Giới thiệu đất nước, Giáo Hội Công Giáo, và chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đông Timor
VietCatholic Media
19:46 08/09/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.
Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về đất nước và Giáo Hội tại Timor-Leste.
Tổng Quan
Đông Timor hay Timor-Leste, là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm nửa phía Đông của đảo Timor, những đảo lân cận gồm Atauro và Jaco và Oecussi-Ambeno, một phần nằm ở phía Tây Bắc của đảo, trong khi Tây Timor thuộc Indonesia. Đông Timor là một đất nước nhỏ bé với 15.410 km² cách thành phố Darwin, Úc khoảng 640 km về phía tây bắc.
Bị thực dân Bồ Đào Nha đô hộ vào thế kỷ XVI, Đông Timor được biết đến với tên gọi Timor thuộc Bồ Đào Nha trong hàng thế kỷ. Nước này bị xâm lăng và chiếm đóng bởi Indonesia vào năm 1975 và trở thành tỉnh thứ 27 của Indonesia một năm sau đó. Sau cuộc bỏ phiếu để tự quyết định số phận đất nước do Liên Hợp Quốc tài trợ vào năm 1999, Indonesia rút khỏi Indonesia và Đông Timor trở thành quốc gia có chủ quyền được thành lập đầu tiên trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ 3 vào ngày 20 tháng 5 năm 2002. Cùng với Phi Luật Tân, Đông Timor là một trong hai nước ở châu Á có đa số người dân theo Công Giáo.
Lịch sử cận đại
Cuối năm 1941, Timor thuộc Bồ Đào Nha bị quân đội Hà Lan và Úc chiếm đóng trong một thời gian ngắn nhằm ngăn chặn trước một cuộc xâm lược của Nhật Bản vào hòn đảo này. Thống đốc người Bồ Đào Nha đã phản đối cuộc xâm lược, và các lực lượng Hà Lan đã quay trở về khu vực Hà Lan của hòn đảo. Người Nhật đổ bộ và đẩy lùi lực lượng nhỏ của Úc ra khỏi Dili, và những vùng nội địa núi non bắt đầu trở thành chiến trường của một cuộc chiến tranh du kích, được gọi là Trận Timor. Cuộc chiến đấu giữa các lực lượng Đồng Minh và người tình nguyện Timor chống lại Nhật Bản đã khiến khoảng từ 40,000 tới 70,000 người Timor thiệt mạng. Sau khi chiến tranh chấm dứt, quyền cai trị của Bồ Đào Nha được tái lập.
Quá trình phi thực dân hóa tại Timor thuộc Bồ Đào Nha bắt đầu năm 1974, sau sự thay đổi chính phủ tại Bồ Đào Nha trước Cách mạng Carnation. Trước sự bất ổn chính trị và những lo ngại ngày càng gia tăng về quá trình giải phóng khỏi thực dân tại Angola và Mozambique, Bồ Đào Nha đã hoàn toàn từ bỏ Đông Timor. 9 ngày sau, Đông Timor bị các lực lượng Indonesia xâm lược và chiếm đóng.
Đông Timor được tuyên bố trở thành tỉnh thứ 27 của Indonesia vào 17 tháng 7 năm 1976. Vị thế danh nghĩa của nó tại Liên hiệp quốc còn lại là vị thế của một “lãnh thổ không tự quản dưới quyền hành chính của Bồ Đào Nha.”
Sự cai trị của Indonesia ở Đông Timor thường ghi dấu bởi bạo lực và tàn bạo đặc biệt; ước tính số người Đông Timor chết trong thời gian chiếm đóng từ 60,000 đến 200,000 người, Một báo cáo thống kê chi tiết được thực hiện cho Cao uỷ về Tiếp Nhận, Sự thật và Hoà giải tại Đông Timor đã chỉ ra con số tối thiểu 102,800 cái chết có liên quan tới cuộc xung đột trong giai đoạn 1974–1999, có nghĩa là, xấp xỉ 18,600 vụ giết hại và 84,200 cái chết 'thêm nữa' vì nạn đói và bệnh tật.
Lực lượng du kích Đông Timor, Falintil, đã tổ chức một chiến dịch chống lại các lực lượng Indonesia trong giai đoạn 1975–1999, một số thành viên đã được các lực lượng đặc biệt của Bồ Đào Nha huấn luyện ở nước này. Vụ thảm sát Dili là thời điểm khiến sự nghiệp của người Đông Timor được biết đến trên trường quốc tế, và một phong trào đoàn kết Đông Timor tư sản đã phát triển ở Bồ Đào Nha, Úc và Hoa Kỳ.
Sau một thoả thuận được Liên hiệp quốc bảo trợ giữa Indonesia, Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ và một quyết định đáng ngạc nhiên của Tổng thống Indonesia B. J. Habibie, một cuộc trưng cầu dân ý do Liên hiệp quốc giám sát đã được tổ chức ngày 30 tháng 8 năm 1999, để lựa chọn giữa quy chế Tự trị Đặc biệt bên trong Indonesia và độc lập. 78.5% cử tri lựa chọn độc lập.
Chính trị
Đông Timor theo chế độ cộng hòa bán tổng thống chế. Đứng đầu nhà nước là Tổng thống Đông Timor, được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Mặc dù vai trò chỉ mang tính biểu tượng và quyền hành pháp hạn chế, tổng thống có quyền phủ quyết đối với một vài loại đạo luật. Sau bầu cử, tổng thống sẽ chỉ định người đứng đầu đảng đa số hoặc liên minh đa số trong nghị viện làm Thủ tướng Timor-Leste. Là người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng sẽ điều hành Nội các.
Cơ quan lập pháp duy nhất ở Đông Timor là Nghị viện Quốc gia (Parlamento Nacional) đơn viện, các nghị sĩ được đầu phổ thông cho nhiệm kỳ 5 năm. Số ghế có thể thay đổi từ mức tối thiểu 52 đến mức tối đa 65 ghế, mặc dù có trường hợp ngoại lệ là 88 thành viên như hiện tại. Hiến pháp Đông Timor phỏng theo Bồ Đào Nha. Đất nước vẫn đang trong quá trình xây dựng hệ thống hành chính và cơ quan chính phủ hoàn chỉnh.
Tổng thống hiện nay là Ông José Ramos-Horta. Thủ tướng là Ông Xanana Gusmão.
Giáo Hội Công Giáo tại Đông Timor
Phần lớn dân số Đông Timor theo Kitô giáo, và Giáo Hội Công Giáo chiếm ưu thế, mặc dù về mặt chính thức, đây không phải là quốc giáo. Ngoài ra còn có những cộng đồng nhỏ theo đạo Tin lành và đạo Hồi Sunni.
Hiến pháp Đông Timor bảo vệ quyền tự do tôn giáo và đại diện của các cộng đồng Công Giáo, Tin lành và Hồi giáo trong nước báo cáo rằng nhìn chung có mối quan hệ tốt.
Vào đầu thế kỷ 16, các thương nhân Bồ Đào Nha và Hòa Lan đã tiếp xúc với Đông Timor. Các nhà truyền giáo duy trì liên lạc không thường xuyên cho đến năm 1642 khi Bồ Đào Nha tiếp quản và duy trì quyền kiểm soát cho đến năm 1974, với một thời gian ngắn bị Nhật Bản xâm lược trong Thế chiến II.
Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Đông Timor vào tháng 10 năm 1989. Ngài đã lên tiếng phản đối bạo lực ở Đông Timor và kêu gọi cả hai bên kiềm chế, cầu xin người Đông Timor “yêu thương và cầu nguyện cho đối phương của họ”. Giám mục đã nghỉ hưu Carlos Ximenes Belo là người đoạt giải Nobel Hòa bình cùng với José Ramos-Horta năm 1996 vì những nỗ lực giải phóng Đông Timor khỏi Indonesia. Giáo Hội Công Giáo vẫn tham gia tích cực vào chính trị. Họ cũng đã ủng hộ Thủ tướng mới trong những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy hòa giải dân tộc.
Dân số Công Giáo hiện nay là 1.362.000 tín hữu chiếm 96% trong tổng số 1.419.000 dân.
Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 65 giáo xứ, 169 cứ điểm truyền giáo bao gồm 7 cứ điểm có linh mục thường trú, 162 không có linh mục thường trú, và 488 trung tâm khác
Giáo Hội tại đây có 2 giám mục, 303 linh mục bao gồm 137 linh mục triều và 166 linh mục dòng, và 1 phó tế vĩnh viễn.
Giáo Hội cũng có 1.136 tu sĩ bao gồm 102 nam tu sĩ không có chức linh mục, và 1.034 nữ tu, 1 thành viên Tu hội đời, 567 đại chủng sinh, 8 nhà truyền giáo, và 1.714 giáo lý viên
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã thiết lập Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại quốc gia này vào năm 2003 sau khi Đông Timor giành được độc lập.
Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Wojciech Załuski, người Ba Lan. Ngài sinh ngày 5 tháng 4 năm 1960, làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa thánh từ năm 1985. Ngày 15 Tháng Bẩy, 2014 ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh ở Burundi. Ngày 29 Tháng Chín, 2020, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Mã Lai Á và Đông Timor, và đồng thời là Khâm Sứ Tòa Thánh tại Brunei.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét