên, trong giai đoạn nói đây Chúa Giêsu cố ý giữ bí mật về lai lịch thiên sai của Người. Sự căng thẳng này được tạm thời nói ra trong lời Phêrô tuyên tín. Qua trung gian của Phêrô, các môn đồ lần đầu tiên thấy được mầu nhiệm thật sự của Thầy họ: Người là Đấng Messia. Lời tuyên xưng này kết thúc phần đầu của Tin Mừng Mc và làm nên chóp đỉnh của phần đó.

Đàng khác, Mc 8,27-35 cũng là một thời điểm quyết định, chi phối cả phần thứ hai của Tin Mừng Mc (8,27-16,8). Trước tiên, khung cảnh địa lý thay đổi: Galilê hết là hoạt động trường của đời công khai Chúa Giêsu, và từ đây Giêrusalem trở thành trung tâm đích thực (10,1.52. Vẫn biết là Chúa Giêsu còn đến Galilê nhưng một cách kín đáo: 9,30. Từ bắc Galilê, Chúa Giêsu đi ngang qua Galilê (9,30), Giuđê và Phêrô (10,1) để lên Giêrusalem: 10,32). Hơn nữa, nội dung lời giảng dạy của Thầy cũng thay đổi: lần đầu tiên, Chúa Giêsu nói đến cuộc Khổ nạn của Người, và tiết đầu tiên của phần thứ hai trong Mc (8,27-10,52) được kết cấu chung quanh ba lần loan báo về cuộc Khổ nạn (8,31; 9,31; 10,33-34). Cuối cùng, cách phát biểu của giáo huấn mang một hình thức khác: lần đầu tiền, Chúa Giêsu nói “trống” cho các môn đồ hay; trước kia, những lời này vẫn còn bí ẩn, và việc cắt nghĩa « riêng tư »  cho họ cũng không thấy dễ hiểu hơn các diễn từ bằng “dụ ngôn” mà Người ngỏ với dân chúng (Mc 4,10-20; 7,17-23).

Trong phần kế tiếp, ta cũng thấy rõ những thay đổi này liên hệ chặt chẽ với kế hoạch bí mật thiên sai, chủ đề trung tâm của Tin Mừng Mc: “Tất cả Tin Mừng Mc thành thử được bố cục theo hai phần lớn bổ túc cho nhau: phần thứ nhất, từ 1, 14-15 đến 8,26, trình bày dưới nhiều hình thức sự kiện của bí mật; và phần thứ hai, từ 8,27 đến 15,39, mặc khải cùng giải thích bí mật đó” (x. G.Minette de Tillesse, Le secret messianique de Jésus đang l’Evangile de Marc (Lectio divina

47) Paris 1968, tr. 303-310, nhất là 309; T.A. Bulkill, Mysterious Revelation. An examination of the philosophy of St Mark’s Gospol. lthaca, N.Y. 1963, tr. 145- 146).

Vậy nếu lời tuyên xưng của Phêrô và lời loan báo đầu tiên về cuộc Khổ nạn, nơi Mc, chiếm một chỗ trung tâm, thì ta có thể hy vọng là sẽ thấy nhiều đường chắp nối khác nhau liên kết bản văn này với văn mạch đi trước (8,22-26) và với văn mạch tiếp sau (8,34-9,13). Hiển nhiên, trình thuật Phêrô tuyên tín và trình thuật Biến hình soi sáng cho nhau thực: trong khuôn khổ vắn gọn của bài này, chỉ cần tham chiếu kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây về Mc 8,27-9,13 là đủ. Tiết này có một cơ cấu đồng tâm như sau (x. Lafontaine và p. Mourlon Beernaert, Essai sur la structure de Mc 8,27-9, 13 trong Rech. de Sc. Rel 57, 1969, tr.542-561):

A.  Người ta bảo Chúa Giêsu là Elia hay một trong các ngôn sứ (8,27-28)

B. Phêrô, nhân danh các môn đồ, trả lời Chúa Giêsu là Đấng Kitô (8,29-30)

C. Chính Chúa Giêsu dạy rằng Con Người phải chết và sống lại (8,31-33) Đoạn giáo lý (8,34-9,1) …

C. Trời biến đổi khuôn mặt Chúa Giêsu và Cựu ước làm chướng cho Người (9,2-6)

B’.  Chúa Cha mặc khải cho môn đồ biết Chúa Giêsu là Con chí ái Ngài (9,7-10)

A’. Kinh Thánh, được Chúa Giêsu đọc lại, định vị trí cho kẻ tiền hô thực (9, 11-13)

 II. PHÂN TÍCH BẢN VĂN

Sự kiện Mc 8,27-35 nằm ngay trung tâm của toàn bộ khiến chúng ta gán đoạn văn này, một phần lớn, cho công trình biên soạn của Mc. Chắc hẳn ông đã đưa vào bản văn nhiều yếu tố truyền thống; và trong quá khứ, lắm người đã thử phân biệt chính xác các yếu tố truyền thống và các yếu tố biên soạn. Nhưng những cố gắng thuộc loại này luôn mang một tính cách bấp bênh, đặc biệt vì thiếu những yếu tố so sánh. Một cuộc phân tích sâu xa hơn về Mc 8,27-33 hình như cho thấy rằng phần lớn các dữ kiện của đoạn văn này, nếu không phải là tất cả, đều có thể do thánh sử biên soạn, đến nỗi người ta khó có thể tự hỏi xem đoạn văn, xét như là một đơn vị văn chương, đã có khi nào xuất hiện trước Mc không (x. E. liaenchen, Die I<omposition von Mk 8,27-9,1 trong Novum Testamentum 6 (l963), tr. 81-109; Der Weg Jesu, Berlin, 1966, tr. 292-307; G. Minette de Tillesse, sđd, tr.293-326).

1. Lời tuyên xưng Đấng Messia (8,27-39)

Máccô đặt biến cố gần Caisaria của Philipphê, một thành tọa lạc phía bắc biển Galilê, không xa các nguồn sông Giođanô là mấy và nằm phía Tây Nam núi Hermon (x. Mc 9,2). Thoạt nhìn, người ta tưởng đây là một hoài niệm lịch sử chính xác. Nhưng, đối với Mc, địa điểm chắc chắn cũng có một ý nghĩa thần học. Từ 8,27, Chúa Giêsu bỏ môi trường hoạt động trước của Người là Galilê. Hôm nay, lần đầu tiên, Người được nhìn nhận như là Đấng Messia, và sự việc xảy ra gần một thành ngoại đạo. Trong đất Do thái, việc mặc khải này chỉ xảy ra lúc Người sắp mất: trước Caipha, Chúa Giêsu sẽ xác quyết mạnh mẽ phẩm chức Messia của người (Mc 14,61-62).

Hôm nay, câu hỏi về lai lịch của Người không do thiên hạ hay các môn đồ đặt, nhưng do chính Chúa Giêsu; điều đó không có nghĩa là Người chẳng biết cái thiên hạ nghĩ về Người, nhưng vì đây là giây phút đặc biệt để mặc khải, nên Người tự có sáng kiến và điều khiển cuộc nói chuyện. Trước câu hỏi thứ nhất: “Theo như thiên hạ nói thì Ta là ai?”, các môn đồ có thể dễ dàng giải đáp. Dân chúng đã có một ý kiến về Chúa Giêsu (x. Mc 6,14-16). Đối với họ, người không có vẻ gì là một kẻ tầm thường. Thái độ đặc biệt của người làm liên tưởng đến Gioan Tẩy giả sống lại, đến Elia mà người ta trông đợi như tiền hô của thời sau hết, hay ít nhất như một đối thủ của các ngôn sứ xa xưa. Dù cho những so sánh này nịnh hót đến đâu, đối với Mc, chúng vẫn không làm nên một câu trả lời đầy đủ. Chẳng một phạm trù Cựu Ước nào có thể diễn tả lai lịch của Chúa Giêsu. Người hơn xa một ngôn sứ, như phần tiếp của cuộc đàm thoại sẽ mặc khải. Còn về vấn đề vị Tiền họ, nó sẽ được giải quyết ở 9,1-13: Elia đã đến trong con người của Gioan Tẩy giả.

Chúa Giêsu không bàn cãi các ý kiến của thiên hạ về Người. Nhưng sở dĩ giờ đây Người nói với các môn đồ cách trực tiếp, điều đó có nghĩa là Người coi như chắc là họ không chiều theo ý kiến của dân chúng, song có một xác tín riêng về Người. Điều Phêrô nói, nhân danh các môn đồ, vượt hẳn quan niệm của quần chúng: với tư cách là môn đồ được tuyển chọn, ông nhận lãnh mặc khải về phẩm cách Messia của Chúa Giêsu. Đối với Mc, phẩm cách này diễn tả đúng đắn lai lịch sâu xa của Chúa Giêsu, mặc dù trong câu tiếp, xem ra Phêrô chưa hiểu ý nghĩa đích thực của phẩm cách đó hoàn toàn. Hình như Mc 8,27-29 lấy lại bản văn ở 6,14-16 dưới hình thức một song song đối ngẫu. Trong lúc Hêrôđê lấy lại một trong những ý kiến của dân chúng mà xem Chúa Giêsu là Gioan Tẩy giả sống lại, thì Phêrô nhìn nhận Người là Đấng Messia. Thành thử Mc đặt đối chiếu một phán đoán sai lầm và một phán quyết đúng đắn (ít là trên hình thức) (Về sự tùy thuộc của Mc 8,27-29 đối với Mc 6, 14-16, x. E. Percy, Die Botschaft Jesu, lung, 1953, tr. 320; G. Minette de Tillesse, sđd, tr.310-312). Có lẽ Mc cũng đã thấy một sự song song giữa trình thuật Phêrô tuyệt tín và trình thuật chữa lành người mù ở Betsaiđa mà ông vừa mới kể (8,22-26) (Ta có thể tìm được một khái yếu về các tác giả đã nhận thấy sự song song này trong Minette de Tillesse, tr. 312-313; cũng xin xem R Beauvery, La guérison dun aveugle à letsaide, Mc 8,22-26 trong NRT 100 (1968), tr.1083-1091). Lúc ấy ông không muốn đối chiếu ý kiến của dân chúng với ý kiến của Phêrô hoàn toàn, nhưng đúng hơn muốn nhấn mạnh sự tiến triển dần dần trong việc nhận biết mầu nhiệm Chúa Giêsu: điều thiên hạ nghĩ về Người không hoàn toàn sai, nhưng chẳng đầy đủ. Như ngay khi vừa mới được chữa lành, người mù chỉ thấy một nửa thì thiên hạ cũng chỉ đoán được cách mơ hồ tính chất siêu việt của con người Chúa Giêsu. Và như người mù được thấy rõ nhờ quyền năng diệu kỳ của Chúa Giêsu, thì các môn đồ cũng khám phá ra rằng phẩm cách thiên sai của Chúa Giêsu dấu kín đằng sau những phép lạ và việc trừ quỷ. Lời tuyên xưng của Phêrô là đúng và trùng hợp với lời tuyên xưng của Giáo Hội mà Mc viết Tin Mừng cho. Cuộc khảo cứu về cách thức Mc đã nại tới thức hiệu Kitô trong kết cấu Tin Mừng của ông cũng đưa đến cùng một kết luận. (Xem bài nghiên cứu về tước hiệu Christos trong G. Mủlette de Tillesse, sđd, tr. 329-342).

Thành ra lời tuyên xưng của Phêrô bộc lộ niềm xác tín căn bản của Kitô giáo sơ khai: thái độ kỳ bí của Giêsu Nadarét chỉ có thể hiểu được nhờ ánh sáng đức tin biết nhận ra Đấng Messia hay Đấng Kitô trong con người ấy. Đó là điều được diễn tả cách mạnh mẽ qua danh hiệu “Giêsu Kitô” (Giêsu là Đấng Kitô). Người ta gán cho một con người lịch sử sống trong thời gian và không gian, một thuộc tính cánh chung, đặc biệt bằng cách xác nhận Đấng Kitô là con người đó. Chúng ta năng nói đến điều này nên không thể hiểu ý nghĩa của hạn từ “Kitô” cách đầy đủ được. Tuy nhiên đây là một xác quyết mạnh mẽ chưa từng thấy: điều mà con người hy vọng vào ngày cánh chung – sự thể hiện mọi sự cách dứt khoát – đã trở thành thực tại trong thế giới chúng ta hôm nay. Tầm mức đầy đủ của xác quyết này chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của tư tưởng cánh chung do thái, một tư tưởng đã làm nên mảnh đất phì nhiêu trong đó phát sinh những lời tuyên xưng Chúa Kitô tiên khởi.

2. Lệnh bảo mật và lời tiên báo đầu tiên về cuộc Khổ nạn (30-33)

Phản ứng lạ lùng của Chúa Giêsu cấm các môn đồ nói cho kẻ khác biết Người là Đấng Messia không có nghĩa là Người phủ nhận lời Phêrô tuyên tín. Đúng ra mệnh lệnh này phù hợp với chủ đề “bí mật thiên sai”, chủ đề trung tâm của  cuốn sách. Thánh sử hoàn toàn biết rõ Chúa Giêsu là Đấng Messia. Và ông đã viết Tin Mừng chính để chứng minh điều đó. Tự chúng, các phép lạ và việc trừ quỷ, được đặc biệt kể lại trong phần thứ nhất của Tin Mừng, biểu lộ tính cách thiên sai ấy một cách lừng lẫy. Mọi hành vi đầy quyền lực và các lời nói đầy uy tín của Chúa Giêsu đủ chứng tỏ rằng với Người, cuộc chiến cánh chung giữa Vương quốc Thiên Chúa và vương quốc Satan đã khởi sự. Nhưng cùng lúc Mc lại cho thấy Chúa Giêsu muốn giữ bí mật việc biểu lộ này lắm. Người thường cấm loan đi các hành vi quyền năng “có tính cách mặc khải” (1,25.34.44-45; 3,11-12; 5,7.10.43; 7,36-37). Ở đây (8,30) việc cấm đoán minh nhiên nhắm đến tính cách thiên sai của Người. Tại sao vậy?

Trong trình thuật chúng ta, lần đầu tiên (“Người bắt đầu”) và là lần duy nhất, Chúa Giêsu nói “trống” (c.32) lý do tại sao thiên sai tính của Người phải được giữ kín: vì sự cần  thiết theo ý Thiên Chúa, của cuộc khổ nạn. Trước khi vinh quang thiên sai của Chúa Giêsu được hoàn toàn bày tỏ, Người cần phải chịu khổ nạn như Thiên Chúa muốn. Ngược với niềm trông đợi chung của loài người và của dân Do thái, Đấng Messia không chỉ là một vì vua quyền thế nhưng cũng là một con người khiêm nhu và đau khổ. Là đại diện tối hậu của Thiên Chúa, Người không có thái độ làm cao, nhưng hòa mình giữa loài người, mặc lấy những khía cạnh đen tối nhất của cuộc sống nhân loại: bỏ rơi, đau khổ, nhục mạ bất công, và để kết thúc là cái chết, địch thủ tối hậu của con người. Thật thế, lời tuyên xưng của Phêrô về Chúa Kitô, như đối với nhiều Kitô hữu hôm nay, vẫn còn là một công thức thuần túy “Xét theo mô thức”, công thức này là đúng thật. Nhưng các sứ đồ chưa xác tín rằng tước vị Kitô cũng bao hàm đau khổ và nhục nhã. Vì thế các ông chưa thể loan báo cho người ta biết tính cách thiên sai của Chúa Giêsu. Các ông chỉ có thể làm điều này sau ngày Phục sinh, khi cuộc Tử nạn đã được hoàn tất là đã được Thiên Chúa chứng nhận (x. Mc 9,9) (x. G. Minette de Tillesse, tr. 317-326).

Ở đây, chúng ta không thể khảo sát cách cặn kẽ vấn đề phức tạp là tìm xem trong mức độ nào các lời loan báo Khổ nạn này (Mc 8,31; 9,31 và10,32-34) là những thánh ngôn đích thực của Chúa Giêsu, hay chỉ là những “lời tiên báo hậu suy từ biến cố” (vaticinia ex oventu) được chính Mc thảo ra hay lấy lại từ cộng đoàn sơ khởi. Tuy nhiên, cho dù giả thuyết thứ hai có đúng, thì những lời loan báo này vẫn có thể là phản ảnh quan niệm của chính Chúa Giêsu. Thật vậy, về phương diện lịch sử, hầu như chắc Chúa Giêsu đã nghĩ đến các phản ứng bất thuận lợi với lời rao giảng của Người, đã thấy trước lối thoát định mệnh của cuộc đời Người, đã đi đến chỗ đương đầu cách ý thức với các nhà lãnh đạo Do thái, đã giải thích ý nghĩa tôn giáo của sự kiện Người phải chịu đau khổ để ý định Thiên Chúa được hoàn tất, và cuối cùng, dựa vào đức tin Cựu ước, đã nói một cách nào đó rằng Thiên Chúa “sẽ không để Người thấy sự hư nát” được (Tv 16,20) (Khoa chú giải gần đây cho thấy là có thể đi đến nhiều kết luận lịch sử tương đối rõ ràng về thái độ Chúa Gìêsu trước cái chết. Xem J. Guillet, Jésus devant sa vie ét sa mort, Paris, 1971). Trong trường hợp này, người ta có thể bảo là Chúa Giêsu đã loan báo cuộc Khổ nạn, và như vậy Mc đã có dùng chất hậu “truyền thống” khi chèn những lời loan báo vào trong Tin Mừng của ông. Nhưng điều này cũng không loại bỏ việc ông đã khai triển truyền thống ấy bằng cách thêm vô nhiều chi tiết chính xác, hòa hợp với trình thuật Tử nạn, hoặc biết đâu ông đã cho nó hình thức như hiện tại và xếp nó vào trung tâm của thần học ông.

Phêrô, với tư cách phát ngôn viên của các môn đồ. Phản ứng trước những lời loan báo cuộc Khổ nạn (c.32b). Ông kéo Chúa Giêsu ra một bên như muốn che chở cho Người. Với ít nhiều trịch thượng, ông coi Thầy như yếu hơn ông, và muốn cất khỏi óc Thầy các tư tưởng cuồng điên về cuộc Khổ nạn. Nhưng chính Chúa Giêsu đã quay về phía các môn đồ và đồng thời tái lập lại vị thế (c.33). Không phải Tôn sư theo môn đồ nhưng môn đồ phải theo Tôn sư. Chúa Giêsu chẳng chấp nhận một điều đình nào cả. Nếu các môn đồ không muốn theo Người cho đến thập giá, thì chỉ còn một việc phải làm: giải tán họ, phản ứng dứt khoát của Chúa Giêsu chẳng tỏ có sự bất đồng ý kiến sâu xa. Thật vậy, cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu là do ý Thiên Chúa. Cố bắt Người tránh thoát tức là thúc đẩy Người bất phục thánh ý Thiên Chúa, quy tắc duy nhất của Người. Một sự xúi giục như thế chỉ có thể là công việc của Satan, tên đã toan lôi kéo người theo đường lối đó lúc Người bắt đầu cuộc đời công khai (Mc 1,12-13; Mt 4,10). Khi hành động như vậy, các môn đồ ngăn cản Vương quốc Thiên Chúa đến. Ngoài ra, có lẽ các ông sợ rằng nếu theo Chúa Giêsu, thì cùng một số phận như thế sẽ chờ các ông. Điều này cũng làm cho các ông vấp phạm. Phản ứng của Phêrô để lộ thâm ý của các ông: tư tưởng và tước vọng của các ông đang còn quá bị các tiêu chuẩn của thế gian này làm chủ. Các ông không nghĩ đến những điều thuộc về Thiên Chúa, nhưng đến những điều thuộc thế gian, và theo phe Satan. Các ông, những môn đồ, các ông trở thành phát ngôn nhân cho kẻ thù số một của Thiên Chúa! Mâu thuẫn biết bao (x. D.E. Ninehan, Saint Mark (Pelican~gospel Commentaires), Londres, 1967, tr.223-227).

Thành thử Chúa Giêsu nặng nề khiển trách Phêrô, không phải như là một cá nhân, nhưng như đại diện của các môn đồ (c. 33), bởi đức tin của các ông vào Đấng Messia vẫn còn thiếu; lời khiển trách cũng nhắm đến tất cả những ai muốn theo người nữa (c.34) Ngay khởi điểm phần thứ hai của Tin Mừng Mc, một đường phân giới đã được vạch ra rõ rệt. Chúa Giêsu, Đấng Messia, mang trên mình cuộc Khổ nạn cùng cái môn đồ, cho đến cuối, sẽ từ chối nhìn nhận Người là đấng Messia. Thái độ của các ông trở nên đặc biệt hiển nhiên trong trình thuật Khổ nạn: không những Giuđa (14,10-11: phản bội), mà ngay cả Phêrô (14,26-32.66.72: chối Chúa), Giacôbê và Gioan (14,32-42: ngủ ở vườn Ghetsêmani), cuối cùng tất cả các môn đồ (14,50: bỏ Người, các ông chạy trốn hết) đều bỏ Chúa Giêsu cô đơn. Các môn đồ quả là chẳng hơn chi người thường trong khía cạnh đó.

3. Các thánh ngôn về những điều kiện theo Chúa Giêsu (8,34-35)

Ngược lại với quang cảnh có vẻ bí truyền trước, các thánh ngôn về mấy điều kiện để theo Chúa Giêsu không những chỉ nói cho các môn đồ (có lẽ đầu tiên là vậy trong truyền thống), nhưng còn cho đám đông nữa. Chắc hẳn, Mc muốn thích nghi các thánh ngôn truyền thống cho Kitô hữu độc giả của ông. Các câu 32b-33 cho chúng ta cảm nhận ra bầu khí, môi trường mà cc.27-33 và thần học về bí mật thiên sai tùy thuộc. Vì nói cho nhiều Kitô hữu đang hoang mang trước cảnh bắt bớ, trong lúc một số người, để thoát khỏi nguy hiểm và cái chết, tỏ ra sẵn sàng chối bỏ tuyên xưng Chúa Giêsu như Đấng Kitô, Máccô đã phản ứng cách mãnh liệt. Ai muốn trở nên môn đồ, phải giống Chúa Giêsu. Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng đã không chỉ tỏ ra như một hữu thể thần thiêng đầy quyền lực và vinh quang trong cuộc sống trần thế, nhưng còn như một con người đã theo ý Thiên Chúa mà ý thức chịu lấy cuộc Khổ nạn. Vì thế người Kitô hữu không thể trốn chạy sự đau khổ do đời sống chứng nhân gây nên và như vậy chối bỏ tư cách môn đồ Chúa Kitô của mình.

Mặc dù 8,34-9,1 là một khối duy nhất, ở đây chúng ta chỉ chú giải chi tiết cc.34-35, là những câu mà phụng vụ hôm nay giữ lại. Câu 34 kể ra các điều kiện phải thực thi để theo Chúa Giêsu, nghĩa là để trở nên môn đồ Người. Trước hết phải từ bỏ mình, nghĩa là “tự ghét mình” đã (x. Lc 14,26 và của 12,25). Sự từ bỏ này nằm trong đòi hỏi căn bản mà Chúa Giêsu luôn đặt ra cho những ai Người mời gọi đi theo: từ bỏ hết. Từ bỏ chính mình cách cụ thể, có nghĩa là liều mất mạng sống của mình đi. Điều kiện thứ hai là vác thập giá, nghĩa đen: vác đến pháp trường khí cụ khổ hình của mình. Con đường đến chốn khổ hình như thế bao gồm sự lăng mạ và vũ nhục tột độ; nó tương đương với việc công khai bị loại trừ khỏi đời sống chung. Động từ “theo”, còn nằm cuối câu 34 một lần nữa, cần phải hiểu theo nghĩa “đi sao và song đối với chữ “vác thập giá của mình”. Do đấy, “vác thập giá mình” và “theo” Chúa Giêsu có nghĩa là theo Thầy tiến về nơi xử tử, điều mà văn mạch giả thiết cách minh nhiên (8,31-33). Trong viễn tượng ấy đó là việc thông phần vào đau khổ của Chúa Giêsu. Thành thử theo Mc 8,34, để trở nên môn đồ Chúa Kitô, phải sẵn sàng chịu sự xấu xa nhất với Người, Đấng đã bị loài người kết án tử, phải luôn sẵn sàng tuẫn giáo. Yêu sách này, diễn tả trong c 34, cần phải được biện giải. Người môn đồ, người tín hữu như vậy là phải dấu thân vào cái chết sao? Trước hết, người ta không được tìm cách cứu mạng sống mình sao? Câu 35 trả lời; ai muốn cứu mạng sống khỏi mọi đe dọa bên ngoài lúc này đây thì sẽ mất nó. Việc thêm “vì Tin Mừng” ở c.35 là do Máccô. Qua chữ “Tin Mừng”, ông muốn nói đến cái tin về Chúa Giêsu Đấng Kitô mà ông đã loan báo cho cộng đoàn tín hữu, và như vậy minh chứng cho hành vi và lời nói của Người. Cũng qua đó Mc xác định: với tất cả đời sống mình, người Kitô hữu phải tuyên xưng, nếu cần bằng việc đổ máu, không những Chúa Giêsu mà còn Tin Mừng nữa, nghĩa là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô như đã được loan báo trong lời rao giảng của Giáo Hội. Chúng ta gặp ở đây cách phát biểu đầu tiên của yêu sách: “Hiến mạng sống vì đức tin”.

 III. KẾT LUẬN

Cuộc sống người Kitô hữu thông phần nào sự nghịch lý của con người Chúa Kitô. Chúa Kitô chỉ đạt được vinh quang thiên sai một khi đã qua cuộc Khổ nạn và cái chết theo ý Thiên Chúa. Chỉ có sự hạ mình sâu xa nhất mà cuộc sống nhân loại của Người đã nếm biết mới biểu lộ rõ rệt sự cao cả của tư cách Con Thiên Chúa của Người. Ai muốn mang danh “Kitô hữu phải sống cái nghịch lý của Kitô giáo: Cứu mạng sống mình là đánh mất nó; mất mạng sống mình vì Chúa Kitô là cứu được nó. Adebert Deuaux, Assemblées dt’ Seigneul: 55. tr. 31-39

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

 1. Ngày nay có nhiều kẻ nhắc đến Chúa Giêsu, ca tụng con người và sự nghiệp giải phóng của người; nhưng cũng lắm kẻ không biết đúng Người là ai, nên hoặc sinh nghi ngờ đố ky, hoặc phớt lờ không muốn nghe nói đến. Còn đối với ta. Chúa Giêsu là ai? Một bóng ma ám ảnh hàng thế kỷ? Một quan toà phải đối chất vào phút chót? Một kỷ niệm đáng nhớ? Một bảo đảm cho thành công? Một chướng ngại trong sơ yếu lý lịch? Câu trả lời đúng, chính là xác tín Người là đường, là Sự thật, là Sự Sống của ta và làm cho cuộc sống cùng thái độ sống hằng ngày của ta phù hợp với Tin Mừng và Giáo Hội của Người.

 2. Vì tin không chỉ là nhìn nhận Chúa Giêsu là một vĩ nhân, một ngôn sứ của Thiên Chúa, cũng không chỉ là noi gương Người để sống bác ái huynh đệ . Tin là tuyên xưng sự cứu rỗi của nhân loại là hoàn toàn ở nơi Chúa Giêsu, rằng chỉ

mình Người mới có thể mặc khải trọn vẹn và đã mang đến đầy đủ cho ta ơn cứu rỗi bằng cuộc sống và cái chết-phục sinh của Người.

 3. Để đi đến cùng đích đời mình và hoàn thành sứ mệnh, Chúa Kitô phải từ bỏ hết ý muốn riêng tư (8,33), thành quả công việc, sự ủng hộ và dư luận tốt của quần chúng (cc 28-29) cùng ngay cả mạng sống bản thân (c.31). Người phải từ bỏ tất cả để được Đấng là Tất Cả. Đấy là con đường tất yếu cho những ai muốn sự sống thật, hạnh phúc thật. Và Chúa Giêsu cũng dạy cho các kẻ muốn đi theo con đường này (cc 34-35). Bởi vì mọi cái ngoài Thiên Chúa chỉ mang lại những hạnh phúc thoáng qua. Thiên Chúa muốn chúng như là những phương tiện, những bậc thang để dẫn đến Ngài. Từ bỏ những phương tiện hấp dẫn này (nghĩa là coi chúng chỉ như phương tiện) luôn luôn gây đau đớn cho ta. Vác thập giá theo Chúa Kitô là như thế. Nhưng có vậy mới đạt đích như Người.

Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét